Cuộc chiến Xy-ri: hồi kết cận kề?

Nguyễn Nhâm
16:54, ngày 22-05-2013
TCCSĐT - Cuộc nội chiến tại Xy-ri đã bước sang năm thứ ba, với hơn 70.000 người chết, hàng nghìn người bị thương. Nhiều người đã phải bỏ quê hương để chạy ra nước ngoài lánh nạn. Thiệt hại kinh tế do cuộc chiến này gây ra cũng không nhỏ, song điều quan trọng hơn xã hội Xy-ri đang bị phân hóa nặng nề. Vấn đề dân tộc, sắc tộc tại quốc gia này cũng ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo ngày 12-5 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Xy-ri, (có trụ sở ở Anh) được thành lập cách đây 7 năm cho biết, có ít nhất 82.000 người đã thiệt mạng và 12.500 người khác mất tích trong cuộc nội chiến Xy-ri kéo dài từ tháng 3-2011 đến nay. Trong tổng số 82.000 người thiệt mạng trên có khoảng 4.778 trẻ em, 12.916 tay súng phe nổi dậy, 16.729 binh sĩ trung thành với Tổng thống Ba-xa An Át-sát, còn lại là thường dân. Trước đó, theo một thống kê của Liên hợp quốc, hơn 70.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến ở Xy-ry nổ ra vào tháng 3-2011. Nhiều động thái gần đây cũng đã làm gia tăng tính phức tạp trong vấn đề liên quan đến Xy-ri, tuy nhiên giới phân tích cho rằng, cuộc chiến dù đang có nhiều kịch tính, nhưng rất có thể sẽ kết thúc vào cuối năm nay với kịch bản “ngừng bắn” và “dung hòa lợi ích” giữa các thế lực trong và ngoài nước.

Tương quan lực lượng khó thay đổi

Chính quyền Xy-ri hiện có một đội quân với hơn nửa triệu người, kèm theo một lực lượng không quân khá lớn, một kho vũ khí tên lửa tương đối hiện đại và mạng lưới phòng không khá tốt được Nga trang bị và huấn luyện. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Xy-ri hiện sở hữu 4.950 xe tăng, 550 máy bay chiến đấu, 790 tên lửa đất đối không, 8.000 tên lửa vác vai, 84 tên lửa đạn đạo chiến thuật... Ngoài ra, Xy-ri còn có một kho vũ khí hóa học được cho là lớn nhất nhì thế giới. Trong khi đó, phe đối lập danh chính ngôn thuận chỉ được phương Tây cung cấp những phương tiện phi sát thương. Điều quan trọng hơn là liên minh của phe đối lập thành phần gồm rất nhiều phe phái, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và bao gồm cả lực lượng khủng bố An Kê-đa. Theo các nhà phân tích, phe đối lập ở Xy-ri có thể “chưa hợp đã tan” do mâu thuẫn gay gắt về lợi ích và quan điểm giữa những người theo đường lối tự do với các nhóm của Phong trào anh em Hồi giáo. Hồi tháng trước, ông Mô-át An Kha-típ (Moaz al-Khatib), Chủ tịch Hội đồng dân tộc Xy-ri (SNC), đại diện cho phe nổi dậy tại Xy-ri và 9 thành viên cao cấp của Liên minh quốc gia các lực lượng đối lập cách mạng Xy-ri đã tuyên bố từ chức.

Theo tờ Độc lập (Independent) của Anh, Liên minh đối lập ở Xy-ri ngày càng mất đi tính hợp pháp để có thể đứng ra thành lập chính phủ lâm thời. Ngay từ khi chưa thể lật đổ Tổng thống Ba-xa An Át-xát (Bashar al-Assad) và giành được quyền kiểm soát toàn lãnh thổ, Liên minh đối lập ở Xy-ri đã phải đối mặt với nguy cơ tan rã do những xung đột về lợi ích gia tăng. Tờ Người Bảo vệ (Guardian) của Anh dự đoán, lực lượng nổi dậy cũng như phe đối lập ở Xy-ri sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn, không có tổ chức và không được thống nhất về lãnh đạo. Một số nhóm đang tìm cách gây dựng ảnh hưởng trong toàn bộ Liên minh đối lập để tính kế lâu dài một khi lật đổ Tổng thống Ba-xa An Át-xát hoặc thiết lập thể chế mới.

Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri còn phản ánh mâu thuẫn lợi ích sâu sắc giữa “hai phe” cường quốc: một bên là Nga - Trung, còn bên kia là Mỹ và phương Tây. Trong khi phương Tây muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát thì Mát-xcơ-va và Bắc Kinh lại công khai phản đối nỗ lực này.

Cả Mát-xcơ-va cũng như Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố, tuy lời lẽ có khác nhau, nhưng đều nhất quán là không để Xy-ri biến thành một Li-bi thứ hai. Vì là nước có nhiều lợi ích cũng như ảnh hưởng hơn với Xy-ri nên sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát mạnh mẽ và cụ thể hơn. Trong khi đó, Trung Quốc lặng lẽ đứng bên cạnh Nga chống lại sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Xy-ri. Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: Trung Quốc không muốn nhìn thấy thất bại lặp lại ở Xy-ri như đối với Li-bi. Trung Quốc yêu cầu cộng đồng quốc tế phải đưa ra nhiều không gian, thời gian đối thoại cùng Xy-ri hơn.

Trên thực tế, Nga đã có nhiều động thái làm chỗ dựa cho chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Cuối năm 2011, Nga đã điều một loạt tàu chiến và vũ khí tối tân đến vùng lãnh hải gần Xy-ri. Mát-xcơ-va tuyên bố, họ sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp vũ khí đã ký kết với Đa-mát trước đó, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phương Tây. Nga và Mỹ cũng đã có cuộc khẩu chiến gay gắt về việc Nga cung cấp trực thăng tấn công cho Xy-ri. Mát-xcơ-va còn cung cấp một loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300 cũng như các hệ thống ra-đa cho Xy-ri.

Không để lắp lại kịch bản Li-bi cho Xy-ri

Sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc dành cho Chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát thể hiện rõ nhất qua việc hai nước này đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm vào Chính quyền Xy-ri. Những nghị quyết này chỉ trích Chính phủ của ông B.An Át-xát về tình hình bạo lực diễn ra ở nước này. Lý giải nguyên nhân phản đối các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Xy-ri, cả Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đều cho rằng, đó là những văn bản phiến diện, một chiều thể hiện rõ sự bênh vực đối với phe nổi dậy và chống lại Chính phủ hợp hiến của Xy-ri.

Theo Mát-xcơ-va và Bắc Kinh, cả Chính phủ Xy-ri lẫn phe nổi dậy đều phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng bạo lực đang lan tràn tại đất nước Trung Đông này. Vì thế, một nghị quyết công bằng là một nghị quyết phải lên án cả hai phe. Việc đứng về một bên trong một cuộc xung đột chỉ làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là quan điểm không thay đổi của Nga và Trung Quốc.

Trong Hội nghị quốc tế về Xy-ri ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) hồi năm ngoái, Nga và Trung Quốc cũng kiên quyết không ủng hộ kế hoạch loại bỏ chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát do phương Tây đề xuất. Nga và Trung Quốc khẳng định, số phận của ông B.An Át-xát phải do chính nhân dân Xy-ri định đoạt và không thế lực bên ngoài nào được quyền can thiệp vào.

Cuộc đối đầu giữa Nga - Trung Quốc với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Xy-ri còn thể hiện qua việc Mát-xcơ-va và Bắc Kinh tẩy chay cả 3 Hội nghị nhóm “Những người bạn của Xy-ri” do phương Tây đứng ra tổ chức. Nga thậm chí còn phê phán hội nghị này là nơi kêu gọi sự ủng hộ giành cho phe nổi dậy Xy-ri và chống lại chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát.

Với những diễn biến phức tạp xung quanh vấn đề Xy-ri, Nga và Trung Quốc đã thể hiện lập trường kiên định trong việc bảo vệ chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Điều này đã khiến Mỹ và phương Tây vô cùng khó chịu, nhiều lần lên án, chỉ trích Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây Mỹ và phương Tây lại có những động thái mới. Một mặt, họ bật đèn xanh cho I-xra-en tấn công bằng hỏa lực vào phía Bắc thủ đô Đa-mát của Xy-ri, với lý do phá hủy lô hàng tên lửa mà Xy-ri dành cho nhóm phiến quân Héc-bô-la (Hezbollah) ở Li-băng (Lebanon); tuyên bố sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập; đe dọa sẽ tiến công quân sự vào Xy-ri nếu có bằng chứng xác thực về việc chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát sử dụng vũ khí hóa học… Mặt khác, Mỹ và phương Tây lại có những động thái có vẻ “gần gũi” hơn với Nga và Trung Quốc bằng các chuyến thăm của Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) và Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry) đến Mát-xcơ-va nhằm thảo luận các vấn đề về Xy-ri và bàn phương án tổ chức một hội nghị quốc tế mới về Xy-ri.

Theo ông Đ. Ca-mê-rôn, dù quan điểm hai bên có khác nhau, song Nga và Anh có chung mục tiêu là chấm dứt bạo lực và chia rẽ tại Xy-ri cũng như để người dân Xy-ri chọn người lãnh đạo đất nước. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn cho biết, Tổng thống Nga V. Pu-tin và ông đã nhất trí cùng hợp tác để đưa chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát và lực lượng đối lập ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời xây dựng một chính phủ chuyển tiếp tại Xy-ri. Ông cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Nga và Mỹ về việc tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến tại Xy-ri. Theo kế hoạch, sau chuyến thăm Nga, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn sẽ đến Mỹ để tiếp tục thảo luận với Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma về vấn đề Xy-ri.

“Bước lùi” là cần thiết ?

Trong lịch sử nói chung, cũng như từ chiến tranh lạnh đến nay, Mỹ luôn coi Xy-ri là nước đối địch trong những toan tính chiến lược của mình ở khu vực, trừ khoảng thời gian ngắn khi nước này tán thành đứng trong Liên minh của Liên hợp quốc trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.

Mỹ luôn đối địch với Xy-ri vì Đa-mát có quan hệ chiến lược và chính trị gần gũi với Mát-xcơ-va. Điều quan trọng hơn là sự thù địch không ngừng của Xy-ri đối với I-xra-en. Sự chiếm đóng quân sự ở Li-băng trong một thời gian dài và gần đây là gắn kết chiến lược với I-ran... Tất cả sự kết nối ấy đã tạo ra thế đối đầu và thù địch trong nhận thức giữa Mỹ và phương Tây đối với Xy-ri.

Theo các nhà nghiên cứu, tuy Xy-ri không phải là cường quốc khu vực, nhưng đây cũng là quốc gia có thể thay đổi cán cân quyền lực về bên nào mà Đa-mát muốn ngả theo. Hiện nay Xy-ri vẫn đang nghiêng về phía I-ran và đó chính là nguồn gốc của mâu thuẫn mà nước này phải đối mặt. Vì vậy, có thể nói rằng, vai trò trung tâm của Xy-ri không chỉ hạn chế trong thế giới A-rập mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông. Tính năng động của Xy-ri theo hướng này sẽ không thay đổi cho đến khi nào I-xra-en sẵn sàng tự nguyện trao trả Xy-ri khu cao nguyên chiến lược Golan mà Ten A-víp (Tel Aviv) đã chiếm đóng từ cuộc chiến tranh trước đây.

Có thể thấy, Xy-ri đang nằm trong vòng xoáy của sự cạnh tranh quyền lực khu vực và quốc tế chưa từng có ở Trung Đông. Rất có thể vòng xoáy này ngày càng trở nên phức tạp hơn với việc I-ran kiên quyết hướng tới việc xây dựng một kho vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh Xy-ri có mối quan hệ chiến lược với I-ran. Mỹ và phương Tây với quyết tâm cô lập I-ran, cắt đứt quan hệ giữa Xy-ri và I-ran, bằng việc thay đổi chế độ của Xy-ri, là điều không đơn giản, nhất là khi lực lượng khủng bố An Kê-đa cũng thừa cơ tìm cách chen chân trong chính quyền thời hậu chiến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cán cân lực lượng khó thay đổi, cuộc nội chiến Xy-ri đã quá kéo dài, các nước lớn thuộc “hai phe” lại đang phải giải quyết những ưu tiên đối nội, nhất là những vấn đề kinh tế - xã hội do hậu quả của khủng hoảng toàn cầu đưa lại, các nhà phân tích nhận định, năm 2013 cả hai bên sẽ phải có những bước đi theo hướng thỏa hiệp về lợi ích chiến lược. Theo đó, hồi kết của cuộc đối đầu có thể diễn ra nhưng vẫn chỉ là một động thái “ngừng bắn” trong cuộc “đấu tranh chiến lược” kéo dài, vì vấn đề hạt nhân của I-ran vẫn còn đó và mục tiêu của chính sách “Trung Đông lớn” mới của Mỹ vẫn chưa được thực hiện ./.