Lao động nhập cư thời khủng hoảng
00:17, ngày 24-02-2009
Lao động nhập cư góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của nhiều nước phát triển (PT) cũng như đang phát triển (ÐPT). Giúp lực lượng này có việc làm, cải thiện cuộc sống trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra gay gắt là vấn đề được các tổ chức quốc tế và các nước quan tâm.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, 200 triệu lao động nhập cư trên thế giới trung bình chuyển về quê 265 tỉ USD/năm, nhiều hơn những khoản trợ giúp phát triển; số tiền năm 2007 là 337 tỉ USD, chiếm 2% GDP của các nước ÐPT. Người Phi-lip-pin và In-đô-nê-xi-a làm ăn ở nước ngoài mỗi năm gửi về hơn 800 triệu USD.
Lao động nhập cư có mặt ở khắp các châu lục. Ðến cuối năm 2008, Ma-lai-xi-a có 2,1 triệu người nước ngoài, chiếm 20% lực lượng lao động nước này, phần lớn trong khu vực sản xuất. Theo "Chương trình lao động thời vụ" vừa qua hàng nghìn công nhân các quốc đảo Thái Bình Dương như Tôn-ga, Ki-ri-ba-ti, Pa-pua Niu Ghi-nê, Va-nu-a-tu đến Australia giúp các nông trại thu hoạch hoa quả, bằng cách đó cải thiện thị trường việc làm eo hẹp tại nước mình.
Hàn Quốc có hơn 1,2 triệu lao động nước ngoài, theo Thủ tướng Han Xâng Xu, được bảo vệ và tôn trọng nhân quyền cũng như các giá trị đa văn hóa; từ 2009 hưởng lương tối thiểu 4.000 uôn/giờ (trước là 3.770 uôn/giờ); chủ sử dụng lao động vi phạm quy định trả lương bị phạt tù hai năm và 10 triệu uôn.
Bốn năm qua, đời sống của hơn một triệu người Bun-ga-ri và Ru-ma-ni khấm khá hơn nhờ đến các nước giàu trong EU làm ăn. Các chiến lược gia châu Phi ước tính châu Âu cần 30 triệu lao động nhập cư vào năm 2030 nên "lục địa già" sẽ là "miền đất hứa" của lao động lục địa đen. Theo Migrationwwatch, Công ty nghiên cứu và phân tích số liệu nhập cư cho Chính phủ Anh, bảy năm qua, Anh tạo ra 1,3 triệu việc làm thì lao động nhập cư chiếm hơn một triệu; lao động trình độ cao từ Ðông Âu lấp đầy khoảng cách ngành nghề trên "xứ sở sương mù" trong khi 1,5 triệu người Anh làm ăn tại các nước trong EU. Tháng 12-2008, Séc cấp đăng ký cho gần 285 nghìn lao động nước ngoài hợp pháp...
Ðời sống những người lao động nơi đất khách trở nên bấp bênh khi "cơn bão" tài chính ập xuống tước bỏ hàng nghìn cơ hội việc làm. Lượng kiều hối của lao động nhập cư chảy về "nhà" giảm, năm 2008 đạt 283 tỉ USD (1,8% GDP của các nước ÐPT); dự báo năm nay còn 1% GDP, thậm chí ít hơn. Ðối phó khủng hoảng, giải quyết thất nghiệp, một trong những giải pháp được nhiều nước lựa chọn là cắt giảm lao động nhập cư. Mỹ, nhiều nước châu Âu và vùng Vịnh siết chặt quy trình tuyển dụng.
Xin-ga-po cho hồi hương hàng nghìn lao động nước ngoài. Tính đến ngày 31-1-2009, Ma-lai-xi-a sa thải 15 nghìn lao động "ngoại"; dự báo kinh tế năm 2009 tăng trưởng 3,5% (năm ngoái tăng 5,5% và tỷ lệ thất nghiệp là 3,3%) từ đầu tháng 2 cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài gặp khó khăn được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với số lao động này.
Hàn Quốc hai tháng đầu năm nay ngừng cấp phép cho lao động nước ngoài, dự kiến giảm tiếp số việc làm cho đối tượng này do kinh tế sa sút.
Liên bang Nga năm 2008 nhận hai triệu lao động nước ngoài, dự định năm 2009 nhận 3,4 triệu người, nhưng dự báo số thất nghiệp trong bốn tháng đầu năm nay lên tới bảy triệu người, mức kỷ lục trong một thập kỷ, nên sẽ giảm tuyển đối tượng này (Mát-xcơ-va năm 2008 cấp 600 nghìn chỉ tiêu, năm nay cấp 250 nghìn); thắt chặt điều kiện tuyển dụng: không nhận lao động chân tay; chuyên gia phải thạo tiếng Nga, tốt nghiệp đại học tại Nga hoặc nước sở tại; lao động phải qua sát hạch tiếng Nga, có đủ bằng cấp phù hợp ngành nghề đăng ký.
Ủy ban châu Âu lo ngại nguồn cung lao động trong EU giảm sút do số lao động nhập cư từ mười nước thành viên mới "teo" dần theo đà trượt dốc của kinh tế. Anh hạn chế nhận lao động nước ngoài có tay nghề vì lo 400 nghìn sinh viên Anh tốt nghiệp năm nay thất nghiệp do kinh tế đất nước suy thoái trầm trọng nhất trong 60 năm qua. Séc dự kiến quý đầu năm nay 12 nghìn công nhân nước ngoài ở nước này mất việc.
Ðồng thời với giảm sức ép việc làm trong nước, bình ổn thị trường lao động, các nước gia tăng xuất khẩu lao động hoặc thu hút lao động nhập cư chất lượng cao. Cam-pu-chia đặt mục tiêu đưa 50 nghìn người đi lao động ở nước ngoài vào năm 2010, phần lớn là lao động có tay nghề. Ðể đạt mục tiêu đó, Chính phủ mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang Trung Ðông; tổ chức các Trung tâm hướng dẫn và đào tạo nghề cho người được tuyển dụng trước khi ra nước ngoài. Quốc hội Nhật Bản đầu tháng 2 xem xét đề xuất mới về một hệ thống đăng ký cư trú cho người nước ngoài, theo đó, người nước ngoài đăng ký cư trú tại Nhật Bản trên cơ sở hộ gia đình tương tự công nhân Nhật Bản thay vì đăng ký cá nhân, được giúp ổn định làm ăn, cải thiện phúc lợi, giáo dục và các dịch vụ công.
Nga mở rộng cấp "thẻ nhựa" (giấy phép lao động) cho lao động nước ngoài; Mát-xcơ-va tăng số lượng "thẻ khách" cho công nhân nước ngoài nhằm kiểm soát lao động nhập cư, giúp họ nắm chắc thông tin về lương, nơi làm việc và tạm trú.
Liên minh châu Phi và EU triển khai Chương trình hợp tác 2009-2011, theo đó lập những cơ quan tuyển lao động, tổ chức đưa người nhập cư hợp pháp; nhấn mạnh biện pháp ngăn chặn "chảy máu chất xám", đặc biệt từ châu Phi sang EU, hỗ trợ lao động nhập cư chuyển tiền về nước.
Séc lên kế hoạch giúp lao động nước ngoài mất việc: cấp vé máy bay và 500 ơ-rô cho những lao động (không thuộc EU) hồi hương.
Anh nỗ lực ngăn chặn nạn "bài ngoại" nhằm vào lao động nhập cư. Mỹ sửa quy định về nhập cư cho phép kỹ sư, chuyên gia tin học và nhiều ngành nghề khác của các nước lao động tại Mỹ trong ba năm.
Theo AP (ngày 2-2), hàng chục ngân hàng lớn ở Mỹ đề nghị cấp thị thực cho hơn 21 nghìn lao động nước ngoài để tuyển làm phó chủ tịch, luật sư công ty, nhà phân tích đầu tư cao cấp, chuyên gia về nguồn nhân lực... với mức lương trung bình 90.721 USD/năm, gần gấp đôi thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ.
Ca-na-đa cho phép kỹ sư, kế toán, giảng viên đại học từ Mỹ và Mê-hi-cô làm việc tại nước này ba năm (trước là một năm) nhằm giúp các công ty bù đắp số lao động tay nghề cao bị thiếu và thúc đẩy cạnh tranh. Mê-hi-cô thông báo cũng sẽ áp dụng quy định tương tự.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, việc cải thiện tình hình của cộng đồng lao động nhập cư còn khó khăn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun và Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc M.Ðê-xcô-tô nhấn mạnh rằng, 200 triệu người nhập cư trên thế giới không chỉ phải được bảo vệ mà cần được tạo mọi điều kiện để hội nhập cộng đồng, tham gia một cách có ý nghĩa vào đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của nước tiếp nhận; tiếng nói của họ phải được lắng nghe ở các diễn đàn quốc gia và quốc tế./.
Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam  (23/02/2009)
20 năm Ngày Biên phòng toàn dân và bốn nhiệm vụ trọng tâm  (23/02/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 16-2-2009 đến 22-2-2009)  (23/02/2009)
Ra mắt Trung tâm Hành động khắc phục bom, mìn Việt Nam  (23/02/2009)
Hậu Giang - 5 năm cùng cả nước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững  (23/02/2009)
Sự kiện trọng đại trong quan hệ Việt - Trung  (23/02/2009)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay