Quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là thành quả của cuộc đấu tranh của con người qua hàng nghìn năm lịch sử. Ngày nay, bảo đảm quyền con người đã trở thành mục tiêu phấn đấu chung của cộng đồng quốc tế, được phản ánh trong chính sách của các quốc gia cũng như trong chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế.


Nhân ngày Nhân quyền Thế giới 10-12, Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Với chủ trương nhất quán tôn trọng và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do của người dân, việc tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người và nhất là việc tham gia các điều ước, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người đã được Việt Nam thực hiện với tinh thần nghiêm túc, cầu thị và cởi mở, đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân Việt Nam.

Chủ trương hợp tác quốc tế về quyền con người

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là không ngừng nỗ lực để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, hợp tác quốc tế về quyền con người giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế đang ngày càng được mở rộng.

Việt Nam hiện có cơ chế Đối thoại nhân quyền chính thức với năm nước/đối tác, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ, Na Uy và Australia, cùng với nhiều kênh trao đổi không chính thức về các vấn đề quyền con người. Đặc biệt, Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực hơn tại các diễn đàn đa phương về quyền con người (đặc biệt với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền).

Việc tham gia các điều ước quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người là một trong những công tác trọng tâm, nhằm hướng đến những chuẩn mực cơ bản và phổ quát về quyền con người, đưa những qui định chung đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi về các quyền con người vào pháp luật, chính sách của Việt Nam, phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Việt Nam tham gia và thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế về quyền con người

Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người (7/9 Công ước), trong đó Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và nước châu Á đầu tiên tham gia Công ước về quyền trẻ em. Đầu năm nay, Việt Nam vừa phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật và Công ước chống tra tấn. Việt Nam cũng tham gia 20 công ước về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 5/8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế. Đây là mức độ cam kết rất cao, kể cả so với nhiều quốc gia phát triển, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực của Việt Nam không chỉ thể hiện qua số lượng các công ước quốc tế về quyền con người Việt Nam tham gia, mà còn ở tinh thần nghiêm túc trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên công ước. Cụ thể đó là nỗ lực nội luật hóa quy định của các công ước về quyền con người (với hàng chục ngàn văn bản luật và dưới luật phải điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới...); việc triển khai tuyên truyền, phổ biến các công ước quốc tế về quyền con người trên phạm vi toàn quốc, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đưa vào chương trình giáo dục; việc nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến xây dựng và đệ trình báo cáo quốc gia. Việt Nam đã soạn thảo và đệ trình 16 báo cáo quốc gia lên các Ủy ban công ước về nhân quyền, được đánh giá cao về chất lượng.

Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết quốc tế khác về quyền con người, nổi bật là cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát vào tháng 5-2009, chấp nhận 96/123 khuyến nghị. Tại phiên Rà soát định kỳ phổ quát lần thứ hai vào tháng 02-2014, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị. Việt Nam có thái độ tích cực, nghiêm túc trong việc chuẩn bị báo cáo, tham gia đối thoại, và tỷ lệ chấp nhận các khuyến nghị như vậy là ở mức cao. Điều quan trọng hơn là Việt Nam hết sức nghiêm túc trong thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể về việc thực hiện 182 khuyến nghị, Bộ Ngoại giao được phân công là cơ quan điều phối việc thực hiện Kế hoạch này.

Đánh giá về đóng góp của Việt Nam

Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò và đóng góp tích cực vào việc xây dựng giá trị về quyền con người nói chung trên phạm vi khu vực và quốc tế. Điều này phù hợp với định hướng đối ngoại của Việt Nam khi bước sang một giai đoạn phát triển mới, không chỉ tham gia tích cực, mà còn là một thành viên có trách nhiệm và chủ động tham gia vào quá trình định hình, xây dựng các quy định, chuẩn mực chung. Đóng góp của Việt Nam thể hiện ở cách tiếp cận đề cao đối thoại, hợp tác xây dựng để thu hẹp khác biệt, tránh đối đầu trong vấn đề quyền con người; đồng thời ủng hộ cách tiếp cận toàn diện, cân bằng giữa các quyền, hài hòa quyền cá nhân với các quyền tập thể. Cách tiếp cận này thể hiện rõ trong sự tham gia của Việt Nam ở các cơ chế đa phương về nhân quyền của Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEAN.

Nỗ lực và đóng góp của Việt Nam được các nước ghi nhận và đánh giá tích cực. Các nước hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia và thực hiện nghiêm túc các điều ước quốc tế và các khuyến nghị Rà soát định kỳ phổ quát cũng như sự nghiêm túc của Việt Nam trong xây dựng và trình bày các báo cáo quốc gia. Một số nước đang phát triển mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam. Việt Nam cũng được nhiều nước tin tưởng, tham vấn trong giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về quyền con người.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác tham gia và thưc hiện các cam kết và điều ước quốc tế về quyền con người vẫn gặp một số khó khăn. Đó là khó khăn về nguồn lực, đặc biệt là chuyên gia về quyền con người; khó khăn về thực thi các nghĩa vụ công ước, trong đó có nghĩa vụ làm báo cáo; khó khăn trong điều phối hoạt động giữa các cơ quan.

Những thách thức và định hướng triển khai thời gian tới

Định hướng triển khai thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ như nghiêm túc triển khai các cam kết, nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; nghiên cứu khả năng gia nhập thêm một số điều ước quốc tế; cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn về quyền con người nói chung, trong đó chú trọng việc đóng góp hiệu quả tại các cơ quan Liên hợp quốc mà Việt Nam sẽ làm thành viên như Hội đồng Kinh tế-Xã hội (2016-2018) và Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019) và trong các cơ chế của ASEAN; tăng cường phối hợp, tham vấn nhằm bảo đảm sự hiệu quả trong việc thực thi công ước và các khuyến nghị Rà soát định kỳ phổ quát, quan tâm hơn về tiến độ, chất lượng báo cáo quốc gia, xem xét tính khả thi và cần thiết của việc xây dựng một ngân hàng dữ liệu, tổng hợp và cập nhật tình hình các quyền con người; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ công tác trong lĩnh vực quyền con người cần được chú trọng, trong đó có việc tìm kiếm, hỗ trợ ứng cử viên Việt Nam có đủ điều kiện tham gia các Ủy ban Công ước.

Thực tiễn cho thấy Việt Nam vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thực thi các cam kết và điều ước quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, với những nỗ lực mạnh mẽ của các các ngành các cấp trong nhiều thập kỷ, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc triển khai nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ theo các công ước và cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, cũng như tin tưởng vào sự đóng góp ngày càng tích cực hơn của Việt Nam đối với giá trị chung về quyền con người ở phạm vi khu vực và toàn cầu./.