Trong hai ngày 24 và 25-6, Trung tâm phòng chống ngập phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị, từ đó tìm giải pháp chống ngập lụt đô thị trước sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.
 
Đánh giá về tình hình ngập lụt đô thị tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và các nhà quản lý cho rằng, những diễn biến bất thường về lượng mưa thời gian qua do biến đổi khí hậu đã làm quá tải hệ thống thoát nước của thành phố. Hàng trăm điểm ngập nặng mới phát sinh trong khi khả năng chống ngập của địa phương còn hạn chế.

Tiến sĩ Hồ Long Phi, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cùng một số chuyên gia của Hội thủy lực quốc tế chia sẻ những bất cập về số liệu đã và đang làm nhiều công trình, dự án chống ngập tại một số đô thị của Việt Nam không còn phù hợp với những diễn biến mới của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, hiện tượng đảo nhiệt đô thị đã làm cho lượng mưa tại TP Hồ Chí Minh trong 20 năm gần đây tăng 16ml, với mức bình quân 0,8ml/năm. Hiện tượng gia tăng đột ngột về lượng mưa đã gây ra những biến đổi phức tạp của chu kỳ ngập lụt, trong khi đó, hệ thống thoát nước cũ được thiết kế theo các tiêu chí cũ đã bị quá tải.

Theo kịch bản, nước biển dâng cao trong 50 năm tới thì phần lớn người dân các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long sẽ “chạy” về TP Hồ Chí Minh, trong khi đến 2020, toàn bộ khu vực trũng thấp của địa phương sẽ bị đô thị hóa toàn bộ. Vì vậy, cần phải có cách nhìn nhận mới để thiết kế những công trình chống ngập phù hợp. UBND TP Hồ Chí Minh đang kỳ vọng các nhà khoa học, chuyên gia chống ngập thông qua hội thảo này sẽ đưa ra được lời giải cho việc chống ngập lụt đô thị trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
Nhìn nhận thẳng thắn về chất lượng và khả năng tiêu thoát nước của những dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn thành phố, nhiều nhà khoa học cảnh báo về sự bất khả thi của những công trình nghìn tỷ này. Dẫn chứng về dự án cải tạo môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với vốn đầu tư hơn 220 triệu USD đã hoàn thành gần 80%, các đại biểu cho rằng dự án này nếu không có phần cống ngăn triều phía cuối kênh Nhiêu Lộc thì hiện tượng ngập úng nội thành vẫn không khắc phục được. Phạm vi ngập sẽ là 230 ha trong điều kiện triều cường. Diện tích ngập sẽ tăng lên 900ha nếu mưa bất thường với lưu lượng 200ml xảy ra.

Đây là điều cần cảnh báo vì chỉ trong đầu năm 2009, đã có hai trận mưa bất thường với lưu lượng đo được xấp xỉ 150ml xảy ra. Đặc biệt, một số ý kiến trong ngày đầu của hội thảo đã đề nghị phải nhìn nhận lại hiệu quả của các dự án chống ngập trị giá 1 tỷ USD là vốn ODA để giảm ngập cho 100 khu vực tại thành phố trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu.