Ở Việt Nam, vấn đề an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Bảo đảm an sinh xã hội trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, bởi vì việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt nam.

Sau hơn 25 năm đổi mới, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng mở rộng. An sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vũng chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm xã hội bị loại trừ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Vậy giải pháp nào sẽ góp phần làm giảm bớt những bất cập và yếu kém đó trong những năm tới? Thực trạng và những vấn đề an sinh xã hội ở nước ta ra sao? Xu hướng xây dựng hệ thống an sinh xã hội trong thời gian tới thế nào?...

Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo hữu ích, nhất là các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, sinh viên các trường đại học và cao đẳng quan tâm đến lĩnh vực an sinh xã hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách An sinh xã hội ở Việt Nam hướng tới 2020 do PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ biên.

Cuốn sách tập hợp các bài viết của các nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Mỗi bài viết được tiếp cận từ các khía cạnh khác nhau của vấn đề an sinh xã hội nhưng đều góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.  Có những bài viết bàn đến vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn, hay an sinh xã hội cho những đối tượng cụ thể: nông dân, người cao tuổi. Đặc biệt, bài viết của TS. Trần Hữu Thăng Chí phí y tế và cái bẫy đói nghèo bàn đến những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chi phí y tế tăng cao. Và khi chi phí tăng cao thì sẽ kéo theo những hệ lụy nào? Phần cuối bài viết, tác giả đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp cụ thể cho vấn đề đó. Cũng có nhiều bài viết đưa ra những hướng giải pháp cụ thể để góp phần bảo đảm an sinh xã hội như bài viết Đào tạo nghề cho nông dân, một hướng bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững của tác giả PGS. TS. Đường Vinh Sường; Làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là góp phần tăng cường bảo đảm an sinh xã hội của tác giả Đại tá, TS. Vũ Quang vinh; Giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh xã hội của tác giả GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng... Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được tiếp cận nhiều thông tin, vấn đề khác nhau của an sinh xã hội qua lăng kính của các nhà nghiên cứu.

Cuốn sách được cấu trúc thành hai phần:

Phần I: Những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm thế giới về an sinh xã hội

Phần II: Những vấn đề thực tiễn về an sinh xã hội ở nước ta

Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan giữa lý luận và thực tiễn về an sinh xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua với những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và xu hướng xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam từ nay đến năm 2020./.