Được phép của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2-4-2008, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký quyết định thành lập Trung tâm Hành động khắc phục bom, mìn Việt Nam (viết tắt là VBMAC). Sáng nay, 23-2, tại Hà Nội, VBMAC tổ chức lễ ra mắt, chính thức công bố hoạt động và triển khai dự án rà phá bom, mìn đầu tiên tại Quảng Trị bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ liên kết ASEAN - Nhật Bản.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom, mìn, vật nổ. Theo số liệu tổng kết, chỉ tính riêng bom, mìn, đạn và vật nổ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã là 15,35 triệu tấn, với mật độ bình quân khoảng 46 tấn/km2. Số lượng bom, mìn, đạn dược này nhiều gấp 3,9 lần so với chiến tranh thế giới thứ hai.

Tại các địa phương, con số thương vong do bom, mìn, vật nổ gây ra tính tới năm 2000 là 104.298 người. Các nạn nhân phần lớn là trẻ em và người lao động chính của các gia đình và hầu hết đều bị tàn tật suốt đời. Kết quả Dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” tại 5 tỉnh miền Trung cho thấy, có 1.180/1.181 đơn vị cấp xã đã thực hiện điều tra, khảo sát còn bị ô nhiễm BMVN, chiếm tỷ lệ 99,9%.

Nỗ lực rà phá bom, mìn

Trung bình mỗi năm, thiệt hại do bom, mìn gây ra lên tới hàng triệu USD. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Nhà nước đã tổ chức thu gom và rà phá bom, mìn với quy mô lớn nhằm giải phóng đất đai, đưa dân về quê hương sinh sống. Hằng năm, Nhà nước đã phải chi hàng trăm tỉ đồng cho việc này.

Hiện nay, lực lượng rà phá bom, mìn trên cả nước mỗi năm rà phá được khoảng từ 15.000 đến 25.000 ha đất. Với năng lực, quy mô, tổ chức như vậy, để làm sạch bom, mìn trên toàn lãnh thổ (6,6 triệu ha đất còn bị ô nhiễm) thì phải mất 440 năm nữa mới hoàn thành. Ngân sách cần để dọn sạch bom, mìn vào khoảng 165.000 tỉ đồng (chưa tính rà phá bom, mìn vùng biển, đảo ). Có thể nói, chúng ta đang đứng trước những thách thức rất lớn, đòi hỏi phải nâng cao khả năng rà phá bom, mìn đến năm 2010 lên gấp đôi và từ năm 2020 lên gấp 4 - 5 lần hiện nay.

Thu hút tài trợ quốc tế

Ngoài kinh phí của Nhà nước dành cho khắc phục hậu quả chiến tranh (rà phá bom, mìn, giáo dục cộng đồng, hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ phát triển), việc thu hút tài trợ quốc tế để thực hiện mục tiêu dò tìm, xử lý hết bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam là hết sức quan trọng.

Tính đến nay, đã có gần 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài tham gia hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực rà phá bom, mìn, giáo dục nhận thức về bom, mìn cho cộng đồng và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ phát triển. Hình thức hỗ trợ chủ yếu hoặc là theo chương trình riêng, hoặc là lồng ghép giữa hỗ trợ rà phá bom, mìn với giáo dục phòng tránh bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân, tái định cư, làm chân tay giả, v.v. Với xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, sẽ còn nhiều tổ chức phi chính phủ mong muốn phối hợp cùng Việt Nam khắc phục hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực rà phá bom, mìn ngày càng mở rộng, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

Để đẩy nhanh tiến độ rà phá bom, mìn; tiếp nhận được nguồn tài trợ quốc tế cho rà phá bom, mìn, có nhiều việc cần phải làm, trong đó có một việc là thiết lập một cơ chế tiếp nhận, bảo đảm các nguyên tắc, chính sách hiện hành nhưng phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của nhà tài trợ.

Việc Trung tâm Hành động khắc phục bom, mìn Việt Nam được Chính phủ cho phép thành lập theo Quyết định số 598/QĐ-LĐTBXH, ngày 29-4-2008, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là hết sức cần thiết và kịp thời. Trung tâm có nhiệm vụ:

1- Lập dự án rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam và vận động các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tài trợ để thực hiện dự án.

2- Tiếp nhận, quản lý nguồn tài trợ quốc tế và trực tiếp triển khai các hoạt động rà phá bom, mìn sau chiến tranh.

3- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương triển khai rà phá bom, mìn theo kế hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4- Quản lý nhân lực, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính theo quy định của pháp luật.

5- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao./.