Những mùa xuân bình yên ở một miền biên giới
Hơn ba mươi năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, Tây Ninh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức. Phát huy truyền thống của vùng đất biên cương trung dũng kiên cường "ý Đảng, lòng dân" "quân và dân một ý chí", Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tây Ninh cùng sát cánh xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, làm nên những mùa xuân tiếp nối những mùa xuân yên bình trên dải đất Tây Nam Tổ quốc.
Cáp treo lên núi Bà Đen |
Từ thị xã Tây Ninh, chỉ sau hơn nửa giờ, chúng tôi đã có mặt ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài thuộc huyện Bến Cầu; nơi có đường xuyên Á đi qua nối liền với Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong 5 cửa khẩu thông thương với nước bạn. Nơi đây vừa diễn ra một sự kiện quan trọng. Đầu tháng 11 vừa qua, Chính phủ hai nước Việt Nam, Cam-pu-chia đã xác lập cột mốc 171 - cột mốc biên giới quốc gia đầu tiên ở Tây Ninh. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài dù chỉ mới hình thành 5 năm, nhưng đã nhanh chóng trở thành một "điểm đỏ" trên bản đồ thương mại của khu vực miền Đông Nam Bộ. Tại đây, một siêu thị miễn thuế và chợ đường biên vừa được xây dựng đang trở nên khá sôi động khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt người, xe từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh về đây mua bán.
Nhắc đến Tây Ninh, người ta thường nhớ về một vùng đất có lịch sử hào hùng với căn cứ Trung ương cục miền Nam trong hai cuộc kháng chiến đã đi vào huyền thoại; nơi có các danh thắng Núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh nổi tiếng. Tây Ninh cũng được mệnh danh là "miền đất ngọt", bởi đây là "thủ đô mía đường" của cả nước. Nằm ở miền Đông Nam Bộ, chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung Bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh đất không rộng (4.035 km2), người không đông (dân số hiện nay 1.038.616 người), nhưng do những đặc thù về địa lý và tự nhiên quy định, từ lâu trong lịch sử, Tây Ninh được ví là "lá chắn", là cửa ngõ chính vào "căn nhà lớn" miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh. Tây Ninh giáp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước về phía đông, giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An về phía nam; phía tây và tây bắc Tây Ninh có 5 huyện với 20 xã có chung 240 km đường biên giới với ba tỉnh Kông-pông-chàm, Prây-ven, Soài-riêng của vương quốc Cam-pu-chia. Cả tuyến đường biên dài rộng này được nối liền nhau bởi những cánh rừng, trảng cỏ và sông rạch.
Một biên giới yên bình đang trải rộng bởi những cánh đồng lúa rực vàng, những cánh đồng mía sắp vào mùa thu hoạch; những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn tít tắp chạy dọc đường biên là bằng chứng sinh động thay cho lời khẳng định: đã thực sự qua rồi cảnh người dân biên giới Tây Ninh nhọc nhằn chạy giặc, cơ cực chạy ăn; giờ đang đầy tự tin trong cuộc hành trình theo Đảng về đích no ấm, thanh bình. Một Tây Ninh sôi động, hội nhập đang hiển hiện trên từng góc phố, con đường; trên những gương mặt người dân biên giới, khi mà chính họ từng thấm thía nỗi đau của chiến tranh, bất ổn. Hơn ba mươi năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vượt lên mọi khó khăn thử thách, từng bước ổn định phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh - "quê hương trung dũng, kiên cường" đã không ngừng phát huy tinh thần "ý Đảng hợp với lòng dân", "quân và dân một ý chí", cùng sát cánh bên nhau xây dựng thế trận an ninh biên giới vững chắc, làm nên những mùa xuân bình yên trên dải đất biên cương Tây Nam của Tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của hai cuộc đấu tranh giữ nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh luôn ý thức rõ vị trí, vai trò của một địa phương nằm ở một trong những vị trí trọng yếu của đất nước; từ đó xác định giữ vững an ninh trật tự, nhất là xây dựng thế trận an ninh biên giới vững chắc luôn là nhiệm vụ hàng đầu ở mọi thời điểm. Trên cơ sở các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và của Thủ tướng Chính phủ v.v., Tỉnh ủy Tây Ninh sau một thời gian tập trung chỉ đạo và rút ra những kinh nghiệm đã có Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 12/7/1997 về "Xây dựng huyện, xã biên giới vững mạnh toàn diện thời kỳ 1996 - 2000". Quyết tâm và cũng là mục tiêu hướng tới của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh qua Nghị quyết này là "...xây dựng và tích cực triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình của từng thời kỳ nhằm tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, củng cố thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở, góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...". Xây dựng đường biên giới thực sự trở thành đường biên giới hòa bình và hữu nghị.
Để biến nghị quyết thành hành động thực tiễn, liên tục những năm qua Tây Ninh đã tập trung sức triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể:
1 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong toàn dân. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục quốc phòng, an ninh phù hợp với từng đối tượng; làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhận thức đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; đề cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đánh bại các hành động phá hoại của địch trong mọi tình huống. Tăng cường phối hợp giáo dục nhân dân sống trên biên giới của hai nước chấp hành nghiêm pháp luật và Hiệp định về biên giới theo tinh thần "hòa bình, hữu nghị, hợp tác" và giải quyết các vấn đề bằng con đường thuyết phục, thương lượng, bảo đảm có lý có tình.
2 - Quán triệt và phát huy hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, lực lượng vũ trang làm tham mưu" trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự biên giới và ổn định cuộc sống của nhân dân. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở đảng trong các lực lượng trên toàn tuyến biên giới thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường củng cố, đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở các huyện, xã biên giới. Củng cố lực lượng bộ đội biên phòng và bộ đội địa phương; kiện toàn các tiểu đội, trung đội dân quân, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ ở các cụm dân cư mới; dự kiến những tình huống phức tạp xảy ra, xây dựng các phương án hợp đồng chặt chẽ và chỉ huy thống nhất các lực lượng, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống. Ưu tiên đầu tư phương tiện kỹ thuật đi đôi với quan tâm chăm lo đời sống chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ, tạo điều kiện để các lực lượng này an tâm bảo vệ vững chắc biên giới.
3 - Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an ninh, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của dân. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xây dựng biên giới do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Thường trực làm Trưởng ban, một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó Ban Thường trực và các thành viên gồm đại diện các lực lượng: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Biên phòng, Hội Cựu chiến binh; đại diện các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Giáo dục, Y tế v.v.. Trong đó từng ngành có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác biên giới thành lập một bộ phận theo dõi giúp lãnh đạo ngành phối hợp với các xã, huyện biên giới chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện dự án và nhiệm vụ của ngành mình. Ban chỉ đạo xây dựng biên giới duy trì đều đặn chương trình giao ban định kỳ để kịp thời nắm tình hình, đề xuất các giải pháp, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, điều chỉnh các chủ trương, chính sách sát đúng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
4 - Lựa chọn, xác định một số chương trình, dự án về kinh tế - xã hội ở địa bàn các huyện biên giới; tập trung ưu tiên đầu tư vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng thôn biên giới; áp dụng các hình thức tín dụng hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất và triển khai có hiệu quả các chương trình phục vụ cho sản xuất như khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thủy lợi... tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp các huyện, xã biên giới không ngừng phát triển, góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh và đồng đều trên toàn tuyến biên giới... Từ đó, tạo tiền đề để xây dựng thế trận lòng dân, mở rộng mạng lưới an ninh nhân dân, nắm bắt tình hình một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Với tinh thần xây dựng tuyến biên giới thực sự trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Liên tiếp trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu phát triển ngành của Tây Ninh đều đạt và vượt mức kế hoạch đã xây dựng. Thành tựu chung và nổi bật là nền kinh tế của tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng cao và phát triển tương đối toàn diện, với cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện rõ rệt. Hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và có sự chuyển biến tích cực; nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm; đời sống nhân dân ổn định, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Hoạt động của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân không ngừng được đổi mới, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và mở rộng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố. Năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên được nâng lên; phương thức lãnh đạo và hoạt động của các cấp ủy từng bước đổi mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức triển khai chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược an ninh quốc gia có hiệu quả, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân không ngừng được tăng cường v.v... Riêng công tác biên giới, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu của Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy đã làm thay đổi một cách cơ bản về kinh tế - xã hội ở 5 huyện, 20 xã biên giới của tỉnh, thúc đẩy kinh tế các huyện, xã biên giới phát triển ổn định và đúng hướng.
Từ thực tiễn công tác giữ gìn an ninh biên giới những năm qua, Tây Ninh đã rút ra những bài học quan trọng sau đây.
Một là, căn cứ đặc thù và tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các chính sách đó phải được xây dựng từ thực tiễn, sát với đời sống mọi mặt của người dân. Bên cạnh đó, các cơ chế thông thoáng, thiết thực của tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ được nguồn lực bên ngoài để phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh, trong đó có các huyện, xã biên giới; động viên nhân dân khai hoang mở rộng diện tích đất đai, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển nông - lâm nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh ở khu vực biên giới, từ đó nhanh chóng xác lập và tạo tiền đề để củng cố và xây dựng vững chắc thế trận an ninh biên giới.
Hai là, các cấp ủy, chính quyền của các huyện, xã biên giới có sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, linh động sáng tạo, vận dụng tốt chiến lược xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng theo phương châm "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên". Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành chức năng của tỉnh với các địa phương đã tạo điều kiện cho các huyện và xã biên giới phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh - quốc phòng thuận lợi. Các lực lượng đứng chân trên biên giới luôn có sự phối hợp, kết hợp hiệu quả trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa chính quyền, nhân dân các huyện, xã có chung đường biên giới với nước bạn Cam-pu-chia.
Ba là, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết trên từng lĩnh vực, từng thời điểm đối với công tác biên giới phải gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, đồng thời phải chọn đúng khâu đột phá, những vấn đề then chốt để tập trung chỉ đạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc, vướng mắc, nhất là những vấn đề nảy sinh ở cơ sở để tạo sự đồng tâm nhất trí trong nhân dân, phát huy tối đa nội lực. Thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của các cấp ủy, chính quyền trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch về công tác biên giới, tạo sự chuyển biến đồng bộ và toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên toàn tuyến biên giới.
Bốn là, phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt tiến bộ và công bằng xã hội; nhất là giải quyết có hiệu quả những vấn đề an sinh xã hội bức xúc, những vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng - an ninh nhằm tạo ra sự đồng thuận trong xã hội theo tinh thần "ý Đảng hợp với lòng dân" và "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Thực tiễn cho thấy, ở đâu lòng tin của người dân với Đảng và chính quyền được xác lập, thì ở đó tinh thần "quân và dân một ý chí" càng được phát huy cao độ; việc xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân càng được thực thi một cách nhanh chóng và vững chắc.
Quá khứ lịch sử cũng như hiện tại và tương lai của đất nước đã để lại bài học sâu sắc: an ninh biên giới nói chung, biên giới Tây Nam nói riêng là vấn đề sống còn không chỉ đối với Tây Ninh mà còn đối với miền Đông Nam Bộ và cả nước. Hơn ba mươi năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh tiếp nối truyền thống hào hùng, đã làm tốt trọng trách của một địa phương nơi tuyến đầu của Tổ quốc, xứng đáng với lòng tin của cả nước. Đây chính là sự kết tinh tinh thần đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, sự nỗ lực phấn đấu, phát huy tình nghĩa quân dân; biểu hiện trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh với cả nước và là thành quả đáng trân trọng nhất.
Một năm nữa sắp qua, đồng nghĩa với một mùa xuân mới lại về trên dải đất thiêng của Tổ quốc. Từ xuất phát điểm một tỉnh nghèo đi lên từ nông nghiệp, dân trí thấp, không được thiên nhiên ưu đãi; các thế lực thù địch không ngừng chống phá bằng âm mưu "diễn biến hòa bình" một cách gay gắt, tình hình biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... nên trước mắt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh còn ngổn ngang bao điều phải nghĩ, bao việc phải làm; đồng nghĩa với trách nhiệm của Tây Ninh trước cả nước và với chính mình còn rất lớn và nặng nề. Nhưng sự bình yên của mảnh đất phên dậu này sau hơn một phần ba thế kỷ đang gửi đến đồng bào cả nước một thông điệp mới: bằng ý chí cách mạng của vùng đất trung dũng kiên cường; với truyền thống đoàn kết, niềm tin son sắt của người dân với Đảng và cách mạng; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh biên giới Tây Ninh sẽ nhanh chóng vượt lên khó khăn thách thức để hòa nhịp cùng cả nước theo quy luật đã yên thì sẽ ổn.
Kon Plông – 5 năm một chặng đường  (15/01/2007)
Đồng bào công giáo thi đua sống tốt đời đẹp đạo  (15/01/2007)
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2006  (15/01/2007)
Những chặng đường đi đến Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn Việt Nam – Hoa Kỳ  (15/01/2007)
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới  (15/01/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển