Tiếp tục phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2- Quốc hội khóa XIII vào cuối giờ chiều 24 và sáng 25-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp để cung cấp đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Lãi suất không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của Ngân hàng Nhà nước

Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra hình ảnh giữ thăng bằng khi đi trên dây để nói về nhiệm vụ vừa phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa phải kiềm chế lạm phát của ngành ngân hàng. Trước đây, từ chỗ bị động trong điều hành chạy theo thị trường, nay điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hẳn sang thế chủ động, dẫn dắt. Hàng loạt các chính sách quản lý hoạt động tiền tệ được ban hành trong thời gian qua chính là công cụ chỉ đạo điều hành thị trường để cùng đạt cả 2 mục tiêu nói trên. Theo Thống đốc, hiện mức quy định trần lãi suất huy động là 14% không phải là cao nhưng nếu so với dự báo về tỷ lệ lạm phát năm 2012 thì là phù hợp. Có như vậy mới đủ cơ sở để xem xét giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong năm tới.


Từ 7-9-2011, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết áp trần lãi suất huy động 14%, giảm so với mức huy động từ 16 - 18 % trước đó. Các tổ chức tín dụng trong hệ thống cũng công khai thừa nhận vi phạm trần suốt những tháng trước đó và cùng cam kết giảm lãi suất huy động về đúng quy định. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng sẽ phải dung hòa dòng vốn đã huy động trước đây và giảm cả lãi suất cho vay, điều này chỉ thấy rõ hiệu lực sau 1 tháng thực hiện. "Hiện lãi suất cho vay ở mức 16-18% là hợp lý còn với lĩnh vực phi sản xuất thì quanh mốc 18 - 21% theo thỏa thuận. Theo tinh thần của Nghị quyết số11, đưa tăng trưởng tín dụng ngân hàng xuống dưới mức 20%, giảm xa so với mốc 33% trước đó. Điều này đương nhiên khiến một bộ phận doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng nhưng lại nằm trong chính sách điều hành vĩ mô để đạt mục tiêu chung về kiềm chế lạm phát. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ", Thống đốc trả lời.


Có ý kiến đại biểu cho rằng quy định về trần lãi suất chỉ là biện pháp hành chính còn thực tế lãi suất ngân hàng nên là thỏa thuận nhưng theo Thống đốc, vào giai đoạn khó khăn càng cần phải áp dụng trần lãi suất huy động chứ không nên bỏ quy định này mà áp trần lãi suất cho vay để phù hợp với khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu cào bằng lãi suất cho vay thì không phân biệt được loại nào cần khuyến khích, loại nào cần hạn chế.


Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo sát diễn biến thực tế, cùng các bộ, ngành nghiên cứu để xây dựng lãi suất phù hợp. Lãi suất không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của Ngân hàng Nhà nước mà được xây dựng dựa trên kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước và phụ thuộc định hướng kinh tế vĩ mô. Trong những tháng gần đây, kinh tế vĩ mô được cải thiện đáng kể, lạm phát giảm mạnh là tiền đề cơ bản, quan trọng tính đến giảm lãi suất. Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá quan hệ cung cầu - sản xuất trong nước và tình hình diễn biến kinh tế thế giới để có những điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay. Mọi kịch bản sẽ có con số cụ thể và thời điểm, thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chỉ công bố nguyên tắc chung như vậy - Thống đốc khẳng định.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, trong năm 2012, vốn cho nông nghiệp, nông thôn vẫn là trọng tâm của chính sách tín dụng. Hiện dư nợ nhóm này chiếm 20% tổng dư nợ. Mặc dù hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng nhóm này vẫn tăng 23-30%. Thời gian tới sẽ tập trung vốn cho khôi phục lại sản xuất tại vùng lũ lụt, đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn, đầu tư kho bãi bảo tồn và cơ sở chế biến... nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện chất lượng tín dụng và nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng đang là 3,3% và cả năm khoảng 3,6%. Nếu so với tỷ lệ khoảng 10% của năm 2010 thì cũng không đáng ngại. Các khoản cho vay bất động sản cũng chỉ chiếm 8,3% tổng dư nợ cho vay và nợ xấu chừng 4,2% trên tổng số dư nợ này. Như vậy, các ngân hàng không phải đã đổ nhiều vốn cho lĩnh vực này như nhiều đại biểu lo ngại. Nếu theo chuẩn kế toán của Việt Nam thì nợ xấu vẫn trong ngưỡng an toàn.


Siết lại quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Nhìn lại mặt bằng pháp lý về hoạt kinh doanh vàng thời gian qua còn nhiều bất cập. Ngân hàng Nhà nước quản lý về nguyên liệu đầu vào nhưng vấn đề lưu thông lại do Bộ Công thương quản lý. Nhiều năm qua, vàng vẫn được lưu thông như hàng hóa bình thường. Do vậy, gây ra nhiều bất cập.


Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có tới hơn 12.000 cửa hàng vàng được quyền kinh doanh vàng miếng. Nếu trước năm 2008, vàng thế giới không có những biến động lớn thì hoạt động kinh doanh vàng trong nước cũng khá trầm lắng. Tuy nhiên, từ năm 2009 trở lại đây, giá vàng thế giới đã liên tục biến động, thời gian gần đây có thời điểm lên tới 1.700USD/oz, do vậy, ảnh hưởng mạnh tới thị trường vàng trong nước.


Trước tình hình đó, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định Quản lý và kinh doanh vàng nhằm siết lại quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức. Nguyên tắc được đặt ra theo dự thảo sẽ là Nhà nước độc quyền về sản xuất kinh doanh vàng miếng. Như vậy, nếu nhóm lợi ích đi trái lợi ích của quốc gia sẽ không được tồn tại. Hiện vàng SJC của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn chiếm 90% thị phần của các loại vàng miếng nên có dư luận lo ngại về sự độc quyền. Tuy nhiên, Thống đốc khẳng định đây là công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thực chất Ngân hàng Nhà nước vẫn quản lý nhãn hiệu vàng này.


Ngân hàng Nhà nước cũng đang gấp rút xây dựng đề án về hoạt động huy động vàng của nhà nước. Các công cụ này được ban hành sẽ có đầy đủ cơ sở để quản lý tốt hơn theo nguyên tắc bảo đảm tuyệt đối quyền lợi của người dân về việc: mua bán, gửi vàng miếng của người dân. Số vàng huy động được trong dân sẽ được phục vụ cho quốc kế dân sinh. Việc ban hành đồng bộ công cụ trên sẽ ảnh hưởng đến nhóm lợi ích nhưng sẽ tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hoạt động chính sách tiền tệ.


Cùng với vàng, chống đô la hóa cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến cho rằng lãi suất huy động USD chỉ có 2% nhưng lại cho vay tới 8% là chưa hợp lý. Tuy nhiên, Thống đốc khẳng định muốn thực hiện chủ trương chống đô la hóa càng phải dịch chuyển từ quan hệ vay mượn USD trong tổ chức tín dụng sang mua bán. Như vậy mới khuyến khích người có ngoại tệ bán lại cho ngân hàng. Doanh nghiệp có nhu cầu nên mua tại tổ chức tín dụng chứ không nên vay. Mức lãi suất này hạn chế nhu cầu vay ngoại tệ.


Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, ngoài việc huy động trong nước, các ngân hàng phải huy động từ thị trường liên ngân hàng ngân hàng thế giới khoản vay rất lớn và phải đối mặt với rủi ro lớn, lãi suất cao... Vì vậy mức lãi suất cho vay hiện nay cũng vẫn hợp lý, phù hợp trong cân đối cho vay với tiền đồng.


Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án không dùng tiền mặt. Bắt đầu từ năm 2012 sẽ có quy định về kiểm soát chặt chẽ giải ngân của các ngân hàng.


Thừa nhận hoạt động thanh tra giám sát yếu kém


Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém.


Mặc dù trần lãi suất huy động 14% được quy định từ cuối năm 2010 nhưng các tổ chức tín dụng vẫn tìm mọi hình thức vô hiệu hóa quy định này. Suốt nửa năm, tình trạng vượt trần lãi suất 14 % diễn ra phổ biến. Thống đốc chỉ rõ: Đây là biện pháp hành chính nhưng lại thiếu chế tài. Hoạt động thanh tra giám sát chưa nghiêm, vi phạm thì nhiều nhưng chưa phát hiện và xử lý, đây chính là yếu kém, trì trệ của bộ máy. Điều này đã khiến phát sinh nhiều vụ việc tiêu cực. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, phát hiện và tiếp tục điều tra, xử lý, làm rõ. Kết quả cũng sẽ được thông báo rộng rãi - Thống đốc khẳng định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có hai tiếng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp cuối chiều qua và đầu giờ sáng nay. Tại phiên chất vấn hôm qua, nhóm câu hỏi liên quan đến tái cơ cấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải thích lý do phải tái cơ cấu nhằm làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, đủ sức cạnh tranh. Việc tái cấu trúc lại cơ cấu hoạt động còn giúp việc cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ hợp lý... Đích hướng tới là xây dựng hệ thống ngân hàng đa sở hữu có loại hình - quy mô - năng lực đủ mạnh để làm trụ cột cho toàn hệ thống và phù hợp với từng phân khúc định của thị trường.

Một lần nữa Thống đốc khẳng định quá trình tái cơ cấu sẽ rất thận trọng, chắc chắn, tiết giảm tối đa chi phí, ổn định tín dụng và đặc biệt là phát huy tối đa nội lực. Giải pháp đưa ra là phân nhóm hợp lý, quá trình tái cơ cấu sẽ không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ và vẫn bảo đảm quyền lợi của khách hàng.


Lộ trình đưa ra là quý 2-2012 sẽ hoàn thành việc định hình rõ 3 nhóm và giải quyết tốt thanh khoản của nhóm yếu; từ 2011 - 2013 hoàn thành tái cơ cấu nhóm 3; đến năm 2015 nâng cao hiệu quả an toàn hệ thống, nâng chuẩn mực đạt chuẩn quốc tế và xây dựng nhóm trụ cột theo kế hoạch. Hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được tái cấu trúc từ nay đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra là có 40 tổ chức tín dụng có khả năng cạnh tranh quốc tế, trong đó có 2 tổ chức tín dụng nằm trong vào nhóm ngân hàng lớn của khu vực Đông Nam Á./.