Vấn đề có tính thời sự nóng bỏng này phần nào đã được làm rõ hơn tại Hội nghị chuyên đề, do Bộ Nội vụ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trước sự yếu kém của nền hành chính nước ta hiện nay, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu “xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu quả”. Trong một số năm gần đây, cải cách hành chính (CCHC) đã được triển khai trên cả 4 nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính công; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Những thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân, tổ chức, doanh nghiệp của 15 bộ, ngành và 21 tỉnh, thành phố với 140 loại lệ phí do Trung ương quy định và 203 loại lệ phí do địa phương ban hành đã được bãi bỏ. Kết quả thực hiện Quyết định 181-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký hộ khẩu…

Tuy nhiên, tốc độ CCHC còn chậm, chưa nhất quán, hiệu quả còn thấp. Nền hành chính có chuyển biến song vẫn tụt hậu so với tốc độ và yêu cầu cải cách của nền hành chính hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Tình trạng chung là nhiều cán bộ lãnh đạo và cán bộ công chức ngại thực hiện cơ chế một cửa, do ngại bị bó buộc, ngại bị rút bớt quân số và lợi ích cục bộ… Mặt khác, trình độ công chức, cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn nhiều bất cập, tỷ lệ đạt chuẩn thấp, nhiều nơi chỉ đạt 20-30%. Trên thực tế, tuy là “một cửa” nhưng vẫn còn nhiều “ổ khóa” do không ít cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu tạo ra nên người dân chưa hết phiền hà. Trong khi đó, sự chỉ đạo thực hiện cải cách lại thiếu kiên quyết và nhất quán ở các cấp, các ngành; tiền lương mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức. Hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2, từ 2006-2010.