Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga
TCCS - Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nga (1950 - 2020), cũng là năm hai nước đang tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam (2019 - 2020) với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, việc tăng cường, củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhìn nhận về mối quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Nga V. Pu-tin từng khẳng định: “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược”(1). Vậy những điều gì đã làm nên tính chất đặc biệt của quan hệ này khi hai nước xa cách nhau về mặt địa lý và trong những điều kiện phát triển không giống nhau. Rõ ràng, điều này chỉ có thể được lý giải qua các bằng chứng lịch sử, cũng như những thành quả đáng tự hào mà hai đất nước Việt Nam - Nga đã đạt được trong suốt thời gian qua.
Sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả về tinh thần và vật chất
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang bước vào giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, chống thực dân Pháp. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thắng lợi chính trị đó sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này. Tiếp đó, từ những ngày đầu khi đế quốc Mỹ cho không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam vào năm 1965, Liên Xô đã thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát đứng về phía nhân dân Việt Nam: “Không thể thờ ơ trước số phận của nước xã hội chủ nghĩa anh em và sẵn sàng có sự giúp đỡ khi cần thiết”. Và trong suốt những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, Liên Xô trước sau như một ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ đó, đã có hàng chục nghìn cuộc họp, cuộc mít-tinh do Hội hữu nghị Xô - Việt và rất nhiều đoàn thể xã hội khác tổ chức rộng khắp, liên tục với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân Xô-viết để đoàn kết với nhân dân Việt Nam, lên án mạnh mẽ các hành động leo thang, xâm lược của đế quốc Mỹ. Thấm đượm tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, nhân dân Liên Xô tích cực tham gia các đợt vận động, quyên góp thuốc men, quần áo,... để giúp nhân dân Việt Nam đang chiến đấu anh dũng. Chỉ riêng năm 1970, trong tháng hữu nghị kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã có hơn 25 nghìn hoạt động chính trị - xã hội được triển khai rộng khắp trên toàn Liên Xô. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Về mặt vật chất, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô đã viện trợ vũ khí góp phần quan trọng giúp Quân đội nhân dân Việt Nam giành chiến thắng quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954. Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam, Chính phủ Liên Xô công khai viện trợ nhiều mặt cho Việt Nam.
Xuất phát từ “mệnh lệnh trái tim”, hàng nghìn kỹ sư, cán bộ Liên Xô không quản gian nan và hiểm nguy, “đồng cam cộng khổ”, giúp Việt Nam xây dựng cuộc sống mới, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Hàng trăm công trình công nghiệp, nhà máy, cầu cống, hầm mỏ, công trình văn hóa được khôi phục hoặc xây dựng mới đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của miền Bắc Việt Nam và của cả nước sau năm 1975. Đầu tháng 7-1973, Liên Xô đã thông qua quyết định tất cả các khoản tín dụng cho Việt Nam vay trong những năm trước đó nhằm phát triển kinh tế là viện trợ không hoàn lại. Trong hoàn cảnh đất nước bị tàn phá nặng nề lúc bấy giờ, đây là những quyết định rất quan trọng, góp phần to lớn giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục nền kinh tế miền Bắc sau chiến tranh, có điều kiện vũ khí - vật chất để phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, từ những năm 50 của thế kỷ XX, Liên Xô đã tiếp nhận và giúp đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Hàng chục nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh đã được Liên Xô cấp học bổng theo học bậc đại học và sau đại học tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín của Liên Xô; hàng trăm nghìn người Việt Nam đã lao động, nâng cao tay nghề ở các nhà máy, xí nghiệp của Liên Xô. Chính nhờ sự giúp đỡ hiệu quả của Liên Xô đã góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư, bác sỹ, công nhân có tay nghề cao. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cũng thời gian đó, nhiều chuyên gia kinh tế và kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Liên Xô đã sang công tác tại Việt Nam không chỉ giúp nhân dân Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế, mà còn hỗ trợ đào tạo tại chỗ hàng nghìn công nhân các ngành, nghề khác nhau.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đã có, ngày nay, Nga tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam về nhiều mặt trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trên cơ sở Hiệp định hợp tác giáo dục giữa hai Chính phủ được ký vào tháng 6-2005 và đặc biệt là Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ được ký kết vào tháng 11-2014, phía Nga đã tăng dần số lượng học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Nga hằng năm. Năm học 2019, Chính phủ Nga đã cấp gần 1.000 suất học bổng cho Việt Nam để gửi sinh viên học tập theo các ngành, nghề thuộc nhiều cấp độ từ thực tập ngắn hạn, dài hạn, đào tạo đại học và sau đại học. Hiện nay, có hơn 5.000 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường uy tín hàng đầu của Nga.
Trong lĩnh vực khoa học, hai nước thúc đẩy triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam do Chính phủ Nga tài trợ và đồng thời, tiếp tục hợp tác trong việc xây mới, hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.
Độ tin cậy chính trị cao
Trước hết, sự tin cậy chính trị xuất phát từ sự tương đồng ý thức hệ từ khi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với nước Nga và tìm thấy “... chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” và xác định đây là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chính nhờ sự truyền bá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà nhân dân Việt Nam, trước hết là các nhà trí thức cách mạng, hiểu rõ hơn về nhân dân Xô-viết, về sự vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, từ đó biết và thêm yêu mến nước Nga. Chính chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng, sợi chỉ đỏ kết nối hai đất nước Việt Nam - Liên Xô ngày càng thêm khăng khít.
Ngay từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, với tầm nhìn xa trông rộng và uy tín to lớn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động không mệt mỏi để gây dựng, phát triển, củng cố quan hệ hữu nghị với Liên Xô. Người đã có nhiều chuyến thăm đến quê hương của V. I. Lê-nin, có quan hệ đồng chí gần gũi với các nhà lãnh đạo Liên Xô và với tình cảm chân thành, phong cách giản dị làm cho nước bạn thêm yêu quý Người và nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh việc Việt Nam nêu cao phương châm “muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và đã có những bước tiến trong việc cải thiện, phát triển quan hệ với các nước thì đồng thời, mối quan hệ với Nga vẫn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong tổng thể các quan hệ quốc tế của Việt Nam. Điều này xuất phát từ niềm tin chiến lược và tôn trọng lẫn nhau, “xuất phát từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về mọi mặt trên tinh thần anh em, từ tình hữu nghị và đoàn kết không gì lay chuyển được giữa hai nước”, từ “mong muốn tiếp tục phát triển và hoàn thiện sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước...”(2). Do đó, mặc dù có sự thay đổi ở Liên Xô, nhưng việc duy trì quan hệ với Nga và các nước khác từng là thành viên của Liên Xô vẫn tiếp tục được giữ vững, tăng cường, đáp ứng lợi ích nhiều mặt của cả hai bên. Điều này giúp quan hệ Việt Nam - Nga vượt qua những thử thách, khó khăn vào những thời điểm có tính bước ngoặt để đi đến những quyết định đúng đắn và phát triển quan hệ hợp tác như hiện nay.
Trong điều kiện mới, trên cơ sở Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga năm 1994, quan hệ hai nước Việt Nam - Nga đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2001, nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7-2012. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam”(3). Từ đó, Việt Nam tiếp tục duy trì và tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc thường xuyên trên tất cả các kênh, nhất là cấp cao, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và có độ tin cậy rất cao. Đây chính là nền tảng vững chắc tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững, năng động về mọi mặt giữa Việt Nam và Nga hiện nay.
Chính nhờ quan hệ chính trị có độ tin cậy cao nên hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng - an ninh và kỹ thuật quân sự; xác định lĩnh vực này là trụ cột trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Quan hệ quốc phòng - an ninh giữa hai nước được thúc đẩy hiệu quả trên cơ sở thực hiện các thỏa thuận được ký kết. Nhiều cơ chế hợp tác, như trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ; hợp tác quân binh chủng, kỹ thuật quân sự, hợp tác tại các cơ chế, diễn đàn đa phương về quốc phòng, an ninh, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới, như chính trị quân sự, quân y, hội thao quân sự quốc tế, khắc phục hậu quả chiến tranh càng làm phong phú và sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, hợp tác quốc phòng, an ninh Việt Nam - Nga, như hai bên nhiều lần nhấn mạnh, là nhân tố quan trọng đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước, cũng như duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Sự gần gũi, tương đồng về lịch sử, văn hóa
Đặc điểm nổi bật nữa trong quan hệ giữa Việt Nam - Nga là sự gần gũi, tương đồng về lịch sử, văn hóa, tính cách của người dân hai đất nước. Cũng như nhân dân Việt Nam, nhân dân Nga đều phải trải qua những cuộс chiến tranh tàn khốc với những hy sinh, mất mát to lớn để bảo vệ Tổ quốc. Người dân hai nước chia sẻ những giá trị chung, như lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh quật cường chống ngoại xâm, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và lòng nhân ái sâu sắc.
Với đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” hun đúc qua suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên công ơn, sự giúp đỡ hiệu quả, to lớn của nhân dân Liên Xô trước đây. Hiếm có một đất nước nào có được tình cảm sâu đậm trong lòng người Việt Nam như nước Nga. Tình cảm đó xuất phát không chỉ từ sự ủng hộ, hợp tác chính trị và kinh tế mà Nga đã dành cho Việt Nam, mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn, tình cảm giữa nhân dân, thể hiện qua sự giao lưu, kết nối về văn hóa. Nền văn hóa Nga rực rỡ và huy hoàng đã được truyền bá vào Việt Nam. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn, như Đô-xtôi-ép-xki, Pu-skin, Sê-khốp, Lép Tôn-xtôi, Mác-xim Goóc-ki, Sô-lô-khốp, Mai-a-cốp-xki… hết sức quen thuộc đối với người Việt Nam. Nga cũng giúp Việt Nam xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật, như múa ba-lê, nhạc kịch, xiếc. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam cũng ngày càng được công chúng Nga biết đến thông qua các chương trình giao lưu nghệ thuật hằng năm, các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nga và những Tuần lễ văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Nga hằng năm.
Tình cảm yêu mến đất nước và con người Nga còn được thể hiện đậm nét trong tâm trí của hàng chục nghìn sinh viên, cán bộ Việt Nam từng được đào tạo tại Liên Xô. Chính những người Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu tại Liên Xô và Nga luôn là những nhân tố tích cực trong việc triển khai các hoạt động hữu nghị gắn bó giữa hai đất nước, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn hằng năm của nhân dân Nga, như ngày Chiến thắng phát-xít Đức, ngày Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, và nhiều ngày lễ quan trọng khác. Bên cạnh đó, trên đất nước Việt Nam vẫn còn đó những công trình kinh tế, văn hóa do Liên Xô xây dựng như là những minh chứng hùng hồn về sự hợp tác hiệu quả giữa hai đất nước.
Theo chiều ngược lại, nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga luôn dành những tình cảm quý mến, kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Trên nước Nga giàu đẹp ngày nay có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ba địa điểm nổi bật: Ở Mát-xcơ-va, được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (19-5-1990); tại thành phố U-li-a-nốp vào năm 2017; và gần đây, tượng đài của Người lại được khánh thành ở thành phố Vla-đi-vốt-xtốc vào tháng 7-2019 nhân kỷ niệm 25 năm Ngày ký Hiệp định về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ Việt Nam - Nga. Đây là những minh chứng hùng hồn, sống động cho mối quan hệ hữu nghị và tình cảm thân thiết của nước Nga dành cho nhân dân Việt Nam và vị lãnh tụ kính yêu của mình.
Hợp tác cùng có lợi trong thời đại mới
Bước phát triển mới trong quan hệ hiện nay giữa hai nước chính là sự bổ sung cho nhau và quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi. Cùng với nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, Điều 1 của Hiệp ước năm 1994 ghi rõ “nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và các quy tắc công pháp quốc tế khác được thừa nhận rộng rãi và sẽ tạo ra những cơ chế đối thoại thích ứng với điều đó”. Đây chính là nền tảng, khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ Việt Nam - Nga căn cứ vào thực tiễn phát triển của mỗi nước cũng như từ các yếu tố khách quan của tình hình thế giới hiện nay.
Đối với Nga, bắt nguồn từ vai trò, vị thế của Nga trong Liên bang Xô-viết, từ những căn nguyên lịch sử, truyền thống và văn hóa chính trị, Nga kế thừa những giá trị ưu việt vốn có của Liên Xô, trong đó có những giá trị trong quan hệ với Việt Nam. Hơn nữa, với vai trò, vị thế của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế nhờ những thành tựu của công cuộc Đổi mới mà việc Nga mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hợp tác truyền thống với Việt Nam cũng là nhu cầu khách quan và phù hợp với lợi ích của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, Việt Nam hoan nghênh “chính sách hướng Đông” của Nga, luôn mong muốn nước Nga với vị thế và năng lực của mình, phát huy hơn nữa vai trò quan trọng ở khu vực này, tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Hiệp định có hiệu lực từ năm 2016 đã mang lại động lực mới cho trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam với Nga nói riêng và với các nước trong liên minh nói chung. Với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa hai bên, Hiệp định góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực. Từ khi FTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga luôn tăng trưởng gần 30%, vượt mốc 5 tỷ USD, mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Hiện nay, Nga có 123 dự án (ngoài dầu khí) đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1 tỷ USD. Việt Nam có hơn 20 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn gần 3 tỷ USD(4).
Với năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga, như Gazprom, Rosneft và Zarubezhneft tiếp tục hợp tác, không ngừng mở rộng, tham gia nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí mới tại thềm lục địa của Việt Nam. Tại Nga, Liên doanh dầu khí Rusvietpetro từ năm 2010 đã bắt đầu khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nenets, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp dầu khí giữa hai nước vẫn kiên quyết phối hợp, tiếp tục triển khai hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông. Điều này càng khẳng định đây là một trong những trụ cột chính trong quan hệ đối tác chiến lược, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.
Hợp tác văn hóa Việt Nam - Nga tiếp tục giữ vai trò là cầu nối gắn kết hai nước. Các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên ở mỗi nước, nhất là trong Năm chéo Việt Nam - Nga với hàng trăm hoạt động kéo dài trong hai năm 2019 - 2020, thực sự tạo động lực mới cho việc tăng cường hiểu biết, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đồng thời, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam và Nga tích cực phát triển quan hệ hợp tác, tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên.
Trong hợp tác du lịch, Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách Nga. Người dân Việt Nam luôn có thiện cảm tốt với đất nước Nga nên du khách Nga luôn được nồng nhiệt chào đón ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Từ chỗ chỉ đón 340.000 lượt khách vào năm 2015, số lượng du khách Nga đến Việt Nam đã tăng lên hơn 600.000 lượt người vào năm 2018 và gần 650.000 lượt người vào năm 2019. Thông qua hợp tác du lịch, người dân hai nước có thêm điều kiện hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, thưởng thức ẩm thực của nhau.
Thời gian qua, những hoạt động ngoại giao, giao lưu nhân dân Việt Nam - Nga đã làm bền chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Bên cạnh đó, đông đảo cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Nga chính là nhịp cầu hữu nghị để kết nối, tăng cường quan hệ với chính quyền và người dân sở tại. Bên cạnh đó, đông đảo đội ngũ cựu chuyên gia Xô-viết, các nhà Việt Nam học, phương Đông học am hiểu tình hình Việt Nam và có tình cảm đối với Việt Nam cũng chính là những thành tố quan trọng để tăng cường hiểu biết và hợp tác Việt Nam - Nga về mọi mặt.
Phối hợp tại các diễn đàn quốc tế
Do hoàn cảnh lịch sử khách quan, ngay từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với Liên Xô để cùng nhau triển khai các hoạt động đối ngoại. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chính quyền cách mạng non trẻ là phá vỡ thế bao vây, cô lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhờ ảnh hưởng của sự kiện Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu đã lần lượt công nhận Chính phủ Việt Nam, khơi thông sự hậu thuẫn to lớn về nhiều mặt. Từ đó, trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam và Liên Xô luôn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của dư luận và cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, tại các vòng đàm phán đấu trí cam go ở Hội nghị Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954, đến Hội nghị Pa-ri về hòa bình ở Việt Nam năm 1973, các đoàn đại biểu của hai nước đã phối hợp hiệu quả, kiên trì đấu tranh trên bàn đàm phán, giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
Trong thời kỳ đất nước Việt Nam thống nhất, tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác là chủ đạo thì tình hình khu vực và trên thế giới vẫn còn nhiều biến động, căng thẳng, xung đột. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đầu tầu tăng trưởng của thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Do đó, việc tăng cường và phối hợp lẫn nhau giữa Việt Nam - Nga tại các diễn đàn khu vực và quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giữ gìn và bảo vệ môi trường hòa bình vì sự nghiệp phát triển ở mỗi nước, góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, yếu tố rất quan trọng là hai nước có quan điểm tương đồng về hầu hết các vấn đề quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng và phát huy vai trò của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Việc ủng hộ và phối hợp lẫn nhau trên trường quốc tế kế thừa từ thời Liên Xô được thực hiện thông qua nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả. Đó là trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao; tham vấn định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao, đối thoại chiến lược quốc phòng. Thông qua các cơ chế hợp tác này, hai bên trao đổi thẳng thắn, thực chất và nhất trí các biện pháp cùng phối hợp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả phù hợp với tính chất, đặc điểm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Gần đây nhất, hai bên đã nhất trí ủng hộ, phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Nhìn lại chặng đường vẻ vang 70 năm quan hệ Việt Nam - Nga cho thấy, mối quan hệ giữa hai nước luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử. Dù thời thế đổi thay, song sự giúp đỡ hiệu quả, sự tin cậy chính trị cao, lịch sử tương đồng và nền văn hóa nhiều bản sắc gần gũi giữa hai nước, sự hợp tác cùng có lợi và phối hợp lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế chính là những yếu tố quan trọng, gắn kết và tương hỗ lẫn nhau, tạo nên bức tranh tổng thể của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Nga. Đây là hành trang để hai nước bước vào thiên niên kỷ thứ ba, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới./.
------------------------------
(1) Источник: сайт “Президент России” 12 ноября 2013 года, nguồn: Cổng thông tin “Tổng thống Nga” ngày 12-11-2013, https://trueinform.ru/modules.php?name=News&sid=21688
(2) Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội; Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1983, tr. 580 - 581
(3) “Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga sẽ tiếp tục phát triển”, http://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-lb-nga-se-tiep-tuc-phat-trien-544718.html, ngày 11-12-2019
(4) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-10-29/quan-he-kinh-te-viet-nam-nga-trong-trach-day-manh-hop-tac-thuoc-ve-doanh-nghiep-78265.aspx
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm