ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á
TCCS - Hiện nay, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn ra quyết liệt trên mọi lĩnh vực, mở rộng ra quy mô toàn cầu, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là địa bàn cạnh tranh chính, Đông Nam Á là tâm điểm. Với tư cách là tổ chức duy nhất bao trùm khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối mặt với tình thế khó khăn trước cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc. Trong bối cảnh đó, thách thức và kỳ vọng đặt ra đối với ASEAN đều gia tăng.
Tâm điểm của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc
Mục tiêu của Mỹ và Trung Quốc đối với ASEAN là khá rõ ràng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng căng thẳng. Mỹ muốn thông qua quan hệ với ASEAN để quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập phạm vi ảnh hưởng độc quyền trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc muốn đưa khu vực Đông Nam Á trở thành vùng đệm địa - chính trị, phụ thuộc chặt chẽ hơn vào Trung Quốc để ngăn chặn sự phong tỏa, can dự của Mỹ, đồng thời tạo đà vươn ra thế giới. Vì vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách thúc đẩy lợi ích chung đối với ASEAN, chủ động sử dụng các nguồn lực sẵn có để tác động đến chính sách và hành động của ASEAN theo hướng phù hợp với lợi ích riêng của mỗi nước. Điều này được thể hiện qua một số động thái cụ thể sau:
Thứ nhất, cạnh tranh thúc đẩy quan hệ với ASEAN để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện và đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhà nước cũng như cam kết dành các nguồn lực riêng cho ASEAN. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ M. Pôm-peo tiến hành chuyến thăm In-đô-nê-xi-a và Việt Nam vào tháng 10-2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng tiến hành thăm bốn nước Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây và Phi-líp-pin vào tháng 1-2021(1); mặc dù trước đó, từ tháng 8-2020 đến tháng 10-2020, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì đã lần lượt đến thăm 10 nước ASEAN(2). Tiếp đến, tháng 6-2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Oen-đi Sơ-man thăm Cam-pu-chia; tháng 8-2021, Phó Tổng thống Mỹ Ka-ma-la Ha-rít thăm Việt Nam và Xin-ga-po. Về phía Trung Quốc, tháng 9-2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm Cam-pu-chia, Việt Nam và Xin-ga-po. Tháng 11-2021, Trung Quốc cam kết viện trợ 1,5 tỷ USD cho các quốc gia thành viên ASEAN trong ba năm liên tiếp (2021 - 2023) để giúp các nước ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế, thì đến tháng 5-2022, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, Mỹ cam kết hỗ trợ 150 triệu USD giúp ASEAN nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lực an ninh và ứng phó với đại dịch COVID-19; đồng thời, bổ sung 850 triệu USD hỗ trợ ASEAN trong năm 2023.
Thứ hai, cạnh tranh tác động, lôi kéo ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thông qua mối quan hệ với toàn khối ASEAN và từng quốc gia thành viên ASEAN, Mỹ và Trung Quốc tích cực lôi kéo ASEAN ủng hộ lập trường của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thực tế cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy mạnh triển khai các chiến lược lớn, bao gồm Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (IPS) và Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI); đồng thời, tăng cường hoạt động của các cơ chế nhằm khẳng định vị trí dẫn dắt của mình, như Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Hội nghị hợp tác Mê Công - Lan Thương (LMC), Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Công (LMI) và mới đây là Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP), Nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD), Thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Ô-xtrây-li-a, Anh và Mỹ (AUKUS). Vai trò trung tâm của ASEAN tuy được các nước lớn tuyên bố công nhận và ủng hộ, nhưng thực chất ASEAN có nguy cơ trở thành diễn đàn để các nước lớn tranh thủ, lôi kéo phục vụ mục tiêu tập hợp lực lượng, từ đó làm suy giảm vai trò trung tâm của ASEAN. Điều này đặt ASEAN vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong quan hệ với hai cường quốc, đồng thời dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn sự bất đồng, chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên ASEAN, ảnh hưởng đến sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN. Các nhà phân tích cho rằng, nếu nội bộ của ASEAN thiếu thống nhất thì sẽ khiến Hiệp hội khó đạt được lập trường chung giữa các nước thành viên về các vấn đề an ninh khu vực liên quan đến nước lớn. Nói cách khác, vai trò của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt có khả năng bị suy giảm trước những cơ chế mới do các nước lớn chi phối. Cụ thể, BRI được cho là sẽ làm giảm vai trò của ASEAN trong đẩy mạnh kết nối khu vực từ thương mại, dịch vụ, đến kết cấu hạ tầng, song giúp Trung Quốc thiết lập một hệ thống, mô hình quan hệ kiểu mới. Trong khi đó, IPS với trọng tâm phát triển các mối quan hệ theo mô hình mạng lưới của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có thể làm suy giảm vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh đa phương khu vực...(3).
Thứ ba, cạnh tranh lôi kéo ASEAN vào các sáng kiến, cơ chế hợp tác có sự đối trọng nhau tại khu vực Đông Nam Á. Tháng 6-2016, Mỹ đưa ra Sáng kiến “An ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương” (MSI) để hỗ trợ nâng cao năng lực an ninh biển cho các đồng minh, đối tác, bảo đảm an toàn giao thông hàng hải, với trọng tâm là Biển Đông. MSI dành 425 triệu USD trong năm năm đầu để hỗ trợ bảy nước ASEAN, bao gồm In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Việt Nam, Bru-nây, Xin-ga-po, cùng với Đài Loan (Trung Quốc), Xri Lan-ca và Băng-la-đét, nâng cao năng lực biển bằng nhiều cách thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu của mỗi nước. Mỹ khẳng định Đông Nam Á/ASEAN là một tâm điểm trong IPS của Mỹ và thúc đẩy ASEAN ủng hộ chiến lược này. Tháng 5-2022, nhóm QUAD (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a) đưa ra Chương trình “Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (IPMDA) nhằm mục tiêu chuyển hóa khả năng của các đối tác ở các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương có thể giám sát toàn diện vùng nước và bờ biển của mình, qua đó hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo giới chuyên gia, đây được xem là sáng kiến để Mỹ giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại các vùng biển, đảo, trong đó có Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ nâng cấp Sáng kiến LMI thành “Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ” (MUSP) với cam kết hỗ trợ hơn 150 triệu USD cho các dự án hợp tác tại Tiểu vùng sông Mê Công; đề xuất Sáng kiến “Dữ liệu nguồn nước Mê Công” (MWDI) nhằm phối hợp với Ủy hội sông Mê Công (MRC) thu thập, chia sẻ thông tin, phục vụ quản lý nguồn nước; cùng Nhật Bản đưa ra Sáng kiến “Đối tác năng lượng khu vực Mê Công” (JUMPP) nhằm hỗ trợ các nước khu vực Mê Công bảo đảm an ninh năng lượng bền vững. Hiện nay, Mỹ đang thúc đẩy ASEAN tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về phía Trung Quốc, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc thể hiện tập trung ở Tầm nhìn “Cộng đồng chung vận mệnh” (CCD) cùng ba sáng kiến, bao gồm BRI, Sáng kiến “An ninh toàn cầu” (GSI) và Sáng kiến “Phát triển toàn cầu” (GDI). Với GSI, ngay sau khi được công bố, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã có bài phát biểu về sáng kiến này trước Ban Thư ký ASEAN tại Thủ đô Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), trong đó nhấn mạnh, Trung Quốc tiếp cận ASEAN với tư cách là một tổ chức và sẽ trao đổi với các quốc gia thành viên ASEAN để thực hiện hợp tác GSI trong những lĩnh vực ưu tiên. Trung Quốc cũng lồng ghép CCD trong triển khai BRI, LMC tại khu vực Đông Nam Á; tích cực vận động các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng CCD với Trung Quốc. Các sáng kiến hợp tác của Trung Quốc cũng được lồng ghép với chính sách, ưu tiên phát triển của từng quốc gia thành viên ASEAN. Cách tiếp cận song phương, linh hoạt này được cho là sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc nhận được sự chấp thuận của các nước ASEAN, cũng như tạo ra những ràng buộc chặt chẽ hơn giữa hai bên.
Thứ tư, cạnh tranh thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư với ASEAN. Mỹ cố gắng cân bằng ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc bằng cách tích cực đầu tư vào ASEAN, đồng thời tìm cách phục hồi chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Về tổng thể, Mỹ đang là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào ASEAN, nhưng về thương mại, Trung Quốc đang vượt Mỹ trong quan hệ thương mại đối với ASEAN. Theo Báo cáo đầu tư vào ASEAN năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 40 tỷ USD vào ASEAN trong năm 2021, tăng 41% so với năm 2020, tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, điện năng, hóa dược phẩm; còn Trung Quốc đầu tư 14 tỷ USD vào ASEAN, tăng 96% so với năm 2020, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, kinh tế số, kết cấu hạ tầng và bất động sản(4). Kể từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn đạt 685 tỷ USD; năm 2021, đạt 878,2 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020(5). Trong khi đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đạt 362 tỷ USD năm 2020 và 441,7 tỷ USD năm 2021(6). Ngoài ra, sau khi ASEAN và năm nước đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu-Di-lân) ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11-2020, Trung Quốc là một trong những nước đối tác đầu tiên của ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn RCEP.
Thứ năm, cạnh tranh chi phối thị trường công nghệ tại khu vực Đông Nam Á. Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh xây dựng mạng lưới thành phố thông minh và mạng lưới 5G. Năm 2018, Mỹ đề xuất chương trình “Đối tác kết nối số và an ninh mạng (DCCP)” trong khuôn khổ IPS; tổ chức đối thoại về chính sách không gian mạng, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nước ASEAN để thúc đẩy hệ thống internet mở, an toàn nhằm tăng khả năng can dự của Mỹ trong định hình tương lai kỹ thuật số khu vực. Mỹ đẩy mạnh các chương trình hợp tác Mỹ - ASEAN, như “Chuỗi hoạt động kinh tế số” trong khuôn khổ Khung kết nối Mỹ - ASEAN; thành lập “Đối tác Mỹ - ASEAN về các thành phố thông minh” (USASCP) để kết nối các thành phố của Mỹ với mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; tổ chức “Đối thoại chính sách mạng ASEAN - Mỹ” thường niên(7).
Trong khi đó, Trung Quốc thúc đẩy triển khai “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR) tại ASEAN và khẳng định, trong số các nước dọc theo BRI, Đông Nam Á là khu vực được các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đầu tư nhiều nhất(8). Các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE, China Unicom, chiếm ưu thế tuyệt đối trước các tập đoàn công nghệ đến từ Mỹ hay Nhật Bản, trở thành nhà cung cấp dịch vụ chính cho nhiều nước Đông Nam Á. Lợi thế về công nghệ, hệ thống hỗ trợ và chi phí đã giúp các tập đoàn công nghệ Trung Quốc chiếm lĩnh thành công thị trường viễn thông ở khu vực Đông Nam Á(9). Ngoài ra, mặc dù xuất hiện sau, nhưng các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc nhanh chóng vượt Nhật Bản, Mỹ trên lĩnh vực thương mại điện tử, ngân hàng trực tuyến, nhất là ở những nước đã có nền tảng công nghệ số tương đối tốt, như Xin-ga-po, Việt Nam, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a.
Phản ứng chính sách của ASEAN
Trước tác động đa chiều từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm duy trì chính sách trung lập và tự chủ trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, tranh thủ thời cơ để củng cố vị thế của một tổ chức có khả năng đóng vai trò trung gian, kết nối giữa hai cường quốc vì hòa bình và ổn định tại khu vực. Cụ thể:
Một là, kiên trì chính sách “phòng bị nước đôi” và lập trường trung lập. Lập trường trung lập của ASEAN đã được đưa ra trong Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) từ năm 1971 và trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc leo thang hiện nay, một lần nữa, ASEAN tiếp tục nhấn mạnh thông điệp này tại nhiều diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. ASEAN không liên minh, liên kết với bất cứ tập hợp lực lượng nào ở khu vực do Mỹ hay Trung Quốc dẫn dắt, mà duy trì quan hệ hợp tác cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc trên mọi phương diện. ASEAN lần lượt nâng cấp quan hệ với Mỹ và Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện, ủng hộ các sáng kiến hợp tác do hai bên đề xuất một cách khách quan trên cơ sở lợi ích của ASEAN và các quốc gia thành viên, đồng thời tranh thủ thế mạnh của mỗi bên để bảo đảm an ninh, phát triển tại khu vực.
Đối với Mỹ, ASEAN chú trọng tìm kiếm cam kết và ủng hộ của Mỹ trong bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, ASEAN chú trọng khai thác các sáng kiến, chương trình hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển bền vững mà Mỹ triển khai tại khu vực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ chín (tháng 10-2021), Mỹ công bố bốn sáng kiến với tổng trị giá 101 triệu USD nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, bao gồm Sáng kiến “Tương lai y tế Mỹ - ASEAN” trị giá 40 triệu USD, Sáng kiến “Tương lai khí hậu Mỹ - ASEAN” (20,5 triệu USD), Sáng kiến “Tương lai kinh tế Mỹ - ASEAN” (20 triệu USD), Sáng kiến “Tương lai của một tỷ người” (20,5 triệu USD).
Đối với Trung Quốc, trụ cột hợp tác chính của ASEAN là kinh tế. ASEAN tranh thủ các nguồn lực từ các sáng kiến, cơ chế thương mại đa phương của Trung Quốc để phát triển. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Xin-ga-po), khu vực Đông Nam Á chiếm 27,6% tổng số vốn đầu tư cho các dự án của BRI trên thế giới trong giai đoạn 2014 - 2019, tương đương 23,9 tỷ USD(10). ASEAN vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2019 và đến năm 2020, vượt Liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Ngoài ra, ASEAN cũng tranh thủ thế mạnh của Trung Quốc về khoa học - công nghệ để thúc đẩy hợp tác phát triển. Bên cạnh các dự án trong khuôn khổ DSR, Trung Quốc cam kết sẽ khởi động Chương trình tăng cường khoa học - công nghệ và đổi mới Trung Quốc - ASEAN, nhằm cung cấp 1.000 hạng mục công nghệ tiên tiến, đồng thời thúc đẩy chương trình hỗ trợ 300 nhà khoa học trẻ ASEAN đến Trung Quốc trao đổi trong năm năm tới.
Hai là, thúc đẩy quan hệ với các cường quốc khác để tạo thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Nga, EU... là những đối tác mà ASEAN tranh thủ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực để tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Hiện nay, ASEAN có 11 đối tác đối thoại đầy đủ. Trong đó, Nhật Bản hợp tác với ASEAN trên hầu hết các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, viện trợ phát triển chính thức (ODA); đồng thời, cũng là một trong những quốc gia đầu tư kết cấu hạ tầng lớn nhất cho khu vực Đông Nam Á, với các dự án ước tính đạt 321,8 tỷ USD. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ bảy của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2025. Tháng 10-2021, việc ASEAN nhất trí nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ô-xtrây-li-a tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ô-xtrây-li-a lần thứ nhất, trước thời điểm nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vào tháng 11-2021, tiếp tục là minh chứng cho thấy ASEAN tích cực triển khai định hướng đa dạng hóa quan hệ với các nước lớn. Trước đó, tháng 12-2020, ASEAN và EU cũng nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược, hướng trọng tâm vào phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; tăng cường và củng cố hơn nữa dòng chảy thương mại, đầu tư hai chiều; thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh; tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên không ngừng được củng cố và tăng cường, vì lợi ích chung của cả hai khu vực.
Ba là, chủ động phát huy vai trò trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh phải ứng xử với nhiều vấn đề quốc tế và khu vực phức tạp, ASEAN luôn khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; bám sát tôn chỉ hoạt động của Hiệp hội, để xây dựng cách tiếp cận tổng thể, bảo đảm tiếng nói đồng nhất, khách quan và cân bằng nhằm phát huy vai trò, khả năng đóng góp của ASEAN trong nỗ lực giải quyết các vấn đề tác động tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Đơn cử như, vấn đề Biển Đông từ năm 1992 đã chính thức trở thành vấn đề của ASEAN thông qua Tuyên bố của ASEAN về vấn đề Biển Đông(11). ASEAN cũng khẳng định “vai trò trung tâm” và chủ động thông qua việc đàm phán với Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tích cực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoài ra, vấn đề Biển Đông cũng là một trong những chương trình nghị sự quan trọng tại các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN, cũng như trong các hội nghị của ASEAN với các đối tác bên ngoài. Mới đây nhất, tháng 6-2022, tại Hội nghị Ban điều hành Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ ExCom), các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục khẳng định lại tầm quan trọng của Hiệp ước SEANWFZ, xem đây là văn kiện chủ đạo, thể hiện cam kết và lập trường chung của ASEAN trong duy trì khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, cũng như các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong chống phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Một số đánh giá và khuyến nghị
Giới chuyên gia nhận định, chiến lược “phòng bị nước đôi” của ASEAN đến nay vẫn cho thấy tính hiệu quả, thể hiện qua việc cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tăng cường quan hệ với ASEAN, tích cực lôi kéo ASEAN. Trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một tổ chức hữu hiệu để các quốc gia trong khu vực hạn chế tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, trong khi vẫn tranh thủ được những tác động tích cực, góp phần bảo đảm an ninh, hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, khi tình trạng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và cả hai cường quốc đều muốn khẳng định vai trò, ảnh hưởng của mình tại khu vực thì việc giữ được vai trò, vị thế khi các nước thành viên vẫn tiếp tục theo đuổi, duy trì sự trung lập và tự chủ của ASEAN có thể sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, có thể ASEAN sẽ phải nỗ lực củng cố hơn nữa vai trò tạo dựng “luật chơi”, cung cấp cơ chế để các nước lớn tham gia; điều chỉnh hoặc linh hoạt trong việc áp dụng các nguyên tắc hiện có để duy trì giá trị chiến lược và vai trò trung tâm.
Trong bối cảnh hiện nay, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, duy trì được vị trí trung lập, cân bằng linh hoạt trong quan hệ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc mang lại nhiều thuận lợi, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Giá trị địa - chiến lược của Việt Nam ngày càng gia tăng, được các nước coi trọng, mở ra cơ hội để Việt Nam phát huy vị thế ở khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo hướng đa cực, đa trung tâm, trọng tâm địa - chính trị - kinh tế thế giới chuyển dịch về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh tập hợp lực lượng, thiết lập các cơ chế, liên minh mới tại khu vực sẽ tạo ra thách thức mới khi Việt Nam phải cân nhắc khả năng và mức độ tham gia, cũng như rơi vào thế khó xử trong quan hệ song phương với từng nước lớn. Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam cần lưu tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN trước những tác động, lôi kéo của các nước lớn. Ủng hộ và đóng góp vào các hoạt động cải cách bộ máy, tăng cường đoàn kết trong ASEAN. Củng cố quan hệ song phương với một số nước chủ chốt gắn bó lợi ích với Việt Nam để phối hợp lập trường trong các vấn đề chung của khu vực cũng như một số vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Thường xuyên đề cao vấn đề đoàn kết ASEAN tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực; đề xuất xây dựng nguyên tắc tham vấn trong các vấn đề có liên quan đến lợi ích của nhiều thành viên trong khu vực để dung hòa sự khác biệt, củng cố đoàn kết, thống nhất nội khối. Đề cao bản sắc và xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC), củng cố sự tin cậy chính trị và tăng cường hiểu biết, ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề thuộc lợi ích chính đáng của Việt Nam và các nước ASEAN.
Thứ hai, phối hợp với các nước thành viên ASEAN để nghiên cứu, phân tích cơ hội và thách thức đặt ra từ những sáng kiến hợp tác do các nước lớn, kể cả Mỹ và Trung Quốc, đề xuất tại khu vực. Đến nay, sáng kiến các bên đưa ra đều coi trọng khu vực Đông Nam Á, đặt trọng tâm vào nhiều lĩnh vực Việt Nam đang cần thúc đẩy, như kết cấu hạ tầng, ổn định chuỗi cung ứng, phát triển xanh, kinh tế số, khoa học - công nghệ, giám sát khai thác nguồn lợi biển. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, trách nhiệm của ASEAN đẩy mạnh tham gia những sáng kiến phù hợp vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ ba, giải quyết hài hòa giữa nhu cầu gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mâu thuẫn về mặt “đối tác” và “đối tượng”, đóng góp vào việc củng cố, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực. Chủ động, tích cực hơn trong thể hiện lập trường và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp tại khu vực. Tăng cường phối hợp, trao đổi, tham vấn các nước thành viên trong những vấn đề chiến lược, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, để thúc đẩy niềm tin và hợp tác hiệu quả./.
---------------------------
(1) Phan Quân: “Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Đông Nam Á: Nắm bắt thời cơ”, Báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 12-1-2021, https://baoquocte.vn/ngoai-truong-trung-quoc-tham-dong-nam-a-nam-bat-thoi-co-133786.html
(2) Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Xin-ga-po, Mi-an-ma (tháng 8-2020); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thăm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Phi-líp-pin (tháng 9-2020); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Lào, Thái Lan (tháng 10-2020)
(3) Xem: Đặng Cẩm Tú: “ASEAN trong cạnh tranh chiến lược nước lớn tại khu vực Đông Nam Á đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Cộng sản, số 984, tháng 2-2022, tr. 98 – 104
(4) Xem: “ASEAN Investment Report 2022: Pandemic Recovery and Investment Facilitation” (Tạm dịch: Báo cáo đầu tư vào ASEAN năm 2022: Phục hồi sau đại dịch và tạo thuận lợi cho đầu tư), The ASEAN Secretariat, tháng 10-2022, https://asean.org/wp-content/uploads/2022/10/AIR2022-Web-Online-Final-211022.pdf
(5) Xem: “Brief Status of China - ASEAN Economic and Trade Cooperation in 2021” (Tạm dịch: Tóm tắt tình hình hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - ASEAN năm 2021), Embassy of the People’s Republic of China in Negara Brunel Darussalam, ngày 29-1-2022, http://bn.china-embassy.gov.cn/eng/zwgx/202201/t20220129_10636735.htm
(6) Xem: “The United States - ASEAN Relationship” (Tạm dịch: Mối quan hệ Mỹ - ASEAN), U.S. Department State, ngày 12-7-2022, https://www.state.gov/the-united-states-asean-relationship/
(7) Huong Le Thu: “A Collision of Cybersecurity and Geopolitics: Why Southeast Asia Is Wary of a Huawei Ban” (Tạm dịch: Sự cạnh tranh giữa an ninh mạng và địa - chính trị: Tại sao Đông Nam Á cảnh giác với lệnh cấm Tập đoàn Hoa Vi), GlobalAsia, tháng 9-2019, https://www.globalasia.org/v14no3/cover/a-collision-of-cybersecurity-and-geopolitics-why-southeast-asia-is-wary-of-a-huawei-ban_huong-le-thu
(8) Trần Liệu: “Cạnh tranh địa kỹ thuật số nhìn từ chiến lược con đường tơ lụa số của Trung Quốc”, Trang thông tin điện tử Ban Cơ yếu Chính phủ, ngày 19-3-2022, https://antoanthongtin.vn/chinh-sach---chien-luoc/canh-tranh-dia-ky-thuat-so-nhin-tu-chien-luoc-con-duong-to-lua-so-cua-trung-quoc-107905
(9) Huong Le Thu: “A Collision of Cybersecurity and Geopolitics: Why Southeast Asia Is Wary of a Huawei Ban” (Tạm dịch: Sự cạnh tranh giữa an ninh mạng và địa - chính trị: Tại sao Đông Nam Á cảnh giác với lệnh cấm Tập đoàn Hoa Vi), Tlđd
(10) Kaho Yu: “The Belt and Road Initiative in Southeast Asia after COVID-19: China’s Energy and Infrastructure Investments in Myanmar” (Tạm dịch: Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ở Đông Nam Á hậu dịch bệnh COVID-19: Các khoản đầu tư vào kết cấu hạ tầng và năng lượng của Trung Quốc tại Mi-an-ma), ISEAS - Yusof Ishak Institute, 2021, https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2021-39-the-belt-and-road-initiative-in-southeast-asia-after-covid-19-chinas-energy-and-infrastructure-investments-in-myanmar-by-kaho-yu/
(11) Dương Văn Huy: “Vai trò trung tâm của ASEAN: Thách thức, triển vọng và hàm ý đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 1.005 (tháng 1-2023), tr. 107
ASEAN với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông  (08/01/2023)
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và lợi ích của Nhật Bản  (07/01/2023)
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41  (12/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển