Tỉnh Quảng Bình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế
TCCS - Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, kinh tế biển của địa phương vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hiệu quả, do đó, trong thời gian tới, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển.
Kinh tế biển và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Kinh tế biển có thể được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế liên quan đến biển và có thể chia ra 2 nhóm chính: 1- Hoạt động kinh tế diễn ra trên biển hoặc trực tiếp khai thác các nguồn lợi từ biển, như: hàng hải (vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ liên quan); hải sản (đánh bắt, nuôi trồng, khai thác cảng cá); khai thác dầu khí, khoáng sản trên biển; sản xuất năng lượng tái tạo; du lịch biển; nghề muối biển…; 2- Hoạt động kinh tế liên quan đến việc khai thác yếu tố biển, như: đóng và sửa chữa tàu biển; công nghiệp chế biến (dầu khí, khoáng sản, hải sản); cung cấp dịch vụ, thông tin liên lạc biển (khí tượng thủy văn, logistics, phát tín hiệu, hệ thống định vị); nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, điều tra cơ bản và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển(1).
Để phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng, cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định. Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, một địa phương nhất định đang và có khả năng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội(2).
Sự hình thành nguồn nhân lực do nhiều yếu tố chi phối, trong đó vai trò của đào tạo được thể hiện qua việc cung cấp tri thức, rèn luyện thể lực và giúp hình thành phẩm chất đạo đức cho nguồn nhân lực. Đây cũng chính là các yêu cầu mà nguồn nhân lực cần đáp ứng: 1- Về thể lực: bền bỉ, dẻo dai, không có bệnh tật, hoàn thiện về mặt thể chất lẫn tinh thần; 2- Về trí lực: có học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, làm việc chủ động, sử dụng được các công cụ hiện đại; 3- Về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp: có đạo đức, lòng nhân hậu và vị tha, biết trân trọng lao động và quý trọng sức lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự du nhập các chuẩn mực quốc tế vào Việt Nam là cơ hội để các cơ sở đào tạo tiếp thu kinh nghiệm, hướng tới điều chỉnh hoạt động đào tạo phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa cũng thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ, từ đó đòi hỏi lực lượng lao động phải không ngừng nâng cao trình độ để theo kịp sự phát triển. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải thay đổi phương pháp, cách tiếp cận trong việc đào tạo nguồn lao động đáp ứng linh hoạt yêu cầu thực tiễn(3).
Nhu cầu nguồn nhân lực kinh tế biển tại tỉnh Quảng Bình
Nhu cầu nhân lực trong phát triển kinh tế biển tại tỉnh Quảng Bình được hình thành dựa trên cơ sở các ngành kinh tế biển có lợi thế và đã được đưa vào phát triển.
Nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản: Vùng biển tỉnh Quảng Bình có trên 1.000 loài hải sản, trong đó có những loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao, như: tôm hùm, mực ống, mực nang, sò huyết, rắn biển... Theo Tổng cục Thủy sản, vùng biển tỉnh Quảng Bình có trữ lượng cá khoảng 51.000 tấn; tôm biển: 2.000 tấn và mực: 8.000 - 10.000 tấn. Dọc bờ biển là 5 cửa sông lớn: Roòn, Gianh, Lý Hòa, Dinh và Nhật Lệ với lòng sông mở rộng, độ mặn, độ pH, nguồn phù du sinh vật dồi dào. Đây là điều kiện thuận lợi để nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Hiện nay, khai thác là hướng chính, với khoảng 5.562 tàu, thuyền có động cơ, sản lượng đánh bắt đạt khoảng 69.587 tấn/năm. Ngoài ra, vùng biển của tỉnh Quảng Bình có diện tích nuôi trồng khoảng 6.800ha, sản lượng: 5.988 tấn/năm (năm 2020)(4). Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình còn có các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp về chế biến hải sản, như: hải sản khô, tôm, mực đông lạnh, nước mắm, sản xuất muối biển; hậu cần thủy sản, như: đóng và sửa chữa tàu, thuyền...
Kinh tế hàng hải: Phía đông bắc tỉnh Quảng Bình là các vùng vịnh (vịnh Hòn La, vũng Chùa), có vị trí kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển. Hoạt động vận tải biển tại tỉnh Quảng Bình hình thành khá sớm gắn với việc buôn bán của cư dân Lý Hòa (huyện Bố Trạch). Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngành vận tải cũng đóng góp to lớn cho thắng lợi chung của cả nước. Hiện nay, sự ra đời của cảng nước sâu Hòn La đã mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển của ngành hàng hải.
Du lịch biển: Tỉnh Quảng Bình có đường bờ biển dài 116,04km ở phía đông với nhiều bãi biển thoải, cát trắng, nước trong, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng - thể thao, tham quan và du lịch sinh thái gắn với biển. Vùng biển phía đông bắc tỉnh Quảng Bình còn có bãi san hô trắng có giá trị phát triển du lịch lặn biển. Mặc dù còn non trẻ so với du lịch hang động, du lịch biển của tỉnh Quảng Bình vẫn là một hướng đi phù hợp, mở ra nhiều triển vọng, góp phần giúp đa dạng hóa cơ cấu kinh tế gắn với biển của tỉnh Quảng Bình.
Như vậy, tỉnh Quảng Bình là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển với 3 nhóm ngành chính: thủy sản, hàng hải và du lịch. Định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình trong tương lai là chuyển từ nuôi trồng, khai thác truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ (đối với ngành hải sản); đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển; xây dựng đội tàu vận tải tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hải quốc tế và đón khách du lịch trên biển (đối với ngành hàng hải); phát triển cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao, ẩm thực hải sản tại các bãi biển nổi tiếng (đối với ngành du lịch). Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có tư duy và khả năng tiếp cận với công nghệ cao gắn liền với 3 nhóm ngành trên.
Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển tại tỉnh Quảng Bình
Nguồn nhân lực kinh tế biển tỉnh Quảng Bình nhìn chung còn yếu, chưa đồng đều về chất lượng (tay nghề, kỹ năng). Hiện nay, nguồn nhân lực chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, chưa được đào tạo một cách bài bản, mà theo kiểu cha truyền con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Do đó, khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Cơ cấu nguồn nhân lực cũng chưa có sự cân đối, chủ yếu mới tập trung vào nghề khai thác hải sản truyền thống, như: lưới rê, câu, lưới vây, lưới kéo... Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, hàng hải và công nghiệp chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao còn hạn chế. Xuất khẩu lao động tập trung vào độ tuổi lao động trẻ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây tại nhiều địa phương ven biển cũng tác động không nhỏ đến sự thiếu hụt nhân lực kinh tế biển. Do đó, nguồn nhân lực chưa trở thành nhân tố đột phá trong phát triển kinh tế biển. Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu:
Các cơ sở đào tạo chưa bám sát yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế biển của địa phương. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay có 8 cơ sở đào tạo khối chuyên nghiệp (gồm 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp). Tuy nhiên, chỉ có 4/8 cơ sở đào tạo các ngành nghề liên quan đến kinh tế biển, đa số liên quan đến lĩnh vực du lịch (quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, địa lý học (địa lý du lịch), hướng dẫn du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, tiếng Anh du lịch, tiếng Trung Quốc). Bên cạnh đó là một số ngành, nghề về lĩnh vực thủy sản (nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy tàu, thuyền, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ thông tin). Một số ngành về lĩnh vực du lịch xảy ra sự trùng lắp nghề giữa các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, lĩnh vực hàng hải, công nghệ chế biến hải sản vẫn còn là một khoảng trống.
Đội ngũ giảng dạy có trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn của các ngành liên quan đến kinh tế biển còn thiếu hụt nên chỉ mới đáp ứng được việc đào tạo cơ bản mà chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo chuyên sâu, nhất là đối với các ngành nghề liên quan đến công nghệ cao. Phương tiện, trang thiết bị nghiên cứu, phục vụ đào tạo về kinh tế biển còn chưa đầy đủ. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến tính chuyên nghiệp và sự đồng đều về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo.
Mối liên hệ hợp tác, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo chuyên sâu về nhân lực kinh tế biển trong phạm vi cả nước còn thiếu chặt chẽ. Các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực biển nhằm tiệm cận các chuẩn mực và xu hướng quốc tế trong các ngành liên quan đến kinh tế biển chưa được chú trọng. Do đó, chưa tận dụng được thế mạnh để hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phối hợp đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp, thu hút người dân và học sinh phổ thông lựa chọn các ngành học bám sát yêu cầu phát triển kinh tế biển tại địa phương còn chưa được thực hiện đồng bộ. Do đó, việc lựa chọn ngành, nghề chưa có tính đột phá, mà chủ yếu dựa vào những lợi ích vật chất trực tiếp. Đây cũng là lý do mà một bộ phận không nhỏ học sinh sau tốt nghiệp ít có sự gắn bó và lựa chọn theo học những ngành nghề về kinh tế biển mà chủ yếu lại chọn hướng xuất khẩu lao động vì có thể đem lại lợi ích vật chất lớn hơn.
Giải pháp đổi mới đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển tại tỉnh Quảng Bình đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Để công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát, sắp xếp lại cơ cấu ngành, nghề giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển trên địa bàn dựa trên chức năng, thế mạnh nhằm giảm thiểu trùng lắp về ngành, nghề giữa các cơ sở đào tạo, đồng thời bảo đảm tính liên thông về ngành, nghề giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đa dạng hóa cơ cấu ngành, nghề, mở ngành, nghề mới phù hợp nhu cầu của địa phương, bám sát định hướng phát triển và dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực biển theo từng giai đoạn.
Thứ hai, xác định rõ các tiêu chuẩn đào tạo cần đạt được (kiến thức, trình độ, kỹ năng...) của mỗi chương trình đào tạo, bậc học, bảo đảm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, nhất là vấn đề sử dụng ngoại ngữ là một yêu cầu quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở để hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy và đầu tư cơ sở vật chất cho phù hợp. Về đội ngũ, cần có chế độ thu hút tri thức, nghệ nhân lành nghề để hình thành đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, giảng dạy cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển.
Thứ ba, chú trọng phối hợp giữa các cơ sở đào tạo trên địa bàn và ở phạm vi cả nước để tận dụng điều kiện về đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất, đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo nhân lực kinh tế biển chất lượng cao, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao(5).
Thứ tư, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tài nguyên và môi trường biển, công ước quốc tế và vấn đề chủ quyền biển, tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học. Các địa phương ven biển cần lồng ghép nội dung phát triển nguồn nhân lực kinh tế biển trong xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng trong việc giáo dục nhận thức, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi việc làm gắn với kinh tế biển cho lao động trên địa bàn.
Thứ năm, cần có cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển, như Trường Đại học Quảng Bình, các trường cao đẳng, trung cấp đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu lao động cho các ngành kinh tế biển; hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập(6)./.
-----------------
(1) Xem: Trần Văn Nam: “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo vùng duyên hải miền Trung”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-9-2012, https://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/17719/dao-tao-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-bien%2C-dao-vung-duyen-hai-mien-trung.aspx/
(2) Xem: Đường Vinh Sường: “Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-12-2014, https://www.tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/30648/giao-duc-dao-tao-voi-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx
(3) Xem: Nguyễn Đức Vượng, Nguyễn Hữu Duy Viễn: “Đổi mới công tác đào tạo của các trường đại học địa phương Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, in trong sách Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế (tập 2), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr. 85 - 91
(4) Xem: Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình: Số liệu niên giám thống kê năm 2020
(5) Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(6) Xem: Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 20-3-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại  (08/04/2024)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á  (31/03/2024)
Phát triển kinh tế biển: Nguồn lực tăng trưởng của tỉnh Khánh Hòa  (15/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển