Hoạch định đường lối đối ngoại của Nhật Bản hiện nay
TCCS - Chính sách đối ngoại của Nhật Bản có tác động quan trọng đến cục diện thế giới, khu vực và các nước khác, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc tìm hiểu quy trình, nội dung, đường lối, phương hướng và những thành tố tác động đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản có giá trị tham khảo quý đối với Việt Nam.
Các nhân tố chính tác động đến quá trình xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Thứ nhất, đường hướng đối ngoại của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Đây là chính đảng lớn nhất trên chính trường Nhật Bản, cầm quyền gần như liên tục kể từ khi Đảng LDP thành lập năm 1955 đến nay. Do thành viên Đảng LDP thường chiếm đa số tại Quốc hội nên Chủ tịch LDP cũng luôn được bầu là Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản. Thủ tướng phải hoạch định và thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước theo những văn bản thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh chính trị; có trọng trách duy trì vị thế, quyền lãnh đạo của Đảng, nâng cao uy tín, vai trò của Đảng cũng như lòng tin của người dân đối với sự điều hành của Chính phủ. Về đối ngoại, đường hướng chủ đạo của Đảng LDP trong những thập niên qua là “ngoại giao hòa bình tích cực”, đấu tranh thực hiện giải trừ quân bị, bao gồm cả giải trừ vũ khí hạt nhân; định hướng cơ bản là hợp tác chặt chẽ với các nước dân chủ tự do, ưu tiên chú trọng mối quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ; mục tiêu mang tính toàn cầu là Nhật Bản tích cực đóng góp lớn hơn cho cộng đồng quốc tế, cùng hành động để giữ gìn hòa bình và tiến bộ xã hội, giành vị thế xứng đáng hơn trên trường quốc tế. Chính vì vậy, đường hướng đối ngoại này đóng vai trò chi phối quá trình hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Tuy nhiên, do nội bộ Đảng LDP còn tồn tại những quan điểm, đường hướng đối nội và đối ngoại khác nhau, nên vẫn chưa có sự thống nhất cao. Trên thực tế, trong quá trình điều hành chính phủ, Thủ tướng Nhật Bản luôn phải tìm cách dung hòa các quan điểm khác nhau, nỗ lực khắc phục sự chia rẽ trong Đảng.
Thứ hai, di sản đối ngoại của các thủ tướng tiền nhiệm. Đây luôn là nhân tố tác động tới chính sách đối ngoại của Thủ tướng đương nhiệm dù ở những mức độ khác nhau. Đối với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, di sản đối ngoại của hai cựu Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Yoshihide Suga được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Cựu Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã đạt được nhiều thành công trong điều hành chính phủ. Về đối ngoại, với chính sách ngoại giao toàn cầu mang tên “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, chính quyền Thủ tướng S. Abe đã luôn khéo léo xử lý những vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong quan hệ của Nhật Bản với các nước lớn, như Mỹ và Trung Quốc; cải thiện, nâng cấp hoặc mở rộng các mối quan hệ quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Dưới thời kỳ Thủ tướng S. Abe, Nhật Bản đã tích cực thương thảo và gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đáng chú ý, cơ cấu Đối thoại an ninh bốn bên (còn được gọi là “Bộ Tứ kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) được ra đời từ đề xuất của Thủ tướng Nhật BảnS. Abe vào năm 2007.
Đối với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cho dù thời gian cầm quyền chỉ trong một năm, song chính quyền của Thủ tướng Y. Suga cũng có những bước tiến đáng kể trên lĩnh vực đối ngoại. Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động đối ngoại của chính quyền mới, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Y. Suga cũng đã có nhiều chuyến công du nước ngoài nhằm củng cố, nâng cấp các mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng, như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước thành viên của ASEAN. Dưới thời kỳ Thủ tướng Y. Suga, Nhật Bản đã quyết định tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ ba, bối cảnh khu vực và thế giới đang đặt ra những thách thức lớn đối với hòa bình, an ninh cũng như vị thế quốc tế của Nhật Bản. Thủ tướng F. Kishida lên cầm quyền trong bối cảnh Nhật Bản cũng như khu vực và thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Về đối nội, đó là sự trì trệ của kinh tế do những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, sự chia rẽ trong một xã hội với dân số đã và đang già hóa,... Về đối ngoại, Nhật Bản đang đứng trước những thách thức lớn trong quan hệ quốc tế cũng như từ môi trường an ninh khu vực và thế giới, luôn tiềm ẩn những nguy cơ leo thang căng thẳng. Bên cạnh đó, mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc từ quá khứ đến hiện tại luôn tồn tại những nguy cơ xung đột; vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc), tình hình bán đảo Triều Tiên cũng làm gia tăng những lo ngại về an ninh trong cộng đồng quốc tế. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ - Trung Quốc, giữa Nga - Mỹ và các nước phương Tây ngày càng gay gắt. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, làm nảy sinh nhiều vấn đề toàn cầu nan giải trên tất cả các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội.
Quy trình xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Đường hướng chính sách đối ngoại của Nhật Bản hiện nay về cơ bản tuân thủ quan điểm, đường hướng đối ngoại của Đảng LDP. Đây là sự kế thừa chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm vốn đã được định hình trong Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản qua các thời kỳ, nhưng có những điều chỉnh nhất định theo hướng tích cực hơn trong việc xúc tiến các mục tiêu đối ngoại toàn cầu. Trong đó chú trọng: 1- Quan hệ đồng minh chiến lược Nhật Bản - Mỹ tiếp tục được coi là mục tiêu lớn trong chính sách an ninh - đối ngoại của Nhật Bản; 2- Đề cao vai trò của QUAD trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như gia tăng quan hệ hợp tác, liên kết với các nước thành viên QUAD; 3- Tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc trong khi vẫn chú trọng đối phó, hóa giải các thách thức từ quốc gia này; 4- Tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với ASEAN nói chung, các nước thành viên của ASEAN nói riêng; 5- Đề cao các giá trị của tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, trên cơ sở đó gia tăng việc sử dụng các phương thức hợp lý nhằm thực hiện mục tiêu đối ngoại mang tính toàn cầu.
Chính sách đối ngoại của Thủ tướng K. Fumio cũng đi theo đường lối chung, ưu tiên chú trọng các chính sách đối nội. Thủ tướng K. Fumio đã hứa hẹn đưa ra một “hình thức chủ nghĩa tư bản mới của Nhật Bản” để thúc đẩy tăng trưởng và phân phối lại nền kinh tế theo hướng công bằng hơn. Ngày 8-10-2021, ông K. Fumio đã có bài phát biểu về chính sách lớn đầu tiên của mình với tư cách là thủ tướng, trong đó nhấn mạnh đến đại dịch COVID-19 và tác động đến nền kinh tế Nhật Bản trước khi đưa ra chính sách đối ngoại. Trong mỗi lĩnh vực, các tuyên bố chính sách và hành vi tiếp cận của ông nhìn chung đều phù hợp với cách tiếp cận thời Abe - Suga, tuy nhiên vẫn có một số yếu tố thay đổi đáng chú ý.
Một là, Thủ tướng Nhật Bản K. Fumio bày tỏ “quyết tâm bảo vệ đầy đủ các giá trị phổ quát về tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền” và “thúc đẩy mạnh mẽ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; tận dụng những lợi ích mang lại từ hợp tác QUAD và hợp tác với “đồng minh và các quốc gia có cùng chí hướng, trong đó đáng chú ý là Mỹ, Australia, Ấn Độ cùng các nước ASEAN và châu Âu”.
Hai là, Thủ tướng K. Fumio nhấn mạnh cần bảo vệ Nhật Bản trong một môi trường an ninh “ngày càng nghiêm trọng” và “mạnh dạn tham gia vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản”; nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý các “điểm nóng” trong liên minh Mỹ - Nhật Bản.
Ba là, Thủ tướng Nhật Bản K. Fumio chú trọng giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và các hoạt động thương mại. Có thể nói, trọng tâm này cho thấy, các yếu tố trong khuynh hướng tự do của Nhật Bản vẫn tồn tại, mặc dù chính quyền của Thủ tướng K. Fumio bị chỉ trích vì không đưa ra cam kết loại bỏ dần năng lượng than trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) ở Glasgow (Anh). Trong ngắn hạn, sự tập trung của Chính phủ Nhật Bản chủ yếu vào phục hồi kinh tế trong nước.
Những nhân tố tác động đến đường lối, chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Khi tình hình thế giới luôn đối mặt với những thay đổi và thách thức mang tính thời đại, Nhật Bản cũng phải thúc đẩy ngoại giao để thực hiện các mục tiêu của mình và tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia, khu vực khác. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản kiên định theo đuổi con đường của một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Bên cạnh việc gia tăng các hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển cho các nước đang phát triển dựa trên nguyên tắc an ninh con người, Nhật Bản cũng hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Nhật Bản đã đóng góp vào các nỗ lực giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân và xây dựng hòa bình quốc tế. "Niềm tin" mà Nhật Bản có được từ thế giới thông qua những nỗ lực này đã trở thành nền tảng cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản ngày nay.
Trong chính sách cơ bản của mình, Nhật Bản luôn kiên định bảo vệ các giá trị phổ quát, như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền; đồng thời, kiên quyết bảo vệ các SDGs, trong đó có đối mặt với các vấn đề toàn cầu, như giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, đóng góp cho nhân loại và cộng đồng quốc tế. Với mục tiêu này, Nhật Bản mong muốn sẽ mở ra những hướng đi mới cho chính sách ngoại giao của mình với thái độ khiêm tốn và phản ứng linh hoạt trước tình hình quốc tế ngày càng gay gắt và phức tạp.
Thứ nhất, liên minh Nhật Bản - Mỹ.
Đây là trụ cột của chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh mới hiện nay, liên minh Nhật Bản - Mỹ lại càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết khi môi trường an ninh khu vực ngày càng trở nên khắc nghiệt và không chắc chắn. Liên minh Nhật Bản - Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh của Nhật Bản, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), đồng thời ứng phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Vì vậy, Nhật Bản và Mỹ sẽ luôn phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực dựa trên cơ sở mối quan hệ tin cậy, mạnh mẽ này.
Trong bối cảnh mới hiện nay, Nhật Bản cần phải duy trì khả năng răn đe của lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản để ứng phó với những thách thức đến từ môi trường an ninh nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng phòng thủ và xem xét việc sửa đổi Chiến lược An ninh quốc gia, Hướng dẫn Chương trình phòng thủ quốc gia và Chương trình phòng thủ trung hạn.
Thứ hai, Chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều quan trọng là phải hiện thực hóa một trật tự khu vực tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền, đồng thời bảo đảm hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Nhật Bản đã và đang thúc đẩy các sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” dựa trên pháp quyền, chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm với Nhật Bản. Khái niệm này đã được Nhật Bản chia sẻ với Mỹ, Australia, Ấn Độ, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến lược này sẽ ngày càng tăng lên, vì vậy, Nhật Bản sẽ nắm bắt cơ hội đến từcác cuộc đối thoại đa phương, song phương khác nhau nhằm nỗ lực hiện thực hóa và thúc đẩy hơn nữa chiến lược này.
Thứ ba, quan hệ với các nước láng giềng.
Để bảo đảm hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản, điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng: 1- Đối với Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng còn tồn tại nhiều vấn đề đang chờ xử lý, trong đó có tranh chấp ở biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Tuy nhiên, có thể nói, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với hai nước, mà còn tác động tới hòa bình và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. Điều quan trọng đối với cả hai bên là cần xây dựng “mối quan hệ mang tính ổn định giữa Nhật Bản và Trung Quốc” bằng cách khẳng định thông qua những hành động có trách nhiệm và hợp tác trong các vấn đề chung; 2- Đối với Hàn Quốc - quốc gia láng giềng quan trọng. Sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là điều cần thiết cho sự ổn định khu vực. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vẫn đang tồn tại một số thách thức. Tuy nhiên, với lập trường nhất quán, Nhật Bản sẽ triển khai thực hiện các biện pháp thích hợp để đưa mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trở nên ngày một tốt đẹp hơn; 3- Đối với Nga, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng 2-2022 cũng tác động tới quan hệ giữa Nhật Bản và Nga. Nhật Bản thể hiện quan điểm yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine; 4- Về Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Nhật Bản đặt mục tiêu giải quyết toàn diện các vấn đề quan ngại còn tồn đọng giữa hai nước, như vấn đề hạt nhân và tên lửa, giải quyết những vấn đề trong quá khứ và bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Thứ tư, quan hệ với các đối tác trong khu vực.
