Quan hệ Nga - Trung Đông trong nhiệm kỳ 2018 - 2024 của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin

LÊ XUÂN THUẬN
Vụ Trung Đông - châu Phi, Ban Đối ngoại Trung ương
11:02, ngày 04-06-2024

TCCS - Với vị trí địa - chiến lược quan trọng, khu vực Trung Đông luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2024 của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, quan hệ Nga - Trung Đông đạt những bước phát triển mạnh mẽ; đặc biệt, Trung Đông trở thành một khu vực trọng yếu trong chính sách đối ngoại của Nga. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, quan hệ giữa hai bên còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong nỗ lực nâng tầm hơn nữa quan hệ trong thời gian tới.

Chủ trương, chính sách của Nga đối với khu vực Trung Đông

Là khu vực sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn và vị trí địa - chính trị chiến lược quan trọng, nối liền ba lục địa Á - Âu - Phi, Trung Đông luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay, nhằm theo đuổi các mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với Nga, như bảo đảm an ninh sườn phía Tây Nam, ngăn chặn mở rộng ảnh hưởng của Mỹ, phương Tây và sự trỗi dậy của các nhóm chống đối, khủng bố, ly khai tại Nga cũng như tại các nước khu vực thuộc Liên Xô trước đây; duy trì sự ổn định của các đồng minh, đối tác thân cận (Xy-ri, I-ran), ngăn chặn sự lan tràn của phong trào “mùa Xuân A-rập”, bảo đảm cân bằng lực lượng tại khu vực; tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, quốc phòng, gắn kết mạng lưới kết nối tại khu vực Đại Á - Âu; củng cố, nâng cao ảnh hưởng, khẳng định vị thế nước lớn và thông điệp nước Nga không bị cô lập, bất chấp các biện pháp phong tỏa của Mỹ và phương Tây trên cơ sở nâng cao hình ảnh tốt đẹp với thế giới Hồi giáo, đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề, “điểm nóng” của khu vực.

Kết quả thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2018 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Nga V. Pu-tin tiếp tục kế thừa những chính sách trong quan hệ với khu vực Trung Đông. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin tiếp tục phát triển chủ trương chuyển dần từ chỉ coi Trung Đông như một công cụ đối phó với phương Tây(1) sang chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến quốc phòng - an ninh trên cơ sở các nội dung trong khái niệm chính sách đối ngoại được thông qua vào tháng 11-2016. Cụ thể là: 1- Vô hiệu hóa các mối đe dọa từ các nhóm khủng bố quốc tế thông qua các giải pháp chính trị - ngoại giao trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ; 2- Duy trì một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân hay các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; 3- Tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, như cuộc xung đột giữa I-xra-en và các nước A-rập khu vực; 4- Ủng hộ giải quyết chính trị về tình hình tại Xy-ri, ủng hộ chính quyền Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát và sự toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri; 5- Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với I-ran; 6- Tiếp tục phát triển quan hệ song phương với các nước Trung Đông, nhất là thông qua các cơ chế hợp tác giữa các bộ trưởng ngoại giao trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Nga - A-rập hay đối thoại chiến lược với Hội đồng Hợp tác các quốc gia A-rập vùng Vịnh Péc-xích; tăng cường quan hệ với các quốc gia thế giới đạo Hồi, nhất là Tổ chức Hợp tác Hồi giáo(2).

Tháng 2-2022, việc Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại U-crai-na đã tác động mạnh mẽ tới cục diện chính trị - an ninh quốc tế nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng. Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế bày tỏ quan ngại về sự suy giảm can dự, thu hẹp hợp tác của Nga đối với Trung Đông khi cho rằng Nga cần ưu tiên nguồn lực cho cuộc xung đột tại U-crai-na và các lệnh cấm vận, trừng phạt của Mỹ cùng phương Tây khiến các nước Trung Đông hạn chế trong hợp tác với Nga. Tuy nhiên, sau hơn hai năm kể từ khi cuộc xung đột tại U-crai-na bùng phát, nhiều đánh giá cho rằng, quan hệ Nga - Trung Đông vẫn tiếp tục phát triển tích cực và ngày càng được củng cố, mở rộng. Vai trò của Nga tại khu vực Trung Đông ngày càng được nâng cao. Trong thông cáo vào cuối năm 2023, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định “Nga có được chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn ở Trung Đông”(3). Trong “Khái niệm chính sách đối ngoại” năm 2023, Nga xác định mở rộng hơn nữa hợp tác với khu vực Trung Đông, các tổ chức khu vực và rộng hơn là thế giới Hồi giáo.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Tehran, Iran, ngày 19-7-2022 _Ảnh: AFP/TTXVN

Những kết quả đạt được

Với chủ trương chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên tất cả lĩnh vực, thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Trung Đông đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Thứ nhất, củng cố, mở rộng và nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Nga và các đối tác khu vực, gia tăng đan xen lợi ích nhiều mặt, thúc đẩy sự ủng hộ của các nước khu vực trong nỗ lực bảo đảm an ninh phía Tây Nam. Trong khi quan hệ với các đồng minh tại khu vực là Xy-ri và I-ran được thúc đẩy, gia tăng tin cậy chính trị, quan hệ với các đối tác khu vực, các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nhất là A-rập Xê-út và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), ngày càng được thắt chặt, nâng tầm, đạt mức cao chưa từng có. Đối với Xy-ri và I-ran, hai bên thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, duy trì tiếp xúc, tham vấn trong các vấn đề khu vực, song phương, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới quốc phòng - an ninh, tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Trong thời gian qua, Xy-ri nổi lên là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến, quyết định của Nga tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Đơn cử như, trong cuộc xung đột Nga - U-crai-na, Xy-ri đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với U-crai-na, ủng hộ các quyết định của chính quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin, bao gồm việc công nhận bốn vùng của U-crai-na mà Nga tiến hành trưng cầu dân ý và sáp nhập(4) là lãnh thổ của Nga. I-ran cũng mạnh mẽ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin trước các biện pháp cô lập từ phương Tây, thúc đẩy thành lập liên minh chống các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây khi chính thức ký kết tuyên bố ngày 5-12-2023 về các biện pháp và phương thức chống lại hành vi cưỡng bức đơn phương(5). Đối với các nước GCC, quan hệ giữa hai bên được mở rộng, nâng cấp. Hai bên thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại chiến lược, trao đổi biện pháp giải quyết những thách thức chung. Đặc biệt, quan hệ giữa Nga và A-rập Xê-út, UAE - hai quốc gia đi đầu trong nhóm nước GCC, đã đạt được bước tiến lớn. Trong khuôn khổ chuyến thăm UAE và A-rập Xê-út vào ngày 6-12-2023, Tổng thống Nga V. Pu-tin cùng lãnh đạo hai nước đã nhất trí nhấn mạnh quan hệ hai bên đạt tới mức cao chưa từng có. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en, quan hệ hai bên được củng cố, gia tăng tin cậy chính trị. Trong khi chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan ngày càng đẩy mạnh xây dựng quan hệ thân thiết với chính quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin, duy trì vị thế cường quốc chiến lược khu vực, các chính quyền tại I-xra-en, nhất là dưới thời kỳ Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu cũng đẩy mạnh thắt chặt quan hệ tin cậy, hợp tác cùng có lợi với Nga.

Thứ hai, nâng cao tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, tạo được sự ủng hộ của các nước khu vực đối với các vấn đề lợi ích của Nga, nhất là trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại U-crai-na. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2024, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã thực hiện 10 chuyến thăm tới các nước khu vực Trung Đông(6), đẩy mạnh các hoạt động điện đàm cấp cao với các đối tác khu vực. Ngay cả trong bối cảnh cuộc xung đột tại U-crai-na leo thang, Tổng thống Nga V. Pu-tin vẫn lần lượt thực hiện các chuyến thăm tới I-ran (tháng 7-2022) và UAE, A-rập Xê-út (tháng 12-2023). Các quốc gia Trung Đông ngày càng coi trọng, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Nga. Tin cậy chính trị được nâng cao, thể hiện rõ qua quan điểm của các nước khu vực với cuộc xung đột Nga - U-crai-na. Theo đó, bất chấp sức ép từ Mỹ, các quốc gia Trung Đông phản ứng vừa phải, duy trì lập trường trung lập, không tham gia liên minh trừng phạt, cô lập Nga do Mỹ và phương Tây dẫn dắt, cũng như không đối đầu với Nga, không hỗ trợ quân sự cho U-crai-na. Ngay cả các đồng minh, đối tác thân cận của Mỹ tại khu vực, như I-xra-en, UAE và A-rập Xê-út, cũng từ chối lời kêu gọi của chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn tham gia trừng phạt Nga; đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ, đoàn kết với Nga và vai trò lãnh đạo của Tổng thống Nga V. Pu-tin, khẳng định sự coi trọng và chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga.

Thứ ba, củng cố, gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại khu vực, nâng cao vị thế cường quốc quân sự hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Trong thời gian qua, với sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. A. Át-xát, Nga tiếp tục nâng cấp, mở rộng hai căn cứ quân sự tại khu vực phía Đông của Xy-ri, bao gồm căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus(7). Đây cũng là hai căn cứ quân sự hoạt động thường trực duy nhất của Nga tại khu vực Trung Đông. Với kết cấu hạ tầng được cải thiện, Nga ngày càng dễ dàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tuần tra, kiểm soát tại khu vực phía Đông của Địa Trung Hải, đưa các căn cứ này trở thành trung tâm cung ứng hậu cần, vận chuyển chiến lược từ Nga tới Trung Đông, cho thấy quyết tâm nâng cao ảnh hưởng của Nga tại khu vực. Bên cạnh đó, Nga cũng thường xuyên duy trì các cuộc tập trận chung tại khu vực, nâng cao kinh nghiệm tác chiến thông qua những cuộc tập trận hải quân thường niên cùng với I-ran và Trung Quốc trên khu vực Ấn Độ Dương và Vịnh Ô-man.

Thứ tư, mở rộng, tăng cường hợp tác, gắn kết kinh tế, nhất là hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, quân sự, trở thành “điểm sáng” trong quan hệ giữa hai bên. Trên cơ sở quan hệ hợp tác thân thiết, đan xen lợi ích, Trung Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của Nga, giải quyết khó khăn trong lưu thông hàng hóa của Nga tới thị trường quốc tế do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng như duy trì năng lực chi phối thị trường năng lượng thế giới, qua đó dần trở thành địa bàn trung chuyển và thị trường tiêu thụ tiềm năng. Các quốc gia, như Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, UAE, A-rập Xê-út, Cô-oét vừa trở thành cầu nối quan trọng trong trao đổi thương mại của Nga với thế giới, giúp xuất khẩu lại dầu mỏ của Nga tới khu vực châu Âu và các khu vực khác cũng như trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của Nga bị “tẩy chay” ở châu Âu, như kim loại quý tới UAE, xăng và dầu mỏ tới A-rập Xê-út hay sản phẩm nông nghiệp tới I-ran. Nga duy trì vị thế như một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Trung Đông. Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước GCC tăng 6%, đạt 11 tỷ USD; giữa Nga với I-ran tăng 20%, đạt 4,9 tỷ USD(8). Trong năm tài chính 2022 - 2023, Nga là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của I-ran, với 2,76 tỷ USD(9). Trao đổi thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng cũng được đẩy mạnh, tính tương hỗ được nâng cao. Nga không chỉ xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông(10), mà còn nhập khẩu vũ khí từ khu vực, nhất là thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa từ I-ran. Trong lĩnh vực thanh toán, Nga và các đối tác, như I-ran, Xy-ri, I-rắc, A-rập Xê-út đẩy mạnh thanh toán bằng nội tệ, giảm ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận thanh toán bằng đồng USD, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng được tăng cường, thắt chặt hơn lợi ích chung giữa Nga và các đối tác trong khu vực, nâng cao ảnh hưởng của liên minh năng lượng giữa Nga và các nước khu vực, góp phần chi phối, định hình thị trường năng lượng thế giới. Bên cạnh việc tăng cường phối hợp trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga còn đẩy mạnh hợp tác, đầu tư tại khu vực, như ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 40 tỷ USD giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia I-ran và Tập đoàn Khí đốt Gazprom (Nga) vào tháng 7-2022, nhân chuyến thăm đến I-ran của Tổng thống Nga V. Pu-tin (bao gồm việc hỗ trợ I-ran trong phát triển các mỏ dầu, các dự án khí hóa lỏng và xây dựng các đường dẫn khí ga), hay đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu trị giá khoảng 20 tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ(11).

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 6-12-2023 _Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ năm, nâng cao vị thế, ảnh hưởng, phát huy vai trò và hình ảnh cường quốc có trách nhiệm, đối tác tin cậy của Nga tại khu vực Trung Đông thông qua việc tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, như vấn đề hạt nhân I-ran, cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, khủng hoảng nhân đạo tại Y-ê-men và đặc biệt là giải quyết cuộc nội chiến tại Xy-ri, ngăn chặn sự trỗi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri và thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Xy-ri hay I-ran với các nước khu vực. Năm 2015, với sự hỗ trợ tích cực của Nga, chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát không chỉ vượt qua khó khăn trong cuộc nội chiến, tiến tới cơ bản kiểm soát được tình hình đất nước, duy trì vai trò lãnh đạo, mà còn từng bước nối lại quan hệ ngoại giao với các nước khu vực, trở lại là thành viên của Liên đoàn A-rập sau 11 năm, cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Hình ảnh cường quốc đáng tin cậy trong hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn của Nga được coi trọng, nhận được sự đánh giá cao của nhiều quốc gia trong khu vực. Nga cũng tích cực tham gia, phát huy vai trò, ảnh hưởng trong giải quyết các “điểm nóng” khu vực, như tiến trình hòa bình Trung Đông, vấn đề hạt nhân I-ran, khủng hoảng nhân đạo tại Y-ê-men, đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin hay giải quyết cuộc xung đột giữa lực lượng Ha-mát và I-xra-en. Sáng kiến “Khái niệm về an ninh tập thể ở Vịnh Péc-xích” của Nga nhận được sự đánh giá cao của nhiều nước khu vực trong nỗ lực nhằm đạt được sự ổn định lâu dài tại Trung Đông.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Trung Đông còn đối mặt với một số khó khăn, hạn chế.

Một là, việc cân bằng, trung hòa lợi ích trong quan hệ với các nước khu vực, nhất là từ các cặp quan hệ I-xra-en - I-ran, Xy-ri - Thổ Nhĩ Kỳ hay I-ran và các nước A-rập dòng Xăn-ni. Bên cạnh xu hướng hợp tác là chủ đạo, giữa các đối tác thân cận của Nga tại khu vực còn tồn tại nhiều khác biệt, từ chiến lược phát triển, mục tiêu mở rộng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo cho đến tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ, mâu thuẫn sắc tộc. 

Hai là, sự lôi kéo, gây sức ép từ Mỹ và phương Tây với các nước Trung Đông trong nỗ lực kiềm chế, cô lập Nga. Do sở hữu vị trí địa - chiến lược trọng yếu cùng nguồn lực dầu khí dồi dào, Trung Đông đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh, đối đầu trên phạm vi toàn cầu giữa phương Tây và Nga. Trong thời gian qua, nhất là sau khi Nga bắt đầu tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại U-crai-na vào đầu năm 2022, chính quyền nhiều nước phương Tây đã gia tăng lôi kéo, thậm chí gây sức ép đối với các nước Trung Đông nhằm giảm dần hợp tác với Nga, cùng tham gia liên minh cô lập Nga trên trường quốc tế. Bên cạnh các nỗ lực hợp tác song phương, Mỹ và các nước đồng mình còn đưa ra các sáng kiến hợp tác khu vực nhằm gia tăng gắn kết lợi ích, cạnh tranh với các sáng kiến do Nga dẫn dắt, nổi bật là Sáng kiến Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) cạnh tranh với “Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam” do Nga thúc đẩy. Ngày 6-12-2023, trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm UAE và A-rập Xê-út của Tổng thống Nga V. Pu-tin, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga V. Pu-tin cho biết, hợp tác kinh tế giữa Nga và các nước này đối mặt với áp lực từ nhiều quốc gia.

Ba là, hợp tác trong một số lĩnh vực “nhạy cảm”, đòi hỏi độ tin cậy chính trị cao như quốc phòng - an ninh, chưa đạt được như kỳ vọng, cũng như chưa thực sự tương xứng với thế mạnh của hai bên, nhất là năng lực quân sự của Nga. Mặc dù được mở rộng, song quan hệ của Nga với một số cường quốc khu vực, nhất là A-rập Xê-út, UAE và các nước GCC chưa tạo được nhiều đột phá trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng - lĩnh vực mà Nga có thế mạnh. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế I-ta-li-a, trong giai đoạn 2018 - 2023, kim ngạch nhập khẩu vũ khí từ Nga của A-rập Xê-út và các nước GCC chưa đạt đến 10%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự quan ngại của các quốc gia này đối với nỗ lực hỗ trợ của Nga dành cho I-ran trong phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Abu Dhabi, ngày 6-12-2023 _Ảnh: AFP/TTXVN

Triển vọng chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực Trung Đông trong thời gian tới

Ngay sau chuyến thăm tới UAE và A-rập Xê-út vào tháng 12-2023, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã tuyên bố tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga khóa mới. Với sự ủng hộ rộng rãi của người dân Nga, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã giành chiến thắng với tỷ lệ tín nhiệm cao trong cuộc bầu cử và tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong nhiệm kỳ 2024 - 2030. Các chính sách đối nội và đối ngoại hiện nay của Nga sẽ tiếp tục được kế thừa và phát triển.

Trong khi đó, thời gian qua, cục diện khu vực Trung Đông xuất hiện nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường, nổi bật là: 1- Diễn biến chính trị nội bộ phức tạp ở nhiều nước, tiềm ẩn mất an ninh, an toàn(12); 2- Cuộc xung đột giữa I-xra-en với lực lượng Ha-mát và đồng minh cùng một số “điểm nóng” tiếp tục leo thang căng thẳng, khó đạt được giải pháp đột phá(13); 3- Xu hướng sử dụng vũ lực gia tăng, chủ nghĩa khủng bố có nguy cơ trỗi dậy; 4- Các nước lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh can dự nhằm bảo vệ các lợi ích tại khu vực; 5- Các vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, di cư, khủng bố,... ngày càng nghiêm trọng, trở thành thách thức lớn với chính quyền các nước.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở kết quả đạt được, chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực Trung Đông thời gian tới sẽ tiếp tục kế thừa đường lối đối ngoại là chủ động, tích cực đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên tất cả lĩnh vực với Trung Đông; các quan điểm trong Học thuyết chính sách đối ngoại của Nga năm 2023, nhiều khả năng được triển khai theo hướng:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và tin cậy với I-ran, hỗ trợ toàn diện cho Xy-ri và làm sâu sắc thêm mối quan hệ nhiều mặt cùng có lợi với các đối tác, như với A-rập Xê-út và các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), thúc đẩy hoàn thiện kết nối Bắc - Nam, củng cố sự hiện diện quân sự tại khu vực, bảo đảm vững chắc an ninh sườn Tây Nam của Nga.

Thứ hai, gia tăng hợp tác với các quốc gia và tổ chức khu vực, như Liên đoàn A-rập, GCC, hiện thực hóa khái niệm an ninh tập thể của Nga đối với khu vực vùng Vịnh Péc-xích, coi việc thực hiện sáng kiến này là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa toàn diện và bền vững tình hình ở Trung Đông.

Thứ ba, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, nhất là cuộc xung đột giữa lực lượng Ha-mát và I-xra-en, vấn đề hạt nhân I-ran, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Xy-ri, I-ran với các nước khu vực.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng đầu tư, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của hai bên, như dầu khí, công nghệ năng lượng, công nghiệp quốc phòng, khai thác tốt hơn các cơ hội hợp tác, vì lợi ích chung.

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Đông phát triển tốt đẹp với nhiều xung lực mới, thể hiện rõ nhất qua các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước Trung Đông(14), góp phần phục vụ các mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh Trung Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nước lớn, nhất là Nga, bên cạnh việc tiếp tục coi trọng và ưu tiên thúc đẩy quan hệ song phương với các nước Trung Đông, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác ba bên với các đối tác của Nga trong quan hệ với các nước Trung Đông; tranh thủ tiềm năng, lợi thế của các cặp quan hệ Việt Nam - Nga, Nga - Trung Đông để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với Trung Đông, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, lao động, dầu khí, du lịch, vì hòa bình và phát triển./.

--------------------

(1) Xem: S. Rosefielde: Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Pu-tin: Kinh tế, quốc phòng và chính sách đối ngoại, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022
(2) Xem: Voltaire: “The Foreign Policy Concept of the Russian Federation 2016” (Tạm dịch: Khái niệm về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga), Voltaire Network, ngày 30-11-2016, https://www.voltairenet.org/article202038.html
(3) Xem: “Press release on Russia’s main foreign policy results in 2023” (Tạm dịch: Thông cáo báo chí về kết quả nổi bật trong chính sách đối ngoại chính của Nga năm 2023),  The Ministry of Foreign Affairs of the Russian Federation, ngày 30-12-2023, https://mid.ru/en/foreign_policy/news/1923985
(4) Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk
(5) Xem: M. Abbas: “Russia and Iran form alliance to counter Western sanctions” (Tạm dịch: Nga và I-ran thiết lập liên minh chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây), Bnnbreaking, ngày 5-12-2023, https://bnnbreaking.com/international-relations/russia-and-I-ran-form-alliance-to-counter-western-sanctions/ 
(6) Bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 4, tháng 10 và tháng 11-2018) và I-ran (tháng 9-2018); Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 9-2019), UAE và A-rập Xê-út (tháng 10-2019); Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 1-2020), I-xra-en và Pa-le-xtin (tháng 1-2020); I-ran (tháng 7-2022); UAE và A-rập Xê-út (tháng 12-2023)
(7) Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga vào tháng 3-2023, Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát cho biết sẵn sàng tiếp nhận đề xuất của Nga về tăng cường binh sĩ và thiết lập thêm các căn cứ quân sự tại Xy-ri
(8) Xem: TASS: “Trade turnover between Russia, I-ran up 20% in 2022 to $4.9 bln” (Tạm dịch: Kim ngạch thương mại Nga - I-ran năm 2022 tăng 20%, đạt 4,9 tỷ USD), TASS, ngày 1-3-2023, https://tass.com/economy/1583367?utm_source=google.com&utm_medium=organic&utm_campaign=google.com&utm_referrer=google.com
(9) Xem: TASS: “Russia becomes largest investor in I-ran this financial year” (Tạm dịch: Nga trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại I-ran trong năm tài khóa năm nay), TASS, ngày 23-3-2023, https://tass.com/economy/1593471?utm_source=google.com&utm_medium=organic&utm_campaign=google.com&utm_referrer=google.com
(10) Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế I-ta-li-a (ISPI), trong giai đoạn 2018 - 2022, khoảng trên 75% tổng nhập khẩu vũ khí của I-ran, Xy-ri và I-rắc đến từ Nga. Xem: IPSI: “Russia relations with the Middle East after Putin’s invasion of Ukraine” (Tạm dịch: Quan hệ giữa Nga và Trung Đông sau khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại U-crai-na), ISPI, ngày 11-9-2023, https://www.ispionline.it/en/publication/russian-relations-with-the-middle-east-after-putins-invasion-of-ukraine-143131
(11) Dự án do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom làm chủ đầu tư, bắt đầu khởi công vào tháng 4-2018 (sau khi Tổng thống Nga V. Pu-tin giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2018), dự kiến đi vào vận hành đầy đủ vào năm 2025. Tháng 4-2023, tổ máy thứ nhất của nhà máy đã đi vào hoạt động
(12) Cuộc bầu cử Tổng thống tại Li-băng, bầu cử Chủ tịch Quốc hội tại I-rắc, tổng tuyển cử tại Pa-le-xtin, bầu cử địa phương tại I-xra-en
(13) Đơn cử như: 1- Vấn đề hạt nhân I-ran có nguy cơ đổ vỡ trong bối cảnh bất đổng giữa I-ran và Mỹ ngày càng lớn và I-ran đẩy mạnh sản xuất uranium, tên lửa. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào ngày 15-11-2023, I-ran đã tăng dự trữ urani tinh khiết 60% với tổng trữ lượng khoảng 128,3kg; 2- Cuộc xung đột tại Xy-ri tiếp tục phức tạp khi Thổ Nhĩ Kỳ mở nhiều chiến dịch tấn công người Cớt tại miền Bắc Xy-ri; 3- Xung đột tại Y-ê-men kéo dài do lực lượng Hu-thi và Chính phủ Y-ê-men bất đồng trong chia sẻ quyền lực
(14) Đơn cử như các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC, thăm A-rập Xê-út (tháng 10-2023) và tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP-28), thăm chính thức UAE (tháng 12-2023); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm I-ran (tháng 8-2023); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 tại Ba-ranh (tháng 3-2023); Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm I-ran (tháng 5-2023)