Từ khi chính thức kết nối internet toàn cầu, vào tháng 11-1997, đến nay, Việt Nam có trên 5 triệu thuê bao internet, với khoảng 18 triệu người sử dụng, bằng khoảng 21% dân số, đạt mức bình quân cao trên thế giới.

Từ một lĩnh vực độc quyền, mang tính phục vụ là chủ yếu, internet Việt Nam đã bước đầu hình thành một thị trường dịch vụ internet sôi động. Nếu như năm 1997, thị trường internet mới chỉ có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và kết nối internet đầu tiên ở Việt Nam, đến nay internet Việt Nam đã chuyển sang cạnh tranh thực sự với 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet; 14 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng internet; khoảng 55.000 tên miền .vn.

Năm 2003 - năm được coi “đột phá internet” của Việt Nam, cùng với việc giảm giá truy cập, chất lượng băng truyền được cải thiện, nhất là với sự ra đời của dịch vụ truy cập internet tốc độ cao (ADSL), internet ngày càng trở nên phổ biến.

Không chỉ dừng lại ở bốn dịch vụ gồm thư điện tử, truy cập cơ sở dữ liệu, truyền tệp dữ liệu, truy nhập từ xa, internet Việt Nam hiện đã trở nên đa dạng về hình thức và số lượng.

Hiện nay, internet cũng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, kinh doanh. 100% trường đại học, cao đẳng, 92% doanh nghiệp, 50% các trường trung học cơ sở, bệnh viện cấp tỉnh đã kết nối internet; 56/64 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có trang web riêng. Dịch vụ internet cũng đã có mặt ở nhiều vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Theo quy hoạch phát triển internet đến năm 2010, internet và viễn thông sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế - xã hội, với mục tiêu internet và viễn thông sẽ đóng góp khoảng 3,5 tỉ USD cho nền kinh tế.

Vào năm 2010, mật độ thuê bao internet trong nước đạt 13 - 15 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người sử dụng internet đạt 25-35%; 70% số xã có điểm truy cập internet công cộng; 100% huyện và hầu hết các xã trong vùng kinh tế trọng điểm được cung cấp dịch vụ này.

Đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, 100% viện nghiên cứu, trường học từ đại học đến trung học phổ thông được kết nối internet băng rộng; 90% trường trung học cơ sở và bệnh viện cấp tỉnh được kết nối internet.

Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy internet Việt Nam có bước chuyển ngoạn mục, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông): bên cạnh việc Việt Nam đã có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động có hạ tầng mạng viễn thông và có khả năng cung cấp internet trên điện thoại di động, Việt Nam còn có số người trẻ đông, có trình độ học vấn cao. "Điều quan trọng hơn là họ luôn có một thái độ tích cực và thực sự mong ứng dụng công nghệ thông tin vào trong cuộc sống". Thị trường internet Việt Nam có “tốc độ phát triển ấn tượng” trong 10 năm qua sẽ là cơ hội rất lớn để trở thành “cơn lốc” internet Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2010.