Cải tiến cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Kiên Giang

Phùng Văn Thảnh – Lã Ánh Nguyệt Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang
19:12, ngày 23-11-2012
TCCSĐT - Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng  khoa học và công nghệ (KH - CN) không chỉ làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân,… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Từ năm 2008 đến nay, cùng với các ngành, các cấp của tỉnh, ngành KH - CN Kiên Giang đã thực hiện được nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn.

Khoa học công nghệ hướng mạnh vào nông nghiệp, nông thôn

Với mục tiêu gắn nhiệm vụ phát triển KH - CN với phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Kiên Giang đã và đang từng bước phát huy hiệu quả, đời sống của người dân vùng nông thôn; khai thác các thế mạnh của tỉnh phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nâng cao chất lượng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện 9 đề tài, dự án cấp nhà nước và 48 đề tài, dự án cấp tỉnh; 47 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, các đề tài, dự án có liên quan, phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 60,4% đối với đề tài cấp tỉnh, 100% đối với dự án cấp nhà nước và mô hình cấp cơ sở.

Các đề tài, dự án KH - CN cấp nhà nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, với mục tiêu chung là phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Các dự án tập trung xây dựng những mô hình ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, các xã nghèo, các xã nông thôn mới. Các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao chủ yếu là các quy trình kỹ thuật về canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nấm, hàng thủ công mỹ nghệ,… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn, vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

Các đề tài, dự án KH - CN cấp tỉnh, ngoài việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật  đến người dân còn có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng một số vấn đề như xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác mới; nghiên cứu phát triển biện pháp canh tác sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP trong sản xuất lúa, chuối, tiêu, rau an toàn; nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi, nhiều giống thủy sản nước mặn, ngọt; thử nghiệm cải tiến các trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất khoai lang, máy phun thuốc sâu, máy gặt đập liên hợp, máy tách vỏ hạt lúa giống…

Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cấp cơ sở chủ yếu ứng dụng các quy trình kỹ thuật đã có sẵn, triển khai và rút ra quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa bàn triển khai mô hình; giúp người dân có điều kiện tiếp cận và học hỏi các tiến bộ kỹ thuật để ứng dụng trong điều kiện sản xuất của mình. Các mô hình đều hướng tới mục tiêu triển khai, nhân rộng trên địa bàn và các vùng lân cận có điều kiện tự nhiên tương tự, góp phần nâng cao thu nhập, nhận thức, trình độ KH - CN cho người dân.

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới

Nhìn chung, các đề tài, dự án và mô hình khi triển khai đều dựa trên nhu cầu cấp thiết của địa phương và thực tế của từng địa bàn triển khai. Nhờ đó, tính ứng dụng cao; đa số các đề tài, dự án sau khi kết thúc đều được áp dụng rộng trên địa bàn và một số khu vực lân cận có điều kiện tự nhiên gần giống nhau.

Đề tài, dự án cấp Nhà nước

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện được 9 đề tài, dự án. Cụ thể là các đề tài, dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh thích hợp cho đồng bào Khmer xã biên giới Phú Lợi, huyện Kiên Lương”; “Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ các loại nấm ”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác ổn định 1 vụ lúa - 1 vụ tôm sú ở vùng U Minh Thượng”; “Nghiên cứu chế độ ngập nước thích hợp bảo đảm phòng cháy và duy trì sự phát triển rừng tràm ở 2 Vườn quốc gia U Minh Thượng và U Minh Hạ”; “Mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa tại xã Định Hòa, huyện Gò Quao”; “Xây dựng mô hình phát triển bền vững nghề nuôi cá mú, cá bóp trong lồng bè trên vùng biển Nam Du, huyện Kiên Hải”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi sò huyết ở vùng bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng U Minh Thượng”; “Ứng dụng tiến bộ  KH - CN xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi chuyên cua và nuôi xen tôm sú dưới tán rừng phòng hộ hai huyện An Biên và An Minh”.

Mục tiêu của các đề tài, dự án này là ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH - CN vào sản xuất và đời sống, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân vùng dự án. Đồng thời, tập huấn các mô hình sản xuất mới cho cán bộ và nông dân trong vùng dự án nhằm nâng cao trình độ dân trí, giúp bà con nông dân loại bỏ tập quán canh tác lạc hậu, nắm bắt các kỹ thuật canh tác mới có hiệu quả. Hầu hết các mô hình sau khi triển khai đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, tiêu biểu là các mô hình: sản xuất lúa giống cấp xác nhận và lúa chất lượng cao; nuôi dưỡng và trồng mới cỏ bàng; nuôi trồng nấm phân tán; nuôi sò huyết dưới tán rừng và trên bãi bồi,...

Nhìn chung, các mô hình sau khi triển khai đã tạo bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức của nông dân, xóa dần tập quán canh tác lạc hậu, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa các phương thức sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật qua các mô hình sản xuất thực tiễn đến nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm công tác an ninh, trật tự tại địa phương, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đề tài, dự án cấp tỉnh

Trong số 48 đề tài, dự án KH - CN cấp tỉnh được triển khai từ năm 2008 đến nay có 29 đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đáng kể là các đề tài, dự án: “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng rau an toàn ở huyện Phú Quốc”; “Nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP vào sản xuất khoai lang tại xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất”; “Chuyển giao kỹ thuật và sơ chế một số loại nấm cho hộ dân xã Định Hòa, huyện Gò Quao”; “Xây dựng mô hình Câu lạc bộ Văn hoá kết hợp học tập kỹ năng phát triển kinh tế gia đình cho thanh niên Khmer xã Định Hòa, huyện Gò Quao”; “Xây dựng mô hình sản xuất chuối đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại vùng U Minh Thượng”; “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để lọc rượu nếp đạt tiêu chuẩn quy định và nghiên cứu thiết kế bao bì tại ấp Hợp tác xã Kinh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp”,…

Các đề tài, dự án cấp tỉnh hướng đến mục tiêu chung là nghiên cứu, chuyển giao các quy trình kỹ thuật; cải tiến các trang thiết bị phục vụ sản xuất; nghiên cứu sản xuất giống cây, con nhằm đa dạng hóa đối tượng sản xuất,… Nhiều đề tài, dự án đã mang lại kết quả cao, được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận; góp phần tạo công ăn việc làm trong những lúc nông nhàn, hạn chế ô nhiễm môi trường; hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và lập nghiệp, xây dựng được môi trường xã hội lành mạnh, phòng chống tệ nạn xã hội; hỗ trợ tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới,…

Mô hình cấp cơ sở

Từ năm 2008 đến nay 47 mô hình được triển khai thực hiện đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, trình độ khoa học kỹ thuật cho người dân; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh xã hội; giảm thiểu ô nhiễm môi trường;… Trong đó, một số mô hình tiêu biểu như: “Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật xây dựng mô hình một vụ tôm, một vụ lúa tại huyện Vĩnh Thuận”; “Tiếp nhận quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain) của Phân viện Thủy sản Minh Hải ứng dụng tại xã Nam Thái A, huyện An Biên”; “Hoàn thiện quy trình sản xuất ếch giống tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp”; “Ứng dụng biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học nhằm làm tăng hiệu quả kinh tế mô hình chăn nuôi gà trong nông hộ”; “Xây dựng Tổ hợp tác sản xuất giống lúa xác nhận tại huyện Gò Quao”; “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thử nghiệm con vọp tại ấp Vĩnh Lập, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng”; “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP kết hợp bao tiêu sản phẩm”;…

Cải tiến cơ chế, chính sách, tạo động lực phát triển mới cho KH - CN

Nhờ có những đóng góp quan trọng của KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kinh tế Kiên Giang những năm gần đây phát triển tương đối khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2011 trên 12,02%, trong đó tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 5,52 %. Sản lượng và giá trị của ngành nông nghiệp hằng năm đều tăng. Năm 2011, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chiếm 64,61 %; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp là 10,03 %; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế là 33.181,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trong khu vực nông nghiệp là 2,493 triệu đồng/người/tháng.

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung ở Kiên Giang, KH - CN vẫn chưa thật sự trở thành “động lực” mạnh mẽ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Một số vấn đề đang được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm, trăn trở là cơ chế, chính sách và mức độ đầu tư cho KH - CN còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm cho KH - CN đảm đương vai trò “quốc sách hàng đầu”; trình độ tiếp nhận tiến bộ KH - CN của một số cán bộ địa phương và nông dân nhiều mặt còn hạn chế, chưa phát huy đúng mức hiệu quả từ những tiến bộ của  KH - CN  vào thực tiễn sản xuất và đời sống.  

Để KH - CN phục vụ đắc lực hơn cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, qua thực tiễn công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao KH - CN ở Kiên Giang, xin đề xuất một số vấn đề cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Đó là:

Thứ nhất, chính sách, cơ chế cấp phát kinh phí cho KH - CN đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi.

Nếu chính sách và cơ chế tài chính như hiện tại thì các chương trình này khó đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Hiện tại, một dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi có thời gian triển khai 2 năm (nếu cộng thời gian chuẩn bị lập, thẩm định và phê duyệt 1 năm nữa) và căn cứ vào dự toán, định mức, kế hoạch của lúc phê duyệt dự án để cấp phát kinh phí chi cho hoạt động dự án (sau 2 hoặc 3 năm) thì rất khó đạt kết quả.

 Thứ hai, chính sách đầu tư ứng dụng chuyển giao KH - CN cho nông nghiệp, nông thôn phải đạt mục tiêu vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của người sản xuất; đồng thời phải tính đến nâng cao thu nhập và cải thiện được đời sống thực sự bền vững cho người dân vùng dự án.

Vì vậy, các đề tài, dự án chuyển giao KH - CN cho nông nghiệp, nông thôn chỉ nên kết thúc khi các mục tiêu trên đạt được. Thực tế những năm qua cho thấy, nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho các đề tài, dự án KH - CN vùng nông thôn thường chọn những nơi còn nhiều khó khăn, trình độ sản xuất còn lạc hậu,… Tuy nhiên, các đề tài, dự án này thường có quy mô không lớn, thời gian thực hiện ngắn và mức đầu tư chưa “đủ độ” để phát triển bền vững. Nhiều đề tài, dự án “kết thúc đúng tiến độ” khi hết kinh phí, vì thế, việc nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất gặp nhiều trở ngại, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo. Trong thời gian tới, các nghiên cứu hoặc mô hình ứng dụng cần có phạm vi và mức độ đầu tư đủ lớn để có tác dụng nhất định và cần có nguồn kinh phí hỗ trợ để nhân rộng kết quả.

Thứ ba, cải thiện chính sách đối với cán bộ KH - CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hiện nay còn rất mỏng, số cán bộ khoa học kỹ thuật phân bổ trên từng vùng còn rất thấp. Đây là trở ngại lớn khi cần triển khai các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Trong khi đó, phụ cấp lao động của các cán bộ KH - CN thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH - CN còn ở mức quá khiêm tốn (chủ nhiệm từ 800.000 đồng  đến 1 triệu đồng/tháng).

Cần có chính sách đào tạo, sử dụng và thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn bố trí ở từng vùng, từng địa phương, từng xã; nâng cao phụ cấp cho cán bộ KH - CN thực hiện các đề tài nghiên cứu và phát triển trên cơ sở hoạt động thực tế của họ và trên cơ sở đánh giá đúng mức giá trị lao động, chất xám.

Thứ tư, có chính sách hợp lý để huy động nhiều nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH - CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư như vốn đầu tư của Nhà nước, vốn doanh nghiệp để hỗ trợ cho người dân triển khai, ứng dụng KH - CN vào thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân như vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình triển khai các đề tài, dự án, mô hình còn gặp một số vấn đề phát sinh như diện tích đất canh tác của đa số người dân còn hạn hẹp, khó triển khai đồng bộ, khó khăn trong cơ giới hóa sản xuất, vùng dự án triển khai quy mô nhỏ lại bị xé lẻ. Mặt khác, sản phẩm của các đề tài chưa gắn kết được với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm do số lượng ít, chưa tạo ra vùng chuyên canh cho từng sản phẩm, người dân chủ yếu chỉ tiêu thụ tại chỗ nên chưa nâng cao được giá trị của sản phẩm.

Thứ năm, cần có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận KH - CN cho người dân, cả về nội dung và hình thức.

Thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề cho người dân để họ có thể nhanh chóng tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng vào điều kiện sản xuất của mình. Song song đó, Nhà nước nên có chính sách liên kết giữa các hộ sản xuất lại với nhau, tạo thành tổ hợp tác sản xuất chuyên canh một loại sản phẩm và tạo điều kiện hỗ trợ các hộ sản xuất, các hợp tác xã gắn kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhằm tạo điều kiện ổn định giá cả đầu ra sản phẩm./.