Tỉnh Đắk Lắk: Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai
TCCS - Đắk Lắk là vùng đất khắc ghi nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng của người dân vùng Tây Nguyên; nơi hội tụ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên - Trường Sơn và diễn ra quá trình chuyển giao, tiếp biến với các dòng văn hóa khác của Việt Nam; có vị trí chiến lược trọng yếu trên nhiều phương diện, là động lực phát triển toàn vùng… Kế thừa những tinh hoa, giá trị văn hóa, truyền thống và dựa trên điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, bản sắc trên tinh thần chung “Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!”(1).
Đắk Lắk - vùng đất anh hùng, bất khuất và ẩn chứa những nét độc đáo, hấp dẫn trên mọi phương diện; trường tồn, bền bỉ, sát cánh cùng lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, vùng Tây Nguyên hùng vĩ nói riêng
Tỉnh Đắk Lắk - niềm hào hùng, kiêu hãnh từ truyền thống khai khoang mở cõi, chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất Mẹ thiêng liêng
Ghi chép những sự kiện quá khứ xa xưa về vùng đất Tây Nguyên, sách Đại Nam thực lục viết rõ: Thủy Xá, Hỏa Xá “ở phía trên nước Nam Bàn (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về phía tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam rất cao, vua Thủy ở phía đông núi, vua Hỏa ở phía tây núi”(2); chi tiết hơn, sách thuật lại rằng: “Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa vật phẩm địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến”(3), điều này thể hiện mối quan hệ bang giao giữa vùng Tây Nguyên với người Kinh được diễn ra một cách tự nhiên, tự nguyện. Sau khi đánh tan quân Chiêm Thành, triều đình nhà Lê ban hành một số chính sách nhằm duy trì mối quan hệ với các dân tộc nơi đây, đồng thời thực hiện di dân, lập ấp ở miền núi, thúc đẩy giao thương; tiến cử các vị tù trưởng, tộc trưởng từng vùng đất và tấn phong cho vua Hỏa Xá, Thủy Xá; tạo “vùng đệm” ngăn cách Đại Việt với Chăm-pa, ổn định vùng biên giới phía Nam(4).
Đến thời kỳ trị vì của triều Nguyễn, địa bàn Tây Nguyên - Đắk Lắk được gọi là trấn Man do triều Nguyễn gián tiếp quản lý. Nhận thấy vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự vùng đất này (nằm giữa nước Việt Nam - Đại Nam với Lào, Cao Miên, Xiêm La (Thái Lan)), các vua nhà Nguyễn (nhất là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức,…) thường xuyên cử sứ bộ đi lại giữa hai nước, lập đồn, tiến hành tuần tra, canh phòng biên giới và ngăn chặn sự xâm lược của quân Xiêm(5). Như vậy, vùng đất Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng từ lâu đã được định hình trong tâm thức người Việt, vai trò nơi đây đối với bảo đảm an ninh nước Đại Việt cũng được khẳng định, nhìn nhận từ sớm. Tuy nhiên, thời bấy giờ, đây vẫn là địa bàn xa lạ, có phần bí hiểm với người Kinh, ít ai có điều kiện lui tới bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, lối sống,... Đến năm 1867, thực dân Pháp tổ chức các đoàn thám hiểm tìm cách xâm nhập sâu vào nội địa vùng Tây Nguyên; năm 1899, Pháp ép vua Đồng Khánh trao quyền quản lý trực tiếp nhằm tiến hành chia để trị nơi đây và bắt đầu thực hiện các chính sách thực dân.
Với tinh thần anh hùng, bất khuất, các vị tiểu vương, tù trưởng Tây Nguyên đã cùng đồng bào các dân tộc anh dũng nổi dậy chống lại ách cai trị của quân xâm lược(6). Năm 1904, viên thanh tra Prosper Odend bị vua Hỏa Xá Pô-Át giết chết, nhưng khi viên sĩ quan Vincillionni được cử đến tham chiến, vua Pô-Át bị đánh lui, đánh dấu sự kết thúc vai trò hai tiểu vương Hỏa Xá, Thủy Xá. Tiêu biểu hơn, cuộc nổi dậy của đồng bào Mơ-nông do anh hùng Nơ Trang Lơng lãnh đạo kéo dài tới 23 năm (giai đoạn 1912 - 1935), thu hút nhiều dân tộc cùng tham gia trên địa bàn rộng, khiến quân Pháp phải chịu tổn thất lớn(7). Đặc biệt, thời bấy giờ xuất hiện một số phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp, bất bạo động trong các tầng lớp viên chức, trí thức, học sinh nhằm chống chính sách chia để trị, ngu dân, khinh miệt đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của thực dân Pháp, tiêu biểu là cuộc đấu tranh do hai giáo chức yêu nước người Ê-đê là Y-Jút và Y-Út lãnh đạo (giai đoạn 1925 - 1926).
Vùng đất Đắk Lắk - nền văn hóa đa dạng, thấm đẫm giá trị nhân văn, tính sử thi hào hùng cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ,… là những chất liệu hun đúc nên tinh thần bất khuất, kiên cường, hào phóng mà mộc mạc, bình dị trong đời sống của những người con Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa lâu đời, đa dạng và độc đáo, đặc biệt, nền văn học dân gian ở đây phát triển từ sớm, là món ăn tinh thần thường nhật trong tâm thức người dân, tiêu biểu là các dòng truyện thần thoại, sử thi, truyện cười, cổ tích, ngụ ngôn,…; thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, cách hiểu sâu sắc, những cảm xúc, tâm tư, hoài bão của đồng bào các dân tộc. Nhiều hình ảnh đẹp, tráng lệ trong các bản sử thi hùng tráng, như các bộ (khan), Đăm Săn, Xing Nhã, Dam Di,... (dân tộc Ê-đê), những bộ Nước lụt, Đánh cá hồ Lau Lách, Tiăng bán tượng rỗ,... (dân tộc Mơ-nông),… đã trở thành niềm tự hào, kết tinh trí tuệ của người dân Đắk Lắk - Tây Nguyên; là viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Ngoài ra, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản quý báu của đồng bào các DTTS, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác văn hóa truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại (năm 2005).
Cùng với đó, nhiều nét đẹp đặc sắc, đặc trưng văn hóa nổi tiếng từ các lễ hội, như đâm trâu, đua voi mùa xuân, kiến trúc nhà sàn, nhà rông, nhạc cụ lâu đời (cồng chiêng, đàn đá, đàn Tơ-rưng,…), các bản trường ca Tây Nguyên,... đều thể hiện tâm hồn, trí tuệ và chất chứa tâm tư, nguyện vọng về cuộc đời bình yên của những con người miền núi, rừng chất phác, giản đơn mà phóng khoáng. Tất cả đều được lưu giữ, phát huy, tiếp biến trong mọi thời kỳ, tạo nên sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều mảng màu khác nhau nhưng hài hòa, thống nhất, qua thời gian, dần hình thành một nét độc đáo, tinh tế theo phong cách riêng biệt của Đắk Lắk,… Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam duy trì tình trạng tư tưởng phụ hệ, trọng nam khinh nữ, thì đến nay, ở Đắk Lắk vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ, biểu hiện ở tập tục cưới chồng, đón rể, ở rể và con cái theo họ mẹ, đây là một trong những nét văn hóa cực kỳ ấn tượng.
Tỉnh Đắk Lắk là nơi có cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, hội tụ đầy đủ những yếu tố bình yên, tươi đẹp mà kỳ bí ẩn mình trong núi, rừng Tây Nguyên; điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi về nhiều mặt, như thời tiết ôn hòa, dễ chịu, mát mẻ quanh năm với hai mùa mưa, nắng rõ rệt; nguồn đất đỏ ba-zan màu mỡ, dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bên cạnh đó, nơi đây có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, hấp dẫn dựa vào địa hình tự nhiên với cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ, đa dạng, có đồi, núi xen kẽ các bình nguyên và thung lũng cùng hệ thống thác, ghềnh lớn, ấn tượng, như Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp,… Tất cả đều gắn liền với đời sống tinh thần hằng ngày, đã hóa thân thành giá trị cao đẹp trong tâm thức người dân nơi đây, là động lực sống, cống hiến và bồi đắp nên tình yêu gia đình, buôn làng, quê hương sâu đậm.
Thành phố Buôn Ma thuật - từ vị thế một buôn, làng nhỏ đến vùng đất khởi nguồn tinh hoa hội tụ, đa sắc màu, động lực phát triển vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới
Buôn Ma Thuột vốn có bề dày lịch sử, nhiều tư liệu khẳng định vùng đất đã tồn tại ước chừng khoảng 4.000 năm tuổi; trong ngôn ngữ của người Ê-đê, Buôn Mê Thuật nghĩa là “bản hoặc làng của Ama Thuột”; là vùng đất điểm tựa để dần quy tụ các buôn, làng xung quanh, làm cơ sở phát triển thành thành phố hôm nay. Sau khi hoàn thành việc xâm lược và bình định vùng Tây Nguyên, thực dân Pháp tập trung xây dựng bộ máy cai trị. Năm 1904, Toàn quyền Đông Dương Jean Baptiste Paul Beau ban hành Nghị định thành lập tỉnh Đắk Lắk (đặt dưới quyền hành chính của Khâm sứ Trung kỳ) và trở thành một trong 20 tỉnh Trung kỳ (cũng là một trong 73 tỉnh, thành phố Việt Nam) thời Pháp thuộc; đồng thời tỉnh lỵ được chuyển từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Lúc mới thành lập, dưới cấp tỉnh là các buôn, làng của đồng bào DTTS tại chỗ (chưa có cấp huyện, xã); năm 1930, thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập. Sau năm 1975, Buôn Ma Thuột không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước trở thành đô thị trung tâm tỉnh Đắk Lắk và có vai trò chiến lược trên nhiều phương diện đối với vùng Tây Nguyên cũng như cả nước(8).
Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có diện tích tự nhiên là 377,18km2 (chiếm 2,87% diện tích toàn tỉnh Đắk Lắk), gồm 13 phường, 8 xã; dân số khoảng 381 nghìn người với 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 13,8%(9). Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nơi đây luôn là địa danh thân quen, gần gũi, gợi nhớ về một vùng đất xa xưa chứa đựng biết bao sự biến động, đổi thay trong lịch sử đã đi qua, đồng thời gánh vác, đón nhận những sứ mệnh đặc biệt thời kỳ mới. Dưới tinh thần chung của nhân dân trong nỗ lực quyết tâm phát triển địa phương giàu, mạnh hơn nữa, Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15-11-2022, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột” được ban hành, xác định thành phố là đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được thực hiện thí điểm về cơ chế đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung,…
Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk hòa chung nhịp đập với non sông, gấm vóc Việt Nam; bền bỉ, kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ
Trong giai đoạn bị thực dân Pháp chiếm đóng, do các chính sách lập đồn điền, khai thác thuộc địa, nhiều công nhân làm thuê xuất hiện ở tỉnh Đắk Lắk. Để chống lại sự áp bức, bóc lột, hành hạ tàn bạo của thực dân Pháp, đội ngũ công nhân nơi đây nhiều lần tổ chức đấu tranh chống lại kẻ thù, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của công nhân đồn điền Maillot (năm 1927), đồn điền Rossi, CHPI (năm 1933), cầu đường Buôn Hồ (năm 1935),... Đến năm 1945, sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi của đồn điền CADA ở Buôn Ma Thuột, hàng vạn quần chúng đồng loạt đứng lên ủng hộ ủy ban khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính quyền cách mạng, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và nhân dân làm chủ vận mệnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk hăng hái tham gia củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, chống giặc đói, giặc dốt, thực hiện các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng mà cách mạng mang lại.
Cuối năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa, quân và dân tỉnh Đắk Lắk cùng đồng bào cả nước anh dũng chiến đấu, góp không ít xương máu vào công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tiếp đó, từ năm 1954, tiếp tục sát cánh cùng Tổ quốc, nhân dân tỉnh Đắk Lắk đứng lên chống lại đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Buôn Ma Thuật nổi tiếng bởi hào khí và tinh thần đấu tranh trong những năm 1960, 1970, kết quả là chiến thắng Buôn Ma Thuột lẫy lừng (ngày 10-3-1975) đã “châm ngòi pháo đầu tiên cho Chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975”, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vùng đất Đắk Lắk - Tây Nguyên hùng vĩ là quê hương của nhiều người con ưu tú, chiến sĩ cách mạng kiên cường, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ đất nước, đặc biệt, nhiều người trong số họ may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, như ông Y Ngông Niê Kđăm, anh hùng Núp, Thiếu tướng Y Blôk Êban, cụ Y Bih Alêô,… Các cá nhân từng được gặp Bác Hồ đều có những ấn tượng, kỷ niệm tốt đẹp và luôn ghi nhớ, trân trọng tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên dù Người chưa từng có dịp đến thăm nơi đây, như lời cụ Y Ngông Niê Kđăm kể lại: “Lời Bác nói đến đâu thấm đến đó. Tôi thấy Bác gần gũi với các dân tộc Tây Nguyên quá. Bác như một nhân vật hiện ra từ giấc mơ của các dân tộc Tây Nguyên”(10). Những lần gặp gỡ người con ưu tú đến từ Tây Nguyên, Bác Hồ đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống đồng bào, đặc biệt, Người “nhiệt liệt khen ngợi các anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể đồng bào Tây Nguyên đã dũng cảm chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, phục vụ tiền tuyến, lập công vẻ vang”(11).
Vào ngày 11-4-1978, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thay mặt Đảng, Nhà nước bày tỏ: “Khi còn sống, Bác Hồ vô cùng thương nhớ Tây Nguyên! Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước đánh giá cao sự hy sinh không bờ bến và lòng dũng cảm tuyệt vời của đồng bào Tây Nguyên và đồng bào tỉnh Đắc Lắk. Tổ quốc ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn các liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trên chiến trường Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên”(12).
Kế thừa truyền thống quý báu từ lịch sử, tỉnh Đắk Lắk từng bước vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính vùng Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh; diện tích tự nhiên khoảng hơn 13 nghìn km2; dân số khoảng 1,9 triệu người (năm 2022), trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 36%, với 49 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh). Nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng Tây Nguyên, ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng để hướng tới mục tiêu xây dựng Đắk Lắk sớm trở thành tỉnh “thuộc nhóm phát triển khá của cả nước”(13). Theo thời gian, tỉnh Đắk Lắk thay da đổi thịt từng ngày, khoác lên mình một diện mạo mới, dần trở thành địa phương có thành tựu phát triển đáng khích lệ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên; là điểm đến hấp dẫn cả trong du lịch, nghỉ dưỡng lẫn lập nghiệp, làm ăn của nhân dân mọi miền đất nước, đặc biệt, nhiều người đến sinh sống, quyết định định cư lâu dài qua nhiều thế hệ, gắn bó với mảnh đất Đắk Lắk như quê hương thứ hai. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk thời gian qua được thể hiện rõ ở một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, giai đoạn 2021 - 2023, giá trị tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 172.659 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người đạt 62,2 triệu đồng/người (năm 2023). Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, cơ bản đúng định hướng, từng bước giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được thực hiện hiệu quả, tính đến hết năm 2023, có 78/151 xã (tương ứng 51,66%) đạt chuẩn NTM và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thứ hai, các hoạt động văn hóa, chăm sóc sức khỏe người dân, an sinh xã hội được bảo đảm; chất lượng giáo dục, y tế nâng lên rõ rệt; đặc biệt, hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, nâng cấp, mở rộng. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng được chú trọng đầu tư đồng bộ, hiện đại; công tác xúc tiến, thu hút nguồn lực đầu tư được tích cực thực hiện, nhiều công ty, doanh nghiệp có tiềm năng chủ động tiếp cận, triển khai đầu tư(14). Cùng với đó, hoạt động cải cách hành chính được chú trọng thực hiện; hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo điều hành của bộ máy chính quyền các cấp nâng lên rõ rệt; đồng thời tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm(15).
Thứ ba, công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần mang lại nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, từng bước gắn với vị trí việc làm, chức danh; việc bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19-5-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” nhằm xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người đồng bào DTTS, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, công tác dân vận đạt nhiều nhiều kết quả tích cực; chủ động nắm vững tình hình và kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững mạnh, tinh thần yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong cộng đồng được phát huy. Chính quyền tỉnh nỗ lực tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là ngành du lịch được chú trọng đầu tư, khai thác; thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số,... được thúc đẩy, phát triển.
Một số khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn đời sống đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Lắk vẫn còn những khó khăn, tồn tại, như khoảng cách giàu - nghèo chậm được thu hẹp; sự thụ hưởng lợi ích từ các chính sách chưa đồng đều; tâm lý trông chờ, thụ động, ỷ lại còn tồn tại ở một số đồng bào; ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa ở một bộ phận người dân còn mờ nhạt; cơ sở, chất lượng giáo dục, y tế, an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa có nơi, có lúc chưa được bảo đảm; tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng rõ rệt,... Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc, tranh chấp đất đai vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; đáng chú ý, các thế lực thù địch luôn sẵn sàng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai,… hòng kích động, chống phá(16),…
Tỉnh Đắk Lắk khơi thông nguồn lực sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát triển địa phương ngày càng bền vững, bản sắc trong tương lai
Vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của vùng Tây Nguyên phải được đặc biệt chú trọng trong mọi thời điểm, trong đó, tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung điểm toàn vùng nên có vai trò “then chốt”. Như vậy, phương hướng phát triển tỉnh Đắk Lắk trong tương lai cần được nhìn nhận ở góc độ góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định, toàn diện của đất nước; đồng thời dựa trên những điều kiện sẵn có trong từng bối cảnh cụ thể. Theo đó, thời gian tới, để phát triển tỉnh ngày càng giàu mạnh, bền vững, cần nghiên cứu, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, kiên quyết, kiên trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng(17); trước mắt là hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) nửa nhiệm kỳ còn lại(18), đồng thời, hướng đến năm 2050 phát triển Đắk Lắk “trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống”(19). Theo đó, chính quyền và các dân tộc vùng Tây Nguyên cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tránh để bị các thế lực phản động, thù địch kích động, gây hận thù, gây chia rẽ…; sẵn sàng cùng đồng bào cả nước tương trợ lẫn nhau, nỗ lực vượt qua gian nan, thử thách để xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Thứ hai, tập trung đổi mới mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm thông qua bốn trụ cột tăng trưởng chính: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; thúc đẩy hoạt động nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ - logistics - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, tập trung bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng của văn hóa địa phương (hệ sinh thái đất - nước - rừng). Đáng chú ý, các hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nơi đây phải được tiến hành theo chiến lược lâu dài, lộ trình cụ thể, phương pháp khoa học, phù hợp, đi vào thực chất; không chạy theo phong trào, tránh bệnh hình thức, thành tích; triển khai hiệu quả chính sách duy trì phát triển lực lượng nghệ nhân, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, dân gian; khuyến khích đồng bào DTTS học tập, sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình,…
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ ở địa phương ngày càng năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xứng đáng với khát vọng, trí tuệ, bản lĩnh của người cộng sản vì dân, vì nước; tránh tâm lý sợ sai, sợ mất lòng, đối phó, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu,... Cùng với đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS; tiếp tục nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hỗ trợ đồng bào các DTTS, tạo kế sinh nhai bền vững cho nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh liên kết vùng, giao lưu, hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực, như giáo dục, khoa học, du lịch, nghệ thuật, nông nghiệp,... Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt ở các trường đại học, viên nghiên cứu, như Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên,… hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; gắn quá trình đào tạo với hoạt động thực tập, bắt tay vào công việc thực tế trên tinh thần “lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo”(20); nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đủ sức hấp dẫn nhằm thu hút đội ngũ tri thức, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lược cao về công tác trên địa bàn tỉnh,…
Cuối cùng, phải luôn xác định nhiệm vụ vun đắp, gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc là “chìa khóa” để xây dựng địa phương ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc, cũng là khát khao của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, rằng “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”(21).
-------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Nỗ lực phấn đấu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên”, Tạp chí Cộng sản, số 1.001, tháng 11-2022, tr. 10
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, t. 1, tr. 157
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t. 1, tr. 157
(4) Xem: Nguyễn Văn Đăng: “Vài nét về Thủy xá, Hỏa xá Bắc Tây Nguyên”, Trang Thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Gia Lai, ngày 1-12-2022, https://baotangtinh.gialai.gov.vn/tin-tuc-su-kien/Tin-tong-hop/VAI-NET-VE-THUY-XA,-HOA-XA-O-BAC-TAY-NGUYEN
(5) Xem: “Lịch sử Đắk Lắk”, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, ngày 18-11-2015, https://daklak.gov.vn/vai-dong-lich-su/-/asset_publisher/bDngMUmMrWIw/content/lich-su-ak-lak#
(6) Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh liên tục nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa và đấu tranh vũ trang chống Pháp, như cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao (1890 - 1904), cuộc đấu tranh của N’Trang Gưh (1900 - 1914), cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai (1903 - 1909),…
(7) Xem: Uông Thái Biểu: “Lịch sử lâu đời, truyền thống anh hùng, bất khuất”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 8-11-2022, https://special.nhandan.vn/lich-su-lau-doi/index.html
(8) Xem: “Quá trình hình thành Buôn Ma Thuột - Dak Lak qua các thời kỳ lịch sử”, Cổng Thông tin điện tử Sở Tài chính Đắk Lắk, ngày 4-3-2020, https://sotaichinh.daklak.gov.vn/-/qua-trinh-hinh-thanh-buon-ma-thuot-dak-lak-qua-cac-thoi-ky-lich-su
(9) Anh Dũng - Tuấn Anh: “Đắk Lắk: Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị đáng sống”, Báo điện tử Việt Nam Plus, ngày 9-3-2023, https://www.vietnamplus.vn/dak-lak-xay-dung-buon-ma-thuot-thanh-do-thi-dang-song-post850401.vnp#google_vignette
(10) Nhiều tác giả: Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 160
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 520
(12) Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, t. III (1975-1986), tr. 633
(13) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(14) Xem: Phạm Ngọc Nghị: “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk sau nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2020 - 2025): Thành tựu, hạn chế và phương hướng, giải pháp thời gian tới”, Tạp chí Cộng sản, số 1.028 (tháng 12-2023), tr. 91
(15) Xem: Nguyễn Đình Trung: “Tỉnh Đắk Lắk: Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tạp chí Cộng sản, số 1.026 (tháng 11-2023), tr. 77
(16) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(17) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15-11-2022, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”; Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30-12-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”,…
(18) Nghị quyết cũng xác định định hướng: Đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk “cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; đến năm 2045, phát triển tỉnh thành một “trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Bảo đảm đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước”…
(19) Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30-12-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”,…
(20) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 138
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 249 - 250
Triển khai quyết định kiểm tra công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk  (25/04/2024)
Đảng Cộng sản Việt Nam và niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc  (08/03/2024)
Phát huy các giá trị truyền thống Quảng Ninh, tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045  (28/12/2023)
Tỉnh Đắk Lắk: Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  (22/12/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay