Ra mắt cuốn sách "Cách mạng Tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX"
TCCS - Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2020), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã trân trọng giới thiệu đến đông đảo độc giả tác phẩm: "Cách mạng tháng Tám 1945 - thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX", của tác giả GS, TS, NGND. Trịnh Nhu và PGS, TS. Trần Trọng Thơ.
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã làm nên một kỳ tích của dân tộc trong thế kỷ XX: Tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, lật đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, đánh đổ chế độ quân chủ lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất của đất nước; thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á với chính thể cộng hòa dân chủ, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lần đầu tiên lên vị trí người làm chủ đất nước.
Là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong thế kỷ XX, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc như một trang vàng vẻ vang. Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được Đảng ta, nhân dân ta phát huy và trải qua 75 năm kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bằng những thành tựu rất quan trọng của sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới mà Đảng, nhân dân ta đã và đang tiến hành.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan gông xiềng nô dịch dân tộc, giải phóng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân khỏi ách nô lệ, cứu giống nòi Việt Nam khỏi hiểm họa tàn lụi vì đói khổ, vì sự đầu độc và chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân, phát xít. Cũng từ thắng lợi đó, chế độ cộng hòa dân chủ thiết lập trên đất nước ta, quốc hiệu Việt Nam được khôi phục; những giá trị văn hóa cao đẹp của nước Việt Nam giàu truyền thống văn hiến được giành lại, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, dồi dào xung lực chiến đấu và chiến thắng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khẳng định xu thế phát triển và tạo nên sức bật mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 xác lập và nâng cao vị trí quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh phá bỏ nô dịch dân tộc, xây dựng nền độc lập bền vững gắn kết chặt chẽ với tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, với bình đẳng và tiến bộ xã hội. Do vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng mang tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa sâu sắc, cao đẹp như một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng thuộc địa trên thế giới.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại những di sản vô giá về lý luận và phương pháp cách mạng, hàm chứa những sáng tạo độc đáo trong xây dựng lực lượng cách mạng, cũng như trong nghệ thuật tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa chính trị của toàn dân tộc với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu của nhiều tác giả trong nước và nước ngoài về Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, với tầm vóc, ý nghĩa to lớn, ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng và giá trị lâu bền, Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nhiều dự địa nghiên cứu, chứa đựng nhiều sự kiện cần được tái hiện, những vấn đề lịch sử cần được luận giải thấu đáo, nhiều kinh nghiệm lịch sử cần được đúc kết và vận dụng cho hiện tại và tương lai.
Cuốn sách "Cách mạng tháng Tám 1945 - thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX" tập trung phản ánh và làm sáng rõ hơn một số vấn đề lịch sử trong toàn bộ tiến trình vận động Cách mạng Tháng Tám khởi đầu bằng thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra (tháng 9-1939), Đảng Cộng sản Đông Dương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên, huy động tối đa sức mạnh dân tộc chuẩn bị lực lượng mọi mặt và chớp thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cho đến ngày 2-9-1945"
Tác phẩm gồm 6 chương với những nội dung chính:
Chương 1: Vận mệnh dân tộc nguy vong dưới ách thống trị Pháp - Nhật và chủ trương “thay đổi chiến lược” của Đảng Cộng sản Đông Dương
Chương 2: Khơi dậy và quy tụ các nguồn lực dân tộc phục vụ nhiệm vụ cứu quốc
Chương 3: Đấu tranh chính trị chuyển lên kết hợp với đấu tranh vũ trang
Chương 4: “Kháng Nhật cứu nước”
Chương 5: Toàn quốc Tổng khởi nghĩa “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”
Chương 6: Cách mạng Tháng Tám - sự kiểm nghiệm giá trị lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam - tầm vóc và bài học kinh nghiệm
Bên cạnh việc nhấn mạnh những thành công vô cùng lớn lao của Cách mạng Tháng Tám, cuốn sách cũng phản ánh và luận giải rõ những hạn chế về quan điểm tiến hành cách mạng, về công tác xây dựng Đảng ở một số cấp bộ; chỉ rõ những khuyết điểm trong đấu tranh chống khủng bố và lãnh đạo khởi nghĩa ở một số địa phương.
Đây là một công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết, chất lượng, có nhiều phát hiện mới của tập thể tác giả GS, TS, NGND. Trịnh Nhu và PGS, TS. Trần Trọng Thơ. Cuốn sách càng mang ý nghĩa và giá trị khi ra đời đúng vào dịp kỷ niệm tròn 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2020).
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay