Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và dư luận thế giới
TCCSĐT - Ngày 25-5-2009, CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai, và xác nhận vụ thử thành công. Bình Nhưỡng khẳng định, vụ thử là một phần trong các biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền của Triều Tiên, bảo đảm hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.
Bình Nhưỡng nói rằng, vụ thử hạt nhân thứ hai có sức công phá mạnh hơn vụ thử đầu tiên hồi tháng 10-2006. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vụ thử hạt nhân lần này "đã được thực hiện an toàn ở mức cao hơn cả về sức công phá và công nghệ".
Phản ứng của thế giới
Ngay sau khi có thông tin về vụ thử nói trên, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã có phản ứng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thành lập nhóm "giám sát khủng hoảng" gồm các quan chức quốc phòng cấp cao, đồng thời tiến hành phiên họp an ninh khẩn cấp, đặt quân đội trong tình trạng báo động cao để theo dõi sát sao mọi động thái của Bình Nhưỡng.
Từ Tô-ki-ô, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mitoji Yabunaka cho biết, Nhật Bản sẽ đề nghị triệu tập họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để thảo luận về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ngày 27-5, Thượng viện Nhật Bản đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên và kêu gọi áp đặt các biện pháp cấm vận khắc nghiệt hơn đối với Bình Nhưỡng. Thượng viện Nhật Bản cũng yêu cầu Chính phủ phối hợp với các nước khác thúc đẩy các họat động ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Tối 25-5, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc và Thủ tướng Nhật Bản Ta-ro A-xô nhằm "phối hợp hành động" về vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Thông báo của Nhà Trắng cho biết, ba bên đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để vận động LHQ ban hành một Nghị quyết cứng rắn với những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ông Ô-ba-ma cũng cam kết Mỹ sẽ bảo đảm an ninh quốc gia cho Hàn Quốc và Nhật Bản sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng như duy trì hoà bình và an ninh ở khu vực Nam Á. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật cũng nhất trí tăng cường hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để phối hợp chặt chẽ trong HĐBA nhằm đạt được một nghị quyết với các biện pháp vững chắc để cắt giảm các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố, CHDCND Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những hậu quả vì những hành động được bà nhấn mạnh là “khiêu khích và hiếu chiến” với các nước láng giềng, đồng thời tái khẳng định những cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong nội bộ nước Mỹ đã xuất hiện nhiều tiếng nói yêu cầu ông Ô-ba-ma từ bỏ chủ trương đối thoại trực tiếp và thể hiện lập trường cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên. Cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ John Boton cho rằng, Tổng thống Ô-ba-ma cần đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, đồng thời kêu gọi LHQ khai trừ CHDCND Triều Tiên khỏi cơ quan này.
Ngoại trưởng các nước thành viên ASEM, xuất phát từ sự cần thiết duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và cơ chế quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, coi vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một hành động vi phạm rõ ràng các thỏa thuận 6 bên, các nghị quyết và quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các Ngoại trưởng kêu gọi CHDCND Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tuân thủ hoàn toàn các nghị quyết và quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an, đồng thời khẳng định ủng hộ vòng đàm phán 6 bên nhằm tìm kiếm việc phi hạt nhân sớm và có kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình, đóng góp cho hòa bình thế giới và ổn định ở Đông Bắc Á, kêu gọi CHDCND Triều Tiên trở lại ngay đàm phán 6 bên.
Ngoại trưởng Anh Đa-vit Mi-li-ban (David Miliband) khẳng định, HĐBA LHQ phải đoàn kết trong việc đối phó với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, ông Mi-li-ban tuyên bố: "Việc duy trì đoàn kết trước hành động khiêu khích của Triều Tiên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Anh mong muốn hợp tác với các nước trong HĐBA để phát huy tối đa sự đoàn kết trước mối nguy hiểm đối với hòa bình và ổn định trong khu vực này".
Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner tuyên bố, thế giới không thể phớt lờ các vụ thử hạt nhân đang tiếp diễn của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng nhận định, LHQ khó có thể đưa ra một nghị quyết mới về Triều Tiên vào trước cuối tuần này.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là "thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình" và hối thúc CHDCND Triều Tiên "tuân thủ đầy đủ mọi nghị quyết của HĐBA LHQ". I-ta-li-a, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm G-8, cho biết, vụ thử hạt nhân sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao nhóm này dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.
Ngày 25-5, HĐBA LHQ đã ra tuyên bố không ràng buộc lên án vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm Nghị quyết 1718 của HĐBA. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp khẩn cấp kéo dài gần một giờ, Chủ tịch HĐBA, Đại sứ Nga Vi-ta-li Chúc-kin cho biết các thành viên HĐBA đã phản đối mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới của CHDCND Triều Tiên và nhất trí bắt đầu ngay lập tức việc soạn thảo một Nghị quyết mới của HĐBA về vấn đề trên.
Phiên họp bất thường của LHQ về vụ thử hạt nhân đưa ra lời lên án mạnh mẽ đối với hành động này của CHDCND Triều Tiên. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã phát biểu, và gọi hành động này của CHDCND Triều Tiên là “vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ”.
Chủ tịch HĐBA, Đại sứ Nga tại LHQ Vi-ta-li Chúc-kin nhấn mạnh các thành viên của HĐBA cũng lên án và kịch liệt phản đối vụ thử hạt nhân này, coi đó là hành động vi phạm trắng trợn nghị quyết 1718 của LHQ được thông qua năm 2006 sau vụ nổ được cho là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên. Ông cho biết nhóm 15 nước trong HĐBA “sẽ tiến hành làm việc ngay lập tức để đưa ra một nghị quyết mới phù hợp với nghĩa vụ của HĐBA theo Hiến chương của LHQ”. Ông cũng khẳng định: “Các thành viên của HĐBA yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo nghị quyết 1695 và 1718, cũng như các nghị quyết và tuyên bố liên quan của HĐBA, và kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết và các tuyên bố đó”.
Theo các nguồn tin nước ngoài mới nhất, nhóm năm nước Ủy viên Thường trực HÐBA LHQ gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, cùng Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày 28-5, đã nhất trí trên nguyên tắc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Một nhà ngoại giao cho biết, các bước trừng phạt có thể bao gồm lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí và không chỉ vũ khí hạng nặng, tài sản cố định và các lệnh cấm du lịch với các quan chức của Hàn Quốc mà còn đưa nhiều công ty vào danh sách đen của LHQ. Các nhà ngoại giao cho biết hàng hoá của Triều Tiên có thể bị thanh sát.
Mỹ và Nhật Bản đang soạn thảo văn kiện trừng phạt Bình Nhưỡng và 15 thành viên HÐBA tuần tới sẽ họp xem xét. Nga và Trung Quốc đề nghị HÐBA cân nhắc kỹ trước khi ban hành nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên, nhấn mạnh mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ổn định tình hình khu vực. Trong đó, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây Láp-rốp nói, trong khi các nước lớn cần kiên quyết, họ cũng không nên thổi bùng những căng thẳng. Ông nói các nước cần tránh sự trừng phạt chỉ đơn thuần “vì mục đích trừng phạt” và sự khác biệt chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán. Ông Láp-rốp nói: “Tôi nhắc lại một lần nữa, chúng ta phải kiên định với cơ chế không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và tại thời điểm này, chúng ta không được quên rằng, các vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán”.
Nhà Trắng cho rằng, hành động này của Triều Tiên là nhằm gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn một lần nữa chỉ trích sự vi phạm của CHDCND Triều Tiên đối với các nghị quyết của HĐBA và các cam kết trong các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân, nhưng cũng bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ quay lại bàn đàm phán. “Có một cơ hội để Triều Tiên quay lại khuôn khổ đàm sáu bên và chúng tôi có thể bắt đầu lại lần nữa nhằm có được những kết quả từ sự hợp tác với Triều Tiên để tiến đến quá trình phi hạt nhân hoá”.
Hiện 5 nước thành viên thường trực HĐBA cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang thảo luận kín về một nghị quyết trừng phạt cứng rắn mới với CHDCND Triều Tiên.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói, chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới giải trừ hoàn toàn loại vũ khí này. Việt Nam ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết mọi vấn đề phức tạp nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trong đó có việc sớm nối lại đàm phán sáu bên.
Thái độ cứng rắn của Triều Tiên
Phó Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại LHQ, ông Pắc Tốc Hun, cảnh báo, áp lực và những biện pháp trừng phạt quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên “không giải quyết được vấn đề gì”. Trong tuyên bố của mình, ông Pắc Tốc Hun khẳng định: “Điều quan trọng là các nước, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, phải từ bỏ chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên. Những vụ thử vũ khí của chúng tôi không nhằm mục đích nào khác ngoài việc tự bảo vệ mình”.
Ngày 27-5, CHDCND Triều Tiên tuyên bố xóa bỏ Hiệp định đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. KCNA dẫn tuyên bố của quân đội nước này cho biết, đây là động thái nhằm trả đũa việc Hàn Quốc quyết định sẽ trở thành thành viên đầy đủ của Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (PSI) của Mỹ. Triều Tiên cáo buộc quyết định của Hàn Quốc tham gia Sáng kiến an ninh PSI do Mỹ khởi xướng là "hành động tuyên bố chiến tranh" và "quân đội CHDCND Triều Tiên sẽ ngừng tuân thủ Hiệp định đình chiến 1953". CHDCND Triều Tiên cảnh báo "bất kỳ hành động thù địch nào đối với CHDCND Triều Tiên, bao gồm cả việc ngăn chặn và truy tìm các tàu của CHDCND Triều Tiên theo điều khoản của Sáng kiến an ninh PSI, sẽ bị đáp trả bằng hành động tấn công quân sự kiên quyết và ngay lập tức".
Ngày 27-5, người phát ngôn của quân đội Triều Tiên cho biết nước này không đảm bảo an ninh cho các tàu của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, nơi đã xảy ra các vụ đụng độ hải quân giữa hai quốc gia từ năm 1999 đến 2002./.
Hội nghị AEMM-17: Tăng cường quan hệ hợp tác ASEAN-EU  (29/05/2009)
Người dân Việt Nam thực sự có quyền tự do tín ngưỡng  (29/05/2009)
Vai trò của dự trữ quốc gia trong việc bảo đảm an sinh xã hội  (29/05/2009)
Thế nào là một nước công nghiệp  (29/05/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc  (28/05/2009)
Thông cáo số 8 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII  (28/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay