TCCSĐT - Ngày 15-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng: Nhà tư tưởng - lý luận của Đảng ta” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của đồng chí Đào Duy Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo tọa đàm.

 
 Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Đồng chí là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, đồng chí Đào Duy Tùng còn là một nhà lãnh đạo có uy tín và tài năng của Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Tọa đàm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, công tác tuyên giáo để ôn lại truyền thống, học tập những di sản và kinh nghiệm quý báu của đồng chí Đào Duy Tùng nhằm phát huy và thực hiện có hiệu quả hơn công tác lý luận, công tác tuyên giáo trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đồng chí Đào Duy Tùng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh đến lãnh đạo cao cấp của Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ở đồng chí Đào Duy Tùng, niềm tin yêu lý tưởng cách mạng có cái gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của lý tưởng đó.

 
 Đồng chí Phạm Văn Linh đọc Báo cáo đề dẫn tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Đào Duy Tùng; những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trong bổ sung, phát triển lý luận, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, phát triển lý luận nghiệp vụ công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Các đại biểu đã trao đổi, làm nổi bật phẩm chất chính trị, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng; tác phong dân chủ, quần chúng của một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng; sự gương mẫu, tình cảm của đồng chí Đào Duy Tùng đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt lý luận

Với tham luận “Đào Duy Tùng - nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới”, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, người cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, cho rằng: “Nói đến Đào Duy Tùng, người ta thường nghĩ đến một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo. Sự thật, anh đi vào công tác báo chí rất sâu. Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận… chứa nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, rõ ràng. Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng mà không có nội dung thiết thực. Theo anh, cán bộ biên tập Tạp chí Lý luận và chính trị của Đảng không thể chỉ nắm vững nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà còn phải biết vận dụng các lý luận đó; không những phải nắm vững đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, quan điểm… Khi viết và biên tập bài mới có sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán. Kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tế; ủng hộ cái mới; ủng hộ lớp cán bộ trẻ năng động, sáng tạo; đó là những chủ trương đậm dấu ấn người lãnh đạo Tạp chí thời kỳ anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản”.

 
 Đồng chí Hà Đăng trình bày tham luận “Đào Duy Tùng - nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng
thời kỳ đầu đổi mới” tại tọa đàm


Cũng theo đồng chí Hà Đăng, đối với đồng chí Đào Duy Tùng, “trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận phải từ thực tiễn cuộc sống, rà soát lại các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định lại những gì là đúng đắn, khoa học, trước đúng nay vẫn đúng; những gì trước đúng nay phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua và những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác - Lê-nin chưa đề cập, nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam...”. “Tôi cảm nhận ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng”.

Cùng quan điểm với đồng chí Hà Đăng khi nói về những cống hiến xuất sắc về lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng, GS, TS. Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, những cống hiến này của đồng chí Đào Duy Tùng biểu hiện ở ba mặt: Nắm vững lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới với tinh thần độc lập tự chủ, biện chứng, sáng tạo; Luận chứng khoa học về tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, làm rõ quy luật cả cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; Góp phần làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng chí Lê Hữu Nghĩa khẳng định: “Những nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần làm sáng tỏ lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được sử dụng phục vụ tổng kết 20 năm đổi mới (1986 - 2006) và hiện nay phục vụ cho tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016). Kết quả nghiên cứu của đồng chí còn có ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là góp phần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, phát triển và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng trong những năm sắp tới trong bối cảnh mới của tình hình với nhiều thời cơ và thách thức to lớn, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong đó có công tác tư tưởng và lý luận của Đảng.

PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, trong tham luận “Mấy cảm nhận về tư duy lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng”, viết: Đề cập sự nghiệp lý luận và công tác tư tưởng - văn hóa của đồng chí Đào Duy Tùng, không thể không nhắc đến phong cách làm việc nghiêm túc, khoa học; về lối sống bình dị, gần gũi mọi người của đồng chí từ khi là cán bộ bình thường, đến khi nhận trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư…

Những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt tư tưởng

Khi “Nhớ về đồng chí Đào Duy Tùng - một tư duy chính trị tư tưởng sâu sắc”, GS, NGND. Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, cho rằng: “Tôi hiểu đồng chí Đào Duy Tùng là một nhà lãnh đạo có tính Đảng cao, tư duy chính trị sâu sắc, giàu kiến thức và kinh nghiệm trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, đạo đức khiêm tốn, gần gũi cán bộ và nhân dân… Qua nhiều năm làm việc cùng đồng chí Đào Duy Tùng, tôi nhớ nhiều bài học quý ở Anh, nhất là bài học về tính Đảng, tính chiến đấu, về tư tưởng chính trị, tư tưởng sắc bén, vững vàng…”.

GS. Đào Nguyên Cát, nguyên cán bộ cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Cuộc đời cách mạng của đồng chí thật là đẹp. Đồng chí sống trung thành và hết mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dấu ấn lớn nhất của đồng chí để lại là phẩm chất cách mạng trong sáng, là phương pháp tư duy và hành động chín chắn, tinh thần độc lập suy nghĩ, là lòng tin yêu con người. Đó cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu làm cho đồng chí trở thành người cán bộ mẫu mực của Đảng…”.

Là người gắn bó với công tác Đảng, công tác tư tưởng lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần hình thành các Nghị quyết Đại hội III, IV, V, VI, VII, VIII của Đảng.

Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt những năm tiến hành đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn góp phần vào việc hình thành và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị tổng kết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng. Toàn bộ các tác phẩm đó đã trở thành nguồn tư liệu quý báu, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, vận dụng...

 
 Đồng chí Vũ Văn Phúc trình bày tham luận “Đồng chí Đào Duy Tùng với công tác báo chí của Đảng”

PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong tham luận “Đồng chí Đào Duy Tùng với công tác báo chí của Đảng”, khẳng định: “Không chỉ là người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận, lãnh đạo công tác báo chí, truyền thông của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng còn là một nhà báo lớn của Đảng. Quá trình hoạt động báo chí của đồng chí Đào Duy Tùng rất phong phú và đa dạng. Có thể khẳng định, ở lĩnh vực nào đồng chí cũng đạt được những thành tựu quan trọng, để lại dấu ấn đặc biệt. Với tư cách là nhà báo cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng thể hiện ở hai khía cạnh. Đó là người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí và người viết báo…”; và: “Mặc dù thời gian đã lùi xa và đồng chí Đào Duy Tùng cũng đã đi xa, nhưng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những định hướng và căn dặn của đồng chí đối với công tác báo chí, truyền thông của Đảng nói chung và đối với Tạp chí Cộng sản nói riêng vẫn mang tính thời sự, giữ nguyên giá trị. Đó thực sự là những di sản tinh thần vô cùng quý báu với công tác báo chí, truyền thông của Đảng và đối với mỗi cán bộ, phóng viên làm việc trong các cơ quan báo chí của Đảng”.

Với những công lao và thành tích xuất sắc trong hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác./.