Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể ở tỉnh Gia Lai hiện nay
TCCS - Những năm qua, tỉnh Gia Lai đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã, tuy nhiên hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cần được tháo gỡ, giải quyết. Thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần linh hoạt thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khoa học nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ và bảo đảm lợi ích của các thành viên, góp phần nâng cao đời sống người dân(1).
Những kết quả đạt được
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển khu vực kinh tế tập thể ngày càng năng động, hiệu quả, bền vững đóng vai trò quan trọng, góp phần kiến tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân trong công cuộc phát triển đất nước(2); mặt khác, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”(3). Theo đó, các tổ chức kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, ngày càng “có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”(4).
Nhìn chung, các hợp tác xã trên toàn quốc đang từng bước hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình; tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; từng bước khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tạo việc làm, giảm chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm,... góp phần cải thiện thu nhập cho người dân(5). Đảng ta xác định mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững đóng vai trò quan trọng, đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tổ chức kinh tế tập thể tham gia các chuỗi liên kết; các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ(6). Dựa trên chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Gia Lai đã tích cực, chủ động nghiên cứu, thực hiện nhiều kế hoạch, nhiệm vụ nhằm phát triển kinh tế tập thể và đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, năm 2023, khu vực kinh tế tập thể thu hút hơn 18 nghìn thành viên (chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn); có 502 tổ hợp tác, 435 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã (với doanh thu bình quân của thành viên đạt 2.805 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 149 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, có 88 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác (trên 20 nghìn hộ nông dân và 61 doanh nghiệp) tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng(7); có 6 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người chăn nuôi; 7 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất (trên tổng số 591 trại liên kết)(8).
Thứ hai, các hợp tác xã tạo động lực để nhiều ngành, nghề, dịch vụ phát triển, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế chung các địa phương, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Một số hợp tác xã, tổ hợp tác tập trung, bố trí ruộng đất sản xuất cho thành viên; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, góp phần hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, việc tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) kéo theo sự thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, dần loại bỏ những phương thức, thói quen cũ lạc hậu, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ để tập trung sản xuất quy mô lớn, theo tiêu chuẩn cao hơn. Hầu hết nông dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác được đào tạo kỹ năng sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 32 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nhà lưới, nhà màng; bảo quản nông sản lạnh nhanh, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi; áp dụng dây chuyền chế biến, đóng gói; sử dụng phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán,... Một số hợp tác xã đạt nhiều kết quả nổi bật khi tiến hành sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng theo hướng hữu cơ(9).
Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, giao thông, trường học, trụ sở, hệ thống thủy lợi (kênh, mương nội đồng), quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm,...; khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều hợp tác xã phát triển sản phẩm đặc trưng theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn từ 3 sao, 4 sao do người dân ở nông thôn, vùng đồng bào DTTS sản xuất(10) gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thứ tư, tập trung xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với hệ thống thủ tục, hành chính thuận tiện; ban hành nhiều văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm đưa nghị quyết, chính sách vào cuộc sống(11). Các văn bản bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và xu hướng phát triển kinh tế tập thể; các sở, ngành, hiệp hội ngành, nghề và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, tổ chức các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của các hợp tác xã đến cộng đồng trong và ngoài nước, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thứ năm, chủ động sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời lồng ghép chính sách phát triển kinh tế tập thể từ nguồn vốn hợp pháp thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch..., cụ thể:
Một là, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ thí điểm đưa 12 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở 6 hợp tác xã nông nghiệp của 6 huyện, thị xã với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.245,97 triệu đồng(12). Tỷ lệ về số lượng và chất lượng đào tạo của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã ngày càng nâng lên, thu hút được nhiều cán bộ trẻ mới ra trường có trình độ cao về làm quản lý hợp tác xã. Tính đến giữa năm 2023, tỉnh Gia Lai có 1.267 cán bộ quản lý hợp tác xã, trong đó có 336 người đạt trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 26,5%); 510 người đạt trình độ sơ cấp, trung cấp (chiếm 40,3%).
Hai là, trên địa bàn tỉnh có 28 hợp tác xã được giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(13) với tổng diện tích khoảng 4.275m2; được thụ hưởng nhiều chính sách, như hỗ trợ về khoa học - công nghệ, thuế, phí,... Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các hợp tác xã được triển khai thực hiện thông qua các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, như nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư,...
Ba là, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các khoản vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã; Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã Trung ương(14), tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm thương mại...), qua đó, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh; đồng thời, quảng bá hình ảnh, văn hóa, thiên nhiên, con người ở địa phương ra bên ngoài.
Những rào cản, thách thức trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay
Thứ nhất, xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp, quy mô nhỏ, kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng bào DTTS cao (chiếm khoảng 46,23% dân số toàn tỉnh); chất lượng nguồn nhân lực các hợp tác xã khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường; đa số cán bộ có trình độ quản lý# và chuyên môn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý hợp tác xã. Mặt khác, phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp; các thành viên, người lao động chủ yếu là nông dân nên còn mang nặng tác phong của nền kinh tế tiểu nông, thiếu kiến thức, kỹ năng, tinh thần và thái độ làm việc của nền sản xuất công nghiệp; còn tình trạng bảo thủ, ngại đổi mới, làm theo kinh nghiệm hơn là kỹ thuật, sáng tạo.
Thứ hai, phần lớn hợp tác xã đều thiếu vốn lưu động đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong khi khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; nhiều hợp tác xã không có nhiều tài sản thế chấp để vay vốn, nên chỉ thành lập mà chưa có kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn; bị động trong xây dựng phương án tổ chức sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến thị trường đầu ra và phát huy được hiệu quả chuỗi giá trị,... kéo theo nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, hình thức, kém hiệu quả, chưa phát huy được năng lực nội tại, thậm chí một số hợp tác xã đã ngừng hoạt động.
Thứ ba, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã dựa trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế, các thành viên trong một số hợp tác xã còn tâm lý e dè, chưa mạnh dạn góp vốn, tài sản để mở rộng sản xuất, kinh doanh, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, do đó chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của tập thể; liên kết giữa các thành viên thiếu chặt chẽ khiến sức mạnh nội lực hạn chế, không đủ năng lực khi “bước chân” ra thị trường rộng hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã còn ít, nội dung nghèo nàn, kém hấp dẫn.
Thứ tư, hoạt động bố trí cán bộ quản lý nhà nước chuyên trách theo dõi các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có nơi, có lúc chưa thường xuyên, liên tục, còn tồn tại những bất cập; công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt, giải quyết khó khăn của các hợp tác xã chưa kịp thời. Mặt khác, công tác tuyên truyền về chính sách, vận động người dân tham gia phong trào phát triển kinh tế tập thể chưa đạt kết quả như mong muốn; vẫn còn một số cán bộ và người dân chưa có kiến thức đầy đủ về bản chất và thật sự tin tưởng vào xu hướng, giá trị lợi ích về chính trị, an sinh và giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ năm, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tuy được ban hành nhiều, nhưng nguồn lực để triển khai còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương và địa phương được cân đối theo quy định; việc tháo gỡ khó khăn, cản trở về vốn, đất đai xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất chế biến của hợp tác xã còn gặp khó khăn do thiếu quy hoạch, chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, số lượng hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và ổn định còn khá khiêm tốn, chưa có sức thu hút, lan tỏa, gây dựng được uy tín bền vững. Một số hợp tác xã hoạt động chưa đúng với bản chất hợp tác xã kiểu mới (quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp), lợi ích đem lại cho các thành viên chưa cao. Nhiều hợp tác xã còn thiếu cơ sở vật chất, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để vay vốn tín dụng, huy động vốn của các thành viên; phương thức hoạt động kinh doanh chưa phù hợp và chưa theo kịp sự phát triển chung của thị trường.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, nghiêm túc thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước(15) về định hướng, ưu đãi, hỗ trợ trong thúc đẩy phát triển thành phần kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao nhận thức, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Triển khai tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể về đào tạo, bồi dưỡng, đưa người lao động trẻ, có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã; xúc tiến thương mại, liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng,...; củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội,...
Thứ hai, trong điều kiện quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng chưa phát triển mạnh, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế, tỉnh cần tiếp tục huy động, tranh thủ mọi nguồn lực, nguồn vốn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức trong và ngoài nước; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua các chương trình, mô hình, dự án nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị; tiếp cận, chuyển giao khoa học - công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản,... nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, khuyến khích các hợp tác xã chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm tiết kiệm và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu vào nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Mặt khác, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý, kỹ năng nghiên cứu phát triển thị trường cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã; đào tạo nghề cho lao động, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người đồng bào DTTS.
Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp, xem xét việc bổ sung vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh; tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương. Chú trọng bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất vào mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trụ sở hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp khác (để xây dựng kho bảo quản nông sản, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến,...) gắn với điều kiện thực tiễn và phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp.
Thứ tư, căn cứ trên cơ sở tình hình thực tế và các quy định pháp luật về lâm nghiệp, đất đai để phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế cho người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; bảo vệ môi trường rừng gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đặc biệt ưu tiên cho người đồng bào DTTS trồng rừng, sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp theo đúng quy định của pháp luật; vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với người dân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư để hỗ trợ về giống, quy trình sản xuất canh tác, thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra,... Tiếp tục khuyến khích, vận động hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân tích tụ tập trung đất đai, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô đủ lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thứ năm, Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần sớm có cơ chế, chính sách ưu tiên về tín dụng cho các hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp để tạo điều kiện mở rộng kênh tín dụng và tăng khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khu vực kinh tế tập thể. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân); chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng tối đa những quy định về ưu đãi tín dụng đối với hợp tác xã, tạo thuận lợi để hợp tác xã được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ thành viên, người lao động hợp tác xã là người đồng bào DTTS(16)./.
-------------------
(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 240
(2) Xem: Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”
(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 129, 129 – 130
(5) Xem: Trần Tuấn Anh: “Thống nhất nhận thức, tập trung nguồn lực đưa kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững”, Tạp chí Cộng sản, số 993 (tháng 7-2022), tr. 28
(6) Xem: Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”
(7) Một số chuỗi liên kết điển hình: 1- Tập đoàn Lộc Trời liên kết chuỗi sản xuất trên 229ha lúa; 2- Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp liên kết chuỗi sản xuất 12 nghìn héc-ta cà phê; 3- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thành Thành Công Gia Lai liên kết chuỗi sản xuất trên 5 nghìn héc-ta mía; 4- Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam liên kết sản xuất trên 10 nghìn héc-ta cà phê; 5- Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Olam tại tỉnh Gia Lai liên kết sản xuất trên 3 nghìn héc-ta điều,...
(8) Ví dụ: 1- Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam có 78 trại (49 trại heo, số lượng 42.800 con; 23 trại gà, số lượng 373.000 con; 6 trại vịt, số lượng 90.000 con); 2- Công ty trách nhiệm hữu hạn Japfa Comfeed Việt Nam có 53 trại gà (số lượng 675.475 con); 3- Công ty trách nhiệm hữu hạn CJ Vina Agri có 15 trại heo (số lượng 32.100 con); 4- Công ty trách nhiệm hữu hạn New Hope có 7 trại heo (số lượng 22.598 con); 5- Công ty Cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà có 6 trại gà (số lượng 115.000 con),...
(9) Tiêu biểu: Sản phẩm hồ tiêu của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tại huyện Đắk Đoa; chanh dây của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm tại huyện Mang Yang; mật ong của Hợp tác xã mật ong Phương Di tại huyện Ia Grai; gạo của Hợp tác xã nông nghiệp Chư A Thai tại huyện Phú Thiện,...
(10) Hiện nay, có khoảng 40 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sở hữu 105 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên
(11) Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 30-5-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh”; Chương trình số 46-CTr/TU, ngày 9-12-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 12-1-2017, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 11-7-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012”; Kế hoạch số 977/KH-UBND, ngày 24-4-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”,...
(12) Quyết định số 488/QĐ-UBND, ngày 22-10-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “ Về ban hành kế hoạch thí điểm đưa tri thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020”; Kế hoạch số 1551/KH-UBND, ngày 22-6-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025”, trong đó có chính sách ưu tiên lao động là người đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn
(13) Có 26/28 hợp tác xã sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng trưng bày và đất thương mại, dịch vụ (với diện tích 90.224,8m2); 1/28 hợp tác xã thuê đất trồng rừng (diện tích 4.172.683m2); 1/28 hợp tác xã thuê đất sản xuất nông nghiệp (diện tích 13.023m2)
(14) Ngoài hệ thống 6 quỹ tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã tỉnh Gia Lai đã được tổ chức lại, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024
(15) Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Luật Hợp tác xã năm 2023; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 25-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2015 - 2020”; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 2-1-2008, của Ban Bí thư, “Về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018, của Chính phủ, “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”,...
(16) Ví dụ: Quy định về hỗ trợ chi phí đào tạo nguồn nhân lực là người đồng bào DTTS; về nhân lực quản lý, kế toán tại chỗ đối với tổ chức kinh tế tập thể ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; về chi phí đào tạo và hỗ trợ lương, phúc lợi,... để thu hút lao động đã qua đào tạo nghề là người đồng bào DTTS tại chỗ, con em thành viên hợp tác xã tại địa phương,...
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI: Kết quả đạt được, vấn đề đặt ra và giải pháp thời gian tới  (29/12/2023)
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI: Kết quả đạt được, vấn đề đặt ra và giải pháp thời gian tới  (29/12/2023)
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới  (29/11/2023)
Tỉnh Vĩnh Long phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể  (10/12/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên