Ngoại giao vaccine trên thế giới và thực tiễn triển khai ở Việt Nam
TCCS - Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và trở thành đại dịch toàn cầu, vaccine là biện pháp cấp thiết để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, ngoại giao vaccine đã mang lại hiệu quả tích cực trong tiếp cận vaccine. Đối với một số nước, đây là công cụ củng cố “quyền lực mềm” và khẳng định hình ảnh quốc gia. Tại Việt Nam, ngoại giao vaccine đã góp phần thiết thực vào nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại.
Chính sách ngoại giao vaccine
Ngoại giao vaccine là một phần trong ngoại giao y tế - một chính sách không mới trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trước đây, ngoại giao y tế ít được quan tâm hơn so với ngoại giao chính trị, kinh tế, nhưng hiện nay, đại dịch COVID-19 đã khiến ngoại giao y tế trở nên cấp thiết. Một số khái niệm về ngoại giao y tế được đề cập, như “ngoại giao y tế là phương tiện quan trọng để cải thiện quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao bền chặt”; “là nhân tố đáp ứng mục tiêu kép, vừa cải thiện sức khỏe toàn cầu, đồng thời giúp khắc phục những thất bại về mặt ngoại giao”… Tuy nhiên, về cơ bản, các khái niệm đều thống nhất, “ngoại giao y tế nhằm trực tiếp giải quyết các thách thức về y tế trong nước, bao gồm việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, đồng thời thông qua các hoạt động từ viện trợ nhân đạo đến mua bán, trao đổi vật tư y tế thiết yếu, giúp gia tăng vị thế và ảnh hưởng của một quốc gia” (1). Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, ngoại giao y tế được dùng với nghĩa cụ thể là ngoại giao vaccine.
Theo đó, các yếu tố thúc đẩy ngoại giao vaccine có thể kể đến: Một là, dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp với sự ra đời của nhiều biến chủng mới. Do vậy, các quốc gia phải vừa khống chế dịch bệnh, vừa phải bảo đảm các hoạt động kinh tế. Muốn đạt được điều này, người dân cần được nhanh chóng tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều quốc gia không có đủ số lượng vaccine để tiêm chủng, phải tìm nguồn cung từ bên ngoài.
Hai là, trong khi các nước phát triển có lợi thế về công nghệ, ngân sách để sản xuất vaccine thì các nước đang phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, ngoại giao vaccine vừa giúp các nước phát triển khai thác được lợi thế, tận dụng được "sức mạnh mềm", vừa giúp họ giải quyết được vấn đề kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19. Chỉ riêng năm 2021, quy mô thị trường vaccine COVID-19 đạt khoảng 75 tỷ USD (2). Đối với các nước đang phát triển, ngoại giao vaccine sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức…, nhưng quan trọng nhất là đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thực tế cho thấy, vừa qua, nhiều nước có khả năng tài chính nhưng không thể mua được vaccine.
Ba là, dịch bệnh COVID-19 là vấn đề toàn cầu. Các quốc gia sẽ không thể an toàn nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở một nơi nào đó trên thế giới. Do vậy, tiêm chủng vaccine COVID-19 vừa là biện pháp cấp bách của mỗi quốc gia, nhưng cũng là nhiệm vụ chung của thế giới, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ lẫn nhau về vaccine cũng là trách nhiệm của mỗi nước.
Bốn là, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cơ chế COVAX. Tuy nhiên, cơ chế này chưa đạt được hiệu quả như dự kiến. Năm 2021, COVAX chỉ có thể cung cấp vaccine COVID-19 cho không quá 20% dân số ở các nước nghèo, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng (3). Chính vì vậy, ngoại giao vaccine đã trở thành vấn đề khẩn cấp và hàng đầu của nhiều quốc gia hiện nay.
Chính sách ngoại giao vaccine của các nước lớn
Đối với Trung Quốc, đây là quốc gia thực hiện ngoại giao vaccine từ rất sớm, khi Mỹ và châu Âu còn đang xử lý dịch bệnh COVID-19 ở trong nước. Từ tháng 1-2021, Trung Quốc bắt đầu viện trợ và xuất khẩu vaccine ra thế giới, nhất là cho các nước đang phát triển. Vaccine của Trung Quốc tập trung vào Mỹ Latin, châu Phi và Đông Nam Á. Đến tháng 6-2021, 70/72 nước đã tiếp nhận vaccine từ Trung Quốc là các đối tác của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) (4). Trong bối cảnh tiến độ của BRI đang bị chậm lại, ngoại giao vaccine của Trung Quốc trở thành phương tiện để thúc đẩy sáng kiến này. Bên cạnh đó, ngoại giao vaccine còn cải thiện hình ảnh, uy tín quốc gia, vì cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 liên quan đến Trung Quốc. Trên thực tế, cơ chế ngoại giao vaccine của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào song phương. Đến đầu tháng 9-2021, Trung Quốc đã cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine cho hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế (5). Đồng thời, Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ cơ chế COVAX 100 triệu USD và 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021.
Về địa bàn, Mỹ Latin chiếm một vị trí đặc biệt trong ngoại giao vaccine của Trung Quốc, với 12 nước đã nhận 38 triệu liều vaccine của nước này. Tháng 2-2021, Brazil và Chile là những nước đầu tiên sử dụng vaccine Sinovac. Trung Quốc đã thử nghiệm lâm sàng vaccine ở Peru, Brazil và Argentina, giúp cho việc phân phối vaccine được thực hiện nhanh chóng. Chile là nước nhập khẩu vaccine lớn nhất của Trung Quốc. Một nhà máy sản xuất vaccine Sinovac cũng đã hoạt động tại Chile.
Đến tháng 7-2021, 28 nước châu Phi đã nhận hơn 7 triệu liều vaccine của Trung Quốc. Trung Quốc còn chuyển giao công nghệ để châu Phi tự sản xuất vaccine. Cụ thể, đầu tháng 9-2021, Ai Cập và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thành lập một nhà máy sản xuất hơn 200 triệu liều Sinovac mỗi năm (6).
Ngày 31-3-2020, ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị đặc biệt để tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19. Trung Quốc đã cam kết ưu tiên cung cấp 250 triệu liều vaccine cho ASEAN, chiếm 44% tổng số lượng vaccine nước này cung cấp cho toàn cầu (cụ thể: Indonesia nhận 18 triệu liều; Philippines là 600.000 liều, Campuchia: 400.000 liều, Lào: 302.000 liều). Trung Quốc còn tặng vật tư y tế cho Ban Thư ký ASEAN, gồm 75.000 khẩu trang, 300 chai nước rửa tay và 35 nhiệt kế hồng ngoại, 20.000 mặt nạ phẫu thuật (7)...
Tại châu Âu, Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho các nước Hungary, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hungary là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên bỏ qua bước cấp phép của EU để phê duyệt và mua 5 triệu liều vaccine Sinopharm (8). Như vậy, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đã mang lại những lợi ích to lớn cho nước này.
Đối với Mỹ, dù đi sau Trung Quốc về ngoại giao vaccine, nhưng Mỹ vẫn có những thành tựu rất rõ rệt. Nếu 6 tháng đầu năm 2021, ngoại giao vaccine của Trung Quốc chiếm ưu thế, thì 6 tháng cuối năm 2021, Mỹ đang vượt lên. Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) vào tháng 6-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer cho cơ chế COVAX. Từ tháng 8-2021, thông qua cơ chế này, vaccine của Mỹ đã chuyển tới 90 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ngày 21-9-2021, tại Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ J. Biden cam kết sẽ cung cấp thêm 500 triệu liều vaccine cho thế giới, nâng tổng số lượng vaccine Mỹ viện trợ lên 1,1 tỷ liều (9). Tại Mỹ Latin, tháng 7-2021, Mỹ đã cung cấp 2,5 triệu liều vaccine cho Colombia, 2 triệu liều cho Peru, 3 triệu liều cho Brazil, 1 triệu liều cho Paraguay, 1,5 triệu liều cho Honduras và 1,35 triệu liều cho Mexico; đồng thời khẳng định đã tài trợ 2 tỷ USD trong tổng số 4 tỷ USD đã cam kết cho cơ chế COVAX. Mỹ còn cung cấp thêm 96 triệu USD để giúp ASEAN tăng cường năng lực chống dịch bệnh COVID-19 (10).
Trong các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ, ngoại giao vaccine luôn là một trong những chủ đề quan trọng. Đó chính là việc thực hiện tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại”, sẵn sàng thể hiện vai trò của một cường quốc có trách nhiệm. Bên cạnh đó, Mỹ còn nhấn mạnh viện trợ vaccine không đi kèm áp lực ủng hộ hay nhượng bộ nào. Chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ nhằm củng cố vị thế và uy tín quốc gia. Nhờ những lợi thế về kinh tế và y học, hiện nay, các loại vaccine do Mỹ sản xuất đã được WHO phê duyệt. Có thể thấy, ngoại giao vaccine của Mỹ có phương thức và bước đi khác với Trung Quốc, nhưng hiệu quả là rất cao, có tác động lớn đến tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên thế giới.
Ngoài hai nước trên, Nga, Australia, EU cũng tham gia viện trợ và phân phối vaccine trên toàn cầu. Nga đã sử dụng rộng rãi vaccine Sputnik V tại Mỹ Latin và một số quốc gia như Argentina, Bolivia, Mexico, Nicaragua, Paraguay và Venezuela. Nga đề nghị cung cấp 300 triệu liều vaccine cho châu Phi - một trong những thị trường chủ yếu tiêu thụ vaccine Sputnik V (11). Tại Đông Nam Á, Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Việt Nam.
Đối với EU, ngày 15-9-2021, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ tặng thêm 200 triệu liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp vào giữa năm 2022, ngoài 250 triệu liều đã cam kết (12). Nhìn chung, EU trợ giúp vaccine cho thế giới chưa nhiều, bởi ngay trong nội bộ khối EU còn có sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước. Mặc dù vậy, các nước lớn như Pháp, Đức, Italy vẫn tích cực viện trợ cho các đối tác chiến lược của mình.
Australia cũng đang đẩy mạnh ngoại giao vaccine. Tháng 7-2021, Australia cam kết cung cấp 20 triệu liều vaccine cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Australia cũng cam kết cung cấp 5 triệu liều cho ASEAN. Australia đang phối hợp cùng nhóm “Bộ Tứ” (QUAD) để cung cấp vaccine cho các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như hỗ trợ cho cơ chế COVAX. Ngoại giao vaccine của Australia rất chú trọng đến các quốc đảo ở Thái Bình Dương, các đối tác đã có quan hệ kinh tế, văn hóa lâu đời với Australia. Cụ thể, Fiji là nước được hưởng lợi lớn nhất, nhận được 320.000 liều vaccine AstraZeneca từ Australia; tiếp đến là Đông Timor với 135.000 liều, Papua New Guinea là 28.470 liều, 13.000 liều khác đã được chuyển tới Solomon và 7.000 liều được đưa đến Tuvalu (13).
Chính sách ngoại giao vaccine của các quốc gia đang phát triển và trường hợp của Việt Nam
Các nước đang phát triển đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm nhận được số lượng vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhiều hơn và nhanh hơn. Vaccine đã trở thành một nội dung quan trọng trong nhiều cuộc điện đàm, tiếp xúc giữa các nước. Bất bình đẳng trong phân phối vaccine trở thành trọng tâm tại kỳ họp của Liên hợp quốc (tháng 9-2021). Đồng thời, các quốc gia cũng đang tiến hành đa dạng nguồn cung vaccine để có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Đơn cử như, nửa đầu năm 2021, nguồn cung vaccine của Philippines chủ yếu là vaccine Sinovac. Tuy nhiên, từ tháng 7-2021, Philippines đã bắt đầu tiếp nhận vaccine Moderna và Pfizer từ Mỹ với hàng triệu liều.
Đồng thời, trong nỗ lực tự chủ về vaccine, các nước đang phát triển cũng tiến hành đàm phán chuyển giao công nghệ để có thể tự sản xuất. Ai Cập tiến hành đàm phán vaccine Moderna của Mỹ, vaccine Sinovac của Trung Quốc để sản xuất hơn 200 triệu liều cho nhu cầu trong nước (14).
Đối với Việt Nam, hết tháng 6-2022, Việt Nam đã tiếp nhận 206 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, viện trợ từ cơ chế COVAX và các quốc gia qua cơ chế COVAX là hơn 51 triệu liều... Để có được nguồn vaccine như trên, Việt Nam đã thực hiện ngoại giao vaccine hiệu quả.
Khi thực hiện công tác ngoại giao vaccine, Việt Nam có một số lợi thế nhất định. Thứ nhất, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao. Việt Nam đã thể hiện được vai trò dẫn dắt để ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19; góp phần ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của đoàn kết ASEAN, tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng của Cộng đồng ASEAN trước dịch bệnh COVID-19; tăng cường phối hợp cấp quốc gia và khu vực để ASEAN chủ động và sẵn sàng thích ứng nhằm giảm thiểu và dần loại bỏ các mối đe dọa của dịch bệnh COVID-19 (15).
Thứ hai, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, liên quan đến lợi ích của nhiều nước... Điều đó khiến một số nước muốn hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong tiếp cận vaccine để nhanh chóng ổn định và phục hồi sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, cũng chính là bảo đảm lợi ích cho các đối tác.
Thứ ba, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có nhiều hoạt động ngoại giao y tế, hỗ trợ các nước về kinh phí, trang thiết bị y tế, như tặng Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế trị giá hơn 7 tỷ đồng/nước; tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm, Myanmar 50.000 USD; tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế giá trị 600.000 USD; tặng vật tư y tế cho các nước Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, với tổng trị giá 420.000 USD; đóng góp 100.000 USD vào Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19; 5 triệu USD vào Kho dự trữ vật tư y tế khu vực (16). Nhiều nước như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Mexico, Nga, Cuba, Nhật Bản, Mỹ, Thụy Điển… cũng nhận được giúp đỡ của Việt Nam (17). Những hoạt động ngoại giao này của Việt Nam đã khẳng định mối quan hệ đối tác khăng khít, là thông điệp về sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau; được quốc tế đánh giá cao và từ đó sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ khi Việt Nam cần.
Thứ tư, ngoại giao vaccine đã được thực hiện rất quyết liệt. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác viện trợ. Vận động vaccine đã được đưa vào các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong các cuộc tiếp xúc, điện đàm của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh nhận viện trợ, Việt Nam còn tiếp nhận chuyển giao công nghệ để chủ động trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Đơn cử như, Công ty Vabiotech của Việt Nam đã ký kết hợp đồng để sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã ký kết hợp đồng với Nhật Bản, Mỹ để nhận chuyển giao công nghệ vaccine. Gần đây nhất, Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 Abdala của Cuba (18).
Ngoại giao vaccine được coi là một trong những cách thức để giúp các nước tăng cường tiếp cận vaccine, đem lại nhiều lợi ích cho các nước. Trong ngắn hạn, đây là con đường để các nước đang phát triển đẩy mạnh tiêm chủng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đây không phải là một phương án tối ưu để giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine. Các yếu tố như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, hay cạnh tranh “quyền lực mềm” đã tác động đến việc phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn cầu. Vì thế, trong dài hạn, chuyển giao công nghệ, mở rộng sản xuất, tái phân phối nguồn cung vaccine mới thực sự tạo nên khả năng đáp ứng nhu cầu vaccine của thế giới. Việt Nam đã có nhiều thành công trong ngoại giao vaccine. Đây là mặt trận quan trọng trong bối cảnh Việt Nam chưa tự sản xuất được vaccine COVID-19. Đây cũng là cơ sở quan trọng để giúp Việt Nam làm chủ về nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tương lai, qua đó vừa khống chế được dịch bệnh, vừa ổn định được tình hình kinh tế - xã hội./.
------------------
(1) Vũ Lê Thái Hoàng: Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 300
(2) Thiện Nhân: “Hé lộ giá và danh sách các quốc gia sản xuất vaccine COVID-19 của Nga”, ngày 13-8-2021, Báo Công an nhân dân điện tử, https://cand.com.vn/The-gioi-24h/He-lo-gia-va-danh-sach-cac-quoc-gia-san-xuat-vaccine-COVID-19-cua-Nga-i576654/
(3) Thanh Hà: “COVAX thông tin về lượng vaccine COVID-19 phân bổ cho các nước nghèo hơn”, ngày 9-9-2021, Báo Lao động điện tử, https://laodong.vn/the-gioi/covax-thong-tin-ve-luong-vaccine-covid-19-phan-bo-cho-cac-nuoc-ngheo-hon-951355.ldo
(4) McKenzie Howell: “Dwindling Doses: Vaccine Diplomacy in Africa”, ngày 27-6-2021, https://borgenproject.org/vaccine-diplomacy-in-africa/
(5) Lê Ánh: “Trung Quốc viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine cho các nước đang phát triển”, ngày 9-9-2021, Báo Tin tức điện tử, https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-vien-tro-them-100-trieu-lieu-vaccine-cho-cac-nuoc-dang-phat-trien-20210909225903988.htm,
(6) Thanh Hương: “Châu Phi muốn mua vaccine thay vì phải đợi vaccine viện trợ”, ngày 15-9-2021, Báo Tin tức điện tử, https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-phi-muon-mua-vaccine-thay-vi-phai-doi-vaccine-vien-tro-20210915093604310.htm
(7) ASEAN: “ASEC receives additional masks from China to combat COVID-19”, ngày 29-4-2021, https://asean.org/asec-receives-additional-masks-china-combat-covid-19/
(8) Lan Phương, Ngọc Hà: “Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng vắcxin của Trung Quốc”, ngày 24-2-2021, https://www.vietnamplus.vn/hungary-la-quoc-gia-chau-au-dau-tien-su-dung-vacxin-cua-trung-quoc/696517.vnp
(9) Holly Ellyatt: “U.S. to donate millions more Pfizer-BioNTech vaccine doses to poorer nations”, ngày 22-9-2021, https://www.cnbc.com/2021/09/22/us-to-donate-millions-more-pfizer-biontech-vaccine-doses-to-poorer-nations.html
(10) Viết Thịnh: “Mỹ dành 96 triệu USD giúp ASEAN nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh”, ngày 14-7-2021, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh điện tử, https://plo.vn/thoi-su/my-danh-96-trieu-usd-giup-asean-nang-cao-nang-luc-ung-pho-dich-benh-1000565.html
(11) Joe Bavier, David Lewis: “Africa proves rocky terrain for Russian and Chinese vaccinesi”, ngày 12-3-2021, https://www.reuters.com/article/uk-health-coronavirus-africa-vaccine-dip-idUSKBN2B40P7
(12) Philip Blenkinsop, Robin Emmott: “EU to donate another 200 mln COVID-19 vaccine doses”, ngày 15-9-2021, https://www.reuters.com/world/europe/eu-donate-another-200-mln-covid-19-doses-commission-chief-says-2021-09-15/
(13) Hoàng Nam: “Trung Quốc - Australia, “Cuộc chạy đua 'ngoại giao vaccine', vòng nước rút Bắc Kinh có hụt hơi?”, ngày 8-7-2021, Báo Thế giới và Việt Nam điện tử, https://baoquocte.vn/trung-quoc-australia-cuoc-chay-dua-ngoai-giao-vaccine-vong-nuoc-rut-bac-kinh-co-hut-hoi-150633.html
(14) Nguyễn Trường: “Ai Cập dự kiến sẽ sản xuất trong nước vaccine Moderna”, ngày 15-9-2021, https://baotintuc.vn/the-gioi/ai-cap-du-kien-se-san-xuat-trong-nuoc-vaccine-moderna-20210915075230423.htm
(15) “Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó dịch Covid-19”, ngày 15-2-2021, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/cong-dong-asean/tuyen-bo-cua-chu-tich-asean-ve-ung-pho-dich-covid-19-449590/
(16) Vũ Anh: “Việt Nam góp 5 triệu USD vật tư chống Covid-19 trong ASEAN”, ngày 12-22-2020, https://vnexpress.net/viet-nam-gop-5-trieu-usd-vat-tu-chong-covid-19-trong-asean-4190810.html
(17) “Việt Nam trao tặng thiết bị và khẩu trang y tế cho một số quốc gia”, ngày 22-4-2020, https://vovworld.vn/vi-VN/chinh-tri/viet-nam-trao-tang-thiet-bi-va-khau-trang-y-te-cho-mot-so-quoc-gia-851637.vov
(18) “Cuba sẽ cung ứng số lượng lớn vaccine phòng COVID-19, sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam”, ngày 24-8-2021, Báo điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Cuba-se-cung-ung-so-luong-lon-vaccine-phong-COVID19-san-sang-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-cho-Viet-Nam/443684.vgp
Giáo dục ý thức phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm cộng đồng cho thanh niên quân đội hiện nay  (24/06/2022)
Bắc Ninh: Tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,7%  (18/06/2022)
Để người nông dân “ly nông bất ly hương”  (04/06/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên