TCCS - Vào trung tuần tháng 6-2021, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Genève (Thụy Sĩ) diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga bị đẩy xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Kết quả cuộc gặp này được đánh giá mở ra hy vọng mong manh về triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Bối cảnh diễn ra cuộc gặp

Trong bài phát biều lần đầu tiên tại Quốc hội Mỹ sau khi nhậm chức, Tổng thống J. Biden cho rằng, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của cuộc chiến giữa “dân chủ” và “chuyên chế” và vì vậy, thế giới sẽ bị phân chia về ý thức hệ(1). Trong một bài viết trên nhật báo Washington Post đề cập đến cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Nga V. Putin tại Genève (Thụy Sĩ), Tổng thống J. Biden tuyên bố: “Trước khi gặp người đồng cấp Nga trong chuyến công du tới châu Âu, tôi sẽ thảo luận với nguyên thủ các nước đối tác và đồng minh để hình thành nhận thức về các thách thức và lợi ích chung. Chúng tôi đều thống nhất rằng, để đối phó với các thách thức từ Nga đối với an ninh châu Âu, cần kiên định và quyết tâm bảo vệ các giá trị dân chủ không tách rời với những lợi ích chung của chúng ta”(2).

Trả lời phỏng vấn hãng truyền hình Mỹ NBC trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng quan hệ Mỹ - Nga ở mức thấp nhất trong những năm gần đây. Trong cuộc phỏng vấn của hãng truyền hình Mỹ Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, điều duy nhất mà ông có thể đồng ý với Tổng thống Nga V. Putin chính là nhận định này của nhà lãnh đạo Nga về quan hệ Mỹ - Nga(3). Như vậy, trong quan hệ Mỹ - Nga, hai bên bất đồng và mâu thuẫn gần như hầu hết các vấn đề song phương cũng như quốc tế, trong đó có mâu thuẫn về ý thức hệ như nhận định của Tổng thống J. Biden. Theo đó, Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát sau Chiến tranh lạnh, còn Mỹ cáo buộc Nga là “quốc gia phá hoại trật tự thế giới”.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống J. Biden có chủ ý đề xuất tổ chức cuộc gặp với Tổng thống V. Putin sau chuyến công du 8 ngày tới châu Âu chính là nhằm củng cố và tăng cường tình đoàn kết với các đồng minh dưới khẩu hiệu đối phó với thách thức từ Nga và cả Trung Quốc - quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.

Tổng thống Mỹ J. Biden và người đồng cấp Nga V. Putin tại cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16-6-2021 _Ảnh: THX/TTXVN

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) vào ngày 11 - 13-6-2021, Tổng thống J. Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký kết Định ước xuyên Đại Tây Dương mới nhằm thiết lập “liên minh các quốc gia dân chủ” để “chống lại các quốc gia theo chế độ chuyên chế” (ám chỉ Nga và Trung Quốc). Tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị G7, Tổng thống J. Biden cho rằng triển vọng tiếp theo của mối quan hệ Mỹ - Nga phụ thuộc vào việc Nga có hành động phù hợp với luật pháp quốc tế hay không và cho biết, Mỹ sẵn sàng làm việc với Nga trong lĩnh vực ổn định chiến lược và chống biến đổi khí hậu(4). Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 14-6-2021 khẳng định, Nga vẫn là thách thức hàng đầu đối với an ninh của châu Âu, đồng thời cảnh báo thách thức có tính hệ thống từ Trung Quốc(5).

Bên cạnh mục tiêu đối thoại với Nga, theo giới phân tích, thách thức từ phía Trung Quốc đối với Mỹ nghiêm trọng tương tự như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và thậm chí nghiêm trọng hơn so với thách thức từ Nga. Chính vì vậy, chủ đề Trung Quốc cũng là một lý do thúc đẩy cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga lần này, bởi theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, có thể là vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Trong quý I-2021, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc so với cùng kỳ năm 2020 là 18,3%, còn mức tăng trưởng của ngành công nghiệp Trung Quốc đạt 24,5%, sản lượng công nghệ cao đạt 31,1%. Trong 5 tháng đầu năm 2021, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng 35,4%. Không chỉ có vậy, về quân sự, theo dự báo của giới quân sự Mỹ, Mỹ có thể sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh tương lai với Trung Quốc nếu Trung Quốc thiết lập quan hệ liên minh với Nga. Trong buổi điều trần tại Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ trong tháng 4-2021, Đô đốc Hải quân Charles Richards, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ, tuyên bố Mỹ thua kém Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí chiến lược.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Millie cảnh báo về nguy cơ hình thành liên minh Trung Quốc - Nga. Tạp chí Mỹ Politico cảnh báo, sự thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đã lên đến mức báo động. Động thái này buộc Tổng thống J. Biden phải tìm cách giảm bớt sự liên kết, thậm chí chia rẽ quan hệ Nga - Trung Quốc. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Tổng thống J. Biden đặt ra trong cuộc gặp với Tổng thống V. Putin. Theo nhận định của cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á D. Stillwell, nỗ lực của Mỹ chia rẽ mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc phải được tiến hành thận trọng. Theo đó, Mỹ cần hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ với Nga, đồng thời giảm bớt mức độ liên kết trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Nga với Trung Quốc. Chính vì thế, Tổng thống J. Biden đã xóa bỏ một số rào cản đối với các đề án hợp tác giữa Nga với châu Âu, chấp nhận một số lợi ích của Nga trong không gian địa chiến lược hậu Xô viết với toan tính Nga sẽ có thái độ trung lập trong cuộc xung đột khó tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai(6)

Những vấn đề được thảo luận và kết quả đàm phán

Nhận định về kết quả cuộc hội đàm và khả năng cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, Tổng thống V. Putin đánh giá: “Cuộc gặp diễn ra dựa trên các nguyên tắc nhất định. Trong nhiều vấn đề, đánh giá của chúng tôi là mâu thuẫn nhau. Nhưng theo tôi, hai bên đều thể hiện thiện chí và nguyện vọng hiểu biết lẫn nhau và tìm cách thu hẹp bất đồng. Cuộc đàm phán diễn ra theo tinh thần xây dựng. Tất nhiên, không nên ảo tưởng về triển vọng mau chóng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Sắp tới, Nga và Mỹ sẽ tiến hành tham vấn về các vấn đề tương tác giữa hai nước ở cấp độ ngoại giao, trong đó có nhiều chuyện cần phải giải quyết. Phía Mỹ cũng thể hiện mong muốn tìm kiếm giải pháp để hóa giải bất đồng”(7). Còn Tổng thống J. Biden cho biết đã đạt được những gì khi đưa ra quyết định đi tới cuộc đàm phán này. Đó là tìm ra được những lĩnh vực mà hai nước cần phải hành động vì lợi ích chung và vì thế giới; rằng Mỹ sẽ đáp trả những hành động gây thiệt hại đối với lợi ích của Mỹ và đồng minh, xác định các ưu tiên của Mỹ cũng như các giá trị Mỹ. Mỹ đã trình bày quan điểm rõ ràng để làm việc với Nga nhằm hóa giải các vấn đề trong quan hệ Mỹ - Nga(8). Phát biểu sau cuộc hội đàm ở Genève, cả Tổng thống J. Biden và Tổng thống V. Putin đều tuyên bố rằng, cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí không thù địch, thẳng thắn và có tính xây dựng. Trong thời gian tới, Mỹ và Nga sẽ thành lập các nhóm công tác đặc trách về các vấn đề ổn định chiến lược. Cụ thể là:

Về sự ổn định chiến lược trong quan hệ Mỹ - Nga, văn kiện duy nhất được Tổng thống J. Biden và Tổng thống V. Putin ký kết là Tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Tuyên bố chung nêu rõ, ngay cả trong những thời điểm căng thẳng, Mỹ và Nga có thể đạt tiến triển trong các mục tiêu chung nhằm tạo ra khả năng dự đoán trong lĩnh vực chiến lược. Theo đó, hai bên sẽ hướng tới giảm rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Việc Mỹ và Nga thống nhất gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới giai đoạn 3 (START-3) thể hiện cam kết của hai nước về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. Theo Tổng thống V. Putin, Mỹ và Nga chịu trách nhiệm đặc biệt về sự ổn định chiến lược trên toàn cầu vì cả hai nước đều là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới xét về số lượng đầu đạn hạt nhân cũng như trình độ công nghệ và chất lượng của vũ khí hạt nhân. Cả hai nước đều nhận thức được rõ trách nhiệm này và hiểu rằng sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Chính vì thế, Tổng thống J. Biden đã thông qua quyết định có trách nhiệm và kịp thời về việc gia hạn Hiệp ước START-3 đến năm 2024(9).

Tổng thống Nga V. Putin họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ J. Biden tại Geneva, ngày 16-6-2021 _Nguồn: Getty Images

Về vấn đề an ninh trong không gian mạng, Tổng thống V. Putin nhận định, an ninh trong không gian mạng là vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh các thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi căn bản nền kinh tế, chính trị và an ninh của từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là lý do mà Tổng thống J. Biden nêu vấn đề này trong cuộc hội đàm. Theo Tổng thống J. Biden, trong thời gian trước khi diễn ra cuộc gặp ở Genève (Thụy Sĩ), đã xảy ra nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mạng thông tin trên lãnh thổ Mỹ. Chẳng hạn như ngày 31-5-2021, một cuộc tấn công nhằm vào mạng máy tính của Công ty JBS của Mỹ. Công ty này cho biết, vụ tấn công do một tổ chức thực hiện, rất có thể là từ Nga(10). Trước những thông tin vô căn cứ trên, ngày 4-6-2021, Tổng thống V. Putin tuyên bố những cáo buộc đó của Mỹ hoàn toàn không có cơ sở, chỉ nhằm gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga trước thềm cuộc gặp của nguyên thủ hai nước(11). Ngoài ra, chính Nga cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Tổng thống V. Putin cho biết, chính các công ty của Mỹ đã phải chuyển 5 triệu USD cho tin tặc với mục đích tống tiền. Vì vậy, rõ ràng là các cuộc tấn công mạng ở Mỹ không hề liên quan đến Nga. Do đó, để loại bỏ mọi nghi hoặc và cáo buộc lẫn nhau, tại cuộc hội đàm, hai bên đề xuất thành lập nhóm các chuyên gia công nghệ thông tin của Mỹ và Nga bàn về các vấn đề an ninh trong không gian mạng(12).

Quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ - Nga cũng là một trong những chủ đề được đề cập trong cuộc hội đàm. Tổng thống V. Putin đã đặt vấn đề về quan hệ giữa Mỹ và Nga trong lĩnh vực thương mại, đồng thời một lần nữa đề nghị Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với Nga và xúc tiến đầu tư vào Nga. Trong cuộc họp báo về kết quả hội đàm, Tổng thống V. Putin nhận định: “Sau khi Mỹ áp đặt một số hạn chế trong lĩnh vực kinh tế với Nga, trao đổi thương mại của Mỹ bị thất thoát không kém gì Nga. Dĩ nhiên, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của Nga nhưng không phải là ảnh hưởng đến mức không thể khắc phục được. Khó có thể khẳng định được ai mạnh hơn trong cuộc chiến cấm vận. Nếu sau cuộc gặp ở Genève, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận Nga thì điều đó có nghĩa là Mỹ đã đánh mất cơ hội và khả năng vừa được tạo ra”(13). Còn Tổng thống J. Biden tuyên bố: “Sẽ không thể bình thường hóa quan hệ đối tác tài chính - kinh tế giữa hai nước chừng nào Nga chưa chấm dứt hoạt động phá hoại các quy tắc quốc tế và không giải quyết vấn đề vi phạm nhân quyền ở Nga. Chúng tôi thảo luận vấn đề thương mại và tôi không nhìn thấy vướng mắc gì trong việc tiến hành hoạt động thương mại ở Nga chừng nào Nga tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhưng nếu Nga vi phạm luật pháp quốc tế thì sẽ không thể có quan hệ thương mại với chúng tôi cũng như với các nước khác”(14).  

Các vấn đề nhân quyền như quyền dân sự, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận là chủ đề được hai bên dành khá nhiều thời gian trong cuộc hội đàm. Trong đó, phía Mỹ yêu cầu Nga nhân nhượng trong các vấn đề nhân quyền để quan hệ kinh tế và chính trị giữa Nga với các nước phương Tây trở nên bình thường. Đáng chú ý là, Tổng thống J. Biden yêu cầu Nga thả thủ lĩnh lực lượng đối lập Aleksey Navalnyi. Liên quan tới vấn đề này, Tổng thống V. Putin cho biết, cách hành xử của Nga đều nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đều hành động như vậy. Về cách hành xử của Nga đối với các lực lượng đối lập, Tổng thống V. Putin giải thích: “Năm 2018, Mỹ tuyên bố Nga là kẻ thù. Trong khi đó, trong đạo luật của Mỹ có ghi rõ Mỹ cần phải ủng hộ các tổ chức chính trị đối lập ở Nga. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu Nga là kẻ thù của Mỹ thì các tổ chức chính trị đối lập ở Nga được Mỹ ủng hộ đang hoạt động nhằm mục đích gì? Rõ ràng là, những tổ chức này đang thực hiện chính sách của Mỹ trên lãnh thổ Nga, không mang lại lợi ích cho nước Nga mà là phá hoại Nga. Vì thế, chúng tôi sẽ phải hành động thận trọng trong khuôn khổ pháp luật”(15).

Về các cuộc xung đột trên thế giới, hai bên thảo luận tình hình tại các khu vực đang lâm vào khủng hoảng, trong đó có cuộc chiến ở Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine - tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga. Về cuộc khủng hoảng Syria, hai bên thống nhất quan điểm về nhu cầu cấp thiết thiết lập các tuyến hành lang vận tải nhân đạo để cung cấp nhu cầu thiết yếu cho người dân. Đối với điểm nóng Ukraine, Tổng thống V. Putin cho biết, ông và Tổng thống J. Biden đều thống nhất quan điểm giải pháp duy nhất để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine là các bên có liên quan thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Thỏa thuận Minsk. Mỹ và Nga nhất trí ủng hộ các nỗ lực tương tác ngoại giao nhằm đưa ra các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Liên quan tới quan ngại của Tổng thống J. Biden về việc Nga tiến hành diễn tập quân sự gần lãnh thổ Ukraine, Tổng thống V. Putin cho rằng Nga hoàn toàn có quyền triển khai các hoạt động đó trên lãnh thổ của mình cũng giống như Mỹ tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ của họ. Trong khi đó, Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác và đồng minh ngay sát biên giới của Nga(16).

Về vấn đề quân sự hóa Bắc Cực, Tổng thống J. Biden bày tỏ mối lo ngại về các hoạt động quân sự của Nga ở đây. Tổng thống V. Putin cho rằng, mối lo ngại đó của Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở. Hiện nay, hoạt động của Nga ở Bắc Cực chỉ để khôi phục những công trình kết cấu hạ tầng mà trước đây Liên Xô đã từng xây dựng nhưng hiện nay đã bị phá hủy hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng. Ở Bắc Cực, Nga còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cho Bộ Tình trạng khẩn cấp để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường. Việc Nga sử dụng tuyến giao thông đi qua Biển Bắc cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Bộ Quy tắc về Bắc Cực được phê chuẩn năm 2017. Nga sẵn sàng hợp tác với các nước và các doanh nghiệp để khai thác tuyến vận tải đi qua Biển Bắc vì lợi ích chung của thế giới(17).

Căn cứ quân sự Severny Klever của Nga tại Bắc Cực _Ảnh: TTXVN

Có thể thấy, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga còn quá nhiều mâu thuẫn và bất đồng, cuộc đối thoại thẳng thắn và có tính xây dựng giữa Tổng thống J. Biden và Tổng thống V. Putin là tín hiệu tích cực ban đầu. Trong đó, thành công lớn nhất và có ý nghĩa rất quan trọng là hai bên ký kết được Tuyên bố chung Nga - Mỹ về ổn định chiến lược. Với Tuyên bố này, Mỹ công nhận vị thế của Nga như là một cường quốc có trách nhiệm cùng với Mỹ duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu. Cùng với quyết định đưa Đại sứ Mỹ trở lại Thủ đô Moscow (Nga) và Đại sứ Nga trở lại Thủ đô Washington (Mỹ), Mỹ và Nga đã chấm dứt “cuộc chiến tranh ngoại giao”. Trên cơ sở đó, sắp tới, Mỹ và Nga sẽ tổ chức các cuộc đối thoại chiến lược để hóa giải mâu thuẫn và bất đồng, đồng thời tìm ra các kênh hợp tác cùng có lợi.   

Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga cũng có tác động tới động thái ngoại giao của các nước châu Âu đối với Nga. Lấy cảm hứng từ thành công của cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng nhất trí đề xuất lãnh đạo các nước châu Âu nên tổ chức cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của nguyên thủ 17 quốc gia thành viên EU(18). Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với Tổng thống Nga V. Putin(19). Có thể thấy, sau cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga, xu hướng đối thoại của Mỹ và các nước châu Âu với Nga thay vì đối đầu là dấu hiệu tích cực được cả thế giới đón nhận./.

------------------------------

(1), (2), (5) Mосква и Вашингтон проверили пристрелку боем, https://russtrat.ru/comments/17-iyunya-2021-0010-4673
(3), (4) Блинкен согласился со словами Путина о низком уровне отношений США и России, https://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/11638691
(6), (7), (15), (16), (17) Перспективы дальнейшего диалога России и США в глобальном контексте, https://russtrat.ru/comments/18-iyunya-2021-0010-4689
(8), (10), (13) Зарницы семейного доверия: 4 главных ответа Путина и Байдена, https://www.rbc.ru/politics/17/06/2021/60ca3c259a79471cee523019
(11), (12) Пресс-конференция по итогам российско-американских переговоров, Tlđd
(14) Долгожданная встреча Путина и Байдена: каковы итоги саммита Россия – США, https://riafan.ru/1467869-dolgozhdannaya-vstrecha-putina-i-baidena-kakovy-itogi-sammita-rossiya-ssha
(18) Европа запросила встречи с Путиным, https://vz.ru/world/2021/6/24/ 1105653.html
(19) Стратегический подтекст переговоров Путин - Байден: незримый третий участник - Китай, https://www.fondsk.ru/news/2021/06/19/strategic heskij-podtekst-peregovorov-putin-bajden-nezrimyj-uchastnik-kitaj-53824.html