Để hiện thức hóa về một khu vực ổn định và thịnh vượng, Nhật Bản cần tập trung tăng cường quan hệ với ASEAN, đây chính là chìa khóa để hiện thực hóa FOIP và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Với các nước Tây Nam Á, năm 2022 là năm giao lưu Nhật Bản - Tây Nam Á. Trong giai đoạn này, Nhật Bản tăng cường trao đổi hơn nữa với các quốc gia Tây Nam Á thông qua các chuyến thăm của các lãnh đạo hai bên và các sự kiện khác nhau liên quan đến khu vực công và tư nhân.
Với các quốc gia khu vực Trung Đông, trong những năm gần đây, các quốc gia ở Trung Đông đã trải qua những thay đổi lớn, sự ổn định khu vực này ngày càng trở nên quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, khoảng 90% lượng dầu thô Nhật Bản nhập khẩu là đến từ các quốc gia Trung Đông, vì vậy, điều quan trọng là cần bảo đảm sự ổn định của khu vực Trung Đông - vốn là nguồn cung cấp năng lượng chính của thế giới. Tận dụng lợi thế của liên minh mạnh mẽ với Mỹ và quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Trung Đông, Nhật Bản tiếp tục đóng góp thông qua nhiều nỗ lực ngoại giao để giảm bớt căng thẳng và ổn định tình hình ở Trung Đông. Về tình hình ở Afghanistan, chính sách ngoại giao của Nhật Bản tiếp tục nỗ lực hướng tới ổn định Afghanistan và các nước láng giềng thông qua hỗ trợ nhân đạo và hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan.
Về khu vực châu Phi, mặc dù châu Phi có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhật Bản đã đóng góp cho sự phát triển của châu Phi thông qua Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD). Tháng 8-2022, tại Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ 8 (TICAD-8), Nhật Bản cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho những chiến lược phát triển mà châu Phi dẫn đầu, đồng thời hỗ trợ chỉ ra lộ trình phát triển của châu Phi trong thời gian tới.
Đối với các nước Mỹ La-tinh, Nhật Bản chia sẻ các giá trị phổ quát và luôn coi trọng sự hiện diện của các đối tác này trên trường quốc tế. Nhật Bản cam kết sẽ hợp tác để duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở.
Thứ năm, hướng tới trật tự kinh tế tự do và công bằng.
Khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục gây ra sự đình trệ và bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu còn phải đối mặt với sự lan rộng hơn nữa của chủ nghĩa bảo hộ; nhu cầu bảo đảm lợi ích chiến lược quốc gia của Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức trong các lĩnh vực của nền kinh tế và an ninh. Trong hoàn cảnh này, Nhật Bản với tư cách là quốc gia tuân thủ tiêu chuẩn thương mại tự do, sẽ tiếp tục dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm mở rộng trật tự kinh tế tự do và công bằng; đồng thời, Chính phủ Nhật Bản chú trọng hợp tác với các đối tác để giải quyết những vấn đề an ninh, kinh tế theo hướng bổ sung cho nhau. Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Nhật Bản tích cực đóng góp vào việc tăng cường hợp tác với các đồng minh và các nước có cùng quan điểm, đồng thời xây dựng các chuẩn mực để đối phó với những thách thức mới.
Nhật Bản tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương nhằm đối phó với các phong trào bảo hộ toàn cầu; tiếp tục duy trì tiêu chuẩn cao đối với CPTPP, bảo đảm thực hiện đầy đủ RCEP. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn là nền tảng của hệ thống thương mại đa phương, tăng cường nỗ lực tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, việc hiện thực hóa Kế hoạch “Lưu thông dữ liệu tự do với sự tin cậy (DFFT)” của Nhật Bản ngày càng trở nên quan trọng bởi sự di chuyển tự do của dữ liệu xuyên biên giới là nền tảng cho thương mại kỹ thuật số và sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quy tắc quốc tế, bao gồm các cuộc đàm phán thương mại điện tử của WTO, hợp tác với các nước liên quan và OECD. Ngoài ra, Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy các biện pháp nhằm đối phó hiệu quả với tội phạm mạng và tăng cường pháp quyền trong không gian mạng.
Thứ sáu, ứng phó với các vấn đề toàn cầu.
Các vấn đề toàn cầu như y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, giải trừ quân bị, vũ khí hạt nhân, nhân quyền, bảo tồn đa dạng sinh học, tị nạn, di cư, khủng bố, bình đẳng giới,... đều phải được giải quyết bởi sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền, coi đó như những giá trị phổ quát với mong muốn xây dựng một xã hội mà trong đó, các cá nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Nhật Bản tiếp tục đóng góp dựa trên khái niệm an ninh con người; tăng cường nỗ lực để đạt được các SDGs và hiện thực hóa chiến lược FOIP.
Thứ bảy, tăng cường sức mạnh ngoại giao toàn diện.
Để phát triển ngoại giao có tính toàn diện, cần thúc đẩy trên mọi mặt, bao gồm cả hệ thống nhân sự, nền tảng tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số (DX). Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh COVID-19, Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản ở nước ngoài. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các chiến lược truyền thông để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ các chính sách, sáng kiến của Nhật Bản, góp phần gia tăng vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Có thể thấy, đường lối đối ngoại của Nhật Bản chịu rất nhiều tác động từ cả trong nước lẫn quốc tế, thể hiện tương đối rõ nét mối quan hệ với các đồng minh và đối tác, cũng như thể hiện trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề chung, vượt ngoài năng lực giải quyết của một quốc gia đơn lẻ.
Qua đường lối đối ngoại của Nhật Bản, có thể gợi mở một số vấn đề sau: Về tư duy đối ngoại, cần luôn có tư duy động, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong phương thức triển khai đường lối đối ngoại để phù hợp với sự thay đổi của tình hình quốc tế. Trong đó, nhấn mạnh sự tham gia và đóng góp nhiều hơn cho các công việc chung của thế giới, bởi điều này vừa thể hiện trách nhiệm, vai trò của Việt Nam, vừa góp phần gia tăng uy tín ngày càng cao của đất nước. Về định vị đất nước, cần xác định đúng tiềm lực quốc gia, thế mạnh của đất nước, xác định rõ “ta là ai” trong thế giới đương đại và trong tương quan quan hệ với các đối tác; qua đó, có thể nắm thế chủ động chiến lược trong cục diện đối ngoại. Về nguyên tắc, phương châm đối ngoại, linh hoạt trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế và đường lối đối ngoại trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích và an ninh của đất nước. Triển khai chính sách đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ những đối tác, hướng đi và khu vực ưu tiên; ứng xử hài hòa, duy trì quan hệ tốt với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn. Về nghiên cứu tình hình quốc tế, cần nhận thức, đánh giá đúng, kịp thời về những biến đổi của tình hình thế giới và quan hệ quốc tế để đưa ra đối sách phù hợp, đúng đắn trong xử lý các mối quan hệ quốc tế, trong đó cần đánh giá đúng cục diện và xu thế phát triển của thế giới, nhất là sự chuyển động quan hệ giữa các nước lớn trong bối cảnh mới hiện nay./.
--------------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài KX04.36
Diễn đàn Tương lai ASEAN với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm"  (24/04/2024)
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Nhật Bản  (03/04/2024)
Mối quan hệ chính đảng tạo dựng nền tảng chính trị cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản  (15/03/2024)
Nhận thức về cục diện quốc tế  (30/12/2023)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay