Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội
TCCS - Ngày 28-9-2020, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội”.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập, Phó Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có ngài Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, quận, huyện của Hà Nội, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn, là “nơi lắng hồn núi sông” ngàn năm, là “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Trải qua 1.010 năm lịch sử, Hà Nội đã tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, dựng xây được di sản văn hóa đồ sộ, đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đây là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng và vô cùng giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay, nhất là khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) và trong hành trình vươn tầm trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á. Đồng chí cũng nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn để phát huy nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản khẳng định, sự hình thành nên cấu trúc, chức năng đô thị luôn in đậm dấu ấn của trí óc và bàn tay con người mà trước nhất là thông qua quy hoạch và kiến trúc không gian đô thị, tổ chức đô thị. Nói đến thành phố sáng tạo còn đòi hỏi cao hơn, tinh tế hơn để sáng tạo nên những không gian, chức năng hoàn toàn mới chưa có tiền lệ và thông lệ, mang sắc thái riêng có của mỗi đô thị, phản ánh cả triết lý, nghệ thuật, mỹ cảm và cả khả năng vốn hóa, thương phẩm hóa, dựa trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi phát triển kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo là hướng lựa chọn của nhiều quốc gia, văn hóa không chỉ được quan niệm là phúc lợi công cộng, là thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế mà tham dự ngày càng sâu vào cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, là nguồn lực đầu vào được chuyển hóa vào sản xuất vật chất, được thương phẩm hóa trên thị trường, chi phối đến đầu ra khi nâng cao giá trị trao đổi, giá trị tiêu dùng của con người có xu hướng ngày càng coi trọng hơn thụ hưởng giá trị văn hóa. Và với Thủ đô Hà Nội, nguồn lực cốt lõi cho phát triển thành phố sáng tạo chính là nguồn lực văn hóa, con người gắn với vị trí địa lý, bản sắc của Thăng Long - Hà Nội.
Gần 100 tham luận và 12 ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau:
Một là, tập trung nhận diện, đánh giá đầy đủ, làm rõ đặc trưng nguồn lực văn hóa của Thủ đô, nhất là khả năng, xu hướng tham dự, đóng góp vào xây dựng thành phố sáng tạo. Với vai trò là trung tâm lớn về văn hóa của đất nước, các giá trị lịch sử - văn hóa nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội trở thành biểu tượng của văn hóa đất nước với cả văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, cả các loại hình văn hóa trên mặt đất và các tầng văn hóa khảo cổ dưới lòng đất, cả không gian thiêng và không gian phàm… Với vai trò là trung tâm lớn về giáo dục, khoa học - công nghệ, trên địa bàn Hà Nội tập trung mật độ lớn các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn, là nơi hội tụ phần lớn nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân lớn, lao động chất lượng cao… Đây là lực lượng giàu sức sáng tạo, có khả năng phát huy các nguồn lực văn hóa, tham dự sâu rộng vào tiến trình xây dựng đô thị sáng tạo. Tuy nhiên, lực lượng này cũng cần được nhận diện, đánh giá đầy đủ và có cơ chế huy động, sử dụng, phát huy hợp lý, hiệu quả.
Hai là, tư duy, cách tiếp cận mới về nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “thành phố sáng tạo” phải gắn liền với tư duy, cách tiếp cận mới khi các tài sản vô hình ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế mỗi đô thị, mỗi doanh nghiệp, như tài sản hình thành từ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản định giá thương hiệu, tài sản hình thành từ chuỗi giá trị, từ quy trình sản xuất, tài sản hình thành trong tương lai...
Ba là, nhận diện đặc điểm thành phố sáng tạo, thương hiệu sáng tạo áp dụng cho Hà Nội gắn với định hướng sử dụng, khai thác nguồn lực văn hóa. Thành phố sáng tạo, thương hiệu sáng tạo là xu hướng phổ biến của những quốc gia muốn nâng cao sức cạnh tranh đô thị và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, nhất là các quốc gia có quá trình đô thị hóa lâu đời, có cơ cấu kinh tế dựa trên công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo.
Xác định những điều kiện, lợi thế của Hà Nội trong xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thành phố sáng tạo. Phân tích dưới nhiều chiều cạnh từng loại nguồn lực văn hóa Hà Nội để thấy những điểm mạnh để kế thừa, phát huy và những điểm yếu cần khắc phục, những thách thức cần phải vượt qua.
Bốn là, những mô hình mới, cách làm sáng tạo, tìm tòi của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, sáng kiến cá nhân,… của Hà Nội.
Thực tiễn Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, như khởi nghiệp các doanh nghiệp khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, thương hiệu làng nghề, kết nối với mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới, giáo dục STEM, vụn ART, con đường di sản, từ ký ức đến ý tưởng về không gian sáng tạo để làm sống lại các dòng sông cổ… Hà Nội cũng đã tham chiếu một số kinh nghiệm quốc tế để bổ sung, phát triển, hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo trong quá trình xây dựng thành phố sáng tạo, thương hiệu sáng tạo của Thủ đô.
Năm là, chỉ ra những cơ chế, phương thức khai thông, phát huy nguồn lực văn hóa cho xây dựng thành phố sáng tạo. Cụ thể là: cơ chế thị trường, tức vốn hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực đầu vào cho sản xuất vật chất gắn với phát triển kinh tế sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, phát triển cụm ngành du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cơ chế phi thị trường, tức bằng vai trò của nhà nước, của giáo dục, của truyền thông, của mạng lưới xã hội, của thể chế xã hội, của đạo đức… để giải quyết các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa thương mại hóa với duy trì các phúc lợi công cộng về văn hóa, giữa phát triển các dịch vụ văn hóa với giữ gìn các giá trị của văn hóa…
Sáu là, thảo luận những kiến nghị, đề xuất và hàm ý chính sách ở cả tầm quan điểm, chủ trương và chính sách đô thị của Hà Nội, những hiến kế để Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo xứng tầm khu vực mà ở đó các nguồn lực văn hóa được khai thông, phát huy đúng hướng. Một số giải pháp được đề cập, như giải pháp về thể chế, trước hết là quy hoạch phát triển thành phố sáng tạo, hoàn thiện thể chế, chính sách đô thị; phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với bảo hộ quyền tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai; phát triển nguồn nhân lực ngay từ các bậc học nền tảng đến định hướng nghề nghiệp kinh tế sáng tạo; hội nhập quốc tế về phát triển thành phố sáng tạo... Rà soát, đánh giá lại và có cơ chế đột phá phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy khởi nghiệp, cơ cấu lại các ngành, nghề truyền thống, phát triển cụm ngành du lịch lấy du lịch thông minh làm chủ đạo. Xác định rõ trách nhiệm các chủ thể từ chính quyền thành phố, doanh nghiệp, các định chế xã hội và người dân, đến các đơn vị sự nghiệp; tính liên thông giữa khu vực công và khu vực tư, giữa nguồn lực trong nước và quốc tế… để phát huy có hiệu quả tài nguyên văn hóa Thủ đô và phát triển thành phố sáng tạo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chíNgô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến sâu sắc, quý báu từ các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý và kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những nội dung trên cần tiếp tục được giải mã, chắt lọc cũng như cần phải được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, thấu đáo để chuyển hóa vào thực tiễn tổ chức khai thông, biến tiềm năng thành động năng, chuyển từ khai thác nguồn lực văn hóa theo lối “quảng canh” sang khai thác một cách chuyên nghiệp phục vụ hiệu quả cho chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam cũng như kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á, nâng cao "sức mạnh mềm" Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, các tham luận của hội thảo là nguồn bài viết có chất lượng cao sẽ được Tạp chí Cộng sản chọn lọc và đăng tải trên Tạp chí Cộng sản và xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi bằng nhiều hình thức để lan tỏa tinh thần và những nội dung của Hội thảo đến đông đảo độc giả./.
Cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân: Những điểm sáng từ thực tiễn Hà Nội  (26/09/2020)
Thành phố Hà Nội đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội  (23/09/2020)
Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội  (20/09/2020)
Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối  (18/09/2020)
Hà Nội phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới  (10/09/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển