Thể chế chính trị là một bộ phận quan trọng của kiến trúc thượng tầng. Ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, với những điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng sẽ có một thể chế chính trị tương ứng, phù hợp với nó. Thể chế chính trị sẽ bộc lộ những bất cập, sự bảo thủ, lạc hậu, thậm chí là phản động khi nó không phát triển kịp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Ngược lại, nếu luôn được đổi mới và được xây dựng nên bởi một giai cấp tiến bộ, thì thể chế chính trị ấy sẽ trở thành động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Nước ta hiện nay đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việc củng cố, đổi mới thể chế chính trị đang được đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X nêu ra, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; cải cách hành chính và đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ; xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý và quyền con người...; đảm bảo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó, bên cạnh việc học hỏi từ các thể chế chính trị của các nước trên thế giới, chúng ta cần nghiên cứu, chắt lọc những kinh nghiệm quý báu đúc rút từ chính các thể chế chính trị từng tồn tại trong lịch sử dân tộc.

Cuốn sách Thể chế chính trị Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám dưới góc nhìn hiện đại của tiến sĩ Lưu Văn An là một tài liệu bổ ích cho những ai quan tâm đến vấn này. Cuốn sách giúp chúng ta có một cái nhìn tương đối khái quát về lịch sử chính trị của Việt Nam từ thời dựng nước đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; những kinh nghiệm trị nước của các vị vua anh minh, các hình thức tổ chức bộ máy nhà nước và cả những sai lầm, thất bại của một số triều đại./.