Ngạc nhiên và ngưỡng mộ là cảm xúc của khách du lịch khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, tiềm năng của Phú Quốc. Biến Phú Quốc thành trung tâm kinh tế - du lịch chất lượng cao đang là mục tiêu và hành động của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo.

Hòn đảo ngọc

Phú Quốc là quần thể quy tụ 22 hòn đảo lớn, nhỏ, có diện tích 598 km2, với 150 km đường bờ biển trải dài, những bãi biển gần như còn giữ được nét đẹp ban sơ của tạo hóa: Bãi Dương Đông, Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Trường...; cùng nhiều loại hải sản phong phú, đa dạng, có loại thuộc giống loài quý hiếm, các hệ sinh thái san hô và thảm cỏ biển. Hiện nơi đây còn hơn 37 nghìn héc-ta rừng tự nhiên với mật độ che phủ lên đến 61%, gần 100 ngọn núi, đồi...

Phú Quốc có vị trí rất thuận lợi cho giao thương, du lịch với các nước trong khu vực bằng đường biển và đường hàng không. Phú Quốc chỉ cách vùng phát triển công nghiệp, du lịch phía Đông Nam Thái Lan 500km, cách Ma-lai-xi-a 700km và Xin-ga-po khoảng 1.000km..., nơi đây có thể trở thành một trung tâm trung chuyển lớn của đường hàng hải và hàng không quốc tế.

Với vẻ đẹp đầy sức cuốn hút của thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, Phú Quốc giống như một hòn đảo ngọc tiềm ẩn những giá trị vô cùng quý báu. Nếu biết khai thác, tận dụng hợp lý, trong tương lai không xa Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch sinh thái chất lượng cao có sức hấp dẫn lớn.

Những bước chuyển mình

Phú Quốc của quá khứ giống như một nơi biệt xứ, gắn liền với sự nghèo khó. Nhưng Phú Quốc cũng chính là nơi ý chí, lòng quả cảm của con người Việt Nam được thể hiện rõ nhất. Trong chiến tranh, nhà tù Phú Quốc là lò lửa tôi luyện ý chí cách mạng. Trong thời bình, ý chí ấy thể hiện vào quá trình xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm kinh tế lớn. Cùng với quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, của tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ để phát triển trong những năm gần đây.

Trước năm 1975, dân số trên đảo chỉ hơn 5.000 người. Hiện nay Phú Quốc có gần 85 nghìn người. Trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005, GDP của Phú Quốc tăng trưởng bình quân hằng năm là 12,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 620 nghìn đồng/tháng, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn hơn 6%. Phú Quốc phát triển một cơ cấu ngành kinh tế đa dạng, trong đó du lịch là mũi nhọn. Huyện đảo đã được đầu tư trở thành một khu du lịch sinh thái biển thu hút mỗi năm hàng trăm ngàn lượt khách. Hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp, đặc biệt về giao thông với việc đưa vào sử dụng tuyến bay ra đảo tạo thuận lợi rất lớn cho khách du lịch.

Phú Quốc hiện có hơn 150 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi dự án và hồ sơ xin đăng ký đầu tư, 46 dự án đầu tư trên 2.000 ha đã được phê duyệt. Nhiều dự án có quy mô rất lớn như: Dự án xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng, Dự án đầu tư khu du lịch giải trí cao cấp có trường đua ô-tô quy mô 1.000 ha, có tổng vốn 1 tỉ USD của Tập đoàn Rốc-king-ham (Mỹ), Dự án đầu tư cảng biển du lịch, nhà ở cao cấp của Tập đoàn Automind Capital (Ca-na-đa) có tổng vốn 130 triệu USD... Những dự án này trong tương lai gần sẽ tạo cho Phú Quốc sự phát triển mới nhanh và mạnh mẽ. Hòn đảo đang chuyển mình, “thay da, đổi thịt” hằng ngày, mang trong mình sức sống của một thành phố trẻ, một trung tâm du lịch phát triển.

Tuy nhiên, Phú Quốc cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Đó là nguy cơ phá vỡ cảnh quan, nếu quy hoạch hòn đảo không khoa học, làm mất đi nét hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên, biển trời, núi rừng nơi đây, vốn được coi như phần "hồn" của Phú Quốc. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật vẫn còn yếu kém, thiếu nguồn nhân lực có trình độ, vấn đề di dân tự do, nguy cơ cháy rừng... và việc khôi phục lòng tin của nhân dân vào Đảng bộ, chính quyền sau những tiêu cực về vấn đề đất đai xảy ra vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38-QĐ/TTg, ngày 14-2-2006, về Quy chế tổ chức và hoạt động của huyện đảo Phú Quốc và quần đảo Nam An Thái, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đồng thời cũng nâng tầm nhìn của Phú Quốc dần hướng vào tương lai đầy triển vọng của sự phát triển bền vững và ổn định.

Tầm nhìn hướng tới tương lai

Sự phát triển của Phú Quốc trước hết phải hướng tới một số mục tiêu mang tính tổng thể:

+ Phải kiên quyết bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên;

+ Phát triển Phú Quốc phải có lộ trình, bước đi thích hợp nhằm bảo đảm sự ổn định và bền vững;

+ Phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển Phú Quốc đến năm 2010 thu hút được 300 - 350 ngàn lượt khách du lịch, giải quyết đáng kể việc làm, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, giữ mật độ dân số đảo khoảng 150 ngàn người;

+ Đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế, một thành phố biển du lịch hiện đại, hằng năm thu hút từ 2 - 3 triệu lượt khách du lịch. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở mức cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, mật độ dân số khoảng 230 ngàn người.

Để đạt được những mục tiêu trên, Phú Quốc cần đi theo những định hướng phát triển sau:

Thứ nhất, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu, với các loại hình đa dạng như: du lịch tắm biển gắn với thể thao dưới nước; công viên hải dương; du lịch sinh thái (tham quan du lịch quanh đảo và các đảo nhỏ, nghiên cứu về các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa, câu cá, câu mực...); du lịch thể thao (thể thao biển, leo núi); du lịch vui chơi giải trí, đặc biệt là các hình thức vui chơi giải trí cao cấp như chơi golf, cá cược, đua ngựa, đua chó... và du lịch gắn với các hội nghị, hội thảo (du lịch MICE)... Từ năm 2011 - 2020 sẽ tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh các khu du lịch, nâng tổng diện tích phát triển khu du lịch lên khoảng 3.800 ha và đầu tư toàn diện khu vui chơi giải trí trên đảo khoảng 1.000 ha.

Thứ hai, phát triển các ngành nghề theo định hướng phục vụ du lịch. Quy hoạch và đầu tư hai khu phi thuế quan ngắn với cảng biển quốc tế An Thới và sân bay quốc tế Phú Quốc, phục vụ cho các hoạt động: sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ; thương mại hóa và thương mại dịch vụ như kho ngoại quan và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng; hoạt động xúc tiến thương mại... Nông nghiệp được phát triển chủ yếu theo hướng sạch, chất lượng cao phục vụ du lịch. Giữ diện tích đất nông nghiệp ổn định đến năm 2020 là 4.600 ha, chủ yếu cho bảo tồn, phát triển nâng cao năng suất, chất lượng cây tiêu, trồng cây ăn trái đặc sản, trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh. Lâm nghiệp được phát triển theo hướng đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng phục vụ du lịch sinh thái. Để bảo đảm phát triển bền vững, sẽ giữ vững diện tích rừng Phú Quốc ổn định khoảng 37 ngàn ha; bảo vệ, quản lý cho bằng được khu bảo tồn quốc gia, xem đây là sự sống còn của Phú Quốc. Nghiên cứu di thực các loài cây có giá trị bảo tồn và tạo cảnh từ các miền đất nước và từ nước ngoài đến Phú Quốc để làm giàu thêm vốn rừng và tăng thêm giá trị cảnh quan ở các khu du lịch, khu đô thị trên đảo.

Ngành thủy sản phát triển theo hướng khai thác và kết hợp với nuôi trồng các loại thủy đặc sản như trai ngọc, cá lồng... vừa phục vụ du lịch, vừa cho xuất khẩu. Nhiệm vụ quan trọng là phải sắp xếp lại các làng chài, chế biến thủy sản các loại và chuyển mạnh sang nuôi trồng, sản xuất giống các loại thủy sản có giá trị và nuôi cá cảnh xuất khẩu. Quy hoạch và đầu tư một số khu bảo tồn biển ở phía Bắc đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới để giữ gìn các đảo san hô, thảm cỏ biển và các loài thủy sản quý hiếm như dugong (bò biển), rùa biển... Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được phát triển chủ yếu là công nghiệp thực phẩm và đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ trang sức và lưu niệm; công nghiệp phục vụ vận tải thủy và đánh bắt thủy sản; chế biến nước mắm. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống đặc trưng của Phú Quốc có quy mô khoảng 100 - 150 ha, chủ yếu phục vụ bảo tồn, phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống và phát triển một số sản phẩm công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Từ nay đến năm 2010 sẽ chỉnh trang các khu đô thị hiện có trên đảo, đồng thời hình thành các khu đô thị mới có diện tích 1.100 - 1.200 ha, có 60 - 80 nghìn dân sinh sống; và từ năm 2010 - 2020 mở rộng, hoàn chỉnh các khu đô thị trên đảo với diện tích 2.300 ha cho 160 - 180 nghìn dân sinh sống.

Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng trên đảo được quy hoạch đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đảo, phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ. Từ nay đến năm 2010, tập trung đầu tư phát triển các công trình thiết yếu của đảo như mạng lưới giao thông đường bộ trên đảo, các cảng biển, sân bay quốc tế, nguồn cung cấp điện ổn định, các hồ nước ngọt, mạng lưới thông tin liên lạc, bệnh viện, trường dạy nghề... Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tiếp tục đầu tư cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đảo Phú Quốc. Nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quốc sẽ huy động tổng hợp từ ngân sách trung ương, địa phương, nguồn vốn từ quỹ đất, vốn ODA, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài theo các hình thức BOT, BTO, BT hoặc phát hành trái phiếu công trình.

Phú Quốc tự tin, mạnh mẽ vươn tầm nhìn của mình hướng vào tương lai, phấn đấu trở thành một thành phố bề thế, một trung tâm kinh tế - du lịch sinh thái chất lượng cao.