Công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, một động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng cực Nam Tổ quốc
Những ngày đầu tháng tư lịch sử, giữa màu xanh của rừng U Minh Hạ, tổ máy tua-bin khí số 1 Nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc dự án công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau hòa dòng điện đầu tiên vào lưới điện quốc gia, và toàn bộ hệ thống nhà máy điện này sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động cuối năm 2007. Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tiếp nhận cảng Năm Căn, khởi công xây dựng nhà máy đóng tàu tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn và còn nhiều dự án công trình khác đang khởi động. Điều này đồng nghĩa với việc nhân thêm sức mạnh nội lực cho kinh tế - xã hội Cà Mau phát triển, nhất là ngành công nghiệp còn non trẻ.
Những công trình thế kỷ
Dự án khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau mang tầm quốc gia do Trung ương xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với nguồn vốn đầu tư trên dưới 30.000 tỉ đồng, gồm: công trình đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, công suất 2 tỉ m3/năm; hai nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, tổng công suất 1.500 MW; nhà máy phân đạm 800.000 tấn/năm. Ngày 4-4-2007, tổ máy tua-bin khí số 1 Nhà máy điện Cà Mau 1 đã hòa dòng điện đầu tiên vào hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn phát điện thử nghiệm để kiểm tra, theo dõi điều chỉnh các thông số kỹ thuật đạt yêu cầu tối ưu trước khi đưa vào vận hành ổn định. Tiếp theo là tua-bin khí số 2 cũng đã được phát điện lên lưới quốc gia. Dự kiến cả hệ thống nhà máy điện Cà Mau 1 sẽ hoàn thành đi vào hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2007. Khi dòng điện đầu tiên của nhà máy được đưa lên lưới quốc gia, nhiều lão nông nơi đất rừng U Minh không khỏi ngỡ ngàng bởi ngoài sức tưởng tượng của họ. Bác Tạ Văn Mãnh, cư ngụ ấp 6, xã Khánh An thốt lên: "Hơn 65 tuổi đời chỉ sống với cây lúa, cây tràm, con tôm, con cá, những nông dân như tôi chưa bao giờ nghĩ đất U Minh làm ra điện thắp sáng. Ngày đi dự khởi công xây dựng khu công nghiệp này trong lòng rất vui, nhưng tôi lại nửa tin, nửa ngờ. Vậy mà bây giờ dòng điện U Minh đã phát đi". Hiện nay, trên công trường khí - điện - đạm Cà Mau, nhà máy điện Cà Mau 2, công suất 750 MW cũng đang khẩn trương xây dựng, lắp đặt thiết bị và dự kiến sẽ thi công hoàn thành, vận hành phát điện vào tháng 3-2008, trở thành tỉnh cung cấp nguồn năng lượng cho cả nước nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tiếp đến, nhà máy đạm sản xuất ra phân bón, góp phần cùng với bà con nông dân làm nên những mùa vàng bội thu, cây trái xanh tốt, năng suất và sản lượng nông sản hàng hóa tăng nhanh.
Trước đó, vào trung tuần tháng 3-2007, người dân ở 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển nơi mảnh đất chót cùng cực Nam Tổ quốc đón nhận tin vui khi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy đóng tàu Cà Mau tại xã Hàng Vịnh thuộc huyện Năm Căn và tiếp nhận cảng Năm Căn. Đối với dự án nhà máy đóng tàu, triển khai thi công giai đoạn 1 (2007 - 2008) với vốn đầu tư 524 tỉ đồng, sau khi hoàn thành, nhà máy có khả năng đóng mới, sửa chữa tàu có trọng tải lên đến 30.000 tấn, giải quyết việc làm cho từ 3.000 đến 5.000 lao động tại địa phương. Tiếp nhận cảng Năm Căn, tập đoàn đầu tư xây dựng hiện đại, vì đây là cảng biển quốc tế trên sông Cửa Lớn nối liền Biển Đông, vịnh Thái Lan thuận tiện thông thương với các nước Đông Nam á và thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Huỳnh Vũ Phong, Chủ tịch huyện Năm Căn vui vẻ nói: "Ước mơ bao đời của nhân dân Cà Mau về một nhà máy đóng tàu quy mô lớn giờ đây trở thành hiện thực. Đây không những là điều kiện thuận lợi để ngành khai thác đánh bắt thủy sản Cà Mau phát triển mà còn tiếp thêm sức mạnh cho Năm Căn xây dựng đặc khu kinh tế mở với nhiều lĩnh vực ngành nghề phù hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế của địa phương, nhất là thu hút, mời gọi đầu tư trong và ngoài nước".
Nhân thêm sức mạnh nội lực
So với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đang nắm trong tay vận hội mới với lợi thế chưa từng có để bứt phá nhanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình bởi xuất hiện những dự án công trình công nghiệp "ngoài sức tưởng tượng". Như vậy, Cà Mau tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, trở thành tỉnh công nghiệp từ sau năm 2010 trên cơ sở phát huy, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng khu công nghiệp khí - điện - đạm. Cà Mau quy hoạch xây dựng, đầu tư phát triển các khu công nghiệp trọng điểm gồm: Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn và Sông Đốc. Đặc biệt, khu công nghiệp Khánh An nằm cạnh khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau với nguồn khí thấp áp giá rẻ không phải nơi nào cũng có là yếu tố tạo thêm sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Theo đó, khu công nghiệp Khánh An diện tích 360 ha, tổng vốn xây dựng kết cấu hạ tầng khoảng 760 tỉ đồng. Đây là khu công nghiệp thu hút các dự án sử dụng khí thấp áp; chế biến thủy sản, nông sản xuất khẩu; sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản; vật liệu xây dựng, gạch ceramic, gốm sứ, thủy tinh pha lê, hóa chất... và hiện có đối tác xin đầu tư xây dựng nhà máy điện độc lập khí hỗn hợp 450 MW. Khu công nghiệp Khánh An vừa được tỉnh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Hạ tầng Sài Gòn - Cà Mau đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn bộ diện tích. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế hiện trạng, vị trí cũng như nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, công ty đề nghị tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh mở rộng quy mô khu công nghiệp Khánh An lên 700 ha với nguồn vốn đầu tư tăng lên khoảng 1.500 tỉ đồng để vừa đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.
Tại khu công nghiệp này bước đầu thu hút được dự án xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến gỗ do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồng Hiệp - Australia đầu tư 100% vốn nước ngoài, tổng vốn 48 tỉ đồng (tương đương 3 triệu USD). Nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm chính từ nguyên liệu gỗ địa phương gồm: gỗ dán, gỗ lạng, ván ép, ván mỏng, giường, tủ, bàn ghế và một số sản phẩm lâm sản khác phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Khu công nghiệp Hòa Trung thuộc thành phố Cà Mau với diện tích hơn 130 ha thu hút mạnh đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và mời gọi đầu tư phát triển một số lĩnh vực ngành nghề khác như: chế biến nông sản, cơ khí, vật liệu xây dựng. Khu công nghiệp Năm Căn nằm trên địa bàn huyện Năm Căn, diện tích 200 ha mời gọi thu hút đầu tư gắn với xây dựng khu kinh tế mở nhằm phát triển lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp như: cảng biển, cơ khí đóng tàu, chế biến thủy sản xuất khẩu, cơ khí dịch vụ hậu cần cho thăm dò khai thác dầu khí vùng biển Tây Nam. Khu công nghiệp Sông Đốc 50 ha, huyện Trần Văn Thời tiếp giáp cảng cá Sông Đốc mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, cơ khí sửa chữa tàu thuyền...
Tiếp đến, khi toàn bộ dự án khu công nghiệp khí - điện - đạm quy mô nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành vận hành đồng bộ, Cà Mau không chỉ nhân thêm sức mạnh kinh tế công nghiệp mà còn trở thành nơi du lịch hấp dẫn thu hút du khách, tạo nội lực cho ngành "công nghiệp không khói" này và nhiều lĩnh vực ngành nghề khác phát triển. Sở Ngoại vụ - Du lịch Cà Mau cho biết sẽ tận dụng lợi thế này trên cơ sở chủ động đẩy mạnh quy hoạch, lập kế hoạch, dự án đầu tư nhằm khai thác nhanh nguồn tài nguyên du lịch vốn nhiều tiềm năng. Trước mắt, khẩn trương xây dựng các khu, điểm du lịch quan trọng như: Công viên văn hóa Cà Mau, khu du lịch quốc gia sinh thái U Minh Hạ và rừng ngập mặn - bãi bồi mũi Cà Mau, Hòn Khoai, khu du lịch Khai Long... Trong đó, khu du lịch sinh thái quốc gia rừng U Minh Hạ và Công viên văn hóa Cà Mau có lợi thế lớn về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, nghiên cứu hệ sinh thái rừng tràm, đặc trưng ẩm thực đất phương Nam... và chỉ cách khu công nghiệp khí - điện - đạm trên dưới 10 km, thuận tiện giao thông đường bộ lẫn đường thủy. Ông Lê Huỳnh Kỳ, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định: "khu công nghiệp khí - điện - đạm khi đi vào hoạt động sẽ là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Cà Mau phát triển nhanh hơn, tạo lợi thế trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Do đó, Cà Mau chủ trương tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút có hiệu quả các nguồn vốn, khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tổ chức những “tua” du lịch dài ngày, ngắn ngày gắn với tham quan khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, nối tuyến đến các khu du lịch ở Đất Mũi, Hòn Khoai và một số điểm, khu du lịch khác trên địa bàn".
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa X  (06/10/2007)
Kinh tế, chính trị thế giới năm 2006 và triển vọng năm 2007  (05/10/2007)
Vai trò của Việt Nam trong ASEAN  (05/10/2007)
Những xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á  (05/10/2007)
Chiến lược phát triển bàn về tư duy và hành động có tính chiến lược  (05/10/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng  (05/10/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên