Giá trị ba di sản tiêu biểu của không gian văn hóa Đông Bắc - Quảng Ninh với quá khứ, hiện tại và tương lai
TCCS - Trong lịch sử Việt Nam, vùng Đông Bắc - Quảng Ninh luôn là địa bàn có vị thế địa - chiến lược, địa - kinh tế quan trọng. Nằm ở địa đầu của Tổ quốc, Quảng Ninh có tiềm năng về văn hóa và hiện đang sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa phong phú có giá trị nổi bật. Kho tàng di sản văn hóa đa dạng của Quảng Ninh gồm văn hóa vùng biên, văn hóa biển và văn hóa tâm linh - Phật giáo... Ba nguồn tài nguyên đồng thời cũng là ba di sản văn hóa tiêu biểu này tạo thành phức thể văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa Đông Bắc - Quảng Ninh, là điểm tựa, động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc từ trong lịch sử đến hiện đại.
Di sản văn hóa vùng biên - hình thành những ứng xử văn minh với môi trường kinh tế, văn hóa khu vực.
Khác với các tỉnh biên giới phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn..., Quảng Ninh có chung biên giới cả trên đất liền và trên biển với các tỉnh vùng Đông Nam Trung Quốc. Vị thế địa - chiến lược đó vừa là thế mạnh, vừa là thách thức với Quảng Ninh trong việc xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển.
Trong lịch sử, cư dân Đông Bắc - Quảng Ninh là những người thường xuyên phải đối chọi với những biến đổi, thách thức của môi trường chính trị khu vực, quốc tế. Do có chung biên giới trên đất liền và trên biển với đế chế phương Bắc, nên hầu như tất cả các cuộc tiến công bằng đường thủy tràn xuống phương Nam của đế chế này đều đi qua vùng biên giới, biển đảo Đông Bắc - Quảng Ninh. Địa thế tự nhiên, đời sống xã hội, môi trường chính trị đã vun bồi nên những đặc trưng văn hóa, góp phần tôi rèn cư dân vùng Đông Bắc - Quảng Ninh những phẩm cách, bản sắc văn hóa độc đáo, kiên cường, bộc trực, giàu bản lĩnh, năng động và thực tế. Trải qua bao thăng trầm, họ là những người am hiểu sâu sắc môi trường sống, không gian sinh tồn của mình. Cư dân Đông Bắc - Quảng Ninh là những người có vốn tri thức sâu, phong phú về đặc tính tự nhiên của từng miền đất, ngọn núi, con sông và luồng lạch trên biển. Họ cũng là những người thành thạo các nghề khai thác rừng, làm nông, phát triển thủ công, làm muối và các ngành kinh tế biển.
Với các hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa và qua những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, người Quảng Ninh luôn thấu hiểu tâm tính, đặc trưng văn hóa và có thể ứng xử linh hoạt với quốc gia láng giềng.
Thăng Long - Đông Bắc (Vân Đồn) không chỉ là trục kinh tế đối ngoại quan trọng nhất, mà từ trong lịch sử đã là con đường kết nối ngoại giao, văn hóa, giữ vị trí quan trọng hàng đầu, là nơi bảo vệ cho kinh đô Thăng Long và đất nước trong nhiều thời kỳ lịch sử. Có thể thấy, không gian văn hóa Đông Bắc là nơi khởi nguồn của nhiều chủ trương lớn kiến dựng, mở mang bờ cõi đất nước và là không gian sáng tạo nên nhiều di sản văn hóa đặc sắc.
Trong chiến lược phát triển của nhiều triều đại, cùng với các biện pháp về chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, kinh tế..., văn hóa luôn được coi là nhân tố quan trọng tạo dựng bản lĩnh, bản sắc dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền, nền độc lập cho dân tộc. Tính chất phên giậu, tính chất chính trị trong văn hóa, tính dân tộc đặc sắc trong văn hóa là tiêu điểm, giá trị cốt yếu tạo nên văn hóa vùng biên. Những nét văn hóa này thể hiện trong mỗi con người, qua hành vi ứng xử trong các hoạt động kinh tế, ngoại giao... và tạo nên kháng lực, trở thành bức trường thành vững chắc, một sức mạnh mềm ở vùng biên cương Đông Bắc; có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, đặc quyền kinh tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Di sản văn hóa biển đảo - nguồn cội hình thành tư duy hướng biển, văn hóa biển, kinh tế biển với tầm nhìn khu vực và quốc tế
Quảng Ninh có cơ tầng văn hóa biển phong phú với nền văn hóa Hạ Long nổi tiếng. Ngày nay, khi đến thăm Hạ Long, Bái Tử Long, nhiều người mới chỉ biết đây là một vùng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà chưa biết (hay chưa biết nhiều, biết sâu) về cơ tầng văn hóa biển của Quảng Ninh, về không gian tự nhiên - văn hóa Đông Bắc - Quảng Ninh đã được hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử và có những đóng góp sáng tạo, độc đáo cho văn hóa Việt Nam, châu Á và thế giới.
Nói đến văn hóa Quảng Ninh trước đây cũng như hiện nay, phải chú ý đến văn hóa biển, tính chất đại dương trong truyền thống văn hóa. Yếu tố sông nước, biển cả và đại dương không chỉ thấm đượm trong nếp sống, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động quản lý văn hóa của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Các cộng đồng cư dân hòa nhập với môi trường rộng lớn mênh mông của biển, gắn bó với biển vì biển đem lại nguồn sống. Mặt khác, họ cũng phải liên tục đương đầu với những biến đổi bất thường của biển với bao thách thức, hiểm nguy. Do vậy, cảm thức về biển là một cảm thức phức hợp. Sự hiện diện của hệ thống Thần biển trong di sản văn hóa Quảng Ninh không chỉ là quá trình tôn vinh, huyền thoại hóa những nguồn lực văn hóa nội tại, mà còn là kết quả của quá trình thâu nhận, hội giao văn hóa với các quốc gia cũng có truyền thống khai thác biển và sống dựa vào biển. Bởi vậy, nếu hiểu văn hóa là môi trường sống mà trong đó con người không ngừng thích nghi và biến đổi thì tính biển đảo cần được xem là một đặc trưng của văn hóa khu vực này.
Trong lịch sử, vùng Đông Bắc - Quảng Ninh luôn là một trong những địa bàn tiếp giao và hơn thế, là địa bàn đối thoại, đối diện, đồng thời cũng là nơi diễn ra những tiếp biến, giao lưu văn hóa của các nước trong khu vực. Đến nay, Quảng Ninh có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn), Hát nhà tơ (còn gọi là hát Cửa đình, thành phố Móng Cái), Hát then (huyện Bình Liêu), Lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên) và Lễ hội đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả). Như vậy, ngoài di sản Hát then của đồng bào Tày huyện Bình Liêu, Hát nhà tơ (thành phố Móng Cái), đa số lễ hội lớn ở Quảng Ninh đều gắn liền với biển và không gian văn hóa biển đảo.
Cư dân vùng biển đảo Đông Bắc - Quảng Ninh có tri thức về biển, từ hiểu biết sâu về chế độ gió mùa; về quy luật thủy triều, các dòng hải lưu và luồng lạch trên biển; về thuyền và kỹ thuật đóng thuyền; về các vùng, luồng cá và thời gian đánh bắt cá, làm muối; về các phương thức chế biến thủy, hải sản và văn hóa ẩm thực biển; về đời sống tâm lý, tâm linh của cư dân biển và hệ thống di tích đền, miếu thờ các vị thần biển; về văn hóa biển (thi ca, hò vè, hát đối trên biển...); về các mối quan hệ xã hội và ứng đối của con người với biển khơi... Đó là các di sản văn hóa biển tiêu biểu của Quảng Ninh được hình thành sớm trong lịch sử và không ngừng được bổ sung, sáng tạo qua các thời kỳ.
Quảng Ninh là tỉnh có đường biển dài, không gian biển rộng lớn, có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế biển, giao thương biển, dịch vụ biển và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp… Quảng Ninh đã khai thác được nhiều ưu thế trong quá trình thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Đặc tính phát triển văn hóa của vùng Đông Bắc - Quảng Ninh từ sớm đã thể hiện rõ tư duy hướng biển, tính chất biển với tầm nhìn khu vực và quốc tế. Thương cảng quốc tế Vân Đồn là điểm đến, trung tâm chuyển giao kinh tế của các thương nhân Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Nam Á và đến thế kỷ XVII - XVIII là cả sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh tế châu Âu. Ngày nay, việc tập trung phát triển kinh tế biển xanh, khoa học và công nghệ cao, du lịch và dịch vụ biển,… đang là hướng đi đúng, khai thác được thế mạnh của Quảng Ninh.
Hiện nay, Quảng Ninh đã có 5 di tích quốc gia đặc biệt, cùng với hệ thống hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa phân bố trên địa bàn tỉnh, nên văn hóa biển được coi là điểm nhấn, thế mạnh, là nguồn tài nguyên vô giá trong tư duy phát triển của Quảng Ninh.
Di sản văn hóa Phật giáo Thiền Trúc Lâm - hình thành văn hóa khoan dung, nhân ái, uyên bác
Phật giáo thời Trần gắn với sứ mệnh dân tộc, với sự mất còn, tồn vong của giống nòi, đất nước. Phật giáo góp phần đoàn kết dân tộc trước, trong và sau chiến tranh. Đạo Phật thời Trần gắn với đời, dẫn dắt đời, hòa quyện với đời và cũng là đời. Trong ý nghĩa đó, sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm thể hiện sự trưởng thành của ý thức dân tộc; sự tự tin, tinh thần sáng tạo của văn hóa dân tộc. Đó là quá trình hợp luyện với các giá trị truyền thống, xây dựng một tâm thế mới, khẳng định cốt cách, giá trị mới để từ đó đem lại sinh lực mới cho sự phát triển của dân tộc. Đặc tính căn bản của dòng phái này là sự khoan hòa, có năng lực nhập thế cao và tinh thần dân tộc sâu sắc. Nói cách khác, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã chuyển hoá thành công một trong những triết lý căn bản của Phật giáo từ vô vi xuất thế sang nhập thế hữu vi, đồng thời đưa quan niệm này thành giá trị chung, hòa với dòng chảy của văn hóa - tín ngưỡng - tâm thức dân tộc để trở thành tinh hoa của Thiền Việt và văn hóa dân tộc.
Tinh thần và chủ trương nhập thế đó được thể hiện trong rất nhiều hành vi và thế ứng xử của nhà vua, quý tộc thời Trần. Điều đó lý giải vì sao khi đất nước phải đương đầu với giặc ngoại xâm, các nhà tu hành, thiền gia đều sẵn sàng ra trận, thậm chí sẵn sàng đứng trên tuyến đầu chống giặc. Bởi lẽ, nhập thế chính là để cứu đời, để ngăn chặn cái ác, làm điều thiện.
Phật giáo thời Trần có tính nhập thế cao, do vậy, cũng hết sức năng động. Tinh thần khoan dung và tự do chi phối tư tưởng thời Trần và đạt đến độ khoáng đạt, dung hợp cao so với thời Lý. Hầu hết các vua, quý tộc thời Trần đều là những người ham học và có tri thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Sinh thành từ vùng hạ châu thổ, dòng họ Trần đã tiến về Thăng Long và đã hội nhập mau chóng với môi trường văn hóa, nguồn lực tri thức dân tộc cùng nhiều giá trị văn hóa khu vực ngưng kết ở đất kinh kỳ. Do vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, những người gánh vác trọng trách trước dân tộc, hầu hết đều là các quý tộc - trí thức thông hiểu Tam giáo. Tư tưởng thân dân, coi trọng vai trò, cuộc sống của nhân dân cũng được trải nghiệm, đúc rút từ chính thực tế đó.
Có thể coi việc lựa chọn và tôn vinh Phật giáo là một chủ trương lớn, thể hiện sự nhạy cảm trong tư duy chính trị, văn hóa của nhà Trần trước sự uy hiếp của các đế chế khu vực. Phật giáo nhà Trần là một Phật giáo Việt Nam và là một bình diện văn hóa mới trong lịch sử văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần và khát vọng dân tộc. Sức mạnh quật cường được tôi luyện qua mười thế kỷ Bắc thuộc cùng khí thế đi lên của một dân tộc đã giành lại được nền độc lập gần ba thế kỷ đã dồn tụ, hun đúc để tạo nên một Phật giáo Thiền Trúc Lâm kết tụ hồn khí của dân tộc thời Trần.
Với sự xuất hiện của Thiền Trúc Lâm, tinh thần dân tộc đã in dấu lên toàn bộ hình thái ý thức của vương triều Trần và nhiều triều đại sau đó. Lập một thiền phái riêng, chấm dứt mối liên hệ với các dòng phái vốn du nhập từ Trung Quốc, rõ ràng, là một biểu hiện của tinh thần dân tộc. Tinh thần từ bi Phật giáo nhìn chung đều muốn cứu vớt con người, còn tư tưởng “thân dân” thời Trần thì muốn giảm nhẹ sự đau khổ của con người. “Khoan thư sức dân” là có ý nghĩa đó. Thiền Trúc Lâm đã khắc họa chủ nghĩa “dân ái” lên cái nền “nhân ái” của Phật giáo. Rõ ràng, ý thức dân tộc và tư tưởng thân dân của giới quý tộc Trần, có mạch nguồn từ các cuộc chiến tranh giữ nước, đã làm cho Thiền Trúc Lâm trở thành Thiền nhập thế. Triều Trần thành lập, cùng với các chiến công giữ nước, đã đem lại những sinh lực mới cho Phật giáo. Như vậy, suy cho cùng, giá trị văn hóa ở Thiền Trúc Lâm không thuộc về tôn giáo, mà thuộc về dân tộc.
Do vị thế địa lý và các tác nhân chính trị, kinh tế, văn hóa..., vùng Đông Bắc - Quảng Ninh luôn là địa bàn tiếp giao, thâm nhập, định cư của nhiều lớp người, nhiều dòng văn hóa. Có thể thấy, trong con người và văn hóa Đông Bắc - Quảng Ninh đã dần hình thành bốn đặc trưng tiêu biểu: Chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong máu thịt, tính cách con người; chất khoan dung, nhân ái, uyên bác, giàu năng lực sáng tạo của truyền thống văn hóa Phật giáo; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống, phẩm chất của các thế hệ cư dân vùng địa đầu; chất trí tuệ, giàu năng lực phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên trong tâm thức văn hóa của các cộng đồng dân cư sinh sống, làm chủ cả một dải văn hóa vùng biên. Nhờ những đặc trưng, nguồn vốn, tài nguyên văn hóa đó mà người Đông Bắc - Quảng Ninh cùng với cả nước đã kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc vùng biên cương, biển đảo; luôn giữ vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Là những bích ngọc, mã não trong hành trang phát triển, văn hóa đã và đang thực sự là xe thuyền chở chúng ta trên con đường ngàn dặm. Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Quảng Ninh luôn coi trọng và nỗ lực phát huy hiệu quả giá trị các nguồn tài nguyên văn hóa trên hành trình hội nhập với khu vực, thế giới, bởi đó là nguồn tài nguyên đa giá trị và có thể tái tạo, để trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo triết lý phát triển nhanh, xanh, bền vững. Các di sản văn hóa của Quảng Ninh, trong đó có ba di sản văn hóa tiêu biểu trên, cùng với văn hóa công nhân mỏ, gắn với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, được coi là sức mạnh mềm, góp phần tích cực xây dựng nguồn lực, định diện bản sắc dân tộc, tạo dựng môi trường xã hội văn minh, kiến tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân Quảng Ninh và cả nước./.
Bài học về “Dân tin - Đảng cử” trong triển khai thành công mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” ở tỉnh Quảng Ninh  (29/12/2020)
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô  (27/11/2020)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (20/10/2020)
Hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta hiện nay  (20/08/2020)
Đảng bộ Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (12/07/2020)
Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Ninh  (22/03/2020)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay