Quan điểm của V.I. Lê-nin về nhà nước và vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tư tưởng về nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống lý luận của V.I.Lê-nin, bởi nó không thuần túy là những lý thuyết khoa học mà gắn bó chặt chẽ với quan điểm chính trị; nó không đơn giản là những suy tư tinh thần mà gắn liền với những hoạt động thực tiễn sinh động của ông. Chính vì vậy, tìm hiểu những tư tưởng của V.I.Lê-nin về nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chúng ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Những đóng góp to lớn của V.I.Lê-nin đối với lý luận về nhà nước không chỉ ở việc làm sáng tỏ những quan điểm căn bản của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về nhà nước, đem lại vũ khí lý luận sắc bén cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, giành lấy, tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, cũng như đấu tranh chống lại mọi âm mưu hòng xuyên tạc, bẻ cong và nhằm bác bỏ lý luận mác-xít về nhà nước; mà còn thể hiện ở việc đi sâu, phát triển lý luận mác-xít về nhà nước trên một số phương diện, phù hợp với trình độ phát triển mới của thực tiễn. Nghiên cứu quan điểm của V.I.Lê-nin về nhà nước đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay, bởi lẽ những quan điểm ấy đã được hiện thực hóa, trở thành một thực thể sống động trong thực tiễn đời sống.
Nhất quán với tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin tiếp tục khẳng định rằng, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, sự tồn tại và tiêu vong của nó là tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể; “nhà nước chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp”(1) và “bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác”(2).
Đối với V.I.Lê-nin, khái niệm “nhà nước” là để chỉ bộ máy nhà nước trong xã hội có giai cấp. Ông viết: “đặc trưng của nhà nước là sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt, tập trung quyền lực trong tay. Dĩ nhiên, không ai có thể dùng hai tiếng nhà nước để gọi một cộng đồng, trong đó tất cả mọi thành viên đều thay phiên nhau quản lý “tổ chức của trật tự’”(3). Chính sự tập trung quyền lực chính trị trong tay một giai cấp đặc biệt là đặc trưng để phân biệt nhà nước với mọi hình thức tổ chức xã hội khác. V.I.Lê-nin vạch rõ: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”(4). Ông giải thích: “Quyền chính trị là gì, nếu không phải là cách diễn đạt, là việc ghi nhận so sánh lực lượng?”(5). Đây chính là sự phát triển quan điểm: quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác của C.Mác và Ph.Ăng-ghen.
Về bản chất giai cấp của nhà nước, V.I.Lê-nin khẳng định: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”(6).
Nếu như xã hội đã từng tồn tại không cần có nhà nước, thì cùng với sự phát triển của sản xuất, xã hội loài người sớm muộn cũng sẽ đạt tới trình độ loại bỏ nhà nước. V.I.Lê-nin viết: “Mục đích cuối cùng mà chúng ta theo đuổi, là thủ tiêu nhà nước, nghĩa là thủ tiêu mọi bạo lực có tổ chức và có hệ thống, mọi bạo lực, nói chung, đối với con người. Chúng ta không mong có một chế độ xã hội mà trong đó nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số sẽ không được tuân theo. Nhưng khi hướng đến chủ nghĩa xã hội, chúng ta tin chắc rằng chủ nghĩa xã hội sẽ chuyển thành chủ nghĩa cộng sản, và do đó, nói chung sẽ không còn cần thiết phải dùng bạo lực đối với con người, không cần thiết phải buộc người này phục tùng người khác, bộ phận dân cư này phục tùng bộ phận dân cư khác, vì người ta sẽ quen tuân theo những điều kiện thông thường của đời sống tập thể, mà không cần có bạo lực và không cần có phục tùng”(7). Nghĩa là, khi đó nhà nước sẽ tự tiêu vong.
Tuy nhiên, để nhà nước có thể tự tiêu vong, cần có nhiều điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là, nhà nước phải trải qua một hình thức tồn tại đặc biệt của nó: Nhà nước chuyên chính vô sản. Nhưng để có được nhà nước chuyên chính vô sản, tất yếu phải dùng đến bạo lực cách mạng. V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Không có cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được. Việc thủ tiêu nhà nước vô sản, nghĩa là việc thủ tiêu mọi nhà nước, chỉ có thể thực hiện được bằng con đường “tiêu vong” thôi”(8). Bạo lực cách mạng là phương thức duy nhất để một giai cấp mới, tiến bộ giành lấy quyền lực chính trị. Điều đó đúng đối với giai cấp vô sản và hơn thế, với giai cấp vô sản, bạo lực cách mạng còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nữa, đó là đập tan bộ máy nhà nước cũ trước khi bắt tay xây dựng nhà nước kiểu mới.
Tính chất đặc biệt của nhà nước chuyên chính vô sản với tư cách hình thức chuyển tiếp trước khi đạt đến trạng thái tự tiêu vong của nhà nước được V.I.Lê-nin làm rõ trong việc phân tích mối quan hệ biện chứng giữa tính chuyên chính và tính dân chủ của nhà nước.
Trước hết, V.I.Lê-nin khẳng định, “trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, sự trấn áp vẫn còn tất yếu, nhưng nó đã là sự trấn áp của đa số bị bóc lột đối với thiểu số bóc lột. Cơ quan đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt là “nhà nước” vẫn còn cần thiết, nhưng nó đã là nhà nước quá độ, mà không còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa” (9) và nhà nước vô sản phải là một công cụ, một phương tiện; đồng thời, là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động. Dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa chính là nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước. Người viết: “Điều cần thiết không phải chỉ là cơ quan đại biểu theo kiểu chế độ dân chủ, mà là toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý”(10).
V.I.Lê-nin cho rằng, nếu tính giai cấp là bản chất của mọi nhà nước, thì dân chủ hay chuyên chính cũng chỉ là hai mặt của bản chất đó mà thôi. “Bất cứ một nhà nước nào cũng đều có nghĩa là dùng bạo lực; nhưng toàn bộ sự khác nhau là ở chỗ dùng bạo lực đối với những người bị bóc lột hay đối với kẻ đi bóc lột, ở chỗ có dùng bạo lực đối với giai cấp những người lao động và những người bị bóc lột không”(11). Đối với V.I.Lê-nin: “Chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản...” (12).
Chuyên chính vô sản không hề đối lập với dân chủ, mà là phần bổ sung, là hình thức thể hiện của dân chủ. “Chuyên chính vô sản, nghĩa là việc tổ chức đội tiền phong của những người bị áp bức thành giai cấp thống trị để trấn áp bọn áp bức, thì không thể giản đơn đóng khung trong việc mở rộng chế độ dân chủ được. Đồng thời với việc mở rộng rất nhiều chế độ dân chủ - lần đầu tiên biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân chứ không phải cho bọn nhà giàu - chuyên chính vô sản còn thực hành một loạt biện pháp hạn chế quyền tự do đối với bọn áp bức, bọn bóc lột, bọn tư bản”(13).
Điều cần quan tâm là, trong xã hội xã hội chủ nghĩa - lực lượng đóng vai trò thống trị trong xã hội, và vì thế nắm quyền chuyên chính, dân chủ và pháp luật là đại đa số nhân dân lao động. “Dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân và trấn áp bằng vũ lực bọn bóc lột, bọn áp bức nhân dân, nghĩa là tước bỏ dân chủ đối với bọn chúng: đó là sự biến đổi của chế độ dân chủ trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản”(14).
Như vậy, sự phát triển của V.I.Lê-nin đối với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về nhà nước, điểm quan trọng nhất chính là ở chỗ, đặc tính phổ biến của mọi nhà nước đó là giai cấp. Như thế, biểu hiện về mặt lịch sử trong suốt quá trình phát triển của xã hội loài người là mối quan hệ biện chứng của hai mặt chuyên chính và dân chủ. Rõ ràng, trên phương diện này, nhà nước là một cách thức tổ chức đời sống xã hội, một giai đoạn trong tiến trình phát triển của xã hội, là một vòng khâu của sự phát triển. Đây chính là quan niệm duy vật và biện chứng có tính nguyên tắc trong việc lý giải đời sống xã hội nói chung, vấn đề nhà nước nói riêng và gắn liền với những cố gắng to lớn của V.I.Lê-nin trong sự phát triển chủ nghĩa Mác.
Đối với nước ta, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Để thành công, chúng ta vừa phải đứng vững trên lập trường lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phải kế thừa được những thành quả xây dựng nhà nước pháp quyền đã có trên thế giới, vừa phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng của V.I.Lê-nin về nhà nước được hình thành trên cơ sở sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác về nhà nước vào điều kiện cụ thể của nước Nga và tình hình thế giới những năm đầu thế kỷ XX. Những tư tưởng ấy chứa đựng nhiều giá trị có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Trước hết, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, nó được hình thành từ những xã hội xác định và bị quy định bởi xã hội đã sản sinh ra nó. Tất nhiên giữa các quốc gia - dân tộc có những điểm chung nhất định, mang tính phổ biến. Vì vậy, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tính cách là nhà nước pháp quyền thì cũng mang những đặc điểm chung nhất định. Tuy vậy, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải phản ánh được những đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam. Nó vừa có những điểm tương đồng, vừa có những nét khác biệt với nhà nước pháp quyền ở các quốc gia - dân tộc khác. Ngay cả những nét tương đồng hay khác biệt ấy cũng chỉ có thể có được và hiểu được nếu xuất phát từ hiện thực xã hội Việt Nam, chứ không phải là được áp đặt từ bên ngoài vào.
Thứ hai, dù quan niệm về nhà nước pháp quyền như là một mô hình nhà nước, một cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, hay một nhà nước mang những tính chất xác định, thì đã là nhà nước đều mang tính giai cấp - kể cả nhà nước pháp quyền. Đó là một quy định lịch sử. Việc không nhận thấy bản chất giai cấp của nhà nước pháp quyền là một biểu hiện của nhận thức ấu trĩ, mơ hồ, hay cơ hội về chính trị. Không thể có một nhà nước siêu giai cấp. Chúng ta thừa nhận có nhà nước pháp quyền tư sản, thì có nghĩa là, nhà nước pháp quyền ấy, xét về bản chất, là công cụ quyền lực trong tay giai cấp tư sản, và trước hết phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Như vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với việc chúng ta phải tính tới những đặc trưng nhất định góp phần phân biệt cái gọi là nhà nước pháp quyền với các mô hình, hay các cách thức tổ chức nhà nước khác, song chúng ta cần nhớ rằng, nhà nước ấy là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân xây dựng nên và phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Đó là đặc trưng bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, nền tảng và nội dung của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là dân chủ. Thực ra nhà nước ấy, cần phải được hiểu đó là một phương thức thực hiện dân chủ một cách hữu hiệu trong lĩnh vực chính trị, và nó được hình thành cùng với sự trưởng thành của xã hội dân chủ. Nhà nước pháp quyền là một khái niệm dùng để chỉ xã hội được tổ chức theo cách quyền lực của nhân dân được luật hóa và được đảm bảo thực thi bằng hệ thống chính trị, trong đó trước tiên và trực tiếp là bộ máy nhà nước.
Rõ ràng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, trước hết phải đảm bảo tốt khâu luật hóa quyền lực của nhân dân. Xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống Hiến pháp, pháp luật chính là một thước đo sự hình thành nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hình thức luật là quan trọng, song điều quan trọng hơn là ở nội dung của luật là quyền lực của nhân dân lao động. Hơn thế, để hình thành nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó, khâu đảm bảo thực thi quyền lực của nhân dân dưới hình thức luật cũng hết sức quan trọng. Nếu quyền lực của nhân dân mới chỉ được luật hóa, mà không được thực thi hoặc thực thi không đầy đủ, thì rõ ràng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới được hình thành một phần. Thực thi quyền lực của nhân dân lao động dưới hình thức luật chính là một thước đo quan trọng đối với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bởi lẽ đó là bước mà tính chất pháp quyền chuyển hóa từ lĩnh vực ý thức xã hội sang lĩnh vực tồn tại xã hội, nói cách khác, chính quá trình triển khai trong đời sống mà nhà nước pháp quyền trở thành một tồn tại hiện thực.
Tuy nhiên, do nội dung của hệ thống luật chính là quyền lực của nhân dân, nên quá trình thực thi và đảm bảo thực thi quyền lực của nhân dân dưới hình thức luật còn phải được đảm bảo bởi các thiết chế khác trong hệ thống chính trị. Chỉ có một hệ thống luật với nội dung là ghi nhận và thừa nhận quyền lực của nhân dân mới có thể tạo điều kiện cho toàn thể hệ thống chính trị tham gia thực thi luật chứng tỏ nội dung của hệ thống luật ấy đã mang tính xã hội hóa cao độ. Quan hệ tương hỗ biện chứng này cũng là một thước đo phản ánh trình độ trưởng thành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng chính ở đây, ta thấy, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta càng trưởng thành bao nhiêu, vai trò của các thiết chế khác nhà nước trong hệ thống chính trị trong việc đảm bảo thực thi quyền lực của nhân dân dưới hình thức luật càng lớn bao nhiêu, thì tính tự quản xã hội càng tăng lên bấy nhiêu. Điều này có nghĩa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là một nhà nước quá độ của thời kỳ quá độ và nó càng hoàn thiện thì càng có nghĩa đang tiến nhanh trên con đường đi đến tự “tiêu vong” đúng theo lô-gích mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin từng chỉ rõ, khi chúng ta tiến tới chủ nghĩa cộng sản.
(2) V.I. Lê-nin: Sđd, t 37, tr 122
(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 1, tr 550
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t 34, tr 52
(5) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, t 21 tr 150
(6) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t 33, tr 9
(7) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t 33, tr 101-102
(8) V.I. Lênin: Sđd, t 33, tr 28
(9) V.I. Lª-nin: S®d, t 33, tr 111
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t 31, tr 356
(12) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 43, tr 380
(13) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 37, tr 297
(14) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 33, tr 109
Trung với nước, hiếu với dân  (12/06/2007)
Đồng chí Trương Tấn Sang làm việc với Ban Biêp tập Tạp chí Cộng sản  (12/06/2007)
Đồng chí Trương Tấn Sang làm việc với Ban Biêp tập Tạp chí Cộng sản  (12/06/2007)
Kết nối Internet qua hệ thống WiFi  (11/06/2007)
5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD  (11/06/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên