Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong bối cảnh mới
TCCS - Trong nhiều thập niên, Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc luôn có sự kết nối, nhất là về mặt an ninh trước các mối đe dọa chung và hợp tác giữa ba quốc gia này được đánh giá có ảnh hưởng lớn tới môi trường an ninh khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, với những điều chỉnh trong chính sách đồng minh của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng những thay đổi của tình hình an ninh khu vực và thế giới, những bước đi mới trong hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tiếp tục có tác động nhất định tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bối cảnh mới tác động tới sự phát triển của hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc
Thứ nhất, vấn đề tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh quá trình tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á. Mỹ điều chỉnh cách tiếp cận trong quan hệ với các đồng minh truyền thống, triển khai các bước đi nhằm cải thiện quan hệ với một loạt đồng minh châu Á. Chính sách “ngoại giao con thoi” đã được Mỹ tích cực sử dụng trong quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc, thông qua các chuyến thăm chính thức lẫn nhau. Mỹ thông qua Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ “đối tác toàn cầu trong kỷ nguyên mới” với Nhật Bản, nâng cấp quan hệ “quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện toàn cầu” với Hàn Quốc. Bên cạnh đó là việc hình thành và củng cố các cơ chế hợp tác liên minh an ninh khác, như Nhóm “Bộ Tứ” (QUAD), Thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS).
Thứ hai, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản và Trung Quốc - Hàn Quốc. Năm 2022 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Nhật Bản, tuy nhiên cả hai nước đã không tổ chức bất kỳ sự kiện nào để kỷ niệm dấu mốc này. Chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây cũng công khai phản đối hoạt động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Về kinh tế, Nhật Bản chủ trương đẩy mạnh chuyển hướng xuất khẩu và khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Đối với quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc, căng thẳng trong mối quan hệ song phương này bắt nguồn từ lo ngại của Trung Quốc khi Mỹ - Hàn Quốc củng cố quan hệ đồng minh. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích việc Hàn Quốc tham gia các sáng kiến do Mỹ lãnh đạo, khởi xướng hay việc nối lại quan hệ với Nhật Bản. Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo Hàn Quốc về chính sách “một Trung Quốc”.
Thứ ba, vấn đề Triều Tiên. Từ năm 2022, Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Quốc hội Triều Tiên đã chính thức thông qua “Pháp lệnh về chính sách nhà nước liên quan các lực lượng hạt nhân” thay thế “Pháp lệnh củng cố tình trạng quốc gia có vũ khí hạt nhân tự vệ”. Pháp lệnh mới này đưa ra các quy định cụ thể về nguyên tắc, thành phần, cơ chế kiểm soát và điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả tấn công phủ đầu.
Sự phát triển mới trong hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc
Một là, gia tăng các cuộc gặp gỡ nhằm thúc đẩy hợp tác ba bên. Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden tập trung tăng cường tương tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, thông qua các cuộc họp của cố vấn an ninh quốc gia ba nước, các cuộc họp hàng tháng ở cấp đại diện đặc biệt về vấn đề Triều Tiên. Năm 2022, chiến thắng của ông Yoon Seok-yeol trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc mở ra những cơ hội mới cho hợp tác Mỹ - Hàn Quốc và hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo mới không chỉ khẳng định định hướng chính sách của Hàn Quốc đối với Mỹ, mà còn bày tỏ sẵn sàng vượt qua mâu thuẫn với Nhật Bản. Tính từ tháng 5-2022 đến nay, ba nước đã tổ chức hơn 20 cuộc gặp cấp cao, trong đó có các cuộc gặp cấp lãnh đạo ba bên được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 6-2022, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7, tháng 5-2023). Đặc biệt, tháng 8-2023, Hội nghị thượng đỉnh chính thức ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc lần đầu tiên được tổ chức. Hội nghị đã mở ra một cấp độ mới trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, đặt nền tảng cho hợp tác ba bên theo hướng sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thông qua các tuyên bố trong cuộc họp ba bên, có thể thấy cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang nỗ lực mở rộng chủ đề quan tâm của liên minh và đưa ra những điều chỉnh linh hoạt nhất định. Ba nước khẳng định sẽ phản đối “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm thông qua các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quân sự hóa các thực thể được khai hoang và các hoạt động cưỡng chế”.
Hai là, tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên. Cả ba nước đều nhận thấy rằng, việc tăng cường sự tương tác giữa quân đội theo hình thức ba bên, bên cạnh các thông lệ hợp tác song phương và đa phương truyền thống là hình thức hợp tác thiết thực. Sau quãng thời gian gián đoạn, các cuộc tập trận ba bên về phòng thủ tên lửa đạn đạo và tác chiến chống tàu ngầm đã được nối lại lần lượt vào tháng 8 và tháng 9-2022, tháng 2-2023(1). Những cuộc tập trận chung gần đây giữa ba nước được tiến hành với mục đích không chỉ nhằm tăng cường khả năng tương tác, phòng thủ trước các mối đe dọa, mà còn thể hiện cam kết bảo vệ an ninh khu vực, bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tháng 12-2022, Nhật Bản công bố chiến lược mới nhằm tăng cường tiềm lực quân sự, trong đó xác định, 5 năm tới là giai đoạn “bản lề” và Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên mức 2% GDP vào năm 2027. Quyết định này của Nhật Bản được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ. Ngoài ra, ba nước bắt đầu tham vấn về mở rộng răn đe theo hình thức ba bên đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Những bước đi trên thể hiện rõ quyết tâm của ba nước trong việc hiện thực hóa các cam kết.
Ba là, thúc đẩy hợp tác kinh tế. Một trong những động thái quan trọng là ba nước đã thiết lập Đối thoại An ninh kinh tế và tổ chức thành công cuộc họp đầu tiên vào tháng 2-2023(2). Cuộc họp này tập trung thảo luận về công nghệ lượng tử và không gian, cũng như giải pháp cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn, pin và các khoáng chất quan trọng. Cuộc đối thoại đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa trong việc thúc đẩy nỗ lực hợp tác giữa Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc để xây dựng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và phát triển công nghệ nhằm bảo đảm trật tự kinh tế quốc tế dựa trên các quy tắc.
Không chỉ nỗ lực cải thiện hợp tác kinh tế ba bên, về hợp tác song phương, mà Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong việc hàn gắn quan hệ kinh tế. Tháng 3-2023, Nhật Bản chính thức thực hiện nới lỏng hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba loại hóa chất thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn và màn hình, đồng thời tuyên bố sẽ đưa Hàn Quốc trở lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại của Nhật Bản(3). Tháng 4-2023, Hàn Quốc chính thức đưa Nhật Bản trở lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy. Đây là một động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương của hai nước. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã ban hành Bản sửa đổi thông báo công khai về xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng chiến lược với Nhật Bản, trong đó cho phép doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu các mặt hàng chiến lược sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi về thời gian xét duyệt ngắn hơn và thủ tục giấy tờ đơn giản hơn(4). Ngoài ra, Samsung Electronics - nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới đã đưa ra kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất tại thành phố Yokohama (Nhật Bản) với trị giá 222 triệu USD nhằm phát triển chất bán dẫn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương trong ngành công nghiệp chip của Nhật Bản và Hàn Quốc(5).
Bốn là, sự hợp tác giữa ba nước không gò bó trong khuôn khổ ba bên, mà dưới sự dẫn dắt của Mỹ, đã trở nên linh hoạt hơn trong quá trình triển khai một số cơ chế hợp tác khác của khu vực. Sau khi nhóm QUAD được hình thành, Mỹ chủ động kéo Hàn Quốc tham gia vào một định dạng QUAD + bao gồm các đối tác đặc quyền của liên minh này. Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng đang nỗ lực hình thành Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) bao gồm 13 quốc gia, bắt đầu bằng các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 2022(6). Nếu các cuộc đàm phán thành công, khuôn khổ này sẽ trở thành một sự thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng vào ngày 23-5-2022, cùng với 12 quốc gia thành viên khác, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, xác định mục tiêu tập trung vào bốn trụ cột là thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng. IPEF tìm cách giảm thiểu yêu cầu nội địa hóa và hạn chế đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới để thúc đẩy thương mại kỹ thuật số cởi mở hơn. IPEF khẳng định cam kết hỗ trợ các luồng dữ liệu xuyên biên giới đáng tin cậy, một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện với sự tăng trưởng bền vững và sử dụng có trách nhiệm các công nghệ mới nổi. Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đăng cai tổ chức vòng đàm phán thứ tư của IPEF vào tháng 7-2023, tập trung đàm phán, thỏa thuận về các vấn đề chuỗi cung ứng. Hàn Quốc cũng thể hiện rõ vai trò nước chủ nhà khi đề xuất và đưa ra các cơ chế khác nhau nhằm ổn định chuỗi cung ứng trong các cuộc đàm phán(7). Không chỉ vậy, Mỹ đề xuất thành lập liên minh công nghiệp bán dẫn với tên gọi “Liên minh Chip 4”.
Một thành tố khác góp phần mở rộng cơ chế cho liên minh ba bên đó là tăng cường phối hợp giữa các đồng minh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và châu Á của Mỹ. Năm 2020, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khởi xướng đối thoại với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2022, lãnh đạo của bốn quốc gia đối tác này lần đầu tiên nhận được lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO(8). Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chính thức hóa sự tương tác giữa Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản trong khuôn khổ châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2023, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyến công du châu Á. Tại hai quốc gia này, ông J. Stoltenberg đã nhấn mạnh cam kết mở rộng sự hiện diện của NATO trong khu vực(9).
Như vậy, với sự gia tăng liên kết trên cả ba lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế cùng những nỗ lực mở rộng liên kết thông qua các cơ chế khác trong khu vực, hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã có thêm nhiều cơ hội mới, mở đường cho những bước đi tiếp theo. Những nỗ lực, đặc biệt là của Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy quyết tâm tăng cường sự hợp tác của ba nước.
Thách thức trong hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc
Bên cạnh kết quả đạt được, hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn còn nhiều thách thức.
Thứ nhất, bất đồng do những vấn đề lịch sử để lại khiến quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc luôn đứng trước những tình huống dễ bị tổn thương và có thể trở nên căng thẳng. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc, theo nhận định của một số chuyên gia, mặc dù đạt được những bước phát triển mới dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ J. Biden, song vẫn tiềm ẩn bất đồng liên quan đến lĩnh vực bảo hộ thương mại. Bên cạnh đó, những ràng buộc kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc khiến Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra thận trọng trong triển khai hợp tác ba bên.
Thứ hai, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có thể trở thành một trong những thách thức lớn cho việc củng cố hợp tác ba bên. Thực tế, quan điểm giữa ba nước có những khác biệt khi đề cập đến việc giải quyết các vấn đề khu vực. Đơn cử như, mặc dù cả ba quốc gia này đều chia sẻ nhận thức về thách thức đến từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cả ba nước có cùng chung mức độ nhận thức, mức độ ưu tiên và cách thức tiếp cận đối với vấn đề này.
Thứ ba, Trung Quốc là một yếu tố tác động đến quan hệ hợp tác giữa ba nước. Mỹ đã mô tả Trung Quốc là “thách thức địa - chính trị lớn nhất của Mỹ”, bởi quốc gia này đang cố gắng “định hình lại trật tự quốc tế”. Trong khi đó, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc xác định Trung Quốc là “đối tác quan trọng” ở khu vực và nhiều lần nhấn mạnh chính sách với Trung Quốc sẽ mang tính bao trùm và cởi mở. Chiến lược An ninh quốc gia mới nhất của Nhật Bản cũng để ngỏ tiềm năng hợp tác với Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, nhưng vẫn có những lo ngại về an ninh khi xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất. Do sự gần gũi về địa lý và ảnh hưởng về kinh tế, an ninh ngày càng lớn của Trung Quốc đối với khu vực, vì vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn quan tâm đến thách thức từ phía Trung Quốc, nhưng cũng là một đối tác khu vực quan trọng.
Một điểm đáng chú ý là, tháng 5-2024, Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã diễn ra tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), với mục đích khởi động lại hợp tác ba bên vốn bị ngưng trệ trong hơn bốn năm qua. Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba nước kể từ năm 2019 cho thấy dấu hiệu tích cực về sự hợp tác giữa ba nước láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á, bởi cả ba nước đều đang phải đối mặt với bất ổn đến từ các tác động bên trong và bên ngoài. Rõ ràng, Trung Quốc vẫn là một nhân tố quyết định cho vấn đề hòa bình, ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Đồng thời, cũng là đối tác quan trọng góp phần bảo đảm cho sự phát triển toàn diện hơn mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ phải tính đến.
Tác động tới khu vực Đông Nam Á
Về tác động tích cực
Theo nhận định của một số chuyên gia, xét từ góc độ rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc có thể trở thành động lực cho những hợp tác đa phương khác, góp phần tạo ra sự hài hòa, cân bằng hơn trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Còn đối với khu vực Đông Nam Á, cả ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực, bởi đây đều là những đối tác quan trọng, cung cấp nguồn đầu tư, tài trợ cho các nước trong khu vực. Đặc biệt, vai trò trung tâm của ASEAN có thể được phát huy mạnh mẽ hơn nữa nếu có sự ủng hộ đến từ ba quốc gia này. Hiện nay, bên cạnh khu vực Đông Bắc Á với nhiều điểm nóng an ninh, hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng sẽ cần đến khu vực Đông Nam Á như một điểm đến quan trọng để khẳng định sức mạnh liên minh không chỉ trong an ninh, mà còn trong sức mạnh kinh tế. Các quốc gia Đông Nam Á có thể được hưởng lợi thế về công nghệ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, bao gồm sản xuất chip, phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp của ba nước phát triển này tại các nước ASEAN có thể mở ra cơ hội cho cả hai bên.
Về tác động tiêu cực
Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mặc dù sự gia tăng hợp tác của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho phép ba nước giảm bớt mối quan ngại về thách thức đến từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và đưa ra những động thái quyết đoán thông qua phối hợp tăng cường răn đe, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, điều này cũng có khả năng tác động, dẫn tới nguy cơ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiến hành các biện pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, căng thẳng về vấn đề vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn còn hiện hữu. Ngoài ra, gia tăng hợp tác ba bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng góp phần thúc đẩy hợp tác ba bên Nga - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - Trung Quốc.
Đối với Đông Nam Á, đây là một khu vực có vị trí địa - chiến lược quan trọng. Trên thực tế, các nước lớn đều tìm cách thúc đẩy lợi ích chung đối với ASEAN. Khi tình trạng cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là khi Mỹ và Trung Quốc đều muốn khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực thì việc giữ được vai trò, vị thế và sự tự chủ của ASEAN có thể sẽ gặp khó khăn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự hiện diện của hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc nếu được đẩy mạnh hơn nữa ở khu vực Đông Nam Á, có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, tác động tới vai trò trung tâm của ASEAN. Với tư cách là tổ chức duy nhất bao trùm khu vực Đông Nam Á, ASEAN chịu cả tác động tích cực và tiêu cực khiến thách thức và kỳ vọng đặt ra đối với ASEAN vì thế cũng ngày một gia tăng.
Những diễn biến mới của tình hình khu vực và thế giới đã thực sự đưa cả ba quốc gia Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn. Hợp tác ba bên gần đây đã đạt được những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách và khác biệt vốn có giữa lợi ích của mỗi nước. Đây là thách thức lớn đối với sự hợp tác giữa ba nước ở hiện tại và trong thời gian tới. Do vậy, để hợp tác có thể phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa thì sẽ cần nhiều nỗ lực đến từ cả ba nước trong cả hành động và nhận thức./.
-----------------------------
(1) “U.S., Republic of Korea, and Japan Participate in Missile Defense Exercise in Hawaii” (Tạm dịch: Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ở Ha oai), US Department of Defense, ngày 15-8-2022, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3128442/us-republic-of-korea-and-japan-participate-in-missile-defense-exercise-in-hawaii/
(2) “Readout of the Trilateral United States - Japan - Republic of Korea Economic Security Dialogue” (Tạm dịch: Diễn biến Đối thoại An ninh kinh tế ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc), The White House, ngày 28-2-2023, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/02/28/readout-of-the-trilateral-united-states-japan-republic-of-korea-economic-security-dialogue/
(3) “Japan to ease chip material export curbs on South Korea as ties improve” (Tạm dịch: Nhật Bản nới lỏng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu chip đối với Hàn Quốc khi mối quan hệ được cải thiện), Kyodo News, ngày 16-3-2023, https://english.kyodonews.net/news/2023/03/67032887d7b9-urgent-japan-to-cancel-export-controls-on-chip-materials-to-s-korea-seoul.html
(4) Oh Seok Min: “(LEAD) S. Korea puts Japan back on export 'white list' after 3 years” (Tạm dịch: Hàn Quốc đưa Nhật Bản trở lại “danh sách trắng” xuất khẩu sau ba năm), Yohap News Agency, ngày 24-4-2023, https://en.yna.co.kr/view/AEN20230423002451320
(5) “Samsung to build chip development facility in Japan” (Tạm dịch: Samsung xây dựng cơ sở phát triển chip tại Nhật Bản), Nikkei Asia, ngày 14-5-2023, https://asia.nikkei.com/Business/Tech/Semiconductors/Samsung-to-build-chip-development-facility-in-Japan
(6) “Indo - Pacific framework to begin with 13 nations, including India” (Tạm dịch: Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu với 13 quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ), Nikkei Asia, ngày 23-5-2022, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Biden-s-Asia-policy/Indo-Pacific-framework-to-begin-with-13-nations-including-India
(7) “Korea holds 4th IPEF talks in Busan this week” (Tạm dịch: Hàn Quốc tổ chức cuộc đàm phán IPEF lần thứ tư tại Busan trong tuần này), The Korea Times, ngày 9-7-2023, https://www.koreatimes.co.kr/www/tech/2023/07/129_354564.html
(8) “NATO leaders meet with key partners to address global challenges, Indo-Pacific partners participate in a NATO Summit for the first time” (Tạm dịch: Lãnh đạo NATO gặp gỡ các đối tác chủ chốt giải quyết thách thức toàn cầu, đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO), NATO, ngày 29-6-2022, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_197287.htm
(9) “Remarks by NATO Secretary General Jens Stoltenberg at the CHEY Institute during his visit to the Republic of Korea” (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng Thư ký NATO Gien Xtôn-ten-bơ tại Viện CHEY trong chuyến thăm Hàn Quốc), NATO, ngày 30-1-2023, https://www.nato.int/cps/en/natohq/opinions_211296.htm
Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII đến nay  (25/07/2024)
Những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc  (10/03/2024)
Kinh nghiệm tự chủ chiến lược của một số quốc gia trên thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam  (27/02/2024)
Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Đức và nhìn lại quan hệ Việt Nam - Đức thời gian qua  (23/01/2024)
Kinh tế Mỹ và một số điều chỉnh chính sách  (01/12/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển