Hà Nội phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế
TCCS - Ngày 10-1-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP “Về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội”. Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ, ngày 10-3-2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND “Về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội”.
Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể bảo đảm cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách chăm lo, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề quan tâm của toàn xã hội.
Những năm gần đây, thị trường lao động nước ta có sự phát triển khá đều trên các phương diện, như hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện tạo ra hành lang pháp lý để phát triển thị trường lao động; quy mô và chất lượng cung - cầu lao động được gia tăng; chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện; từng bước chính thức hóa một phần khu vực lao động phi chính thức; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ; tiền lương của người lao động được cải thiện rõ rệt, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên…(1)
Nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND “Về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội”. Theo đó, Kế hoạch số 84/KH-UBND đưa ra mục tiêu tổng quát: “Thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước, các nước trong khu vực và thế giới”(2).
Về mục tiêu, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% - 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%; chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội tập trung phát triển lao động có kỹ năng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng chính sách hỗ trợ việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2023, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thành phố Hà Nội triển khai các giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả thị trường lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 21/KH-UBND, ngày 12-1-2023, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023” và các chương trình, đề án, kế hoạch khác trong lĩnh vực lao động, việc làm; xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã và trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp; chủ động chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển.
Năm 2022, thành phồ Hà Nội đã tạo việc làm cho 62.700 lao động từ việc xét duyệt, giải ngân cho hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Doanh số cho vay từ nguồn này ước đạt 3.000 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3,18% (giảm 0,79% so với năm 2021), bảo đảm mức dưới 4% theo kế hoạch đề ra. Thành phố Hà Nội hiện có mạng lưới 310 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác). Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành, nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,13% so với năm 2021.
Tính đến hết tháng 6-2023, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 113.418 lượt lao động, đạt trên 70% kế hoạch cả năm; giải quyết việc làm cho 8.805 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện chữ ký số trong giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 40,1 nghìn trường hợp với số tiền trợ cấp là 1.079 tỷ đồng; tư vấn tìm việc làm cho 41 nghìn trường hợp; hỗ trợ học nghề cho 574 trường hợp, số tiền hỗ trợ học nghề là 2,55 tỷ đồng…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phục hồi và phát triển nhanh kinh tế - xã hội, nhưng phát triển thị trường lao động vẫn chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, còn mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các ngành, nghề và chất lượng nhân lực chưa cao. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động, người lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp; nhiều lao động di cư trở về quê,… khiến cho quan hệ cung - cầu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế cũng như gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam...
Để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần triển khai các giải pháp sau:
Một là, phục hồi và ổn định thị trường lao động, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch; đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.
Hai là, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động; các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động; thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Ba là, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Bốn là, nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số cơ quan sở, ngành, địa phương, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để bảo đảm và phát triển thị trường lao động bền vững.
Năm là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động; bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động./.
--------------------------
(1) Xem: Tạp chí VnEconomy điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, ngày 24-1-2023, https://vneconomy.vn/phat-trien-thi-truong-lao-dong-linh-hoat-hien-dai-ben-vung-va-hoi-nhap.htm
(2) Xem: Kế hoạch số 84/KH-UBND “Về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Ke-hoach-84-KH-UBND-2023-phat-trien-thi-truong-lao-dong-linh-hoat-hien-dai-hieu-qua-Ha-Noi-559770.aspx
Phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh Nghệ An hiện nay  (15/08/2023)
Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức thành phố Hà Nội trong giai đoạn hội nhập quốc tế  (23/07/2023)
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Những dấu ấn và vấn đề đặt ra trong tình hình mới  (02/05/2023)
Phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, thương mại hiện nay: Thực tiễn vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung  (09/04/2023)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm