Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12-12 đến ngày 18-12-2016)
TCCSĐT - Ngày 15-12-2016 tại Brussels, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc sau một ngày làm việc với chương trình nghị sự về các vấn đề nóng.
Hội nghị quan chức cấp cao G20 lần thứ nhất
Hội nghị quan chức cấp cao G20 lần thứ nhất tại Berlin (Đức). Ảnh: CCTV |
Trong hai ngày 12 và 13-12-2016, tại Berlin (Đức) đã diễn ra Hội nghị quan chức cao cấp (Hội nghị Sherpa) Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dưới sự chủ trì của Đức. Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, nội dung nghị sự của G20 trong nhiệm kỳ Đức làm Chủ tịch gồm ba trọng tâm: Tạo dựng nền tảng tự cường; Tăng cường tính bền vững và Tăng cường trách nhiệm. Trên cơ sở ba trọng tâm này, Hội nghị Sherpa G20 đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu trong chương trình nghị sự của G20 trong năm 2017 như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại và đầu tư toàn cầu, biến đổi khí hậu, năng lượng, cải cách tài chính, thúc đẩy triển khai Chương trình nghị phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, lao động, việc làm, y tế, kinh tế số, bình đẳng giới, hỗ trợ châu Phi, di cư,… Hội nghị ủng hộ chủ đề và các trọng tâm nghị sự do Đức đề xuất cho G20 trong năm 2017, đồng thời gợi mở định hướng nội dung thảo luận trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành của G20. Hội nghị nhấn mạnh G20 trong năm 2017 cần có biện pháp cụ thể, thiết thực và khả thi triển khai các sáng kiến, thỏa thuận đã đạt được để thúc đẩy cải cách cơ cấu, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường toàn cầu.
G20 là diễn đàn tập hợp các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 75% thương mại toàn cầu. Từ năm 2008 đến nay, G20 thường niên tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chính sách để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu. Hội nghị Sherpa do Đức tổ chức là hội nghị Sherpa đầu tiên trong nhiệm kỳ Đức là Chủ tịch G20, khởi động tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), vào đầu tháng 7-2017.
Các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới ra Tuyên bố Abu Dhabi
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc gia UAE và Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới đã đồng Tuyên bố Abu Dhabi. Ảnh: VOV |
Ngày 13-12-2016 (giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 đã tiến hành phiên bế mạc sau hai ngày làm việc.
Tại phiên bế mạc, các nữ Chủ tịch Quốc hội đã nhất trí thông qua Tuyên bố Abu Dhabi “Đoàn kết để định hình tương lai, vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Tuyên bố khẳng định 38 điều trong Tuyên bố của Hội nghị thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư về Dân chủ vì hòa bình và phát triển bền vững: Xây dựng thế giới theo ý nguyện của người dân; và nhắc lại các nguyên tắc và hành động được khuyến nghị trong báo cáo tóm tắt của Hội nghị các nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 10 về Đổi mới vì Bình đẳng giới: Hiện thực hóa phát triển, hòa bình và dân chủ vì phụ nữ và nam giới. Tuyên bố cam kết góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai; cũng cam kết góp phần thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, cũng như giải quyết tất cả hình thức phân biệt đối xử và bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái... Tuyên bố thống nhất, “Đoàn kết để định hình tương lai” thông qua cam kết hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội nói chung để giải quyết các thách thức mà thế giới đang đối mặt. Trong Tuyên bố Abu Dhabi, các nữ Chủ tịch Quốc hội cam kết: Đặt hạnh phúc của người dân, hòa bình, thịnh vượng và sự toàn vẹn của hành tinh này và nhân loại vào vị trí cốt lõi trong các mục tiêu chiến lược của nghị viện, và vào vị trí trung tâm trong nỗ lực phát triển của chúng ta. Tuyên bố đề nghị IPU xem xét một bản tuyên bố nghị viện quốc tế về sự khoan dung hướng tới thúc đẩy và gìn giữ các giá trị của con người và nguyên tắc khoan dung để thúc đẩy hòa bình, an ninh và chống khủng bố, chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Tuyên bố đưa ra một số yêu cầu hành động, trong đó khuyến nghị IPU xem xét thành lập một cơ chế nghiên cứu về tương lai, có thể đánh giá những thay đổi trong tương lai và các xu hướng toàn cầu cũng như tác động của các xu hướng này đối với đời sống người dân. Cùng với đó là lập kế hoạch chiến lược để đối phó tốt hơn những thách thức trong tương lai; thúc đẩy việc trao quyền cho thanh niên; thúc đẩy bình đẳng giới;…
UNCTAD: Chỉ có 4 nước thoát khỏi nhóm đói nghèo nhất trong 45 năm qua
Theo báo cáo mới của UNCTAD, Maldives là một trong 4 nước thoát khỏi Nhóm quốc gia kém phát triển nhất trong 45 năm qua. Ảnh: undp.org |
Theo báo cáo mới của Tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 13-12-2016, trong 45 năm kể từ khi Liên hợp quốc lập bản danh sách Nhóm các quốc gia kém phát triển nhất (LDC), chỉ có 4 nước thoát khỏi nhóm đói nghèo này, gồm Botswana, Cape Verde, Maldives và Samoa. Trong khi đó, các nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở 48 nước còn lại trong LDC vẫn rất “mờ nhạt”. UNCTAD cho biết gần 50% những người nghèo cùng cực trên thế giới - được xác định có mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, hiện đang sống tại 48 quốc gia nghèo nhất. Đáng báo động, tỷ lệ người nghèo toàn cầu hiện đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990, lên tới hơn 40%. Theo thống kê, cũng trong giai đoạn này, số người nghèo ở những quốc gia nói trên không được tiếp cận với nước sạch tăng gấp đôi lên 43,5%, trong khi có tới 1,1 tỷ người (chiếm tới 53,4%) không có điện sinh hoạt. UNCTAD cảnh báo hơn 40 quốc gia đói nghèo cùng cực nói trên đã rơi vào “vòng luẩn quẩn”, trong đó tình trạng đói nghèo kéo dài đang cản trở khả năng tự vực dậy của chính những nước này. Cơ quan này nhấn mạnh các quốc gia nghèo chỉ có thể phá vỡ được vòng luẩn quẩn nói trên nếu quốc tế chung tay hỗ trợ khẩn cấp về tài chính, thương mại và cả công nghệ để các nước này có cơ hội vực dậy nền kinh tế và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Ngày 15-12-2016, hơn 60 nhà tài trợ và chính phủ các nước đã cam kết cung cấp khoản tín dụng kỷ lục lên đến 75 tỷ USD dành cho Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), quỹ tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho các nước nghèo nhất thế giới, nhằm chung tay chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực. WB cho biết khoản viện trợ bổ sung sẽ cho phép IDA triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại 75 quốc gia nghèo nhất thế giới nhằm giải quyết tình trạng xung đột, bạo lực, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giới. Khoản tín dụng này cũng sẽ giúp củng cố việc xây dựng thể chế cũng như năng lực điều hành của các nước nghèo, vốn là các mục tiêu mà WB hướng đến trong 3 năm tới.
Hội nghị thượng đỉnh EU khép lại một năm đầy khó khăn
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ hai, trái) tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 15-12. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 15-12-2016 tại Brussels, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc sau một ngày làm việc với chương trình nghị sự về các vấn đề nóng, như Anh rời EU (Brexit), quan điểm của EU đối với nước Nga và thỏa thuận với Hà Lan về Hiệp định liên kết EU - Ukraine.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo 28 nước EU đã quyết định kéo dài thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga từ năm 2014 liên quan đến vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh tình hình chiến sự leo thang tại Syria, EU thể hiện quan điểm về các cuộc tấn công vào thành phố Aleppo và kêu gọi cứu trợ sơ tán dân thường ra khỏi khu vực chiến sự. Liên quan đến Hiệp định liên kết EU - Ukraine, Hà Lan đã đạt được thỏa thuận với 27 nước trong liên minh về một văn bản thỏa thuận mở đường cho khả năng Nghị viện nước này phê chuẩn hiệp định với Ukraine, vốn bị bế tắc tại Hà Lan khi vào tháng 4 vừa qua hiệp định đã bị từ chối thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân. Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte cho biết văn bản là một ràng buộc pháp lý đối với các nước thành viên và sẽ có hiệu lực khi Hà Lan phê chuẩn Hiệp định liên kết EU - Ukraine. Về vấn đề người di cư, 28 nước EU đánh giá việc thực thi thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết vào hồi tháng 3 vừa qua là rất quan trọng. Thỏa thuận cho phép giảm đáng kể làn sóng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Aegean đến Hy Lạp. EU cần tiếp tục hợp tác với các đối tác châu Phi khống chế làn sóng di cư vào hướng bờ biển của Italy./.
Cần Thơ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài  (20/12/2016)
Thủ tướng Vương quốc Campuchia bắt đầu thăm chính thức Việt Nam  (20/12/2016)
VietinBank dành 25 tỷ đồng tài trợ an sinh xã hội tại Bình Định  (20/12/2016)
VietinBank dành 25 tỷ đồng tài trợ an sinh xã hội tại Bình Định  (20/12/2016)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm