Đông Á trong hơn một thập kỷ qua đã trở thành tâm điểm của thế giới không chỉ về sự năng động kinh tế mà còn về các sáng kiến, các chính sách cũng như các tranh luận mang tính học thuật về sự hình thành một Cộng đồng Đông Á trong tương lai. Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều quan điểm khác nhau của các nhà hoạch định chính sách cũng như giới nghiên cứu các nước cả trong lẫn ngoài khu vực. Chỉ tính riêng trong khu vực Đông Á cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về liên kết Đông Á, song đáng chú ý nhất phải kể đến quan điểm của khối ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (hay ASEAN + 3). Tiến trình liên kết Đông Á đã và đang có những tín hiệu khả quan với nòng cốt là ASEAN trong các hội nghị cấp cao của ASEAN + 1 và ASEAN + 3, và đặc biệt là Hội nghị cấp cao Đông Á lần đầu tiên được tổ chức tại Malaixia vào tháng 12 năm 2005.

Thực tế đã cho thấy, quan điểm của mỗi nước trong các diễn đàn nói trên ngoài những ý tưởng vì lợi ích chung của cả khu vực, đều có những ý tưởng riêng vì lợi ích của chính nước mình. Liên kết hay hội nhập tất nhiên sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức (hay lợi ích và bất lợi) cho mỗi quốc gia trong khu vực. Chỉ khi nào vùng giao thoa (hay lợi ích chung) của các ý tưởng về liên kết này lớn hơn phần thua thiệt (hay thách thức) của những thực thể chủ yếu của khu vực như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thì liên kết Đông Á mới có thể trở thành hiện thực. Đấy là chưa kể đến ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài như Mỹ, EU… và các tổ chức quốc tế như IMF, WB, WTO… Chính vì vậy, có thể nói mặc dù liên kết Đông Á đã thể hiện rõ là một xu thế khách quan khó có thể đảo ngược, song con đường đi tới liên kết Đông Á chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, tác động đến sự phát triển chung của khu vực cũng như của mỗi quốc gia (trong đó có Việt Nam).

Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất những bước đi thích hợp để liên kết Đông Á nhanh chóng trở thành hiện thực với những thua thiệt hay thách thức thấp nhất cho mỗi quốc gia, hay nói cách khác để vùng giao thoa các quan điểm chung của các nước ngày càng rộng hơn, là một việc làm hết sức cần thiết cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn. Nhật Bản, với tư cách là siêu cường kinh tế thứ hai thế giới, là một trong những thực thể quan trọng của khu vực. Các quan điểm và chính sách của Nhật Bản sẽ có những ảnh hưởng rất đáng kể tới tiến trình liên kết khu vực nói chung và tới Việt Nam nói riêng. Vì vậy, với hy vọng hệ thống hóa lại một cách tương đối đầy đủ các quan điểm chính sách của Chính phủ và giới nghiên cứu Nhật Bản về một xu thế đã và đang trở thành vấn đề sôi động không chỉ trong phạm vi khu vực mà trên phạm vi toàn thế giới - liên kết Đông Á, tập thể tác giả Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách “Quan điểm của Nhật Bản về liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Mục đích của cuốn sách là hệ thống hóa và phân tích một cách có chọn lọc một số quan điểm chính sách chủ yếu của Chính phủ và giới học thuật của Nhật Bản về liên kết Đông Á trong bối cảnh quốc tế mới kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay, từ đó đề xuất một số kiến nghị về đối sách của Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản nói riêng và với các nước trong khu vực nói chung nhằm tranh thủ thời cơ và đối phó với những thách thức có thể có của tiến trình liên kết Đông Á. Tuy nhiên, để có thể hiểu vấn đề một cách có lôgic và hệ thống, cuốn sách cũng đề cập đến những nét chung nhất về cơ sở của liên kết Đông Á và các quan điểm chính sách của Nhật Bản về liên kết Đông Á trước những năm 1990.