Nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa Thủ đô gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
TCCS - Với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và không ngừng lan tỏa nét văn hóa đặc sắc đến mọi miền đất nước thông qua nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng. Để tiếp tục phát huy nguồn lực văn hóa vô cùng quý báu và đặc sắc đó, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa, gắn kết với việc xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, hướng tới mục tiêu trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng và ngày càng đi vào thực chất
Là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính, ngoại giao, văn hóa lớn của cả nước, Hà Nội không chỉ là thành phố lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú của nhiều vùng văn hóa của cả nước, mà còn không ngừng tiếp nhận những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại, làm giàu có thêm truyền thống văn hóa của mình; qua đó tạo nên nguồn lực văn hóa vô cùng quý giá để phát triển bền vững kinh tế, văn hóa - xã hội Thủ đô.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Hà Nội đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng; chất lượng, quy mô các hoạt động văn hóa, văn nghệ được nâng cao; hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, thể thao với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế được mở rộng…
Thực hiện chủ đề năm 2020 là “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”, ngành văn hóa của Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xây dựng và hoàn thiện thể chế…. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích được quan tâm đầu tư. Thành phố đã hỗ trợ các huyện, thị xã tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 55 di tích xuống cấp nặng đang có nguy cơ sập đổ, đề nghị được hỗ trợ để chống sập đổ, bảo tồn khẩn cấp; thực hiện tu bổ, tôn tạo 179 di tích với tổng kinh phí hơn 1.546 tỷ đồng, trong đó có gần 468 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa. Với các di tích lịch sử, văn hóa, như Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn…, thành phố đã chủ động, tích cực nghiên cứu các giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, đón tiếp, phục vụ gần 1,07 triệu lượt khách thăm quan, du lịch.
Cũng trong năm qua, Hà Nội đã tổ chức thành công các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô; các hoạt động trong chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020”; chuỗi các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020; các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”… Các nhà hát ở thành phố đã tổ chức gần 800 buổi biểu diễn nghệ thuật, doanh thu hơn 15,2 tỷ đồng; đạt 28 huy chương khi tham gia các liên hoan nghệ thuật… Hà Nội đã tổ chức các hoạt động, giải thi đấu thể dục thể thao quần chúng, như Giải bơi chải thuyền rồng truyền thống, Giải đua xe đạp truyền hình VTV Cup; phối hợp tổ chức Giải chạy marathon quốc tế mang tên Hanoi International Heritage Marathon…
Thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các huyện xây dựng hàng trăm nhà văn hóa thôn còn thiếu trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện quy tắc ứng xử với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo… Công tác xây dựng nếp sống văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Thành phố cũng ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện công tác quản lý xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước trên địa bàn thành phố năm 2020; tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 - 2020) và 5 năm thực hiện Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 18-8-2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016 - 2020. Việc đánh giá, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa trên địa bàn thành phố được bảo đảm đúng trình tự, quy định với 88% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 62% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, 72% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Kể từ ngày 30-10-2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đây chính là điều kiện để Hà Nội khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa của Thủ đô, gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Thời gian qua, hướng tới xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo, trung tâm hội tụ thiết kế, đồng thời tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới, Hà Nội đã có những bước đi chủ động, sáng tạo trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thiết kế sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc... Bên cạnh đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc nhân rộng các không gian sáng tạo, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân phát huy tiềm năng, thế mạnh phục vụ đời sống cộng đồng, đưa Hà Nội trở thành nơi hội tụ không gian sáng tạo dẫn đầu cả nước. Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, mang đậm dấu ấn thiết kế sáng tạo, như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”... Thành phố cũng triển khai những dự án tầm cỡ quốc tế, như Công viên chủ đề Hello Kitty (quận Tây Hồ), Trung tâm Triển lãm quốc gia (huyện Ðông Anh), Công viên Kim Quy (huyện Ðông Anh). Quận Tây Hồ đang khai thác hiệu quả không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn), tiếp tục xây dựng “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó”. Ngoài ra, huyện Thường Tín tổ chức hoạt động du lịch ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; huyện Gia Lâm có làng nghề gốm Bát Tràng; quận Hà Ðông có làng nghề lụa Vạn Phúc... Những giá trị văn hóa của nghề cổ, những lễ hội trong phố; nét tinh hoa của nghề chạm bạc, đúc đồng, nghề ướp trà sen hay nghề gốm… đang được phát huy.
Trên cơ sở xác định sản phẩm văn hóa là sản phẩm bền vững nhất, Hà Nội chủ trương tái đầu tư cho sản phẩm văn hóa mang bản sắc Thủ đô, gắn kết các sản phẩm văn hóa với thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Tiêu biểu là việc tổ chức “Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020” ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa, như trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại; tổ chức không gian mỹ thuật dân gian, giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian đương đại giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội (ca trù, hát ví, hát dô, hát xẩm, múa rối,…). Lễ hội thu hút đông đảo khách tham quan, tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa dân gian, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, góp phần củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Một số định hướng gắn kết hoạt động văn hóa với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân Thủ đô về vị trí, vai trò của văn hóa và sáng tạo trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa Thủ đô xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến, trở thành nền tảng tinh thần, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống và hoạt động xã hội trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội. Nâng cao nhận thức của nhân dân Thủ đô về Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, tăng cường liên kết Hà Nội với các thành phố sáng tạo UNESCO trong khu vực và thế giới.
Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 112/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 29-5-2017, về “Thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cải cách thể chế, tập trung xây dựng hạ tầng và nền tảng thiết kế sáng tạo. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện các chương trình hành động trung và dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Hà Nội nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, khai thác hiệu quả năng lực sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của văn hóa và sáng tạo trong đời sống, gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa Thủ đô.
Ba là, gắn kết giữa xây dựng các giá trị văn hóa ở mỗi cá nhân, gia đình với xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng nhân cách công dân Thủ đô trong giai đoạn mới, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho con người phát triển hài hòa, toàn diện. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng động sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân cao, đáp ứng được những yêu cầu của một xã hội văn minh, hiện đại.
Bốn là, đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phát huy sự đa dạng, bản sắc độc đáo của các tiểu vùng văn hóa trong mối quan hệ thống nhất trong đa dạng; tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa Thủ đô, biến những tiềm lực văn hóa thành sức mạnh nội sinh góp phần phát triển toàn diện Hà Nội.
Năm là, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm phát huy và khai thác năng lực, tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, tính sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ thành phố đến cơ sở; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa - nghệ thuật chất lượng cao, phản ánh được cuộc sống chân thực và sôi động của Thủ đô, xứng tầm với vị thế của trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước. Nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa các vùng của Hà Nội, đặc biệt chú ý đến các xã miền núi (huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ…), phấn đấu xây dựng các câu lạc bộ, các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Sáu là, tăng cường đầu tư kinh phí ngân sách thành phố kết hợp với mở rộng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững, tăng cường mở rộng và đa dạng hóa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, hình thành các doanh nghiệp văn hóa, xây dựng ngành công nghiệp giải trí; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, gắn kết du lịch, dịch vụ với văn hóa; tạo điều kiện để Hà Nội trở thành một trong những địa phương phát triển các ngành dịch vụ văn hóa.
Bảy là, tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn Hà Nội gắn với các hoạt động liên kết, quảng bá, thu hút khách du lịch, nhất là các lễ hội quy mô lớn, đón nhiều du khách hằng năm, như hội gò Đống Đa, hội Cổ Loa, hội Gióng, hội đền Sóc, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương... Chú trọng khai thác lợi thế văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội, phát triển các trung tâm ẩm thực; tổ chức lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội định kỳ... Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; góp phần điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử, gìn giữ nét văn hóa Hà Nội, phát huy truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, phát huy hình ảnh Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Tám là, lồng ghép yếu tố sáng tạo vào các chiến lược phát triển, chương trình hành động của Thủ đô. Xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch cụ thể định hướng cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó nhấn mạnh vào các hoạt động sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách (ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế…), tạo hành lang pháp lý và huy động nguồn lực, tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo, góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng của Hà Nội, định vị thương hiệu của Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế./.
Thành phố Hà Nội: Thúc đẩy các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa  (23/09/2021)
Hà Nội: Hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế  (10/09/2021)
Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam hiện nay  (03/07/2021)
Lưới an sinh xã hội hướng tới nền kinh tế vì con người ở Việt Nam  (21/06/2021)
Quan điểm của Đảng về phát huy nguồn lực văn hóa  (21/05/2021)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay