Thế bấp bênh của Thủ tướng Theresa May và tương lai nào cho lộ trình Brexit
Nước cờ sai lầm?
Kêu gọi bầu cử sớm từng được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán Brexit, bởi bà cho rằng việc đảng Bảo thủ chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện như trước đây có thể khiến tiến trình đàm phán Brexit bị đe dọa. Song, kết quả bầu cử lần này là bước “thụt lùi” đối với đảng Bảo thủ khi họ để mất tới 12 ghế so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó, tuy về thứ hai, nhưng Công đảng lại được coi là thắng lợi khi gia tăng được 30 ghế tại cơ quan lập pháp lên 262 ghế. "Nước cờ" của Thủ tướng Anh Theresa May trong việc tiến hành tổ chức bầu cử trước thời hạn dường như đã phản tác dụng, khi đảng Bảo thủ của bà không thể giành được đa số ghế quá bán tại hạ viện. Cuộc bầu cử mà bà May kỳ vọng tạo ra một "chính phủ mạnh và ổn định" này sẽ chỉ đem lại bất ổn và tạo cơ hội cho một cuộc bầu cử sớm khác. Mặt khác, kết quả của cuộc bầu cử cũng gây ra những nghi ngờ về vị trí của bà trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ, cũng như tạo sức ép từ chức lên nữ chính khách này.
Có thể nói, Thủ tướng Anh Theresa May và đảng Bảo thủ đã đi một nước cờ sai trong cuộc bầu cử trước thời hạn mà ban đầu tưởng chừng nắm chắc phần thắng, khi chỉ giành được 318 ghế, không đủ đa số cần thiết (326/650) để đứng ra thành lập chính phủ. Không chỉ giáng “một đòn đau” vào uy tín của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền, kết quả này còn báo hiệu nước Anh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khi khởi động tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit - dự kiến diễn ra vào ngày 19-6. Một kịch bản ngoài dự kiến có thể đẩy nền chính trị nước Anh rơi vào rối loạn, thậm chí cuộc đàm phán Brexit có thể bị trì hoãn vô thời hạn.
Kết quả bầu cử cho thấy sự tín nhiệm của cử tri đối với hai chính đảng lớn nhất tại Anh đã thay đổi nhiều so với gần 2 tháng trước, thời điểm bà May bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình tới gần 3 năm. Vào thời điểm đó, đảng Bảo thủ được tin tưởng sẽ dễ dàng thắng áp đảo để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Tới tận cuộc bầu cử địa phương đầu 5 vừa qua, đảng Bảo thủ vẫn chiến thắng vang dội, khiến bà May càng tự tin vào quyết định của mình.
Tuy nhiên, 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong vòng 2 tháng, trong đó có 2 vụ ngay tại London, thậm chí vụ mới nhất xảy ra chỉ 5 ngày trước cuộc tổng tuyển cử, được xem là một trong những nguyên nhân làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử tại Anh. Những sự kiện đó giáng đòn đau vào uy tín Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền.
Bà May từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, bị chỉ trích là đã không đưa ra được những biện pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Đây là điều khiến cử tri Anh dần mất lòng tin vào Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền. Từ mức chênh lệch cao kỷ lục 21% hồi cuối tháng 4, khoảng cách giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đã dần thu hẹp, và tới sát thời điểm bầu cử, kết quả thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công đảng khoảng 3%.
Kêu gọi bà May từ chức
Sau khi kết quả chính thức được công bố, nhiều nghị sỹ Công đảng và những người ủng hộ đã nhanh chóng kêu gọi bà May từ chức. Thủ lĩnh Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn còn không ngại ngần khi tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng thành lập chính phủ thiểu số, thậm chí thẳng thừng kêu gọi Thủ tướng May từ chức khi mà uy tín của đảng Bảo thủ giảm sút rõ rệt.
Trong khi đó, bà Nia Griffith, người được cho là nhiều khả năng sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Công đảng, cũng khẳng định bà May không còn có đủ tư cách để tiếp tục lãnh đạo đất nước sau quyết định sai lầm của mình. Áp lực tiếp tục đè nặng lên Thủ tướng Anh sau khi hai cố vấn cấp cao của bà là Nick Timothy và Fiona Hill, đồng Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng May, từ chức do phải chịu hàng loạt chỉ trích từ trong chính nội bộ đảng Bảo thủ, cho rằng chiến dịch tranh cử kém hiệu quả khiến đảng này mất thế đa số tại Quốc hội.
Nhiều tờ báo vốn ủng hộ Thủ tướng Anh nay cũng đồng loạt đăng tải những bài viết chỉ trích sai lầm của bà. Một số bài viết còn nhận định nếu bà May không nhận thức được rằng đó là một nước cờ sai lầm, mà vẫn tiếp tục cố chấp với vị trí này thì điều bà ấy nhận được là chính đảng của bà ấy sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử để thay thế bà.
Nếu bà May buộc phải ra đi, đây sẽ là lần thứ hai trong vòng một năm nước Anh phải chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo sau khi một thủ tướng của đảng Bảo thủ đánh cược sự nghiệp chính trị của mình để chịu lấy “cay đắng” khi kêu gọi một cuộc bỏ phiếu quy mô toàn quốc.
Mặc dù đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland) đã nhất trí ủng hộ chính phủ thiểu số của Thủ tướng Theresa May một cách không chính thức để có thể thành lập chính phủ liên minh, song điều này đồng nghĩa với việc bà May sẽ phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ đảng để tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo, và nếu có đủ số thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống, việc bà May ra đi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Về đàm phán với DUP, ngày 10-6, Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May thông báo các cuộc đàm phán giữa đảng Bảo thủ của bà và DUP vẫn đang diễn ra. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết nhà lãnh đạo Anh đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo DUP về việc hoàn tất một thỏa thuận cuối cùng, trong đó khẳng định sự ủng hộ của DUP với chính phủ của đảng Bảo thủ, trước khi Quốc hội làm việc trở lại vào tuần tới. Về phần mình, DUP cũng đánh giá các cuộc thương thảo cho tới nay vẫn đang diễn ra tích cực.
Kịch bản nào cho Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10-6 tuyên bố Anh sẽ khởi động tiến trình đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu theo đúng kế hoạch "trong vòng 2 tuần tới". Tuy nhiên, từ tuyên bố đến hành động lại là một khoảng cách.
Cuộc bầu cử trước thời hạn từng được kỳ vọng là sẽ vạch rõ lộ trình cho các cuộc đàm phán Brexit dự kiến được khởi động vào ngày 19-6 tới nhưng “Thất bại” của bà May đang đẩy tiến trình này đứng trước nhiều rủi ro. Chính sách đàm phán mà bà May đang theo đuổi khó có thể được duy trì do không thống nhất quan điểm chung giữa các đảng phái. Chính phủ mới sẽ chịu áp lực về thời gian để công bố sớm nhất nội dung đàm phán, một vấn đề gây tranh cãi gay gắt kể từ khi Anh chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.
Sau kết quả cuộc tổng tuyển cử, Thủ tướng Theresa May không có được sự hậu thuẫn vững chắc trong quá trình đàm phán Brexit như bà mong muốn khi quyết định bầu cử sớm, mà còn có khả năng cuộc đàm phán Anh rời Liên minh châu Âu có thể không diễn ra vào ngày 19-6 như kế hoạch đã định.
Trước mắt, khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là bắt đầu đàm phán với EU liên quan đến Brexit, Thủ tướng May có thể yêu cầu EU tạm hoãn lại việc này để nước Anh có thời gian thành lập chính phủ mới. Người phụ trách đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cảnh báo rằng điều này khiến cho các cuộc đàm phán vốn đã phức tạp sẽ càng trở nên khó khăn hơn, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hy vọng cuộc đàm phán diễn ra đúng thời hạn.
Cũng có ý kiến cho rằng việc thành lập một chính phủ liên minh cũng không phải hoàn toàn bất lợi cho tiến trình Brexit, bởi với một chính phủ liên minh, lập trường của Anh trong quá trình đàm phán rời EU có thể mềm mỏng hơn và cơ hội nước Anh ở lại Khu vực thị trường chung châu Âu cũng lớn hơn. Điều này được thể hiện phần nào qua diễn biến trên thị trường tiền tệ và tài chính Anh trong ngày 09-6. Ngay sau khi cuộc bầu cử sớm cho kết quả quốc hội “treo”, đồng bảng đã rớt giá mạnh, giảm tới 2,5%, do những mối quan ngại về sự bất ổn đối với kinh tế Anh và tiến trình đàm phán Brexit, song triển vọng một Brexit “mềm hơn” với chính phủ liên minh lại giúp đồng bảng mạnh lên. Giới phân tích cho rằng trước mắt đồng bảng sẽ dao động mạnh, nhưng trong dài hạn, triển vọng Brexit “mềm” hơn sẽ có lợi cho kinh tế Anh và giúp đồng bảng đi lên.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng dù Thủ tướng May hiện tuyên bố sẽ không từ chức, nhưng có thể việc bà thôi giữ chức vụ này chỉ là vấn đề thời gian, và khi đó, chưa rõ người lên thay sẽ ủng hộ Brexit “cứng” hay “mềm” hay một lập trường nào khác. Những diễn biến này có thể dẫn tới khả năng chính phủ Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác vào cuối năm nay.
Dù được đánh giá là một nhà lãnh đạo thể hiện được sự mạnh mẽ trong thời điểm đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là lập trường và quan điểm khá nhất quán và rõ ràng, nhưng sự “thất thế” của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử vừa qua đã đẩy bà May vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Cho dù có liên minh với bất kỳ đảng nào để thành lập chính phủ cũng đồng nghĩa với việc mọi chính sách của bà May cũng như nội dung đàm phán về Brexit đã được đảng Bảo thủ chuẩn bị sẽ phải xác định lại từ đầu và điều này chắc chắn sẽ kéo theo bao nhiêu vấn đề phức tạp.
Một khi tiến trình thành lập chính phủ mới phải kéo dài thì cuộc đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, kéo theo những hệ lụy đối với nước Anh khi tình trạng “không rõ ràng” hiện nay trong quan hệ với EU đang ảnh hưởng nhất định tới vị thế của London. Kết quả bầu cử quốc hội ở Anh cũng gây tâm lý lo ngại cho giới chức EU. Những quan chức hàng đầu EU lo ngại tiến trình đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, đồng thời sẽ không đạt hiệu quả khi đối tác đàm phán là một “đại diện yếu và không có khả năng hành động”.
Phản ứng của giới chức EU
Nhiều nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ lo ngại rằng kết quả bất ngờ của cuộc tổng tuyển cử ở Anh đe dọa khả năng triển khai các cuộc đàm phán Brexit vào ngày 19-6 theo đúng kế hoạch do thiếu một đối tác đàm phán chắc chắn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo Anh về nguy cơ không đạt được thỏa thuận Brexit nếu các cuộc thương lượng giữa hai bên bị trì hoãn. Theo ông Donald Tusk, quỹ thời gian để tiến hành thương lượng về Brexit đang dần thu hẹp.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani, là một chính trị gia Italy, cho rằng cuộc bầu cử này có thể mở đường cho một chính phủ Anh yếu kém và khiến các cuộc đàm phán Brexit trở nên khó khăn hơn.
Tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker bày tỏ hy vọng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Anh sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán Brexit.
Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Thủ tướng Pháp Edouard Phillipe nhận định không nên cho rằng kết quả bầu cử tại Anh sẽ ảnh hưởng tới quan điểm Brexit của London vốn đã được thể hiện rõ ràng qua các lá phiếu của người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng việc đảng Bảo thủ đánh mất thế đa số ghế trong Quốc hội phản ánh sự bất mãn của người dân Anh đối với chủ trương Brexit "cứng" của Thủ tướng Theresa May. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tiến hành các vòng đàm phán Brexit theo đúng kế hoạch, đồng thời khẳng định EU cần quan hệ đối tác chặt chẽ với nước Anh hậu Brexit.
Chia sẻ những góc nhìn tiêu cực hơn, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Gowin nhận định kết quả bầu cử Quốc hội Anh là một "tín hiệu xấu" đe dọa làm gia tăng các quan ngại về tương lai của châu Âu. Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende cảnh báo các cuộc đàm phán Brexit sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cùng chia sẻ quan điểm rằng cần phải quan sát một thời gian nữa trước khi có thể kết luận về ý nghĩa của kết quả bầu cử Anh đối với Brexit.
Rõ ràng Thủ tướng Anh đã thất bại trong “canh bạc” của chính mình. Những “nước cờ” tưởng chừng được tính toán kỹ và được cho là “khôn ngoan” của bà đã bị những yếu tố khách quan không lường trước làm cho trệch hướng. Không đảng nào giành thể đa số tại Hạ viện đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp này tiếp tục bị chia rẽ, và London chưa thể “toàn tâm toàn ý” tập trung cho các cuộc đàm phán trong 2 năm tới với EU./.
Đưa sâm núi Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao của Việt Nam và thế giới  (11/06/2017)
Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Cuba bắt đầu thăm chính thức Việt Nam  (11/06/2017)
Ông Macron đắc cử Tổng thống Pháp có tác động tích cực với kinh tế  (11/06/2017)
Người Việt tại Nhật Bản khẳng định chủ quyền đất nước trên Biển Đông  (11/06/2017)
Tri ân những đóng góp to lớn của nhà báo bậc thầy Hoàng Tùng  (11/06/2017)
Ninh Bình: Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam  (11/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên