TCCSĐT - Ngày 25-11-2011, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đến đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện Ủy ban Quốc gia sông Mê Kông Việt Nam, ủy ban nhân dân tỉnh, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở tài nguyên và môi trường, sở khoa học và công nghệ các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo cáo do ThS Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Nhóm Tư vấn quốc gia về Đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) của thủy điện dòng chính Mê Kông (báo cáo SEA) trình bày cho thấy: có 12 dự án thủy điện đã được đề xuất thực hiện trên các đoạn dòng chính sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan và Campuchia từ nay đến năm 2030. Sau 16 tháng tiến hành thực nghiệm, Nhóm ĐMC nhận thấy: Thủy điện dòng chính Mê Kông không quan trọng trong việc bảo đảm tốc độ tăng trưởng lành mạnh của ngành điện các quốc gia vùng hạ lưu vực (nếu tất cả 12 dự án thủy điện được xây dựng chỉ đáp ứng được 4,4 % nhu cầu điện của Việt Nam), nhưng các đập thủy điện sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế, xã hội ở hạ lưu vực sông Mê Kông. Theo tính toán của Nhóm ĐMC, những tổn thất đối với ngành thủy sản và nông nghiệp do các đập dòng chính gây ra là vĩnh viễn, không phục hồi và cao gấp 10 lần so với nguồn lợi do thủy điện đem lại. Các đập thủy điện khi tích nước sẽ làm tổn thương tính toàn vẹn và đa dạng sinh học thủy sinh và trên cạn ở  toàn bộ vùng hạ lưu vực, 17% diện tích đất ngập nước giữa sông sẽ bị mất, nhiều loài thủy sản đặc trưng của sông Mê Kông sẽ tuyệt chủng; nguồn protein do sông Mê Kông cung cấp bị mất đi hằng năm tương đương 110% lượng gia súc của hai quốc gia Lào và Campuchia; trong ngắn hạn và trung hạn sẽ làm suy thoái điều kiện sinh kế của các cộng đồng người nghèo sống ven sông Mê Kông…

Riêng đối với ĐBSCL, nếu 12 đập được xây dựng, hai trụ cột kinh tế là nông nghiệp và thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hằng năm, toàn vùng sẽ mất đi 220.000 - 440.000 tấn thủy sản (tương đương 0,5 - 1 tỉ USD), mất 50% lượng phù sa bồi đắp cho các vùng sản xuất nông nghiệp; tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô sẽ trầm trọng do các đập thủy điện tích nước; lũ lụt sẽ khủng khiếp hơn khi hứng chịu tình trạng xả lũ từ các đập thủy điện; ngưng trệ quá trình bồi đắp, kiến tạo đồng bằng làm cho ĐBSCL có nguy cơ lún chìm khi chịu thêm tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; mất dần nhiều sinh hoạt văn hóa đặc thù của vùng sông nước…

Tại Hội thảo, đại diện một số tỉnh, thành cho rằng, báo cáo SEA chưa làm rõ những tác động tiêu cực của các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông với ĐBSCL. Cụ thể, tác động của dòng chảy mùa lũ đối với nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông, thủy lợi? Tình trạng dòng chảy kiệt do đập thủy điện tích nước và những tác hại của nó, nhất là với sinh kế của người dân nghèo ven sông? Tình trạng thiếu phù sa, phiêu sinh vật ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học, sản xuất nông nghiệp, thủy sản? Tình trạng xói lở bờ sông và vùng ven biển do nước từ thượng nguồn về “đói’ phù sa sau khi bị lắng đọng ở các hồ thủy điện? Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, khó khăn khi giao thông thủy mùa khô, khó phát triển loại hình du lịch sông nước?...

Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí với kiến nghị của Nhóm ĐMC: Các quyết định về xây các đập chính trên dòng chính sông Mê Kông nên được hoãn lại 10 năm với sự rà soát 3 năm một lần để bảo đảm các hoạt động trong giai đoạn hoãn được thực hiện có hiệu quả. Không nên sử dụng dòng chính sông Mê Kông để thử nghiệm, để chứng minh hay cải thiện các công nghệ thủy điện chắn ngang sông vì các tổn thất là nhiều mặt, vĩnh viễn và không phục hồi được./.