Hà Nội: truyền thống và hiện đại
TCCS - Hà Nội là “trái tim” của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là vùng đất “địa nhân linh kiệt” với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hà Nội có bề dày lịch sử với vai trò là một kinh đô qua nhiều thời đại
Từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên, Hà Nội đã vươn lên giữ vị trí kinh đô của nước Âu Lạc đời An Dương Vương với kinh thành Cổ Loa. “Dấu tích Cổ Loa vẫn còn đó như một cột mốc lớn, mở đầu lịch sử Hà Nội với tư cách là trung tâm chính trị của đất nước”(1). Trong hơn nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, vùng Hà Nội đã dần trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa trọng yếu và nhiều lần là đô thành của chính quyền độc lập do nhân dân ta đấu tranh giành lại được.
Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, giành lại giang sơn, giành lại chủ quyền và mở ra một trang mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập, kỷ nguyên phục hưng toàn diện của dân tộc và văn hóa dân tộc, một lần nữa, Cổ Loa - cố đô của Âu Lạc thời dựng nước đã được Ngô Quyền chọn là nơi định đô. Cùng với sự hồi sinh của dân tộc, Hà Nội lại được vinh dự phục hồi vị trí trung tâm của đất nước.
Dưới triều Đinh và Tiền Lê, do yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, khi lực lượng độc lập và thống nhất còn non trẻ, kinh đô được dời về Hoa Lư hẻo lánh và hiểm trở. Đến năm 1010, trước yêu cầu phát triển của nước Đại Việt, Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên là Thăng Long. Từ đó, trong 778 năm (1010-1788), Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Kẻ Chợ, tên có đổi thay nhưng Hà Nội vẫn là kinh đô của nước Đại Việt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Trong suốt thời kỳ độc lập lâu dài (trừ 20 năm kháng chiến chống Minh đầu thế kỷ XV), từ năm 939 với triều Ngô cho đến năm 1858 với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên trục thời gian 919 năm, chỉ có 111 năm Hà Nội không giữ vai trò kinh đô. Đó là 41 năm thời Đinh, Tiền Lê với kinh thành Thăng Long và 70 năm thời Tây Sơn, nhà Nguyễn với việc chuyển đô vào Phú Xuân - Huế(2). Đến thời kỳ Pháp thuộc, Hà Nội không phải là kinh đô của nước Việt Nam, nhưng là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.
Sau gần một thế kỷ chống thực dân Pháp, với thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Nội lại được khẳng định vị trí thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi vẻ vang, từ năm 1976, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cách mạng tháng Tám và ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954) thực sự là những cột mốc mới trong lịch sử Hà Nội, mở ra một kỷ nguyên Hà Nội cách mạng và hiện đại. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, với “Một tiền Thăng Long cổ xưa. Một Thăng Long phục hưng. Một Hà Nội cách mạng và hiện đại” có thể coi đấy là ba chặng đường lớn của lịch sử Hà Nội với vai trò Thủ đô của đất nước.
Những di sản của truyền thống Hà Nội
Thứ nhất, Hà Nội là đất nghìn năm văn vật, là một trung tâm lâu đời về chính trị, kinh tế, văn hóa. Buổi đầu dựng nước, vùng đất Hà Nội đã nằm trong khu vực trung tâm của nền văn minh sông Hồng. Trong các di tích văn hóa từ thời Phùng Nguyên đến Đông Sơn phản ánh quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng đã tìm thấy trong lòng Hà Nội. Trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở Ngọc Hà và Cổ Loa. Cư dân Hà Nội thời dựng nước đã góp phần tạo nên kỷ nguyên văn minh sông Hồng rực rỡ và Cổ Loa của Hà Nội đã sớm trở thành kinh đô của nước Âu Lạc.
Trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt thời Lý, Trần, Lê, Hà Nội với kinh thành Thăng Long là một trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước. Thăng Long vừa quy tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, vừa có ảnh hưởng văn hóa ra khắp đất nước. “Nền văn hóa của thời kỳ đó vì thế được mang tên văn hóa Thăng Long”. Nền văn minh Đại Việt vừa thừa kế di sản văn minh sông Hồng vừa hấp thụ nhiều yếu tố tích cực của các nền văn minh khác, vừa vươn lên mạnh mẽ trong lao động sáng tạo như biểu tượng Rồng bay của kinh thành Thăng Long. Có thể coi đó là sản phẩm của một công cuộc phục hưng văn hóa lớn lao sau hơn nghìn năm mất nước, khi mà độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia được củng cố vững vàng và chế độ xã hội đang ngày càng phát triển.
Cuối thời Lê, đầu Nguyễn, chế độ phong kiến suy thoái, thể chế chính trị của Thăng Long - Hà Nội bộ lộ nhiều hạn chế, nhưng trong dân cư Hà Nội, đời sống kinh tế - văn hóa của đất kinh kỳ vẫn tiếp tục phát triển và về phương diện kinh tế thành thị, thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII được coi là giai đoạn phồn vinh nhất của Thăng Long thời trung đại.
Thứ hai, Hà Nội là trung tâm trí tuệ của đất nước. Đây là nơi sinh ra và lớn lên, nơi hun đúc nên nhiều anh hùng dân tộc tên tuổi lẫy lừng, các danh nhân văn hóa với những trước tác góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc. Trong số các danh nhân đó có những người quê gốc Hà Nội (trên địa bàn Hà Nội ngày nay). Đó là Lý Thường Kiệt ở phường Thái Hòa (Ba Đình), Thái hậu Ỷ Lan ở làng Sủi (Gia Lâm), Chu Văn An ở làng Quang (Thanh Trì), Phan Phù Tiên ở làng Vẽ (Từ Liêm), Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm ở làng Tó (Thanh Trì), Đặng Trần Côn ở làng Mọc (Từ Liêm, nay thuộc quận Thanh Xuân), Nguyễn Huy Lượng, Cao Bá Quát ở Phú Thị (Gia Lâm), Bà huyện Thanh Quan ở làng Nghi Tàm (Từ Liêm, nay thuộc quận Tây Hồ), Nguyễn Văn Siêu ở Kim Lũ (Thanh Trì), Lý Văn Phức ở Hồ Khẩu (Tây Hồ)… Bên cạnh những danh nhân có quê gốc lâu đời ở Hà Nội (trên thực tế số người này không nhiều), còn có những người từng sống và gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất hội tụ cư dân và anh tài bốn phương. Vì vậy có thể nói, “Hà Nội là sự chung đúc và kết tinh trí tuệ của cả dân tộc, rồi tư trung tâm văn hóa này phát huy ảnh hưởng ra cả nước”(3).
Hà Nội xưa còn là trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước. Đó là lò văn Quốc Tử Giám với những kỳ thi Hội tuyển lựa tiến sĩ và lò võ Giảng Võ là nơi rèn luyện võ nghệ, đào tạo võ quan với võ sĩ được đánh giá ngang với học vị tiến sĩ. Riêng lò văn, chỉ tính thời Lê từ năm 1442 đến 1779 tại Thăng Long đã mở ra 129 khoa thi Hội lấy đỗ 1.894 tiến sĩ(4).
Thứ ba, Hà Nội còn là đất “khéo tay hay làm” tiêu biểu cho truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân ta. Nghề nông của Hà Nội thường sản xuất những loại đặc sản nổi tiếng như nghề trồng hoa của Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nghi Tàm, nghề trồng rau nuôi tằm ven Hồ Tây, nghề trồng cây thuốc Đại Yên, nghề trồng cây ăn quả với “ổi Quảng Bá, nhãn lồng Thanh Liệt”, nghề trồng lúa tẻ, lúa nước với những sản phẩm “cốm vòng”, “gạo tám Mễ Trì”, “bánh cuốn Thanh Trì”, “bánh dày Quán Gánh”… Nghề thủ công của Hà Nội phần lớn do những người thợ lành nghề từ các làng nghề thủ công nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc bộ đến bán hàng rồi ở lại gây dựng thành những phường thủ công của kinh kỳ. Đó là làng gốm Bát Tràng gốc ở Bồ Bát (Bắc Ninh), nghề đúc đồng Ngũ Xã gốc từ 5 xã của Siêu Loại (Bắc Ninh), nghề vàng gốc Hải Dương, nghề nhuộm đào gốc từ Đan Loan (Hải Dương), nghề nhuộm thâm gốc Vân Hoàng (Hà Tây), nghề tiện gốc từ Nhị Khê (Hà Tây), nghề khắc ván in gốc từ Liều Chàng (Hải Dương)… Làng nghề từ các miền đất nước đã góp những tinh hoa tạo nên văn hóa Hà Nội và truyền thống lao động sáng tạo của Hà Nội.
Trong đời sống văn hóa, Hà Nội xưa cũng là nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống, bao gồm hội đền, hội chùa, hội làng vào mùa xuân và mùa thu. Trong các lễ hội truyền thống đó đã trình diễn nhiều hình thức văn hóa mang đậm tính dân gian và tính dân tộc như đánh vật, đấu võ, đá cầu, đánh phết, chọi gà, thả chim, đấu voi, đấu thỏ, đua thuyền, hát tuồng, hát chèo, rối nước…
Thứ tư, với vai trò là kinh đô, Hà Nội luôn là đầu não trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Trong trang sử thời Hùng Vương dựng nước còn đượm màu sắc huyền thoại của Hà Nội với làng Gióng là nơi sinh ra Phù Đổng Thiên Vương và với núi Sóc Sơn là nơi tiễn biệt người anh hùng vào cõi bất tử. Với hàng nghìn năm chống họa xâm lăng của các đế chế Đại Hán, Hà Nội cùng chung với vận mệnh cả nước, chứng kiến sự thất bại của An Dương Vương dẫn đến hơn một nghìn năm Bắc thuộc và thất bại của triều Hồ dẫn đến 20 năm Minh thuộc. Hà Nội đã cùng cả nước vùng lên trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc nhằm giải phóng kinh thành, giải phóng cả nước. Tiếp đó, trong hơn một thế kỷ chống thục dân Pháp, phát xít Nhật đến đế quốc Mỹ, Hà Nội luôn sục sôi ngọn lửa yêu nước và đã cùng cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Có thể khẳng định, “về mặt chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, Hà Nội thực sự là thủ đô anh hùng của một dân tộc anh hùng. Lịch sử đánh giặc của Hà Nội là một khúc tra hùng tráng trong bản trường ca anh hùng của dân tộc”(5). Đó chính là truyền thống, là niềm tự hào của Hà Nội và của cả nước.
Hướng tới xây dựng Hà Nội “xanh, thông minh, hiện đại”
Trong dòng chảy nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, kể từ “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, quân và dân thủ đô Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh sông Hồng, văn minh Đại Việt mà còn là kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lượng Sơn, tỉnh Hòa Bình. Quyết định lịch sử này đã tạo cho Hà Nội những điều kiện phát triển mới, xứng tầm với vị trí Thủ đô. Hơn 10 năm qua, Hà Nội đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thay đổi từ tầm vóc, diện mạo, quy mô đến nhịp độ cuộc sống.
Hà Nội ngày nay không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến tình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước. Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, trật tự kỷ cương đô thị có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Năm 2016, Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn đứng vị trí thứ 8 trong danh sách 5 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước. Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước. Trong đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố các nước, có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Từ những thành tựu đạt được, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Mục tiêu phấn đấu của Hà Nội là đến năm 2030, trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Thủ đô Hà Nội cũng không là ngoại lệ. Phát huy truyền thống cách mạng, Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, Hà Nội đã có có những chủ trương, quyết sách kịp thời với tinh thần quyết liệt, phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, là trước hết; quyết tâm bảo vệ Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng. Cùng với đó là sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô, cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên... Đến nay, dịch bệnh trên toàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát.
Với truyền thống lịch sử hào hùng cùng những di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội ngày nay đã và đang vươn mình trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất khu vực, xứng đáng là trái tim của cả nước, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, những danh hiệu cao quý được cả nước và bạn bè thế giới tôn vinh, phấn đấu không ngừng để dẫn đầu, trở thành tấm gương cho cả nước noi theo; xứng đáng là Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng(6).
--------------------------
(1) Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1999, t.2, tr.788
(2) Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Sđd, tr.789-790
(3) Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Sđd, tr.793
(4) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán - Nôm, nguồn từ liệu văn học sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1984, t. 1, tr.277
(5) Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Sđd, tr.798
(6) http://www.hanoimoi.com.vn, ngày 9-10-2021
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12-2021  (23/12/2021)
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại  (15/12/2021)
Tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội  (12/12/2021)
Phát động đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc  (09/12/2021)
Đối ngoại của Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới  (05/12/2021)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay