TCCSĐT - Theo các báo cáo về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu, phá rừng để canh tác là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với thiên nhiên. Sự đa dạng sinh học đang tiếp tục suy giảm ở tất cả các khu vực trên thế giới và xu hướng giảm đáng báo động này đang đe dọa chất lượng cuộc sống của con người.

Những báo động về tình trạng suy thoái sự đa dạng sinh học trên thế giới

 
 Suy thoái sinh thái nghiêm trọng. Ảnh: climateactionprogramme.org

Trên toàn thế giới, số lượng động thực vật trong diện đe dọa đang cao hơn bao giờ hết. Đến năm 2100, hơn 50% số loài chim và động vật có vú tại châu Phi có thể sẽ biến mất hoàn toàn vì biến đổi khí hậu. Tình trạng ô nhiễm đang diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại châu Á khi đây là châu lục tập trung tới 8/10 con sông ô nhiễm rác thải nhựa nặng nề nhất trên thế giới. Nếu tình trạng đánh bắt cá vô tội vạ tiếp diễn như hiện nay thì tới năm 2050, lượng dự trữ cá tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ không còn đủ để có thể khai thác.

Liên quan đến tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ở châu Á, Diễn đàn liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái (IPBES) nhấn mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục suy thoái tại từng khu vực trên thế giới, làm giảm thiểu đáng kể khả năng của thiên nhiên góp phần vào cải thiện đời sống của nhân loại. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm hơn 60 quốc gia, là nơi có 17 trong số 36 điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Gần 200 triệu người trong khu vực phụ thuộc trực tiếp vào rừng. Những dịch vụ về đa dạng sinh học và hệ sinh thái đã góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng từ năm 1990 đến năm 2010, làm lợi cho hơn 4,5 tỷ người. Tuy nhiên, IPBES cho rằng, khu vực này đang đối mặt với những đe dọa chưa từng có trước đây, từ thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao cho đến các loài xâm lấn, nông nghiệp tăng cường, chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng.

IPBES cũng cho biết, tập tục nuôi trồng thủy hải sản không bền vững, đánh cá quá mức và việc thu hoạch bừa bãi cũng đồng nghĩa với việc lượng cá khai thác sụt giảm đáng kể, thậm chí cạn kiệt hoàn toàn có lẽ sẽ xảy ra trong vòng 30 năm nữa. Tác nhân chính của việc sụt giảm đa dạng sinh học tại Tây Á và châu Đại Dương là biến đổi khí hậu; trong khi đó tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Nam Á, sản xuất nông nghiệp là mối đe dọa lớn nhất.

Với những giá trị to lớn mà đa dạng sinh học đã đem đến cho loài người, các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, sẽ phải có những chính sách mới để vừa có thể đạt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Liên hợp quốc tới năm 2030, lại vừa có thể bảo vệ thiên nhiên trước tình trạng ô nhiễm do con người gây ra đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhiều trở ngại trong nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran

 
 Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Liên minh châu Âu (EU) và Iran đã tổ chức các cuộc họp nhằm tìm kiếm giải pháp cứu vãn thỏa thuận với việc nhất trí khởi xướng một kế hoạch kinh tế gồm 9 điểm. Đây được coi là nỗ lực của EU nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, cho dù nỗ lực này sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 15-5, tại thủ đô Brussels (Bỉ), ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức cùng đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại và ngoại trưởng Iran M. Zarif đã tiến hành thảo luận về các biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi.

Tại cuộc họp, đại diện cấp cao EU F. Mogherini tuyên bố EU không thể cung cấp một sự bảo đảm pháp lý hay kinh tế cho Iran nhưng EU nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp để tiếp tục duy trì các dự án đầu tư tại Iran với các đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trong những tuần tới.

Ngoại trưởng Anh B. Johnson khẳng định Anh và các đối tác châu Âu tiếp tục coi thỏa thuận hạt nhân Iran là sống còn cho an ninh chung và châu Âu hoàn toàn cam kết tôn trọng thỏa thuận. Ông cho biết sẽ nỗ lực để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu các doanh nghiệp này tiếp tục làm ăn với Iran. Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết, cuộc thảo luận với châu Âu là một sự khởi đầu tốt đẹp và bày tỏ hy vọng EU có thể cụ thể hóa việc cứu vãn JCPOA.

Kết thúc cuộc họp tại Brussels, EU đã khởi xướng một kế hoạch kinh tế gồm 9 điểm nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có việc duy trì quan hệ kinh tế với Iran, bảo đảm Tehran duy trì khả năng kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của mình cũng như tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, và bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động tại Iran.

Trong khi đó, tại cuộc thảo luận ở thủ đô Sofia (Bulgaria) ngày 16-5, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU đã nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA và trừng phạt Tehran. EU cũng đề xuất tổ chức một cuộc gặp để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo vào tuần tới.

Theo các chuyên gia phân tích, việc Iran và các bên tham gia nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran là điều dễ hiểu bởi từ hơn hai năm nay, JCPOA được coi là một trong những văn kiện góp phần quan trọng để kiềm chế nguy cơ leo thang xung đột không chỉ tại Trung Đông, mà còn ngăn chặn nguy cơ chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hủy diệt. Đối với cộng đồng quốc tế, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này là sự bảo đảm, cho phép thiết lập cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Đặc biệt với EU, mà cụ thể là Pháp, Đức và Anh, JCPOA là một trong những thành quả nổi bật của chính sách đối ngoại châu Âu, dấu ấn quan trọng về một nỗ lực chung và bền bỉ khá hiếm hoi của EU trong hàng thập niên nhằm thuyết phục Mỹ thay đổi lập trường cứng rắn với Iran sang chiều hướng ôn hòa. Trong khi đó, đối với Iran, thỏa thuận này giúp Tehran thoát khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế vốn ảnh hưởng nặng nề tới quốc gia Hồi giáo này. Theo đánh giá chung, dù các bên liên quan đã đạt được kết quả thuận lợi ban đầu khi cam kết ủng hộ việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran để bảo đảm lợi ích của mình, nhưng các chuyên gia phân tích nhận định triển vọng đạt được một giải pháp lâu dài vẫn rất khó khăn.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Syria

 
 Vòng đàm phán thứ 9 về Syria. Ảnh: AFP

Vòng đàm phán thứ 9 về Syria diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) ngày 14 và 15-5 đã kết thúc với việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khẳng định vai trò then chốt của các vùng giảm xung đột tại Syria, đồng thời nhất trí tổ chức các cuộc hội đàm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự khởi đầu của Ủy ban Hiến pháp Syria. Đây được coi là nỗ lực của cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria.

Cuộc hòa đàm về Syria tại Astana là sáng kiến do Tổng thống Nga V. Putin đưa ra nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập Syria tham gia vào tiến trình chính trị tiến tới có thể chấm dứt xung đột tại Syria. Theo các nhà phân tích, với kết quả của 8 vòng đàm phán ở Astana và Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi đã góp phần đưa lộ trình giải quyết cuộc xung đột Syria đi đúng hướng, đồng thời củng cố vai trò và vị thế của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở khu vực Trung Đông.

Lần đầu tiên sau 7 năm xung đột, với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội Nga, quân đội Syria đã giải tỏa được con đường cao tốc chính ở thủ đô Damascus vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập. Đặc biệt, ngày 31-3 vừa qua, quân đội Syria đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn tỉnh Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, khu vực bị các nhóm khủng bố và phiến quân chiếm đóng từ năm 2012 và sử dụng làm “bàn đạp” cho các cuộc tấn công vào Damascus. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng chỉ còn kiểm soát chưa đầy 5% lãnh thổ Syria. Trong khi đó, trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria, IS kiểm soát hơn 70% lãnh thổ nước này.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội chính phủ cũng tuyên bố đã phá vỡ được “hành lang khủng bố” được hình thành ở khu vực biên giới giữa nước này với Syria và “hoàn toàn kiểm soát thành phố Afrin” ở Tây Bắc Syria sau chiến dịch quân sự mang tên Cành Oliu nhằm buộc Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) phải rời khỏi khu vực này. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng vũ trang đòi ly khai ở miền Nam nước này bị Ankara coi là nhóm khủng bố. Chiến dịch Cành Oliu được Tổng thống Erdogan phát động từ đầu năm 2018 nhằm đưa quân tấn công hai khu vực Afrin và Manbij do YPG kiểm soát ở Syria.

Còn đối với Iran, nước đang có lực lượng ủy nhiệm ở Syria đang chiến đấu bên cạnh quân đội Syria chống lại các nhóm phiến quân, trên tinh thần cam kết ủng hộ mọi hành động chính trị tôn trọng chủ quyền của Syria, Tehran cũng đã thể hiện được quyết tâm trở thành nước lớn trong khu vực.

Vòng đàm phán Astana thứ 9 tiếp tục cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong nỗ lực đạt được tiến bộ về giải pháp chính trị cho Syria, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò tích cực và quan trọng của cả ba nước đối với vấn đề Syria.

Các chính đảng chủ chốt nỗ lực phá vỡ thế bế tắc chính trị tại Italy

 
 Nhà lãnh đạo Phong trào 5 sao (M5S) Luigi Di Maio. Ảnh: Reuters

Sau nhiều khó khăn, ngày 13-5-2018, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn của Italy đã đạt được thỏa thuận về những nội dung liên quan đến việc thành lập một chính phủ liên minh.

Lãnh đạo đảng Liên đoàn M. Salvini và lãnh đạo M5S Luigi Di Maio xác nhận hai đảng đã đạt được thỏa thuận về việc đề cử một ứng cử viên thủ tướng. Theo đó, Tổng thống S. Mattarella có thể sẽ tiến hành vòng tham vấn cuối cùng với lãnh đạo các chính đảng và ra quyết định cuối cùng về việc nhân vật nào sẽ được bổ nhiệm làm tân thủ tướng của Italy. Thỏa thuận này dường như sẽ phá vỡ được thế bế tắc chính trị kéo dài ở Italy trong hai tháng qua kể từ cuộc tổng tuyển ngày 04-3.

Trước đó, vòng đàm phán đầu tiên nhằm thành lập chính phủ mới ở Italy đã chính thức bắt đầu ngày 04-4 tại Rome với sự tham gia của đại diện các chính đảng chủ chốt ở Italy và Tổng thống S. Mattarella. Tuy nhiên, vòng tham vấn đầu tiên này không đạt được kết quả cụ thể do lãnh đạo các chính đảng không thỏa thuận được thành phần của liên minh cầm quyền. Tại cuộc đàm phán, ông M. Salvini tuyên bố phe cánh hữu của ông, trong đó có đảng Liên đoàn và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng S. Berlusconi, sẵn sàng thành lập một liên minh với M5S nhưng liên minh này phải dựa trên một nền tảng cương lĩnh chung là giảm thuế, cải cách lương hưu và thực hiện các biện pháp chống nhập cư. Về phần mình, lãnh đạo đảng M5S Di Maio tuyên bố đảng của ông chỉ sẵn sàng thảo luận khả năng thành lập liên minh với đảng Liên đoàn hoặc đảng PD, chứ không liên minh với đảng FI của ông S. Berlusconi. Trong khi đó, đảng PD vẫn khăng khăng tuyên bố vẫn sẽ là phe đối lập trong Quốc hội.

Tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới tại Italy vẫn bế tắc sau khi cuộc tham vấn vòng hai giữa đại diện các chính đảng chủ chốt trong các ngày 12 và 13-4 không tiến triển. Trong khi đó, 2 vòng đàm phán khác do chủ tịch hai viện quốc hội tiến hành cũng nhanh chóng đi vào ngõ cụt.

Cơ hội kết thúc thế bế tắc chính trị tại Italy đã mở ra khi ngày 24-4, đảng M5S và đảng PD trung tả đều thể hiện sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền. Đây được coi là một sự thay đổi bất ngờ bởi từ khi PD có ghế trong quốc hội Italy năm 2013, hai đảng này luôn có những động thái chỉ trích lẫn nhau. Ngày 30-4, lãnh đạo 2 đảng Liên đoàn và M5S, 2 đảng giành nhiều ghế Quốc hội nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, đã đề xuất tiền hành bầu cử trước thời hạn vào tháng 7 tới với lý do các nỗ lực thành lập chính phủ liên hiệp sau cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua đã thất bại. Ngày 02-5, Tổng thống S. Mattarella đã bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 7 tới, đồng thời kêu gọi một vòng tham vấn mới vào ngày 07-5 để thảo luận việc thành lập chính phủ.

Sau khi vòng tham vấn thứ ba với các chính đảng về việc thành lập một chính phủ liên minh tiếp tục thất bại, Tổng thống S. Mattarella đã đề xuất thành lập một chính phủ “trung lập” để điều hành đất nước cho đến hết năm 2018. Tuy nhiên, đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy M5S đã ngay lập tức phản đối đề xuất của Tổng thống. Điều này làm dấy lên khả năng Italy sẽ phải tổ chức lại bầu cử, thậm chí sớm nhất có thể vào tháng 7 tới.

Trên thực tế, chính trường Italy luôn trong trạng thái bất ổn khi nước này đã có hơn 60 chính phủ được thành lập kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong 50 năm qua, Italy thay đổi chính phủ liên tục, nhưng nước này vẫn luôn tìm được cách để vượt qua khó khăn. Và việc đảng M5S và đảng Liên đoàn đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài trong hơn 2 tháng qua tiếp sau cuộc tổng tuyển cử ngày 04-3 đã tiếp tục cho thấy nỗ lực của đất nước hình chiếc ủng.

Tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng

 
 Xung đột tại Dải Gaza. Ảnh: AP

Bạo lực tại khu vực biên giới giữa Israel và Palestine đang trong tình trạng vô cùng nghiêm trọng kể từ sau sự kiện Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem ngày 14-5-2018. Dư luận quốc tế lo ngại động thái này của Mỹ đang dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã rất khó khăn.

Từ Jerusalem, Bờ Tây, đặc biệt là Dải Gaza, không khí đã được “hun nóng” bởi cơn giận dữ của người Palestine. Khoảng 40.000 người Palestine đã kéo về biên giới với Israel để biểu tình phản đối Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem. Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình Palestine với binh lính Israel.

Ngày 15-5 đã ghi nhận là ngày đẫm máu nhất tại Dải Gaza trong vòng 4 năm qua. Theo giới chức y tế Palestine, riêng trong ngày 15-5 đã có ít nhất 59 người thiệt mạng và 2.700 người bị thương trong các vụ đụng độ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Tính đến ngày 16-5, con số này đã lên hơn 60 người. Trước tình hình bạo lực đẫm máu, Tổng thống Palestine M. Abbas ngày 15-5 đã lên án mạnh mẽ việc hành động của Israel đối với người Palestine. Tuy nhiên, phía Israel lại cho rằng hành động của nước này là để tự vệ.

Trước tình trạng bạo lực ở Dải Gaza, nhiều nước đã lên tiếng phản đối. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã hối thúc cả Israel và Palestine cần hết sức kiềm chế để tránh gây thương vong, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là phương án duy nhất cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Theo các nhà phân tích, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ chọn ngày 14-5 là ngày chính thức mở Đại sứ quán mới tại Jerusalem. Một ngày trước sự kiện này, Israel đã kỷ niệm Ngày Jerusalem, ngày mà người dân nước này cho là “ngày thống nhất thành phố”. Ngày mở cửa Đại sứ quán Mỹ cũng trùng với lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel.

Trong khi đó, đối với người Palestine, ngày 15-5 được goi là “Nakba”, hay “Ngày thảm họa”, để tưởng niệm quãng thời gian đen tối khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương sau sự kiện nhà nước Israel ra đời năm 1948.

Do đó, việc lựa chọn ngày 14-5 để chính thức mở cửa đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem có thể xem như một động thái mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Trung Đông. Nhưng bước đi này cũng là một sự khiêu khích đối với người dân Palestine nói riêng và cộng đồng Arab nói chung. Do đó, dư luận cho rằng, bước đi mới nhất của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn luôn mâu thuẫn giữa người Israel và Palestine, đồng thời khiến tiến trình hòa bình đang đình trệ ở Trung Đông càng thêm khó khăn./.