Dạy học tích hợp nội dung thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội

Nguyễn Trọng Huân*, Hoàng Thị Thanh Hà** *Học viện Hành chính Quốc gia **Trường THCS Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội
15:31, ngày 17-10-2016
TCCSĐT - Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa. Vì vậy, việc xây dựng tài liệu, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh là việc làm có ý nghĩa quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.

Người Hà Nội và phẩm chất thanh lịch, văn minh

Từ bao đời, các nét thanh lịch, văn minh thường được nhắc đến như bản sắc đặc trưng của người Hà Nội. Hẳn vì thế, người Hà Nội hằng tự hào với lời ngợi khen: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nét Tràng An ấy được kết tinh trong hình ảnh người Hà Nội văn hóa. Đó là tinh hoa tích tụ từ hàng nghìn năm, từ trăm miền đất nước kết tinh thành nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội đáng quý, mang đậm giá trị của sự lịch lãm, tinh tế, hào hoa, mềm mỏng, thông tuệ, nghĩa hiệp, nhân ái, tôn trọng kỷ cương, luật lệ và phép nước.

Hà Nội văn hiến ngàn năm, sáng ngời truyền thống về một chốn kinh kỳ từ cách ăn mặc cũng toát lên dáng vẻ chỉnh tề, lịch thiệp, khoan thai; nơi mà người ta thể hiện tâm tình qua câu nói nhẹ nhàng bặt thiệp, lúc nào cũng thể hiện sự lễ phép, tôn trọng, kính nhường; nơi mà dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng thảo thơm, nhã nhặn. Thành phố như được tô điểm thêm bởi vẻ đẹp chân tình sâu lắng của tình người, tình đời thiết tha như thế. Chính nét Tràng An ấy đã hun đúc nên một nền “văn hóa Thăng Long” rất riêng, rất đáng tự hào của Thủ đô, chất văn hóa vô cùng tự nhiên đã ngấm sâu vào máu của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác.

“Người thanh tiếng nói cũng thanh”, người Hà Nội tinh tế, chuẩn xác trong vận dụng từ ngữ. Họ nói năng khôn khéo, mềm dẻo, nhã nhặn, tế nhị, lịch sự khiến cho người nghe rất dễ mến, dễ cảm và dễ cuốn hút.
Trong ăn mặc, chất thanh lịch toát ra từ sự nền nã, kín đáo, khiêm tốn, lịch sự. Họ biết làm đẹp mình là làm đẹp cho Thủ đô, nhưng cái đẹp ấy phải đậm đà bản sắc dân tộc phương Đông; không lộ liễu, phô trương, không a dua trái với phong tục tập quán Việt Nam.

Người Hà Nội vốn rất sành trong ẩm thực, đồng thời coi trọng văn hóa ẩm thực, biết nâng cách ăn uống và chế biến món ăn thành một nghệ thuật.

Trong giao tiếp, ứng xử người Hà Nội không chỉ giữ gìn thuần phong mỹ tục truyền thống mà còn tiếp thu tinh hoa văn minh, hiện đại của các dân tộc khác. Người Hà Nội có thói quen tôn trọng người già, nhường nhịn giúp đỡ phụ nữ, quý mến trẻ thơ, thương cảm người khuyết tật, thân thiện với người mới quen, người nước ngoài, mở lòng nhân nghĩa trước nỗi đau mất mát của người khác. Xây dựng gia đình ấm êm hạnh phúc, giữ nếp nhà, người lớn làm gương cho lớp trẻ, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người, là nền móng cho xã hội sống đẹp. Với cộng đồng luôn chia ngọt xẻ bùi, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, giữ cho phố phường, thôn xóm đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống chung có văn hóa.

Với môi trường thiên nhiên, người Hà Nội có cách ứng xử văn minh. Làm cho nhà ở, cho phố xá, cho đường làng ngõ xóm sạch đẹp là nhiệm vụ không của riêng ai. Nơi nào có các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thì nơi đó người dân có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần vào đời sống. Coi trọng tâm linh nhưng không sa vào mê tín dị đoan, hủ tục.

Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển của một thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh,... Bên cạnh đó, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập cũng có những tác động không nhỏ. Đó đây đã thấy sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày ở mọi tầng lớp, môi trường. Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa. Vì vậy, việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.

Các nội dung thanh lịch, văn minh tích hợp trong dạy học cho học sinh phổ thông Hà Nội

Với nhận thức sâu sắc về giáo dục giá trị sống cho học sinh trên địa bàn thủ đô, ngành giáo dục Hà Nội đã xây dựng một bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh các cấp phổ thông và đưa vào thực hiện dạy học từ năm học 2010 - 2011.

Về nội dung dạy học: căn cứ mục tiêu giáo dục, căn cứ đặc điểm tâm lý phát triển học sinh, bộ tài liệu đã đề cập các nội dung giáo dục từ những điều đơn giản đến các bình diện và lĩnh vực tinh tế, thiết thực. Chẳng hạn, ở bậc giáo dục tiểu học, học sinh được học từ: cách hỏi và trả lời, lời chào, bữa ăn trong gia đình, bữa ăn bán trú, trang phục tới trường, trang phục ở nhà, cách đi - đứng của các em, vui chơi ở trường,… đến tôn trọng người nghe, bữa ăn cùng khách, trang phục thể thao, cách nằm - ngồi của các em, nói lời hay, cử chỉ đẹp, vui chơi lành mạnh, giao tiếp với người lạ, kính trọng người lớn tuổi, giao tiếp với người nước ngoài,… Cao hơn, ở cấp trung học cơ sở, học sinh được học kỹ hơn về giá trị của thanh lịch, văn minh - nét đẹp của người Hà Nội: cách ăn uống của người Hà Nội; trang phục của người Hà Nội; tiếng nói của người Hà Nội; giao tiếp ứng xử trong gia đình và trong xã hội; tác phong của người Hà Nội; ứng xử với môi trường tự nhiên, khi tham gia giao thông và với di tích, danh thắng. Đến cấp trung học phổ thông, học sinh được học về xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; phong cách thanh lịch, văn minh trong giao tiếp gia đình và ngoài xã hội; người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giao lưu và hội nhập quốc tế,…

Nhìn chung, bộ tài liệu được xây dựng nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa cho học sinh phổ thông, định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho học sinh, tập trung vào 5 vấn đề cơ bản: Khái niệm thanh lịch, văn minh; Phong cách thanh lịch, văn minh; Giao tiếp thanh lịch, văn minh; Ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng; Ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên môi trường.

Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cấp độ và hành vi cũng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Vì vậy, theo từng cấp học, các nội dung được đề cập theo mức độ ngày càng cao hơn, rộng hơn và khái quát hơn:

- Ở cấp tiểu học: Tập trung chỉ dẫn hành vi cá nhân cụ thể về ăn, mặc, nghe, nói, cử chỉ cơ bản; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử thanh lịch, văn minh. Các nội dung đề cập ở mức sơ đẳng nhất, gần gũi và dễ vận dụng trong đời sống hằng ngày.

- Ở cấp trung học cơ sở: Tập trung hướng dẫn hành vi cá nhân về ăn, mặc, nghe, nói, cử chỉ cơ bản; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử thanh lịch, văn minh giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên môi trường,… Đây là cấp được trang bị kiến thức một cách cơ bản nhất, hoàn chỉnh nhất.

- Ở cấp trung học phổ thông: Đề cập đến khái niệm và giao tiếp thanh lịch, văn minh; ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng và với thiên nhiên môi trường; thanh lịch văn minh trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Với cấp học này, việc tiếp cận kiến thức có tính tích hợp cao hơn, hướng tới chủ thể của giao tiếp ứng xử là người trưởng thành với tư cách công dân ở ngoài xã hội, với người nước ngoài trong thời kỳ hội nhập.

Như vậy, với hệ thống nội dung, chủ đề giáo dục, có thể thấy đây là một bộ tài liệu thiết thực, đưa học sinh vào những bài học thực tế của cuộc sống, từ những điều tưởng chừng rất nhỏ, biết nói “cảm ơn - xin lỗi” đúng hoàn cảnh, biết chọn quần áo mặc phù hợp với lứa tuổi, với môi trường văn hóa, các em tự hào khoác lên bộ đồng phục của trường mỗi khi tới lớp. Trong lớp học, học sinh biết tự sắp xếp bàn học, ngăn bàn, hộc tủ cho ngăn nắp; khi ăn trưa biết xếp hàng chờ đến lượt mình lấy đồ ăn; thân thiện với bạn bè, bình tĩnh khi xử lý các tình huống phát sinh… Qua từng bài học, giáo viên có thể giúp học sinh từng bước hoàn thiện nhân cách và lối sống, góp phần phát huy được nét thanh lịch truyền thống của người Hà Nội, khơi dậy trong học sinh niềm tự hào và biết khắc phục những hành vi chưa chuẩn mực, chưa văn minh ngay từ cấp tiểu học và các cấp học cao hơn, tạo điều kiện cho học sinh có được những nhận thức đúng đắn để phát triển toàn diện mọi mặt, sống có văn hóa.

Qua thực tiễn dạy học, do nội dung các bài giảng đi vào thực tế, là các câu chuyện, tình huống cụ thể để các em học sinh phân tích, nhận thức đúng, sai, từ đó hướng thực hiện hành vi hợp đạo lý, đạo đức,… cho thấy nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh được đánh giá là cơ bản phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh, đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp học sinh học hỏi, kế thừa và tiếp thu truyền thống thanh lịch, văn minh, nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Điều đó đã góp phần tích cực trong hình thành nhân cách, từ giao tiếp ứng xử, thực hiện nội quy, quy định của các nhà trường đến nếp sống thường ngày từ nếp ăn mặc, nơi ở gọn gàng, biết bày biện đẹp mắt; đi đứng, đầu tóc,… Các em có chuyển biến trong tích cực trong các các hành vi ứng xử giao tiếp, biết mời chào, thưa gửi với mọi người lễ phép và tình cảm, trong thực hiện vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa,…

Về cách thức dạy học, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được biên soạn cho học sinh của ba cấp học phổ thông tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cùng một nội dung nhưng mỗi nhà trường đã tự tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền đạt kiến thức cho học sinh, lồng ghép, tích hợp trong các các môn học khác nhau, gắn các hoạt động, các phong trào với việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Chẳng hạn: nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của học sinh trung học phổ thông có thế tích hợp với môn Ngữ văn, cụ thể:

- Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: Tự hào về vẻ đẹp của tâm hồn người Hà Nội: Yêu nước, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc; anh hùng nhưng rất lãng mạn, hào hoa. Bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước. Nỗ lực học tập, rèn luyện để bảo vệ và xây dựng đất nước.

- Đoạn trích “Việt Bắc” của Tố Hữu: Bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao ý chí cách mạng. Sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước. Sống tình nghĩa, thủy chung với quá khứ và lý tưởng cách mạng. Luôn biết ơn nhân dân, đất nước. Phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nhân ái, chan hòa, yêu mến, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

- Đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm: Bồi dưỡng tình yêu nước từ tình yêu những gì gần gũi, bình dị nhất trong cuộc sống. Yêu mến, tự hào về nhân dân, đất nước. Nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Không chỉ trong một môn học, nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh mà còn có thể được tích hợp ở nhiều môn học khác nhau. Ví dụ: với Chuyên đề lớp 8 (Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội) bài 5: “Ứng xử với các di tích, danh thắng” (với mục tiêu về Kiến thức: Biết thêm các di tích lịch sử danh thắng Hà Nội; Ý nghĩa của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với đời sống tinh thần của người Hà Nội; Có kiến thức, hiểu biết về ứng xử văn minh thanh lịch với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Về Thái độ: Yêu quý, trân trọng, tự hào về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hà Nội; Có ý thức giữ gìn, bảo vệ, lên án, phê phán những hành vi thiếu văn hóa với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Về Kỹ năng: Bản thân có hành vi ứng xử văn minh, lịch sự với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; Tuyên truyền, nhắc nhở người thân và mọi người xung quanh về hành vi, lối ứng xử đẹp với các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của Hà Nội) có thể tích hợp trong các môn: Ngữ văn (Sự tích Hồ Gươm - Ngữ văn 6; Ca dao tục ngữ về ứng xử, Tục ngữ về con người và xã hội - Ngữ văn 7; Thuyết minh về danh lam thắng cảnh - Ngữ văn 8), Lịch sử (Các nhân vật lịch sử: Lê Lợi, Chu Văn An - Lịch sử 7; Hồ Chí Minh: Tìm hiểu cuộc đời của Bác - Lịch sử 9), Giáo dục công dân (Bảo vệ di sản văn hóa - Giáo dục công dân 7).

Như vậy, việc dạy học tích hợp nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh đồng thời với việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực. Không chỉ là những khái niệm được nghiên cứu trong tài liệu, sử sách, học sinh được trải nghiệm những nội dung học tập ngay trong đời sống thường ngày. Qua đó, học sinh cảm nhận vẻ đẹp của Hà Nội. Những hàng cây, góc phố, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tạo cho Hà Nội một vẻ đẹp duyên dáng mà ai từng đến Hà Nội một lần cũng khó quên được. Hà Nội đang đổi thay, phát triển. Bên cạnh một Hà Nội ồn ào, hiện đại, ta vẫn có thể tìm thấy một Hà Nội cổ xa, yên bình, nên thơ. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh còn làm đời sống tinh thần người Hà Nội phong phú.

Theo TS. Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bộ tài liệu là cách làm rất sáng tạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, không chỉ mang ý nghĩa khoa học, mà còn gắn với yêu cầu của thực tiễn dạy học. Ðó là khơi dậy sự chủ động, tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo, khích lệ việc đổi mới phương pháp trong mỗi bài giảng khi tìm tòi, đưa thêm những tình huống, câu chuyện để tổ chức cho học sinh thảo luận, đánh giá. Kiến thức truyền đạt cho học sinh được thể hiện một cách có hệ thống theo nguyên tắc đồng tâm - tiệm tiến, phù hợp lứa tuổi học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Hình thức này còn gợi ra cho giáo viên cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh không chỉ dựa vào kiến thức thu nhận qua một bài học cụ thể, mà còn kiểm tra được cả quá trình nỗ lực của học sinh khi chuyển từ nhận thức đến hành vi.

Lời kết

Thực tiễn triển khai cho thấy việc dạy học tích hợp nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội thực sự là rất cần thiết, đem lại hứng thú cho học sinh và giáo viên trong quá trình đổi mới dạy học. Cuộc sống hiện đại hôm nay dẫu cũng có những vội vã, vất vả nhưng những giá trị cao đẹp và nhân văn thì mãi mãi trường tồn vì đó là giá trị của chân - thiện - mỹ; cũng như vẻ đẹp của người Tràng An vẫn song hành tồn tại trong những ý thức gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch ngàn đời. Và dù xã hội có phát triển đến đâu đi chăng nữa, mỗi chúng ta dẫu có phải là người dân đất kinh kỳ hay không, hãy luôn giữ nét văn hóa đáng trân trọng ấy, giữ từ những điều giản dị nhất, từ lời ăn tiếng nói, đến cách cư xử với nhau. Bởi những nét Hà Nội nhất cũng là những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Việt chúng ta. Gìn giữ hôm nay, để có thể đến ngày mai, Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhưng nét văn hóa Hà Thành thì vẫn luôn lan tỏa cùng với thời gian./.

---------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Tài liệu tập huấn - Dạy học tích hợp ở trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, NXB. Đại học Sư phạm, Hà Nội

3. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (2011), Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội”

4. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2010), Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh Trung học cơ sở, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội