TCCSĐT - Sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng trưởng khá so với cùng kỳ của hai năm gần đây. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,9%

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2014. Tháng 11-2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 11 tháng năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng 10,1%, ngành khai khoáng tăng 8,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,5%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 28%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 17,4%; dệt tăng 15,1%. Một số ngành có mức tăng thấp: Khai thác than cứng và than non tăng 5,2%; sản xuất thuốc lá tăng 4,3%; sản xuất trang phục tăng 5,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,5%.

Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành: điện sản xuất tăng 12%; xăng, dầu các loại tăng 22,7%; điện thoại di động tăng 38,7%; tivi tăng 51,1%; ôtô tăng 55,6%;… Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, như phân đạm ure tăng 2,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 3,7%; xe máy giảm 11,8%;...

Tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao

Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 10 tháng năm 2015, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 10,8%).

Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 51,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,9%; sản xuất kim loại tăng 24%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,8%,... Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, như sản xuất thuốc lá tăng 1,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 1,5%; dệt tăng 3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1%.

Tình hình tồn kho duy trì ở mức thấp

Tình hình tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tại thời điểm ngày 01-11-2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2014 (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2014).
Trong đó, chỉ số tồn kho của một số ngành giảm so với cùng kỳ, như sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 11%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 24%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 57%;... Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung: sản xuất đồ uống tăng 48,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 34,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 53,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 45,8%;...

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 16,5%

Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 16,5% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản, lâm sản và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm lần lượt là 7,6% và 45,4%.

Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện,...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng, như điện thoại di động, ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.

Về tình hình thị trường trong nước, nhìn chung ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định ở nhiều nhóm hàng hóa. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.946,1 nghìn tỷ đồng tăng 9,4% so với cùng kỳ, nếu loại bỏ yếu tố giá tăng 8,75%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng đầu năm 2015 tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2014.

Công tác quản lý thị trường tiếp tục được triển khai, đôn đốc dưới nhiều hình thức. Theo báo cáo nhanh, trong tháng 11-2015 lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 13.100 vụ, phát hiện xử lý trên 7.200 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách 31,5 tỷ đồng.

Ước thực hiện 11 tháng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý trên 91.400 vụ vi phạm (tăng 5.300 vụ, tăng 6,1 % so với cùng kỳ năm 2014), thu nộp ngân sách gần 383 tỷ đồng (tăng 27 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014)./.