TCCSĐT - Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) là sự kiện thường niên, tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ), nơi quy tụ những người đứng đầu nhà nước, chính phủ các quốc gia, các nhà lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới để thảo luận các vấn đề nghị sự toàn cầu nổi lên tác động đến sự phát triển của thế giới và các quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động của Hội nghị WEF Davos năm nay.

Người đứng đầu Bộ phận thông tin truyền thông của WEF, ông Adrian Mock cho biết Hội nghị WEF Davos là hội nghị lớn và quan trọng nhất trong năm của WEF. Hội nghị năm nay là Hội nghị thường niên lần thứ 48, diễn ra từ ngày 23 đến 26-01, thu hút hơn 3.000 đại biểu tham dự, gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ của nhiều nước (như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Canada, Ấn Độ…), người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn (Liên hợp quốc, WB, IMF, WTO, ADB, AIIB…) và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các tổ chức phi chính phủ, học giả và truyền thông quốc tế có uy tín. Tổng cộng Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ hơn 110 quốc gia, trong đó có hơn 70 nguyên thủ các nước và hơn 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp. Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”, WEF 2018 sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị trong hơn 400 phiên họp. Các đại biểu bàn bạc và tìm lời giải cho những thách thức lớn nhất của thế giới.

Hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu, bảo vệ tự do hóa thương mại

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi biến năm 2018 thành năm của hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố và chủ nghĩa bảo hộ.

Trong diễn văn khai mạc hôm 23-01, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh biến đổi khí hậu là vấn đề đứng đầu danh sách những thách thức chung của thế giới ngày nay, nhưng thế giới mới chỉ làm được rất ít để đối phó với mối đe dọa này. Ông Modi kêu gọi các quốc gia trên thế giới hành động chung và hợp tác kinh tế đồng thời thay đổi tư duy từ "tiêu dùng hoang phí" sang "tiêu dùng tiết kiệm" để tránh việc khai thác tự nhiên quá mức, đạt được "sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên". Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng đã lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa và chỉ trích sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thừa nhận rằng toàn cầu hòa đang "mất đi ánh hào quang", song nhấn mạnh việc dựng lên các "rào cản thương mại" mới không phải là giải pháp. Theo ông Modi, giải pháp cho việc này là hiểu và chấp nhận sự thay đổi, đồng thời đưa ra các chính sách mềm dẻo, thông minh phù hợp. Ông khẳng định tác động tiêu cực của những suy nghĩ đi ngược lại với toàn cầu hóa cũng nguy hiểm không kém như vấn đề biến đổi khí hậu hay chủ nghĩa khủng bố. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ xuất hiện tại Diễn đàn Davos kể từ năm 1997.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hoan nghênh việc 11 quốc gia đạt được sự nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm ký kết thoả thuận này.

Ông Trudeau nhấn mạnh các nước này "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa", đồng thời khẳng định rằng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ". Thủ tướng Canada cũng kêu gọi các cuộc đàm phán cần quan tâm đến sự thịnh vượng của những người dân bình thường, và khẳng định "đây chính là điều mà 11 quốc gia đã làm được" khi nhất trí về CPTPP. Ngoài ra, ông Trudeau cũng kêu gọi hành động mạnh mẽ nhằm củng cố quyền của phụ nữ.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP của Pháp ngày 23-01 bên lề WEF, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox cho biết Anh sẽ ủng hộ các lợi ích của tự do thương mại trong việc giảm nghèo đói, trong bối cảnh Vương quốc Anh đang chật vật đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu, sự kiện đươc gọi tắt là Brexit. Ông nhấn mạnh: "Anh sẽ hành động như một nước đi đầu về tự do thương mại khi chúng tôi rời EU và sử dụng chiếc ghế riêng của mình tại Tổ chức Thương mại thế giới". Thời gian gần đây, Bộ trưởng Fox đã thực hiện nhiều chuyến ngoại giao con thoi tới Washington và trụ sở của WTO ở Geneva để thảo luận về một thỏa thuận hậu Brexit cho nước Anh. Ông cũng vừa trở về sau chuyến công du Trung Quốc để thảo luận các vấn đề xung quanh khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của hàng xuất khẩu Anh, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Ông Fox cho biết: "Nhân tố quan trọng để có được một hệ thống thương mại mở là hướng tới lợi ích của người tiêu dùng trên toàn thế giới, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp". Ông cũng lưu ý rằng thương mại tự do toàn cầu đã là cách hữu hiệu để đưa một tỷ người thoát khỏi nghèo đói trong một thế hệ tới.

Theo báo cáo được công bố trước thềm Diễn đàn Davos, tổ chức viện trợ Oxfam của Anh cho biết trong năm vừa qua, 1% gồm những người giàu nhất thế giới nắm giữ 82% tài sản toàn cầu, trong khi nửa dân số thế giới là những người nghèo nhất không có gì trong tay. Giám đốc Oxfam, Winnie Byanyima nhấn mạnh: "Bất công đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát toàn cầu".

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 ngày 24-01, Tổng thống E.Macron của Pháp đã tuyên bố rằng "Pháp trở lại là nhân tố cốt lõi của châu Âu", qua đó khẳng định vai trò lớn của Pháp trong lòng châu Âu. Cũng trong bài phát biều này, Tổng thống Macron tiếp tục trình bày quan điểm riêng về một "tác động xã hội" mới đối với quá trình toàn cầu hóa. Ông hối thúc sự hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn "tối ưu hóa thuế không hạn chế".

Ông Macon từng tham dự WEF 2016 tại Davos trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế Pháp. Ông đã tận dụng cơ hội này để có xây dựng hình ảnh quốc tế trước khi trở thành vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử chính trường Pháp.

Sau gần một thập kỷ Liên minh châu Âu (EU) rơi vào khủng hoảng kinh tế tài chính, và đặc biệt sau cú sốc Anh lựa chọn rời khỏi liên minh, Tổng thống Macron đang nỗ lực thúc đẩy một kế hoạch được cho là giúp kiến tạo một EU hội nhập chặt chẽ hơn thông qua các sáng kiến như ngân sách chung cho Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề di cư và quốc phòng. Tổng thống Macron đã cụ thể hóa những cam kết bằng việc bắt tay với Đức nhằm cải tổ, xây dựng châu Âu thành một khối đoàn kết và thống nhất. Ngay trong ngày nhậm chức, ông Marcon đã có chuyến thăm đến Berlin để thảo luận với Thủ tướng Angela Merkel về các vấn đề mà hai nước cùng quan tâm nhằm củng cố sức mạnh của châu Âu.

Tổng thống Mỹ khẳng định ủng hộ tự do thương mại công bằng, để ngỏ khả năng tham gia lại CPTPP

Có thể nói quan điểm của Mỹ đối với toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại là vấn đề được quan tâm nhất tại Diễn đàn. Người ta chờ đợi phát ngôn chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các nội dung này sau khi đã chứng kiến những thay đổi lớn theo hướng bảo hộ kinh tế Mỹ sau 1 năm cầm quyền của ông.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, ngày 26-01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ "đối tác và hữu nghị" với các nước trên thế giới. Trong bài phát biểu trước các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, ông Trump nêu rõ: "Nước Mỹ trước tiên không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc". Ông nhấn mạnh "Mỹ ủng hộ thương mại tự do, nhưng cần công bằng và có đi có lại". Tổng thống Trump khẳng định khi Mỹ phát triển, thế giới cũng phát triển. Theo ông, Mỹ mở cửa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết trong một năm cầm quyền của ông. Ông Trump cũng cho biết đây là thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Mỹ.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại song phương "mang lại lợi ích chung" với các nước trên thế giới, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thay thế TPP. Ông Trump để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc thảo luận chung hoặc riêng rẽ với các nước tham gia đàm phán nếu thỏa thuận này đáp ứng các lợi ích của Mỹ, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hợp tác hướng tới các mục tiêu chung.
Tổng thống Trump còn đề cập nhiều vấn đề nóng trên thế giới, trong đó có vấn đề chống khủng bố và chương trình hạt nhân của Iran. Ông Trump cho biết liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã giành lại gần như hoàn toàn các vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc. Ông Trump cam đoan rằng Afghanistan sẽ không trở lại là "thiên đường" của khủng bố. Liên quan tới Iran, Tổng thống Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Mỹ vẫn khẳng định chính sách "Nước Mỹ trước tiên"

Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ". Khẩu hiệu này hoàn toàn trái ngược với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Và mặc dù có những thay đổi đối với tự do hóa thương mại trong phát biểu tại Diễn đàn của Tổng thống Mỹ, Tuy nhiên Mỹ vẫn sẽ khẳng định chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Tổng thống Mỹ tiếp tục khẳng định thông điệp nước Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh nhưng cũng đồng thời muốn thu hẹp thâm hụt thương mại hàng năm giữa Mỹ và các nước khác.

Ông Gary Cohn, Cố vấn kinh tế cao cấp của Nhà Trằng, người tháp tùng chuyến đi của Tổng thống Trump khẳng định: “Nước Mỹ trước tiên, chứ không phải nước Mỹ đơn độc. Khi Mỹ phát triển, thế giới cũng phát triển, chúng ta cùng phát triển. Chúng ta là một phần của sự phát triển đó và là một phần của nền kinh tế thế giới. Tổng thống Trump tin vào điều đó”.

Trả lời báo giới tại Diễn đàn WEF, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh nước Mỹ mong muốn hướng tới một nền thương mại tự do và công bằng, không muốn tạo ra các cuộc chiến tranh thương mại, song sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố một đồng USD yếu hơn sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ.

Ông Mnuchin cũng đề cập chi tiết hơn về tuyên bố cho rằng việc đồng USD yếu hơn có lợi cho kinh tế Mỹ vì nó liên quan đến thương mại và các cơ hội. Ông cho rằng bình luận đưa ra ngày 24-01 về đồng USD đã rất rõ ràng, rằng Mỹ không lo ngại về giá trị của đồng USD trong ngắn hạn. Theo ông, có cả thuận lợi và bất lợi với đồng USD trong ngắn hạn, tuy nhiên, giá trị của đồng USD trong dài hạn mới phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được hiểu như Washington bật đèn xanh cho phép đồng USD yếu đi để hỗ trợ hàng xuất khẩu Mỹ như một phần trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay sau phát biểu này, “đồng bạc xanh” đã giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, thậm chí rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2014 so với đồng euro, xuống 1,2402 USD/euro. Tỷ giá với đồng yen Nhật Bản cũng giảm 110 yen/USD, lần đầu tiên kể từ tháng 9-2017. Trong khi đó, tỷ giá giữa USD và đồng bảng Anh cũng tăng ở mức 1,4241 USD/1 bảng. Ngày 25-01, tỷ giá trao đổi giữa đồng USD so với đồng franc Thụy Sĩ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2015, khi 1 USD chỉ đổi được 0,9421 franc.

Ngay sau phát biểu của ông Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phủ nhận thông tin rằng Washington đang cố tạo áp lực cho đồng USD song cho biết các cuộc chiến tranh thương mại vốn đã xảy ra rồi và điều khác chỉ là Mỹ hiện đang bảo vệ nền kinh tế của mình.

Paris muốn trở thành trung tâm tài chính quan trọng nhất của châu Âu

Trả lời phỏng vấn ngày 26-01 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã chỉ ra những ưu điểm của Paris trong cuộc đua trở thành trung tâm tài chính của châu Âu cùng các thành phố khác. Ông đánh giá Pháp có một cơ chế pháp lý mạnh, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành các cuộc cải cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và Paris là một thành phố quyến rũ đáng sống. Ông nhận định Paris có khả năng trở thành trung tâm tài chính quan trọng nhất ở châu Âu sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu.

Paris cùng với Frankfurt, Dublin và Amsterdam là các thành phố muốn thu hút các ngân hàng ở London, vốn muốn ở lại thị trường chung châu Âu sau khi Anh rời EU vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu cho thấy các doanh nghiệp này sẽ không di chuyển ồ ạt khỏi Anh trong năm 2018, với hi vọng về một kịch bản "Brexit mềm".

Trước đó, theo cuộc khảo sát của hãng tin Reuters trong tháng 9, có tới 123 hãng với khoảng 10.000 việc làm trong lĩnh vực tài chính sẽ chuyển hoạt đông làm ăn khỏi Anh hoặc mở văn phòng ở nước ngoài trong những năm tới nếu Anh không đứng ngoài thị trường chung châu Âu. Frankurt là điểm đến thân thiện được nhiều lãnh đạo ngân hàng tính tới, trong khi Paris đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, tháng 11 vừa qua, sau khi EU quyết định chuyển văn phòng ngân hàng ở London sang thủ đô của Pháp, vị thế của Paris đã được nâng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng đã tổ chức một chiến dịch vận động hành lang để thu hút các ngân hàng quốc tế ở London. Ngày 22-01, một ngày trước khi Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos khai mạc, Tổng thống Macron đã tiếp đón 140 lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia tại cung điện Versailles trong chiến dịch "Chấn hưng nước Pháp".

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết luật lao động chặt chẽ của Pháp và thuế doanh nghiệp tương đối cao vẫn là rào cản đối với Paris. Các ngân hàng cho rằng vẫn cần phải xem các cải cách của mà Tổng thống Macron đã công bố có được duy trì hay không trước khi đưa ra quyết định./.