TCCS - Rác thải là một trong những nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường. Việc xử lý rác thải khoa học, hợp lý, triệt để không chỉ là thách thức, mà còn là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai, áp dụng nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ trong quá trình xử lý rác thải, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến
Là đô thị có diện tích lớn trong cả nước với hơn 8 triệu dân, hằng ngày tại Hà Nội, lượng rác thải ra môi trường rất lớn. Theo kết quả điều tra đầu năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó, ở Hà Nội là khoảng 6.500 tấn/ngày. Số rác thải này sau đó được đưa về hai khu xử lý chất thải chính là Nam Sơn và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tại đây, rác được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (89%), phương pháp đốt không phát điện (11%).
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn ở Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014), Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới có 2 khu xử lý đi vào hoạt động. Mặc dù hoạt động hết công suất cả ngày và đêm nhưng cả 2 khu xử lý rác này đều đang trong tình trạng quá tải, không còn khả năng chôn lấp trong một vài năm tới. Lượng rác tồn đọng chưa được xử lý, lại thêm những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh khiến Hà Nội phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy. Rác thải không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn khiến nguồn nước, không khí trở nên ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người dân sống gần các khu xử lý rác.
Xác định môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng tương lai xanh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường là một trong 5 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ để triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào xử lý rác thải. Với mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thành phố định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025 đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để tạo ra một môi trường sạch hơn, hạn chế ô nhiễm.
Ngay sau đó, hàng loạt các mô hình xử lý rác ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ ra đời, mang lại hiệu quả tích cực. Rác thải được phân loại, xử lý theo từng nhóm. Như nhóm rác thải chăn nuôi, việc sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải thành phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… không những góp phần bảo vệ môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới phát triển chăn nuôi an toàn bền vững. Những loại rác độc hại, nguy hiểm, như rác thải y tế, trước khi thu gom đã được phân loại, xử lý, trong đó, nước thải được xử lý bằng công nghệ sinh học, sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn mới về môi trường; chất thải lỏng y tế được xử lý bằng hệ thống hợp khối FRP-Johkasou công nghệ màng lọc AAO của hãng Kubota (Nhật Bản)… đạt quy chuẩn Việt Nam. Đối với rác thải y tế, hiện có hai bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) và 16 bệnh viện tuyến huyện gồm: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Ứng Hòa, Đức Giang và bệnh viện tâm thần Mỹ Đức thực hiện xử lý đốt rác tại chỗ bằng lò đốt Chuwastar (công nghệ Nhật Bản) với công suất 160kg - 200kg/ngày, tro thải sau khi đốt đều đạt chuẩn về bảo vệ môi trường.
Để giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. Đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt phát điện được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang trong quá trình hoàn thành. Đầu tiên là Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) theo phương pháp đốt và cấp điện cho lò hơi phát điện với công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93MW điện. Đây là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, với phân đoạn 3 vùng đốt, bảo đảm rác thải được đốt cháy hoàn toàn, giúp tận thu nhiệt để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng...
Ngoài nhà máy điện rác đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội đang khởi động lại nhà máy điện rác Seraphin đặt tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), dự kiến vận hành từ tháng 4-2023 với công suất xử lý rác thải sinh hoạt 1.500 tấn/ngày-đêm, công suất phát điện 37MW. Toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị của nhà máy đã được các sở, ngành của Hà Nội thẩm định. Nhà máy cũng đáp ứng đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành. Việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện vừa giúp giảm tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm quỹ đất cho công tác xử lý chôn lấp; vừa bổ sung năng lượng vào hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh công nghệ sản xuất, xử lý, tái chế chất thải, vật liệu nhựa hiệu quả theo hướng phân hủy sinh học. Các loại sản phẩm dễ tạo thành rác đã được nghiên cứu, chế tạo từ những nguyên vật liệu có thể tự phân hủy, thân thiện với môi trường. Ví dụ như túi bóng được thay bằng túi giấy, túi cói,… Nhờ áp dụng công nghệ mới, Hà Nội đã biến rác thành một nguồn tài nguyên để tận dụng.
Một số hạn chế tồn đọng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới
Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã rất quan tâm đến hoạt động thu gom, xử lý rác thải, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tại, thành phố còn thiếu kết cấu hạ tầng dành cho việc duy trì vệ sinh môi trường, như trạm trung chuyển, điểm cẩu rác,… Nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng chất thải kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện đồng đều, mới chỉ thí điểm tại một số nơi, nhiều nơi thực hiện phân loại nhưng lại sơ sài, không duy trì được lâu dài, còn lại đa số rác không được phân loại mà đổ chung với nhau, gây áp lực cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý.
Cho đến nay, dù được khuyến khích, tạo điều kiện nhưng số lượng đề tài khoa học hằng năm về lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa nhiều. Một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý môi trường chưa được triển khai, ứng dụng rộng rãi ở địa phương. Việc tiếp cận với công nghệ mới tại các cơ sở cũng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn đầu tư hoặc do quá trình thu mua, lắp đặt phức tạp. Một số nơi có trang thiết bị, công nghệ nhưng không thể ứng dụng, vận hành hiệu quả do thiếu thông tin…
Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý môi trường, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường đối với việc xử lý rác thải. Việc tuyên truyền, giáo dục cần thực hiện một cách thường xuyên, trực tiếp. Thay vì đưa thông tin lên mạng, hay in những tờ rơi, cán bộ tuyên truyền có thể đến từng nhà, từng cơ sở để vận động, giải thích để thông tin đến với mọi người sẽ đầy đủ, chính xác hơn.
Thứ hai, tăng cường tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ vận hành hệ thống xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, khu công nghiệp... về ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý rác thải. Ngoài việc cung cấp thông tin, kiến thức, cần đẩy mạnh thực hành, tham quan, kiến tập tại các cơ sở thực tế, sau đó, phải có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, tránh việc tập huấn hình thức, gây lãng phí thời gian, tiền bạc.
Thứ ba, có cơ chế, chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các công trình khoa học có giá trị thực tiễn cần được ghi nhận và ứng dụng rộng rãi, đồng bộ tại tất cả các địa phương.
Thứ tư, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và bảo vệ môi trường để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân biết để lựa chọn đầu tư. Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân dễ tiếp cận, mua và ứng dụng được các công nghệ tiên tiến vào thực tế. Cần liên tục cập nhật, tiếp cận với công nghệ mới để việc xử lý rác thải đạt được kết quả tối ưu nhất, hạn chế sự ô nhiễm.
Thứ năm, bổ sung và hoàn thiện giải pháp, công cụ quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm phát triển bền vững. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Thủ đô trong dự báo, phòng ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục hậu quả và sự cố môi trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào việc quản lý, rà soát, xây dựng quy định quản lý rác thải; quy trình thu gom, phân loại rác tại nguồn; việc vận chuyển, xử lý; thúc đẩy tái chế rác.
Thứ sáu, chính quyền, người dân cần thực hiện đúng luật pháp, các quy định của Nhà nước về xử lý rác, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là phân loại rác cho chuẩn, đổ rác cho đúng nơi, đúng thời điểm. Sau đó là thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm ít tạo rác, thân thiện với môi trường. Làm tốt công tác này thì lượng rác thải sẽ giảm, việc thu gom và xử lý rác cũng bớt áp lực hơn.
Trên đây là những giải pháp tổng thể, giúp thành phố giải quyết vấn đề xử lý rác thải một cách khoa học và hiệu quả hơn nữa./.Ngành than gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững  (23/06/2021)
Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và các giải pháp  (12/06/2021)
Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt  (05/06/2021)
Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường  (30/05/2021)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay