Mấy vấn đề đối với nông nghiệp - nông thôn - nông dân nước ta khi tham gia toàn cầu hóa
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và chiến lược phát triển của nước ta. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vấn đề nhận diện đúng những cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp - nông thôn và nông dân,chỉ ra những giải pháp nhằm nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức là một vấn đề cốt lõi.
Toàn cầu hoá kinh tế đang là một xu thế vận động tất yếu trong thời đại hiện nay, trong đó, WTO là định chế cơ bản của nó. Gia nhập WTO, Việt Nam khẳng định sự chủ động, tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế một cách ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế, gia nhập WTO, nghĩa là chúng ta chấp nhận những thời cơ và thách thức mới. Những cơ hội và thách thức này sẽ trở nên đặc biệt hơn đối với nước ta bởi lẽ cho đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia nông nghiệp, dân số chủ yếu là nông dân, sản xuất nông nghiệp và sinh sống ở nông thôn. Như thế, để thành công, chúng ta cần nắm vững những cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp - nông thôn - nông dân nước ta trong quá trình tham gia toàn cầu hóa.
Thời cơ và thuận lợi của nông nghiệp - nông thôn - nông dân khi tham gia toàn cầu hóa
Trong quá trình đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có rất nhiều biến đổi. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế công - nông - dịch vụ cả nước đã chuyển đổi theo đúng quy luật khách quan, trong đó, nông nghiệp luôn làm tròn vai trò nền tảng cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, nông dân luôn là chủ thể năng động, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn luôn là địa bàn diễn ra những hoạt động kinh tế sôi nổi và nhiều biến động; đồng thời, cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Số liệu thống kê cho thấy, trong suốt quá trình đổi mới, giá trị sản lượng nông nghiệp (cả nông, lâm, ngư nghiệp) liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,55%/năm và tăng GDP 3,36%/năm. Hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tới nông dân - nông nghiệp - nông thôn đã từng bước thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trục quan hệ này. Chẳng hạn, độc quyền kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp, chế độ cô-ta, hạn ngạch bị xoá bỏ, mọi hình thức ngăn sông cấm chợ bị loại bỏ, bước đầu đã chú trọng đến phát triển thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung được hình thành (như vùng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, cà phê ở Tây Nguyên, chè ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, cao su ở Đông Nam Bộ...). Vì thế, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thứ nhất về hạt tiêu (chiếm 14,3% thị phần thế giới), về cà phê vối (chiếm 40% thị phần thế giới), thứ hai về lúa gạo (chiếm 12% thị phần thế giới), về hạt điều (chiếm 9,5% thị phần thế giới)... Với vị trí quan trọng như vậy, nông nghiệp đã trở thành chìa khoá đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.
Khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, nông nghiệp nước ta sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, bởi sẽ được tiếp cận thị trường nông sản của 150 nước thành viên WTO. Đồng thời, cũng tạo ra những thời cơ thu hút vốn đầu tư FDI cho nông nghiệp. Cho đến nay, đã có 781 dự án FDI đầu tư cho nông nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 1,75 tỷ USD, đã và đang góp phần phát triển công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất cây, con giống có chất lượng cao...
Đối với địa bàn nông thôn, khi tham gia toàn cầu hoá cũng sẽ có những cơ hội rất to lớn để thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và chậm phát triển. Đó là, có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ về khoa học - công nghệ; giao lưu với các nền văn hoá; tiếp cận với những nguồn tài trợ để phát triển kết cấu hạ tầng, xoá đói giảm nghèo; tiếp cận với nguồn tài trợ nhân đạo của các tổ chức Liên hợp quốc và của các tổ chức phi chính phủ quốc tế... Nhờ vậy, kinh tế nông thôn đã bước đầu khởi sắc, kinh tế hộ và kinh tế trang trại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, gia công, sản xuất đồ gia dụng, mỹ nghệ đã được chú trọng phát triển, nhất là các làng nghề đã được khôi phục và phát huy. Bộ mặt kinh tế - xã hội, văn hoá - xã hội của nông thôn đã có những đổi thay đáng mừng, góp phần làm cho nông thôn được đô thị hoá, xích lại gần hơn với thành thị và thế giới.
Còn người nông dân, do tác động của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá, dưới tác động của động lực lợi ích kinh tế, trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, đã có bước chuyển rất căn bản từ người nông dân tiểu nông sản xuất tự cấp, tự túc, bảo thủ, lạc hậu thành người nông dân năng động, sáng tạo trong sản xuất hàng hoá để hội nhập với thế giới. Người nông dân, nhất là những chủ trang trại và chủ doanh nghiệp nông dân đã được tiếp cận trực tiếp với thị trường thế giới, họ càng năng động, sáng tạo hơn trong sản xuất và kinh doanh. Nhất là sẽ học tập được những kinh nghiệm quý của nông dân nước khác, cũng như sẽ từng bước tôi luyện tinh thần sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, nhận biết được giá trị của thương hiệu, của xúc tiến thương mại, của luật pháp quốc tế... Tất nhiên, khi tham gia vào toàn cầu hoá, người nông dân cũng sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn khi mua hàng hoá nông sản của các nước khác vừa phong phú về chủng loại, vừa có chất lượng cao và giá rẻ.
Thách thức và khó khăn đối với nông nghiệp - nông dân - nông thôn khi tham gia toàn cầu hoá
Khi tham gia vào toàn cầu hoá, nông nghiệp nước ta sẽ phải đối mặt với những thách thức, khó khăn rất lớn như sự bảo hộ của các nước phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OEDC) còn rất lớn, với tổng số hàng năm chiếm khoảng 360 tỉ USD, trong đó Mỹ và EU chiếm tới 80%. Sự lạc hậu về cơ sở vật chất trong nông nghiệp, sự bất hợp lý trong chính sách quản lý và sử dụng đất đai, chính sách thuế, chính sách quy hoạch vùng trong nông nghiệp; chất lượng nông sản hàng hoá chưa cao, chủ yếu vẫn chỉ ở dạng sản phẩm thô nên giá trị gia tăng ít; công nghiệp chế biến, công nghệ sau thu hoạch chậm đổi mới và triển khai rộng nên gây lãng phí, thất thoát rất lớn (có khi lên tới 30%).
Nông sản hàng hoá của nước ta bị nông sản hàng hoá của nước ngoài cạnh tranh khốc liệt, phần nhiều chỉ tiêu thụ ở phân khúc thị trường bình dân, trong khi đó có tới 70% mặt hàng rau quả tại các khách sạn, nhà hàng là có xuất xứ từ nước ngoài. Ngoài ra, ngành chăn nuôi của nước ta cũng sẽ gặp phải cạnh tranh khốc liệt với nông sản thực phẩm vừa được trợ cấp cao, vừa có chất lượng cao và giá cả rẻ của Mỹ, EU, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân...
Trong khi đó, các doanh nghiệp nông dân với quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, nên hiện nay chỉ có 70% trong số 16.000 doanh nghiệp nông dân làm ăn có hiệu quả, số còn lại còn rất lúng túng, khó khăn trong việc tồn tại và phát triển. Thêm nữa, do trình độ lực lượng sản xuất của nông nghiệp còn thấp, nhất là về công cụ sản xuất phần nhiều còn thô sơ, yếu tố khoa học - kỹ thuật của người nông dân và kết cấu hạ tầng nông nghiệp còn yếu, nên nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, luôn chứa đựng nhiều rủi ro, bấp bênh về giá cả, thị trường tiêu thụ...
Bên cạnh đó, chất lượng về cây và giống còn rất thấp, Nhà nước chưa có chính sách phù hợp về hệ thống sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, việc chuyển giao công nghệ, thành tựu khoa học - kỹ thuật từ các cơ sở nghiên cứu đến người nông dân còn nhiều bất cập. Ngoài ra, tình trạng manh mún ruộng đất còn phổ biến, vì hiện nay trung bình mỗi hộ nông dân có khoảng từ 8 đến 10 thửa đất, mà thửa lớn nhất là 5000 m2, thửa nhỏ nhất là 20 m2. Đây là một khó khăn, thách thức rất lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nói riêng từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá lớn.
Đối với người nông dân và các chủ trang trại, các chủ doanh nghiệp nông dân hiện còn rất ít hiểu biết về những quy định, quy tắc, các chế tài pháp lý trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, còn thiếu thông tin về thị trường, về quyền sở hữu trí tuệ, về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, về thương hiệu, nhãn mác sản phẩm... nhất là, thiếu thông tin kịp thời về sự bảo trợ nông nghiệp của các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ...
Hiện nay, do trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và khoa học - kỹ thuật còn rất thấp, do năng lực tư duy kinh tế, tư duy pháp lý và năng lực pháp quyền còn nhiều hạn chế, do thất nghiệp, mất đất, bệnh tật, thiếu kinh nghiệm làm ăn, do còn chịu ảnh hưởng nhiều của tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu, những thói quen tuỳ tiện, đại khái của phần lớn nông dân, nên nông dân vẫn là đối tượng khó tiếp cận được với những cơ hội để hội nhập có hiệu quả, thậm chí họ còn trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi nhất khi nước ta tham gia toàn cầu hoá.
Ngoài ra, hiện còn có một bộ phận nông dân rất nghèo khó, đã làm doãng thêm khoảng cách giầu nghèo giữa nông dân với doanh nhân, giữa nông thôn với thành thị, giữa nước ta với thế giới. Địa bàn nông thôn, tuy đã có những bước đổi thay đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu và chậm phát triển không chỉ về đời sống vật chất, mà còn cả về đời sống văn hoá, tinh thần. Đặc biệt là kinh tế nông thôn đang và sẽ phải đối mặt với tình trạng các cơ sở sản xuất còn phổ biến là thủ công lạc hậu, năng suất thấp, sức cạnh tranh kém, quy mô vốn nhỏ, cung cách quản lý lạc hậu, yếu kém, nhất là những rào cản về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế với tình trạng thiếu thương hiệu, xúc tiến thương mại chậm, mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu, với tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán đã gây ra nhiều khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn… Hơn thế, do kết cấu hạ tầng nông thôn còn rất yếu kém, nên rất khó mời gọi đầu tư của các đối tác để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, tiên tiến.
Một số biện pháp ban đầu nhằm tháo gỡ khó khăn đối với nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong giai đoạn hiện nay
Để giải quyết và tháo gỡ những khó khăn đối với nông nghiệp - nông thôn - nông dân nước ta trong điều kiện tham gia toàn cầu hóa thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cần thực hiện một số biện pháp cấp bách sau: Cần xây dựng một tổ chức nhà nước mới có chức năng điều hành sự phối hợp liên kết giữa 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với nhà nông; đổi mới hoạt động hỗ trợ nông dân và nông nghiệp trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học, trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức; xây dựng chính sách thị trường nông sản khoa học và hợp lý; tăng cường các hoạt động truyền thông ở nông thôn nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt cho nông dân, nhất là sự hiểu biết về luật pháp, các thông lệ quốc tế; cùng với phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, cần có chiến lược đào tạo nghề cho nông dân, giúp họ vừa có thể kiếm được việc làm vừa có thể tạo ra việc làm; Đảng cần nâng cao vai trò lãnh đạo chính trị của mình, nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý, các đoàn thể nhân dân; Hội Nông dân cần nâng cao năng lực tổ chức, hướng dẫn quần chúng của mình đi vào quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả nhất; xây dựng cơ chế hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ./.
Người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (30/06/2008)
Người dân nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (30/06/2008)
Hội nghị quốc tế về thị trường mới nổi tại Hà Nội  (30/06/2008)
Gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới  (28/06/2008)
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động  (28/06/2008)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên