Hà Nội chủ động xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu
TCCS - Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thành phố Hà Nội đã trở thành một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Nhằm phát triển nông thôn bền vững, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, song song với xây dựng các xã nông thôn mới, thành phố còn chủ động chỉ đạo xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đồng bộ và toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh việc xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, nội dung này được Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng thành chương trình công tác lớn, trọng tâm của toàn khóa là Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 26-4-2016, về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, đồng thời lãnh đạo thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình này (gọi là Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU). Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới. Hội đồng nhân dân các cấp ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án để chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới có nhiều cách làm hay, có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra…
Hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ từ thành phố đến cấp cơ sở và hoạt động ngày càng đạt hiệu quả, chất lượng. Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là cấp cơ sở được triển khai thực hiện nghiêm túc với phương châm “dắt tay, chỉ việc”. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cũng được tập trung thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên và người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ chỗ coi xây dựng nông thôn mới là một dự án của Nhà nước, đến từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và tích cực, chủ động tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương bằng những hoạt động cụ thể và thiết thực, như phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, hiến đất, góp kinh phí, công sức xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương…
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác xây dựng nông thôn mới đã huy động và phát huy được vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đây cũng chính là tiền đề để thành phố tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở đó, ngày 20-8-2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4212/QĐ-UBND, “Về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020”, với 19 tiêu chí. Đây là căn cứ để ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và phát động phong trào thi đua xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Các tiêu chí được xác định bao gồm: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo; lao động có việc làm; tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng, an ninh - hành chính công. Không chỉ xác định rõ các tiêu chí, vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành của thành phố trong việc phối hợp với ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao cũng được quy định một cách cụ thể và tương đối chặt chẽ. Thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành của thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương trong theo dõi, đánh giá các tiêu chí nâng cao của xã trên địa bàn từng huyện, thị xã; gửi báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố hằng quý, hằng năm.
Những kết quả nổi bật
Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số xã về đích nông thôn mới nhiều nhất cả nước. Tính đến tháng 10-2020, thành phố có 7 huyện, thị xã (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây) và 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 92,9%). Bên cạnh đó, thành phố cũng có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với nhiều điểm nhấn đặc sắc (như 3 xã ở huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung có điểm nhấn được đúc rút là “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận…”). Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới, có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 14 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn thành phố sẽ có 368/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang; kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện… là những minh chứng rõ nét cho những kết quả thành công trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 0,69%; các sản phẩm của “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” dần khẳng định được thương hiệu. Kinh tế trang trại có nhiều tín hiệu khởi sắc, với hơn 3.000 trang trại, bao gồm trang trại chăn nuôi, trang trại nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp, trang trại trồng trọt…, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ở nhiều trang trại, ngoài tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp còn kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm… Thành phố cũng xây dựng được hàng trăm mô hình về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, với nhiều nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ, như gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê…
Hiện nay, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và phát triển nông thôn bền vững, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thành phố đang tập trung triển khai đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thành ủy Hà Nội đã giao Hội Nữ tri thức Hà Nội chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các huyện Đan Phượng, Thường Tín xây dựng đề án thí điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Mục tiêu của Đề án là phát triển nông thôn Thủ đô bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo đảm môi trường sinh thái trong lành, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng làng quê, bảo đảm an ninh, trật tự, từng bước nâng cao quản trị nông thôn… Xã nông thôn mới kiểu mẫu phải bảo đảm 4 tiêu chí theo Quyết định số 691/QĐ-TTg, ngày 5-6-2018, của Thủ tướng Chính phủ, về “Ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020”, và 7 tiêu chí theo Quyết định số 3745/QĐ-UBND, ngày 11-7-2019, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về “Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực môi trường, an ninh, trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020”. Ngoài ra, Đề án còn tập trung làm rõ các điều kiện khó khăn, thuận lợi của từng xã, đặc biệt là các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, môi trường, quản trị nông thôn để đề ra các giải pháp xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, tùy từng địa phương mà có thể có những mô hình khác nhau, tuy nhiên, mục tiêu cốt lõi vẫn phải là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn.
Trong thời gian tới, xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định: “Đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố”. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn chính là việc làm thiết thực và hiệu quả để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Theo đó, hành trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu ở thành phố Hà Nội vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Đây là một quá trình liên tục, không hề dễ dàng và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ của hệ thống chính trị các cấp và toàn thể người dân Thủ đô, với những giải pháp đồng bộ và toàn diện để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng thành công các xã nông thôn mới kiểu mẫu./.
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội  (14/10/2020)
Khai trương Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội  (09/10/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam