Nguy cơ “bẫy địa - chính trị” ở khu vực Đông Nam Á và hàm ý đối với Việt Nam
TCCS - Cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt, tác động lớn đến cục diện chính trị toàn cầu, dẫn tới nguy cơ cao các nước rơi vào “bẫy địa - chính trị”, trong đó Đông Nam Á được xem là một trong những địa bàn quan trọng. Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã sớm nhận thấy và bước đầu tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ các nước trong khu vực rơi vào “bẫy địa - chính trị”.
“Địa - chính trị’ và “bẫy địa - chính trị”
Khái niệm “địa - chính trị” phản ánh sự phân tích các ảnh hưởng địa lý đối với các mối quan hệ quyền lực trong quan hệ quốc tế. Những triết lý về tác động chính trị của địa lý đã xuất hiện trong tư tưởng chính trị phương Tây sớm nhất từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại.
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các cuộc tranh luận phần lớn tập trung vào tác động đối với chính trị thế giới của các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong đó, nổi lên như An-phrét Thay-ơ Ma-han (Alfred Thayer Mahan, Mỹ) với “thuyết sức mạnh biển”, Hâu-pho Mác-kin-đơ (Halford Mackinder, Anh) với “thuyết sức mạnh trên đất liền”... Năm 1897, nhà địa lý người Đức Phri-đơ-rích Rát-deo (Friedrich Ratzel) cho rằng địa - chính trị bắt nguồn từ địa lý chính trị với “thuyết tổ chức nhà nước” của ông và lý thuyết “không gian sinh tồn” được đưa ra sau đó. Đến năm 1899, Ru-đôn-phơ Ca-dơ-lân (Rudolf Kjellén) đã mô tả địa - chính trị là “lý thuyết về quốc gia như một thực thể hoặc hiện tượng địa lý trong không gian”(1). Ở Đức, A. Hít-le trong thời kỳ Đế chế thứ ba đã sử dụng lý thuyết về “không gian sinh tồn” làm cơ sở để phát động Chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với C. Hau-sô-phơ, cha đẻ của địa - chính trị Đức, “địa - chính trị là khoa học quốc gia mới về quốc gia,... một học thuyết về tính quyết định không gian của tất cả quá trình chính trị, dựa trên nền tảng rộng lớn của địa lý, đặc biệt là địa lý chính trị”(2). Gioóc-phrây Pác-cơ (Geoffrey Parker) cho rằng, địa - chính trị là “nghiên cứu về quan hệ quốc tế từ góc độ không gian hoặc địa lý”(3), trong khi Giôn A-gơ-niu (John Agnew) định nghĩa lĩnh vực này là “kiểm tra các giả định, chỉ định và hiểu biết về địa lý tham gia quá trình hình thành chính trị thế giới”(4). Bên cạnh đó, phân tích lịch sử của T. Ma-han(5) về sự trỗi dậy của đế quốc Anh là điểm khởi đầu cho cuộc tranh luận địa - chính trị. Ông lập luận rằng, việc kiểm soát các tuyến đường biển có ý nghĩa quyết định bởi xu hướng thương mại hàng hải và tài sản thuộc địa được kiểm soát bởi một quốc gia hàng hải có vị trí tốt. Với sự ra đời của đường sắt, H. Mác-kin-đơ(6) cho rằng sức mạnh trên đất liền sẽ lấn át sức mạnh trên biển. Thông qua lý thuyết “vùng trung tâm” của mình, vốn tập trung vào các khu vực nội địa rộng lớn của Á - Âu có thể tiếp cận bằng đường sắt, H. Mác-kin-đơ lập luận bất kỳ quốc gia nào có thể kiểm soát vùng trung tâm sẽ kiểm soát chính trị thế giới và do đó gây ra mối đe dọa cho một đế chế trên toàn thế giới. Ngược lại, theo N. Xpai-cơ-men(7), khu vực “ngoại vi” (rimland) của Á - Âu, trải dài theo hình lưỡi liềm từ châu Âu đến Đông Á, có xu hướng thống nhất trong tay một quốc gia và quốc gia kiểm soát nó sẽ có khả năng thống trị thế giới. Sự phổ biến của lý thuyết địa - chính trị đã giảm sau Chiến tranh thế giới thứ hai do sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã làm giảm tầm quan trọng của các yếu tố địa lý trong cán cân quyền lực chiến lược toàn cầu. Tuy nhiên, địa - chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị quốc tế, làm cơ sở cho chiến lược ngăn chặn (chủ yếu là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản) của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, được phát triển bởi Gioóc-giơ Ken-nân (George Kennan)(8) như một chiến lược địa - chính trị nhằm hạn chế sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Các nhà địa lý chính trị cũng bắt đầu mở rộng khái niệm địa - chính trị, bao gồm các yếu tố kinh tế cũng như quân sự. Trong thời kỳ đương đại, địa - chính trị thường tập trung vào các quan niệm cụ thể về quyền lực góp phần vào sự ổn định của quốc gia và hệ thống quốc tế(9). Địa - chính trị hiện đại đã phát triển qua năm giai đoạn: cuộc chạy đua giành quyền bá chủ của đế quốc, địa - chính trị Đức, địa - chính trị Mỹ, Chiến tranh lạnh - lấy quốc gia làm trung tâm so với địa lý phổ quát và thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Cho đến nay, quan niệm về địa - chính trị còn nhiều tranh cãi và có nhiều trường phái khác nhau. Theo Giáo sư kinh tế Giép-phrây Đa-vít Sác (Jeffrey D. Sachs) của Đại học Cô-lôm-bi-a (Mỹ)(10), hiện nay có ít nhất năm lý thuyết chính về địa - chính trị. Ba lý thuyết đầu tiên là các biến thể của Lý thuyết ổn định bá quyền. Lý thuyết thứ tư là trường phái của chủ nghĩa hiện thực quốc tế. Lý thuyết thứ năm về chủ nghĩa đa phương dựa trên tầm quan trọng ưu việt của hợp tác toàn cầu để giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách. Do đó, nghiên cứu về lý thuyết địa - chính trị được xem là “mê cung” đối với giới học thuật. Tuy nhiên, có hai cách hiểu cơ bản về khái niệm “địa - chính trị”: 1- Địa - chính trị cổ điển, trường phái này tập trung vào mối quan hệ qua lại giữa lợi ích lãnh thổ và quyền lực của nhà nước và môi trường địa lý. Các học giả và chính trị gia thường cho rằng địa lý là cố định và mang tính quyết định, định hình mạnh mẽ các lựa chọn chính trị của các nhà lãnh đạo; 2- Địa - chính trị phê phán, có xu hướng tập trung nhiều hơn vào vai trò của diễn ngôn và ý thức hệ. Vì vậy, thay vì khái niệm hóa địa lý là bất định, địa lý được coi là linh hoạt hơn và có thể được giải thích. Nếu địa - chính trị cổ điển tập trung vào lãnh thổ, tài nguyên và vị trí, thì các cách tiếp cận phê phán lại tập trung vào cách thức tương tác giữa con người và vật chất tạo ra “địa - chính trị”.
Mặc dù chưa có sự thống nhất khái niệm về địa - chính trị, song có thể khái quát: địa - chính trị là cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát các “thực thể địa lý” với quy mô toàn cầu, và việc sử dụng các thực thể địa lý đó vì lợi ích chính trị. Có thể thấy, địa - chính trị là cách thức mà quyền lực chính trị được liên kết với không gian địa lý. Nhưng ngày nay, địa - chính trị thường được sử dụng rộng rãi để chỉ chính trị quốc tế và thậm chí là các khía cạnh của chính trị trong nước, đặc biệt khi chính sách tác động đến quan hệ giữa các quốc gia.
Khái niệm “bẫy địa - chính trị” là thuật ngữ phát triển từ khái niệm địa - chính trị và thiên về yếu tố nguy cơ của địa - chính trị, do các quốc gia tạo ra có chủ đích (chủ yếu là các nước lớn) trong các vấn đề chính trị quốc tế. Cho đến nay, trong giới học thuật chưa có định nghĩa cụ thể nào về “bẫy địa - chính trị”. Tuy nhiên, có thể hiểu “bẫy địa - chính trị” là khi một quốc gia rơi vào “nguy cơ” hay “rủi ro” địa - chính trị dẫn đến phải trả giá cho nguy cơ đó, thậm chí quốc gia đó có thể rơi vào xung đột và cao nhất là chiến tranh. Một số trường hợp bẫy địa - chính trị hiện nay trên thế giới có thể kể đến, như cuộc xung đột Nga - U-crai-na, khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, căng thẳng chính trị hai bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc)(11).
Gần với khái niệm “bẫy địa - chính trị” là khái niệm về nguy cơ hay rủi ro địa - chính trị. Rủi ro địa - chính trị được hiểu là những nguy cơ tiềm ẩn về chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội có thể xuất hiện khi một quốc gia tham gia vào các hoạt động, hợp tác quốc tế. Thông thường, chúng xuất hiện bất cứ khi nào có sự thay đổi lớn về quyền lực, xung đột hoặc khủng hoảng. Những rủi ro này có thể có tác động mạnh mẽ đến chính quốc gia đó và thế giới. Có nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra rủi ro địa - chính trị, chẳng hạn như sự bất ổn về kinh tế, quan hệ chính trị đối ngoại hay sức mạnh quân sự của quốc gia đó. Trong những năm gần đây, tiến trình toàn cầu hóa góp phần làm trầm trọng thêm những rủi ro này thông qua gia tăng tính liên kết của các nền kinh tế - xã hội trên thế giới. Hậu quả tiềm ẩn của rủi ro địa - chính trị có thể là tích cực hoặc tiêu cực, một mặt, rủi ro có khả năng gây ra sự bất ổn về kinh tế và chính trị, từ đó có thể dẫn đến bạo lực và xung đột; mặt khác, có thể thúc đẩy đổi mới và sáng tạo khi các quốc gia nỗ lực giảm thiểu rủi ro. Rủi ro địa - chính trị thường khó dự đoán theo cách này vì nó phụ thuộc vào cách thức mà các quốc gia phản ứng.
Nguy cơ “bẫy địa - chính trị” ở Đông Nam Á và hàm ý đối với Việt Nam
Nhìn tổng thể, nguy cơ về rủi ro địa - chính trị ngày càng hiện hữu ở khu vực Đông Nam Á khi cạnh tranh địa - chính trị ngày càng gia tăng giữa các nước lớn. Đông Nam Á nói chung là một trong những khu vực nhạy cảm về địa - chính trị, là “vùng trũng” an ninh của thế giới, do đó các nước trong khu vực phải đối diện với các nguy cơ an ninh và mâu thuẫn chính trị - an ninh ngày càng lớn. Việc các nước lớn gia tăng tranh giành ảnh hưởng địa - chính trị sẽ tạo sức ép đối với các quốc gia trong khu vực và nguy cơ các nước trở thành đối tượng của “chiến tranh ủy nhiệm” là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi một quốc gia trở thành công cụ địa - chính trị trong chiến lược cạnh tranh của các nước lớn thì rõ ràng quốc gia đó sẽ rơi vào “bẫy địa - chính trị”, nhất là khi các nước lớn sử dụng chiến lược kiềm chế, ngăn chặn, hoặc gia tăng sức ép buộc các nước nhỏ trong khu vực phải liên kết với bên thứ ba nhằm chống lại sức ép đó. Chính vì vậy, việc tránh nguy cơ “bẫy địa - chính trị” là vấn đề quan trọng nhằm duy trì không gian sinh tồn và phát triển đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Từ kinh nghiệm lịch sử, các nước Đông Nam Á luôn phải đề phòng trước sự can dự hoặc cạnh tranh của các cường quốc bên ngoài. ASEAN phải lường trước những kịch bản xấu nhất, đó là buộc phải tham gia vào cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn hoặc sự thống trị của các nước lớn với cái giá phải trả là lợi ích của ASEAN(12). Khi ASEAN được thành lập vào năm 1967, khu vực này đã phải đối mặt với một loạt thách thức rất khác so với hiện nay bởi Đông Nam Á một lần nữa nổi lên như một địa bàn trọng điểm trong cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc. Khoảng cách địa lý gần gũi với Trung Quốc đã khiến Đông Nam Á trở thành mục tiêu tự nhiên cho những nỗ lực của nước này nhằm mở rộng lợi ích địa - chính trị của mình, bao gồm cả việc khẳng định các yêu sách lãnh thổ với việc gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông và bảo vệ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI)(13). Trong khi đó, Mỹ tiếp tục duy trì hệ thống đồng minh theo mô hình “trục và nan hoa” ở châu Á - Thái Bình Dương, mà hiện tại là “trục và nan hoa +” (mạng lưới đồng minh và đối tác).
Không chỉ vậy, ASEAN đang phải đối mặt với nguy cơ về sự thiếu đoàn kết nội bộ. Nếu không có sự cải tổ, các quốc gia thành viên của khối có thể trở thành tâm điểm trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Khi căng thẳng giữa các nước lớn gia tăng, ASEAN chịu sức ép từ cả hai bên, cũng như bị chi phối bởi các lợi ích, phải chọn bên và đánh mất vai trò trung tâm trong khu vực(14). Nếu mâu thuẫn địa - chính trị giữa các nước lớn vượt tầm kiểm soát thì có thể đẩy khu vực Đông Nam Á vào “bẫy địa - chính trị”. Kịch bản “Chiến tranh lạnh mới” giả định rằng, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi, cuộc xung đột kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ có thể tạo ra một thế giới bị phân cực tương tự như Chiến tranh lạnh. Một thế giới như vậy sẽ khiến nhiều quốc gia nằm giữa các phạm vi ảnh hưởng và có thể dẫn đến các xung đột ủy nhiệm hay còn gọi là chiến tranh ủy nhiệm(15).
Điều đáng lo ngại nhất của các quốc gia Đông Nam Á hiện nay đối với cục diện địa - chính trị khu vực theo như đánh giá của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ma-ha-thia Mô-ha-mét năm 2019, đó là về xung đột quân sự có thể phát sinh từ những nỗ lực của Mỹ nhằm triển khai sức mạnh hải quân ở Biển Đông nhằm đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc(16). Theo học giả Pi-tơ T.C. Chang, Đông Nam Á coi Trung Quốc là một thách thức, nhưng không phải là mối đe dọa hiện hữu như Mỹ nhìn nhận về Trung Quốc. Những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc có nguy cơ lôi kéo thế giới vào chiến tranh(17). Theo đó, việc gây áp lực buộc các nước Đông Nam Á lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo nguy cơ làm suy giảm vai trò của Mỹ tại khu vực, bởi phần lớn các quốc gia Đông Nam Á coi cạnh tranh nước lớn là nhân tố gây bất ổn đối với cục diện chính trị khu vực. Các nhà lãnh đạo trong khu vực dường như đều không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Năm 2019, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long đã cảnh báo cả Trung Quốc và Mỹ không nên cố chia rẽ Đông Nam Á hoặc gây áp lực cho các nhà lãnh đạo của khu vực này. Ông nhấn mạnh, các sáng kiến hợp tác khu vực có thể củng cố các thỏa thuận hợp tác hiện có lấy ASEAN làm trung tâm. Những sáng kiến này không được “tạo ra các khối đối thủ, khoét sâu thêm các đường đứt gãy hoặc buộc các nước phải đứng về bên nào”(18). Tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ (tháng 5-2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, “trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”(19). Ngày 14-7-2023, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô nhấn mạnh rằng, ASEAN sẽ không trở thành “đấu trường cạnh tranh” hay lực lượng ủy nhiệm cho bất kỳ quốc gia nào, đồng thời kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế một cách nhất quán(20).
Vậy, ASEAN và các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, làm thế nào để tránh nguy cơ rơi vào “bẫy địa - chính trị”? Mục tiêu của các quốc gia ASEAN cần duy trì đó là thúc đẩy một khu vực vì sự hợp tác chứ không phải là khu vực của cạnh tranh giữa các nước lớn. ASEAN cần vận dụng kinh nghiệm trong việc ứng phó với các nước lớn, phải cùng nhau hành động để bảo đảm khu vực sẽ được hưởng lợi từ cả Mỹ và Trung Quốc. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ các nước trong khu vực đối diện với “bẫy địa - chính trị”.
Ngoài ra, ASEAN cần nỗ lực duy trì chính sách cân bằng hoặc chính sách phòng ngừa rủi ro, đồng thời thực hiện phương châm “không chọn bên” trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn. Do vậy, bên cạnh việc không ngừng củng cố vai trò trung tâm của mình, các nước ASEAN không chỉ tập trung vào Mỹ và Trung Quốc, mà còn cả các quốc gia tầm trung. Điều này được xem là yếu tố then chốt để ASEAN cũng như các quốc gia thành viên không bị cuốn vào vòng xoáy chiến lược của các nước lớn. Trung lập và không liên kết là con đường phía trước của khối(21).
Cạnh tranh địa - chính trị gay gắt giữa các nước lớn hiện nay làm gia tăng nguy cơ với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, rơi vào “bẫy địa chính trị”.
Thứ nhất, rủi ro địa - chính trị sẽ khó tránh khỏi nếu các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc “lựa chọn” Đông Nam Á trở thành nơi cọ xát địa - chính trị và các bên đều không ngừng tiến hành các hành động cứng rắn tại khu vực, trong đó có Biển Đông; đồng thời, các bên có thể có những tính toán sai lầm và rơi vào “bẫy Thucydides”(22). Điều đó sẽ khiến Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về mặt an ninh, nguy cơ làm suy giảm, thậm chí mất đi sự tự chủ về mặt chiến lược. Do đó, việc buộc phải “chọn bên” trong đối đầu giữa các nước lớn, hoặc là nơi ủy nhiệm cho một bên nào đó (như cách nói của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Gi. Uy-đô-đô) là điều đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực.
Thứ hai, cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn ở trạng thái nguy hiểm khi các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng các hành động cạnh tranh theo mô hình “trò chơi có tổng bằng không”, mà thiếu vắng yếu tố hợp tác tại khu vực. Điều này sẽ đặt các nước nhỏ trong khu vực rơi vào “hiểm cảnh” hay thế tiến thoái lưỡng nan. Do vậy, nỗ lực chống chính trị cường quyền và ý định của các nước lớn muốn sử dụng khu vực Đông Nam Á thành địa bàn cạnh tranh địa chiến lược, đồng thời gia tăng yếu tố đối thoại và hợp tác giữa các nước tại khu vực; chủ động và tích cực trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và nâng cao chính nghĩa, thúc đẩy thượng tôn luật pháp quốc tế chính là yếu tố then chốt để các nước trong khu vực bảo vệ quốc gia trước rủi ro ngày càng gia tăng của cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc hiện nay.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị phức tạp hiện nay, để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tránh rơi vào thế kẹt trong quan hệ giữa các nước lớn, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”; coi ASEAN là một trong những yếu tố có tính “nền tảng” trong chính sách đối ngoại và tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN - phương cách bảo đảm tương lai phát triển của khối, cũng như củng cố vai trò, vị trí và tiếng nói của các quốc gia thành viên; đề cao chủ nghĩa đa phương, tiếp tục gia tăng hợp tác với các quốc gia tầm trung, như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a,...; đẩy mạnh “tự chủ chiến lược”, gia tăng “sức đề kháng” trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị ngày càng phức tạp, khó dự báo như hiện nay.
Tóm lại, hiện nay cạnh tranh địa - chính trị ngày càng phức tạp, khó dự báo, rủi ro địa - chính trị ngày càng gia tăng và “bẫy địa - chính trị” ngày một rõ nét, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, khiến ASEAN và các nước thành viên dễ lâm vào tình thế buộc phải chọn bên khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng và vượt tầm kiểm soát. Trước bối cảnh đó, việc kiên trì thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như chính sách trung lập trong quan hệ quốc tế có thể giúp các quốc gia trong khu vực tránh bị cuốn vào xung đột địa - chính trị quốc tế hiện nay./.
--------------------------------
(1) Rudolf Kjellén: “Staten som Lifsform” (Tạm dịch: Nhà nước như một hình thức của cuộc sống), Leipzig: Hirzel, 1917, tr. 34 - 35, 203, dẫn theo Hans Weigert: “Generals and Geographers” (Tạm dịch: Các vị tướng và các nhà địa lý), New York: Oxford University Press, 1942, tr. 106 - 109
(2) Richard Hennig: “Geopolitik: Die Lehre vom Staat als Lebewesen” (Tạm dịch: Địa - chính trị: Nghiên cứu về nhà nước như một thực thể sống), Leipzig: Hirzel, 1931, tr. 9, dẫn theo Andrew Gyorgy: “Geopolitics” (Tạm dịch: Địa chính trị), Berkeley: University of California Press, 1944, tr. 183
(3) Geoffrey Parker: “Geopolitics: Past, Present and Future” (Tạm dịch: Địa - chính trị: Quá khứ, hiện tại và tương lai), London: Pinter, 1998, tr. 5
(4) John Agnew: “Western Geopolitical Thought in the Twentieth Century” (Tạm dịch: Tư tưởng địa - chính trị phương Tây trong thế kỷ XX), New York: St. Martin’s, 1985, tr. 2
(5) Xem thêm: Mahan, Alfred Thayer: The Influence of Seapower on History (Tạm dich: Ảnh hưởng của sức mạnh biển đối với lịch sử), Gutenberg. Org, 1890; Mahan, A. T.: “Sea Power in its Relations to the War of 1812” (Tạm dịch: Quyền lực biển trong mối quan hệ với cuộc chiến tranh năm 1812), Vol. 1, Boston: Little, Brown, 1905
(6) Xem thêm: Dodds, K., & Sidaway, J. D. : “Halford Mackinder and the “Geographical Pivot of History”: A Centennial Retrospective” (Tạm dịch: Halford Mackinder và “Xoay trục địa lý của lịch sử”: Nhìn lại một trăm năm), The Geographical Journal, 170 (4), 2004, tr. 292 - 297
(7) Xem thêm: E. Kasperson, Julian V. Minghi (eds.): The Structure of Political Geography (Tạm dịch: Cấu trúc của địa - chính trị), Routledge, 2011
(8) Sempa, F. P.: George F. Kennan and the geopolitics of containment (Tạm dịch: George F. Kennan và địa - chính trị về sự kiềm chế), Competition Forum, Vol. 16, No. 1, 2018, tr. 179 - 183; Lambert, A.: “Post-Cold war NATO enlargement and the geopolitical instrumentalization of ‘Liberal Peace’: Lessons from George Kennan” (Tạm dịch: Sự mở rộng của NATO thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh và công cụ hóa địa - chính trị của “Hòa bình Tự do”: Bài học từ George Kennan), Geopolitics and International Relations, 2021, tr. 221 - 243
(9) Ramsha Tariq and Aiysha Safdar Ali: “Analysing the Credibility of Meta - Geopolitical Framework: Implications of Kindleberger on China (Post - BRI)” (Tạm dịch: Phân tích độ tin cậy của khuôn khổ siêu địa - chính trị: Hàm ý của Kindleberger đối với Trung Quốc (Hậu BRI)), Margalla Papers, Issue-II, 2022, tr. 72 - 86
(10) Jeffrey D. Sachs: “The New Geopolitics” (Tạm dịch: Địa - chính trị mới), Horizons, No. 22, 2023, tr. 10 - 21
(11) Mehmet Akif Uslu: “The three geopolitical traps set by the US” (Tạm dịch: Ba cái bẫy địa - chính trị do Mỹ giăng ra), ngày 30-9-2022, https://www.dailysabah.com/opinion/op-ed/the-three-geopolitical-traps-set-by-the-us
(12) Yasuyuki Ishida: “Japan - India Relations and ASEAN Centrality in the Indo - Pacific” (Tạm dịch: Tam giác Ấn Độ - Nhật Bản - ASEAN: Sự xuất hiện của một trục Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể xảy ra) , Tlđd, tr. 41
(13) Kelly Olsen: “The US - China rivalry could become dangerous, Asian leaders and experts warn” (Tạm dịch: Các nhà lãnh đạo và chuyên gia châu Á cảnh báo: Đối đầu Mỹ - Trung Quốc có thể trở nên nguy hiểm), CNBC, ngày 30-5-2019, https://www.cnbc.com/2019/05/31/us-china-rivalry-may-become-dangerous-asian-leaders-and-experts-warn.html
(14) Thitinan Pongsudhirak: “Geopolitical upheavals divide Southeast Asia” (Tạm dịch: Biến động địa - chính trị chia rẽ Đông Nam Á), ngày 12-10-2022, https://www.gisreportsonline.com/r/southeast-asia-divides-upheaval/
(15) Bohl, D., Hanna, T., Mapes, B. R., Moyer, J. D., Narayan, K., & Wasif, K.: “Understanding and forecasting geopolitical risk and benefits” (Tạm dịch: Hiểu và dự báo rủi ro địa - chính trị và lợi ích ), SSRN, 2017, tr. 66
(16) Kelly Olsen: “The US - China rivalry could become dangerous, Asian leaders and experts warn” (Tạm dịch: Các nhà lãnh đạo và chuyên gia châu Á cảnh báo: Đối đầu Mỹ - Trung Quốc có thể trở nên nguy hiểm), Tlđd
(17) Peter T. C. Chang: “Asean wants no part in US - China rivalry or an unjust war over Taiwan” (Tạm dịch: ASEAN không muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc hay một cuộc chiến tranh phi nghĩa đối với Đài Loan (Trung Quốc), SCMP, ngày 18-3-2023, https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3213646/asean-wants-no-part-us-china-rivalry-or-unjust-war-over-taiwan
(18) Gregg A. Brazinsky: “U.S. - China Rivalry: The Dangers of Compelling Countries to Take Sides” (Tạm dịch: Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc: Sự nguy hiểm của việc buộc các nước phải chọn bên), ngày 30-3-2023, https://www.usip.org/publications/2023/03/us-china-rivalry-dangers-compelling-countries-take-sides
(19) “Thủ tướng: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược”, Báo Điện tử Đài truyền hình Việt Nam, ngày 12-5-2022, https://vtv.vn/chinh-tri/thu-tuong-nhung-lua-chon-cua-viet-nam-trong-mot-the-gioi-day-bien-dong-canh-tranh-chien-luoc-20220512064541363.htm
(20) Hữu Chiến, Đào Trang: “AMM-56: ASEAN cam kết tiếp tục tăng cường đoàn kết và thống nhất”, Trang điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 14-7-2023, https://www.vietnamplus.vn/amm56-asean-cam-ket-tiep-tuc-tang-cuong-doan-ket-va-thong-nhat/874979.vnp
(21) “Neutrality and Non-alignment Are the Way Forward For ASEAN” (Tạm dịch: Trung lập và không liên kết là con đường phía trước cho ASEAN), The Diplomat, ngày 9-2-2023, https://thediplomat.com/2023/02/neutrality-and-non-alignment-are-the-way-forward-for-asean/
(22) “Bẫy Thucydides” được hiểu là cái kết của một cường quốc đang thống trị và một cường quốc đang trỗi dậy muốn thay đổi trung tâm quyền lực của nhau được giải quyết bằng một cuộc chiến tranh. Lý thuyết này xuất hiện từ thời kỳ chiến tranh giữa Nhà nước Sparta và Athens của Hy Lạp và hai cuộc chiến tranh thế giới, song không phải tất cả (ví dụ như giữa Mỹ thay thế Anh...). Xem thêm: Graham Allison: Định mệnh chiến tranh - Liệu Mỹ và Trung Quốc có tránh được bẫy Thucydides, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020
Một số tác động của cuộc xung đột Nga - U-crai-na tới cục diện thế giới  (27/09/2023)
Phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh mới  (23/08/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm