TCCSĐT - Ngày 21-5, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Hội thảo “Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 - 2025”.

Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ, VNPT, Lãnh sự quán Singapore tại thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên Hiệp hội Đô thị Việt Nam, các chuyên gia của nhiều trường đại học trong nước và đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: Khoảng 10 năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của thành phố Cần Thơ diễn ra nhanh chóng, kết cấu hạ tầng đô thị dần được đầu tư đồng bộ, tạo nên những điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội. Song, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa thành phố đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như: tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông; công tác quản lý dân cư, bảo đảm các dịch vụ thiết yếu (nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước,...) vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ và phù hợp với xu thế của thế giới. Chủ tịch Võ Thành Thống đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận 03 nội dung: quy hoạch xây dựng đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và cung cấp các tiện ích đô thị thông minh. Những nội dung này giúp lãnh đạo thành phố có thêm cơ sở nghiên cứu, đề ra những giải pháp để xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TQ, ngày 14-8-2017, của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025.

Trình bày tham luận “Giới thiệu tổng quan về xây dựng thành phố thông minh đáp ứng các chỉ số an ninh, an sinh và an toàn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS.TS, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thành viên sáng lập xây dựng chỉ số quản lý đô thị thế giới, nhấn mạnh: Thành phố (đô thị) thông minh (Smart City) là một trong những lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố thông minh “là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ tích hợp kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, chủ đạo là hệ tư duy hệ thống; phương tiện sử dụng là công nghệ thông tin và truyền thông; mục tiêu xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh, thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư; tiêu chí đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế, xã hội, môi trường.

Theo PGS.TS, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, một thành phố sẽ trở thành thành phố thông minh khi: (1) Tập trung ưu tiên đầu tư vào giáo dục thông minh để tạo nhân lực chất lượng cao, công dân thông minh; đầu tư vào hạ tầng thông minh để tạo sự di chuyển thông minh; đầu tư vào kết nối thông minh để tạo nền tảng cho điều khiển hệ thông minh thực - ảo; (2) Cải thiện môi trường đầu tư tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, chất lượng cuộc sống cao; quản lý tốt việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiêu chí đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn.

Đề cập đến các đặc trưng của đô thị thông minh, GS. Hồ Tú Bảo, Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng thí nghiệm về khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) nêu 06 đặc trưng: Thứ nhất, đời sống thông minh (y tế, giáo dục tốt, xã hội an toàn, có văn hóa, nghệ thuật, thể thao phát triển,…); thứ hai, môi trường thông minh (nhà cửa sạch đẹp, nguồn nước - không khí không ô nhiễm, thích ứng rủi ro); thứ ba, lưu thông thông minh (đi lại thuận tiện, dễ dàng, giao thông không chất thải, hạ tầng công nghệ thông tin tốt), thứ tư, xã hội thông minh (xã hội dân sự thanh bình, nhiều cơ hội phát triển, con người gắn bó với nhau); thứ năm, kinh tế thông minh (kinh tế tri thức, hiệu quả cao, dễ kinh doanh, có văn hóa sáng tạo, môi trường khởi nghiệp tốt); thứ sáu, chính quyền thông minh (dịch vụ hành chính điện tử, dữ liệu mở, công khai, minh bạch,…). Trên cơ sở những đặc trưng đó, GS Hồ Tú Bảo khuyến nghị: Xây dựng đô thị thông minh cần gắn với các yếu tố của thời chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng số là nhân tố thiết yếu của đô thị thông minh; đô thị thông minh cần khoa học và công nghệ số thông minh: khoa học dữ liệu.

Giới thiệu tổng quan Đề án triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TQ của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ Dương Thế Dũng nhấn mạnh 3 lợi ích mà đề án hướng đến. Đối với người dân: dễ dàng tương tác thông tin, dễ dàng tham gia giám sát quản lý đô thị, thụ hưởng các dịch vụ công thuận lợi nhất. Đối với doanh nghiệp: thuận lợi khai thác thông tin từ chính quyền để phục vụ kinh doanh, đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ mới cho đô thị. Đối với chính quyền: ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thông qua các công cụ dự báo, hỗ trợ, ra quyết định; tăng cường trách nhiệm giải trình với người dân, doanh nghiệp.

Qua thảo luận, phân tích các yếu tố mang tính đặc thù của thành phố đặc thù của thành phố Cần Thơ - thành phố trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long - Hội thảo nhất trí khuyến nghị lãnh đạo thành phố cần chú trọng thực hiện đầy đủ các bước xây dựng thành phố thông minh. Đó là: xác định nội hàm thành phố thông minh; xây dựng các mục tiêu: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển; xây dựng bộ chỉ số đánh giá đô thị thông minh; lựa chọn chỉ số ưu tiên (an ninh, an sinh, an toàn); xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, thúc đẩy kinh tế chia sẻ tạo sinh kế đô thị; xác định điểm đòn bẩy; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các dự án đô thị thông minh; chứng nhận của các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế; giám sát, kiểm tra, đánh giá - điều chỉnh./.