Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đa số các công ty cổ phần có vốn nhà nước (CTCPCVNN) đều hoạt động có hiệu quả: sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người lao động đều tăng; cổ tức bình quân hằng năm cao hơn lãi suất ngân hàng... Đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực không nhỏ của các tổ chức đảng và mỗi đảng viên.

Đến hết năm 2006, có 3.233 công ty cổ phần được hình thành từ chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong số đó, có 2.652 đảng bộ, chi bộ cơsở (đạt tỷ lệ 82%) với 107.370 đảng viên; bình quân trong một doanh nghiệp, tỷ lệ đảng viên sovới người lao động chiếm khoảng 12% (tương đương như trong doanh nghiệp nhà nước). Tổ chức đảng của CTCPCVNN đa số là đảng bộ và chi bộ cơ sở; cấp trên trực tiếp là đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, quận ủy, huyện ủy, đảng bộ khối doanh nghiệp ở địa phương...

Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong CTCPCVNN, trước năm 2000 vẫn thực hiện theo Quy định số 49-QĐ/TW đối với doanh nghiệp nhà nước. Từ cuối tháng 1-2000 đến giữa tháng 5-2005, thực hiện theo Hướng dẫn 12-HD/TCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Từ tháng 5-2005 đến nay, thực hiện theo Quy định 140-QĐ/TW, của Ban Bí thư (Khóa IX). Ngày 5-6-2007, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 07- HD/BTCTW, về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong CTCPCVNN đối với loại hình Nhà nước giữ cổ phần chi phối và không giữ cổ phần chi phối.

Đa số các tổ chức đảng trong CTCPCVNN đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu của công ty đặt ra. Mối quan hệ của đảng bộ, chi bộ với hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc, giám đốc (TGĐ,GĐ) và các tổ chức liên quan, ở nhiều doanh nghiệp vẫn được thực hiện tương đối nền nếp như trong doanh nghiệp nhà nước.

Trên 90% số tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng được quy chế hoạt động. Kết quả phân tích chất lượng hai năm 2005, 2006 cho thấy: tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh lần lượt là 69,73% và 68,49%; số yếu kém là 2,40% và 1,63%. Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 75,52% và 72,62%, vi phạm tư cách là 0,44% và 0,55%.

Tuy nhiên, các tổ chức cơ sở đảng trong loại hình doanh nghiệp này còn một số hạn chế, yếu kém phổ biến sau đây:

- Hoạt động của một số tổ chức đảng trong CTCPCVNN chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng đảng ở loại hình nhà nước không giữ cổ phần chi phối chưa được quan tâm đúng mức.

- Phương thức hoạt động của một số đảng bộ, chi bộ còn lúng túng, quá phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu doanh nghiệp; quy chế hoạt động của tổ chức đảng tuy được xây dựng, hoặc bổ sung, sửa đổi, nhưng nhìn chung chưa sát thực tiễn, một số nơi cấp ủy còn hoạt động theo kinh nghiệm.

- Việc lãnh đạo thực hiện theo Quy định 140-QĐ/TW, mới phát huy trong lĩnh vực tư tưởng, lãnh đạo các đoàn thể quần chúng và công tác xây dựng đảng; đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, an ninh, quốc phòng và công tác tổ chức, cán bộ còn nhiều hạn chế.

- Mối quan hệ giữa đảng bộ, chi bộ với HĐQT, TGĐ (GĐ) và các tổ chức liên quan có nhiều bất cập, nhất là ở doanh nghiệp nhà nước không giữ cổ phần chi phối, hoặc nhà nước giữ cổ phần chi phối, nhưng bí thư cấp ủy năng lực kém; nhãn quan chính trị, tính đảng của cán bộ quản lý không cao.

Những hạn chế, yếu kém trên đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do:

Về khách quan:

Công ty cổ phần có vốn nhà nước là loại hình doanh nghiệp mới, chưa có tiền lệ ở nước ta. Do đó việc xác định nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong loại hình này, phải có thời gian và quá trình chuẩn bị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về chủ quan:

- Sự đầu tư của các cấp ủy đảng để tìm ra phương thức hoạt động phù hợp còn chưa nhiều; một số văn bản ban hành chậm, chưa sát thực tiễn; điều kiện, môi trường cho hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể chậm được luật pháp hóa, thiếu đồng bộ; chế độ, chính sách đối với cán bộ đảng, đoàn thể chưa thỏa đáng, không thu hút được người có năng lực làm công tác đảng, đoàn thể...

Có ý kiến cho rằng, theo Quy định 140-QĐ/TW, vai trò của đảng bộ, chi bộ cơ sở đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chỉ ở mức "tham gia" là chưa phù hợp, đặt tổ chức đảng, cấp ủy vào "thế thụ động".

- Nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là số cán bộ chủ chốt trong HĐQT, bộ máy quản lý ở cơ sở, về vai trò, vị trí của tổ chức đảng chưa đúng mức, chưa coi đây là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vì vậy ít tạo điều kiện để tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động.

- Chức danh bí thư cấp ủy đa số kiêm nhiệm, một số năng lực hạn chế, hoặc thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm với công tác đảng, không tập trung nghiên cứu, vận dụng Quy định 140-QĐ/TW. Cấp ủy cấp trên trực tiếp thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, cũng làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong CTCPCVNN, theo chúng tôi, cần :

- Bảo đảm ở đâu có quần chúng thì ở đó có đảng viên, có đảng viên thì phải có tổ chức đảng (hiện nay khoảng 18% số CTCPCVNN chưa có tổ chức đảng). Các tổ chức cơ sở đảng đều có quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc.

- Hoàn thành hệ thống tổ chức đảng ở cơ sở cho đồng bộ, thống nhất với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở”.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cơ sở, xây dựng tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, khắc phục cho được những tổ chức cơ sở đảng yếu kém, bảo đảm đủ sức lãnh đạo cơ sở.

Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, trước mắt cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tập trung xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể quần chúng, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (hiện nay mới có 85% số đơn vị có Công đoàn, 54% có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh)... Trên cơ sở đó, lựa chọn những quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp đảng viên, đồng thời kết hợp việc điều chuyển, phân công những đảng viên từ nơi khác đến làm nòng cốt.

Hai là, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng, gắn công tác xây dựng Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Đối với tổ chức đảng ở các CTCPCVNN là đơn vị thành viên trong các tập đoàn, tổng công ty, thì vẫn trực thuộc đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, như vậy sẽ thuận lợi, bảo đảm cho sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên đối với tổ chức đảng ở cơ sở.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các đảng bộ, chi bộ cơ sở, trước mắt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định 140- QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX), Hướng dẫn 07-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương đối với hai loại hình nhà nước giữ cổ phần chi phối và không chi phối, từ đó xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động của cấp ủy cho phù hợp với thực tiễn.

Năm nhiệm vụ (từ Điều 2 đến Điều 5) trong Quy định 140-QĐ/TW, đều quan trọng, tuy vậy theo chúng tôi, trước mắt cần tập trung một số giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc lớn nhất hiện nay, đó là:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng thấy rõ sự cần thiết của việc đa dạng hóa chế độ sở hữu dưới sự lãnh đạo của Đảng, thay đổi về cơ chế quản lý; về quyền, trách nhiệm, lợi ích của cổ đông, người lao động; chức năng, nhiệm vụ của HĐQT, TGĐ (GĐ) và các tổ chức chính trị - xã hội; về mối quan hệ giữa các thành viên và tổ chức đảng...

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cấp ủy cơ sở vững mạnh. Mở rộng chế độ chuyên trách công tác đảng ở những đảng bộ có đông đảng viên, bố trí những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết (tốt nhất là lãnh đạo chủ chốt hoặc thành viên trong HĐQT, Ban Giám đốc) và có chế độ lương, phụ cấp trách nhiệm thỏa đáng đối với đội ngũ này. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ, đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và cán bộ chuyên trách công tác đảng.Với loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cố gắng nhất thể hóa hai chức danh bí thư và chủ tịch HĐQT, hoặc TGĐ.

Thứ ba, đối với công tác tổ chức, cán bộ, quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Cấp ủy trực tiếp quy hoạch, đào tạo, quản lý, lãnh đạo đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể quần chúng. Đối với cán bộ quản lý, phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu vốn, cấp ủy phối hợp với HĐQT, TGĐ (GĐ) xây dựng, thực hiện các quy chế, quy định, để lựa chọn cán bộ, đảng viên đại diện cho phần vốn của Nhà nước.

Thông qua việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, khắc phục tình trạng được giao nhiều quyền hạn, nhưng biện pháp kiểm soát lại không tương xứng, không thích hợp và thiếu những động lực khuyến khích họ hoạt động vì quyền lợi của Nhà nước.

Trong loại hình Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, cấp ủy cần chủ động, phát hiện bồi dưỡng những cán bộ, đảng viên có đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, năng lực và kinh nghiệm để giới thiệu bầu vào bộ máy lãnh đạo. Trường hợp đảng viên không đủ điều kiện về vốn (5% cổ phần phổ thông), hoặc không phải là cổ đông, thì vận dụng Điều 17, Nghị định số 139/2007/NĐ-CP (bầu dồn phiếu), Điều 57, 104, 110, Luật Doanh nghiệp, ngày 29-11-2005...

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ tốt giữa tổ chức đảng, cấp ủy với HĐQT, Ban Giám đốc. Theo chúng tôi, hiện nay cần bổ sung, sửa đổi một số văn bản đã có và ban hành một số cơ chế, chính sách mới cho phù hợp với tình hình mới.

Cụ thể: trong Luật Doanh nghiệp và Nghị định hướng dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh ( Điều 1, Điều 2); đối với công tác tổ chức, cán bộ (Điều 4); chính sách, chế độ đối với cán bộ đảng, đoàn thể, nhất là cán bộ chuyên trách; kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của tổ chức đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Cần sớm luật hóa các vấn đề đó.

Cấp ủy phải lãnh đạo đảng viên, quần chúng, đồng thời trực tiếp tham gia (trên góc độ tổ chức) xây dựng điều lệ của công ty, bảo đảm nội dung điều lệ đúng chủ trương, của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với vai trò, vị trí, trách nhiệm và các điều kiện hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể, cần quy định cụ thể trong điều lệ, làm cho mọi cổ đông thấy rõ các tổ chức chính trị - xã hội là một thành viên không thể tách rời, luôn luôn gắn bó, đóng góp vì sự phát triển của công ty.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở. Cấp ủy cấp trên phân công các ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách cơ sở, làm việc với cấp ủy, cơ quan quản lý, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, cùng cấp ủy, cơ quan quản lý tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, từ cơ sở.

Đồng thời, cấp ủy cấp trên phải quan tâm chỉ đạo và có giải pháp cụ thể để hỗ trợ cơ sở giải quyết những khó khăn về kinh phí, điều kiện phục vụ học tập chính trị, bồi dưỡng kiến thức xây dựng Đảng, công tác phát triển đảng viên mới.