Hậu Giang - 5 năm cùng cả nước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững
Năm năm - Một chặng đường mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang tỏ rõ quyết tâm phấn đấu cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển bền vững. Sự ghi nhận đó được thể hiện bằng nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển với nhịp độ tăng cao, duy trì mức tăng trưởng bình quân 5 năm 2004 - 2008 đạt 11,74%. Đây là mức tăng thuộc loại khá cao so các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đúng vào đầu Xuân 2009 này, tỉnh Hậu Giang vừa tròn 5 tuổi. Tỉnh được thành lập từ ngày 1-1-2004 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Cần Thơ theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa XI.
Năm năm qua, một chặng đường chưa phải là dài nhưng Hậu Giang liên tục đối mặt với nhiều khó khăn như: giá cả hàng nông sản, xăng dầu biến động bất thường, tình hình mưa bão, thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng bởi lạm phát... đã tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bù đắp lại Hậu Giang có những thuận lợi cơ bản đó là sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành năng động của ủy ban nhân dân tỉnh, sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhờ có những thuận lợi đó, nền kinh tế, kết cấu hạ tầng của tỉnh tiếp tục phát triển với nhịp độ tăng khá cao. Các công trình trọng điểm được chú trọng đầu tư, y tế, giáo dục được quan tâm, an ninh- quốc phòng ổn định, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, xây dựng vững mạnh...
Năm năm qua, Hậu Giang luôn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra hằng năm. Cứ mỗi năm tỉnh đề ra một khâu đột phá. Chủ trương đột phá ấy luôn được xác định phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh trong từng thời kỳ. Năm 2004 tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và chăm lo xây dựng nhà tình nghĩa; năm 2005 tập trung xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nhà tình thương; năm 2006 tập trung cho giáo dục - đào tạo; năm 2007 tập trung xây dựng khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm "Hậu Giang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông; phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chăm lo giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí". Cứ như thế, để rồi sau 5 năm nhìn lại, năm sau nỗ lực hơn năm trước, kết quả năm sau đạt cao hơn năm trước.
Những kết quả bước đầu
Năm năm qua, nền kinh tế Hậu Giang tiếp tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá cao, nếu so với kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 nhiều chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, lợi thế từng vùng, từng ngành, từng sản phẩm đang được phát huy có hiệu quả; các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đạt mức cao và đa dạng hơn, sản xuất công nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng tăng chất lượng. Phát triển lực lượng sản xuất gắn với củng cố và xây dựng quan hệ sản xuất mới. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tích cực đầu tư mới đi đôi với nâng cao chất lượng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn làm động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đều có tiến bộ, nhất là giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Việc lập lại trật tự an toàn giao thông thu được kết quả tốt, quốc phòng - an ninh được tăng cường.
Những kết quả đạt được trong 5 năm qua đang tạo đà thuận lợi cho Hậu Giang hoàn thành vượt mức các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh đề ra cho giai đoạn 2006 - 2010.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2008 là 11,74%/năm (năm 2003 là 8,4%). Trong đó, khu vực I: nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,25%/năm; khu vực II: công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 16,07%/năm; khu vực III: dịch vụ tăng bình quân 17,37%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2008 là 10,127 triệu đồng/người/năm, tăng 1,91 lần so với năm2003.
Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu VA. Khu vực I từ 46,28% (2003) xuống 35,82% (2008), giảm 10,46%; khu vực II từ 29,1% (2003) lên 32,2% (2008), tăng 3,1%; khu vực III từ 24,62% (2003) lên 31,98% (2008), tăng 7,36%. Tuy tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng và tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng cơ cấu kinh tế của tỉnh Hậu Giang vẫn còn thể hiện rõ nét nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2008 đạt 2.387 tỉ đồng, gấp 6,67 lần so với năm 2003, tăng bình quân 146,15%/năm, trong đó thu nội địa đạt 613 tỉ, tăng gấp 8,43 lần so với năm 2003. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trên địa bàn 5 năm 2004 - 2008 đạt 15.631 tỉ đồng, tăng bình quân 137,5/năm.
Về văn hóa, xã hội và giảm nghèo, tính đến hết năm 2008 tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 96%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 98%, hoàn tất việc nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Tăng tỷ lệ thiếu niên nhập học trung học cơ sở đúng độ tuổi lên 80%, trung học phổ thông trong độ tuổi đạt 45%.
Năm năm qua tỉnh giải quyết việc làm tại chỗ cho 96.779 lao động, bình quân mỗi năm gần 20.000 người. Đến năm 2008, tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 15% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề là 10%.
Hiện nay, cả tỉnh có 81,69% trạm y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 19% (năm 2003 là 25,3%). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia còn 13,7% tổng số hộ, trong đó hộ nông thôn chiếm 77%. Trong 5 năm qua, tỉnh đã xây dựng được 11.455 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Cả tỉnh có 67% số hộ dùng nước tập trung hợp vệ sinh, trong đó ở nông thôn có 63% số hộ, 100% số xã có điện đến trung tâm (năm 2003 là 60%), có 91% số hộ sử dụng điện, trong đó ở nông thôn có 88% số hộ.
Công tác an ninh, quốc phòng ổn định, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, xây dựng vững mạnh. Lực lượng quân sự, công an chính quy được xây dựng từng bước tinh nhuệ, hiện đại, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoàn thành tốt công tác tuyển quân hằng năm. Có 85% - 90% số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hằng năm, trên 90% tổng số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Từ thực tiễn 5 năm phấn đấu để đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực, Đảng bộ Hậu Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu:
Một là, thật sự quan tâm chăm lo củng cố, xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đó chính là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hai là, huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, coi trọng nội lực để đầu tư phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tiềm năng trong nhân dân là rất lớn, nếu có giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp thì sẽ huy động được các nguồn lực: vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm, lao động, chất xám... phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực hơn.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội như: xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhà ở, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội.
Bốn là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải có những biện pháp kiên quyết, cụ thể, thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, từng chương trình, dự án quan trọng; có biện pháp tổ chức thực hiện chặt chẽ, giao nhiệm vụ, trách nhiệm; bố trí nguồn lực rõ ràng, hợp lý; có cơ chế phối hợp giữa các ngành, bảo đảm tính đồng bộ tạo sức mạnh tổng hợp.
Những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
Để đạt được mục tiêu: Tiếp tục phấn đấu tăng trưởng và phát triển kinh tế với nhịp độ nhanh, toàn diện và bền vững; nhanh chóng rút ngắn khoảng cách mức chênh lệch về thu nhập, phấn đấu bằng mức bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 tăng gấp 2 lần năm 2005, Đảng bộ Hậu Giang xác định cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 13,96%/năm trong hai năm còn lại để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm 2006 - 2010 ở mức cao nhất 13%/năm; tạo đột phá về chất lượng, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đà cho những năm tiếp theo nhằm thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiệu quả và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, vững chắc theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư; củng cố, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế và dân sinh.
- Phát triển các lĩnh vực xã hội, phát huy nhân tố con người một cách đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, tập trung giải quyết các mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao tiện ích, phúc lợi công cộng, bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer.
- Phát huy vai trò, tính năng động của kinh tế dân doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế.
- Xây dựng thị xã Vị Thanh thành đô thị loại III vào năm 2010, đóng vai trò trung tâm của vùng Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy.
- Tăng cường quốc phòng, củng cố an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, có phương án đối phó kịp thời với mọi tình huống xấu xảy ra; xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Quan tâm công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng Đảng giai đoạn 2005 - 2010; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đảng viên; phát triển đảng viên phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn. Phấn đấu có 85% - 90% số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và từ 90% số đảng viên trở lên hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, tập trung kiểm tra đảng viên, cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức đảng cấp dưới trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện công tác giám sát theo hướng dẫn của ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo động lực mới cho quá trình xây dựng và phát triển. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có quan điểm, lập trường vững vàng, có phẩm chất đạo đức, giỏi chuyên môn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn các hành vi sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật gắn chặt với việc thực hiện tốt chính sách cán bộ, nhất là chính sách về nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức được điều động về công tác tại các cơ quan đang có nhu cầu. Tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính cấp tỉnh và các xã mới chia tách để ổn định nơi làm việc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả thiết thực. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, hội viên, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tiến hành các giải pháp chủ yếu sau đây:
1 - Huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuẩn bị những tiền đề quan trọng, vững chắc cho bước phát triển tiếp theo, từng bước khắc phục khó khăn, thách thức nảy sinh từ việc chia tách tỉnh.
2 - Phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch trên cơ sở phát triển nông thôn bền vững, tạo điều kiện chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế. Tập trung xây dựng, kế thừa và có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp quan trọng với công nghệ tiên tiến, đặc biệt công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin; phát triển dịch vụ, du lịch, tài chính - tiền tệ và kinh tế đối ngoại. Phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến gắn với xây dựng quan hệ sản xuất mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
3 - Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững với giải quyết tốt các vấn đề xã hội: việc làm, xóa đói, giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội...
4 - Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng trong tình hình mới.
5 - Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, năng lực khoa học và công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý nhà nước các cấp vững mạnh, hiệu quả; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính và tư pháp; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở nhằm cải thiện tốt hơn mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân và doanh nghiệp.
6 - Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng đồng bộ về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên con đường phát triển đi lên cùng cả nước tuy còn nhiều khó khăn, thách thức phải nỗ lực phấn đấu vượt qua, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang luôn tin tưởng với những thành tựu trên các lĩnh vực đã đạt được trong 5 năm qua, cùng với sự quyết tâm phấn đấu vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh sẽ thu được nhiều thành tựu mới to lớn hơn trong những năm tiếp theo./.
Sự kiện trọng đại trong quan hệ Việt - Trung  (23/02/2009)
Gia đình Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường  (23/02/2009)
20 năm Ngày Biên phòng toàn dân và bốn nhiệm vụ trọng tâm  (23/02/2009)
Công tác vận động quần chúng và củng cố hệ thống chính trị ở vùng có đạo tỉnh Bình Phước  (21/02/2009)
Tình hình thế giới năm 2009 sẽ phụ thuộc vào những sự kiện lớn nào?  (21/02/2009)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay