Giới và vấn đề phát triển ở các nước Đông-Nam Á - nhìn từ góc độ văn hóa
1. ... Từ những nhận thức về phát triển
Ngày nay, xu thế chung của thế giới, dù nước lớn hay nước nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều tập trung mọi nguồn lực quốc gia để nâng cao chất lượng sống, đảm bảo cho sự phát triển an sinh bền vững. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp vì quá chú ý đến vật chất kỹ thuật người ta đã không huy động được những giá trị văn hóa để làm nền tảng tinh thần, làm động lực và hệ điều tiết cho sự phát triển, nên đã dẫn tới tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng và làm xói mòn những giá trị văn hóa lâu đời. Sự xuất hiện chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa thực dụng cao độ trong đời sống xã hội đã dẫn đến sự khô cằn về tình cảm, đạo đức thẩm mĩ, làm băng hoại nhân phẩm con người. Vì vậy, UNESCO đã đưa ra những lời kêu gọi và nhấn mạnh: Văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau... các trọng tâm, các động cơ và mục đích của sự phát triển phải tìm trong văn hóa... phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ vị trí trung tâm, có vai trò điều tiết xã hội...
Thế giới đã chuyển sang bước ngoặt mới: Từ đối đầu chạy đua vũ trang sang đối thoại cùng tồn tại hòa bình, từ chiến lược phát triển châu Âu - Đại tây dương sang châu Á - Thái Bình Dương... nhân loại đang cổ vũ cho xu hướng hội nhập Đông - Tây (mặc dù nhân loại còn phải đối đầu với chủ nghĩa khủng bố và đối xử bất bình đẳng...). Một yêu cầu đặt ra là cả phương Đông lẫn phương Tây cần có sự hiểu biết về nhau sâu sắc trên tất cả mọi phương diện với tinh thần khoan dung để tìm ra những giải pháp có lý có tình, có hiệu quả, trong đó có vấn đề giới và phát triển.
Điểm chung nhất giữa phương Đông và phương Tây trong văn hóa chính là tính nhân bản. Họ đều là con người và văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra theo quy luật của cái đẹp. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây được quyết định bởi quan niệm về con người. Phương Tây, dưới ảnh hưởng của tư tưởng Cơ đốc giáo, coi con người là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của Chúa nên được xem là trung tâm của vũ trụ. Phương Đông, gắn liền với thiên nhiên theo triết lý “nhân sinh tiểu vũ trụ”, coi con người là một thành viên của vũ trụ. Để minh chứng, chúng tôi giới thiệu một lược đồ về sự tương đồng và khác biệt giữa phương Đông và phương Tây.
Phương Đông Thành viên của vũ trụ |
Con người |
Phương Tây Trung tâm của vũ trụ |
Tự nhiên |
||
- Hài hòa với tự nhiên - Kém khoa học kỹ thuật |
Thích nghi Cải tạo |
- Phát triển khoa học kỹ thuật - Mất cân bằng môi trường |
Xã hội |
||
Cộng đồng luận - Cộng đồng hài hòa - Kém giải phóng cá nhân |
Cộng đồng cá nhân |
Cá nhân luận - Giải phóng cá nhân - Cộng đồng lỏng lẻo |
Tư duy |
||
- Biện chứng nguyên hợp - Thiếu khoa học |
Tổng hợp Phân tích |
- Duy lý khoa học - Cơ giới |
Lối sống |
||
- Tình cảm - Nghèo |
Tinh thần Vật chất |
- Kinh tế, giàu có - Xem nhẹ tinh thần |
Qua lược đồ, chúng ta có thể rút ra mấy nhận xét sau:
Là con người, phương Đông hay phương Tây đều có cách ứng xử, và tùy theo sự lựa chọn mà mỗi nền văn hóa nghiêng về phía nào đó nên có những mặt mạnh và mặt yếu khác nhau, nhưng không có nền văn hóa nào có thể tự xem là hoàn hảo, là cao hơn nền văn hóa khác.
So sánh hai cách ứng xử trước những vấn đề cơ bản, cho ta một sự tương ứng: Cái gì phương Tây mạnh thì phương Đông yếu, cái gì phương Đông mạnh thì phương Tây bất cập. Trong xu thế hội nhập, hai nền văn hóa có thể bổ sung cho nhau (chứ không loại trừ nhau).
Hội nhập phải đi theo phương châm: Mỗi bên giữ lấy cái bản thể của mình để tiếp nhận cái tinh hoa của người khác và phải có thái độ khoan dung, chấp nhận cái khác mình nơi người khác, để người khác chấp nhận cái khác họ nơi mình. Nhân loại sống trong hòa bình, hữu nghị và tôn trọng sự khác biệt.
Đối với các nước Đông Nam Á, muốn phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến thì không có con đường nào khác là phải sử dụng tối ưu phép lợi thế của người đi sau. Lợi thế của người đi sau chính là chỗ được phép lựa chọn những giải pháp tối ưu, khả thi, kết hợp một cách thông minh, khôn ngoan giữa những nhân tố tiên tiến nhất của thời đại với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây dựng mô hình phát triển phù hợp, cân đối, bền vững.
Lợi thế của người đi sau là được phép lựa chọn những mặt mạnh vốn được xem là bản thể văn hóa phương Đông (ứng xử cân bằng giữa con người với tự nhiên và xã hội - chưa bị nền văn minh công nghiệp tàn phá) để trên cơ sở đó ứng dụng những thành tựu của văn hóa phương Tây (cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và nền dân chủ hiện đại) sao cho cân bằng hài hòa, tránh được những hạn chế của mỗi nền văn hóa và đi vào dòng thác phát triển của thế giới với một mô hình vừa dân tộc vừa hiện đại.
2. ... Đến Giới và phát triển ở các nước Đông Nam Á
Ai cũng biết thế giới này sẽ là hư ảo nếu không có Êva. Nhà văn Mác-xim Goóc-ky từng nói: Không có mặt trời thì hoa không nở, không có bà mẹ thì không có cả những nhà thơ và những người anh hùng.
Nếu xét con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội thì quan hệ xã hội cơ bản nhất là quan hệ giữa nam và nữ. Ngay từ thời hồng hoang, người vượn nguyên thuỷ chuyển sang người văn minh - con người đã phải tự kiềm chế tính giao từ tạp hôn, quần hôn để đi đến hôn nhân cá thể... Để làm việc đó, hầu như tất cả những thiết chế xã hội nguyên thuỷ đều hướng vào một mục đích là chống loạn luân. Đó là cái cửa ải đầu tiên mà con người phải đối mặt với cái nghịch lý vĩ đại mà tạo hoá đã bày đặt ra để thách đố con người; nghịch lý giữa cái CON và NGƯỜI trong con người. Vì là CON cho nên con người chỉ là hữu hạn, là tham lam trần tục, nhưng là NGƯỜI con người lại muốn trở thành vô hạn và thánh thiện. Cái nghịch lý ấy nằm trong anh, trong tôi và có mặt trong mọi nơi, mọi lúc kể cả nơi mà không ai biết được - trong suy nghĩ thầm kín của anh, và, ranh giới giữa chúng mong manh như một sợi tóc.
Chính vì thế mà gia đình trở thành đơn vị xã hội đầu tiên của loài người. Nó là kết quả của quá trình thiết chế quan hệ tính giao nam nữ - và được xem là tế bào của xã hội. Rồi từ đó mở ra những cộng đồng tộc người lớn hơn (cộng đồng làng, nước...). Vì thế gia đình là mầm sống của sự phát triển xã hội, và phụ nữ là thành viên không thể thiếu trong sự phát triển đó.
Đông Nam Á được xác định là một khu vực văn hóa lúa nước với một phức thể gồm 3 yếu tố: Văn hóa núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển, yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo. Lịch sử ở đây đã diễn ra những quá trình hội tụ - phát tán dẫn đến những phức thể văn hóa chung cho toàn vùng, bước hội tụ sau cao hơn bước hội tụ trước, đồng thời cũng để lại nhiều sắc thái khác nhau có tính dân tộc hoặc mang dấu ấn địa phương. Một đặc trưng nổi bật của văn hóa Đông Nam Á là “Thống nhất trong đa dạng” và quá trình hội tụ bắt nguồn từ nhiều trung tâm khác nhau cho nên chúng không mang tính đơn tuyến trong sự biệt lập mà là đa tuyến trong sự tiếp xúc đan xen nhiều chiều, tạo nên những đường đồng quy, những cấu trúc văn hóa - tộc người đa thành phần được vận hành theo những cơ chế linh hoạt mà đồng nhất. Kết quả là tính đa dạng ngày càng được mở rộng trong không gian, tính đồng nhất được tiềm ẩn trong thời gian và sự tác động qua lại giữa chúng tạo thành một cơ chế tổng hợp quy định sự phát triển của mỗi nước và của toàn khu vực.
Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể nhận diện vấn đề giới và vai trò của người phụ nữ Đông Nam Á. Căn cứ vào những dấu vết được bảo lưu trong các xã hội của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, chúng ta có thể nhìn thấy, hình thức gia đình lớn thuộc chế độ mẫu hệ tương ứng với thời kỳ tiền cốc loại làm rẫy ở vùng núi hay cao nguyên trong các công xã thị tộc. Khi chuyển sang làm lúa nước ở các vùng thung lũng và đồng bằng, gia đình lớn bị vỡ vụn ra thành gia đình hạt nhân, xã hội từ công xã thị tộc chuyển sang công xã nông thôn. Gia đình được xem là tế bào xã hội, một đại lượng văn hóa nhỏ nhất. Mặc dù đã chuyển sang chế độ phụ hệ, nhưng vai trò của người phụ nữ Đông Nam Á còn rất lớn và được củng cố bởi chế độ tiểu nông. Tuy vậy, việc phân chia thị tộc theo hai tử hệ cơ bản: Con theo dòng mẹ và con theo dòng cha cũng chỉ là tương đối. Hiện nay, ở In-đô-nê-xi-a có nhiều bộ tộc theo phụ hệ, nhưng còn nhiều bộ tộc vừa mẫu hệ vừa phụ hệ hoặc tàn dư mẫu hệ. Việt Nam có dân tộc Chàm, Êđê..., vẫn sống theo chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ là bà chủ ngự trị trong gia đình: hỏi chồng, cưới chồng, con theo mẹ và thuộc gia đình vợ. Người chồng chỉ là chồng khi sống ở gia đình vợ, khi chết nhà vợ trả anh ta về với tổ tiên bên mẹ. Người Bru, Vân Kiều, Xổ, Khùa (nhóm Môn ở Việt Nam và Lào) còn giữ chế độ hôn nhân liên thị tộc.
Người phụ nữ Đông Nam Á được đề cao vì ngoài cái thiên chức “sinh con đẻ cái”, họ lao động không kém gì đàn ông trên ruộng lúa. Họ còn làm những công việc buôn bán, tiểu thương và là “tay hòm chìa khóa”; trong nhà họ là “nội tướng” lo toan đủ điều kể cả việc chăm lo thuốc thang và chăm lo đời sống tâm linh, thờ cúng tổ tiên, thờ thần lúa... Vì thế người Việt nói “phúc đức tại mẫu”. Từ “cái” trong “con dại cái mang” còn được dùng để gọi cái gì là lớn như sông cái, đường cái, trống cái... Mặc dù phận gái, nhưng phụ nữ Đông Nam Á đều tham gia bảo vệ đất nước “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và mỗi quốc gia dân tộc đều có những nữ anh hùng. Vì vậy, ở Đông Nam Á có tục thờ Mẹ. Người Việt có “đạo mẫu”, người Chàm thờ “thần mẹ xứ sở”,... ở miền Bắc Việt Nam hầu như các chùa đều có cấu trúc “Tiền Phật, hậu Thánh” mà đa phần là Thánh Mẫu. Ngay đức Phật cũng được “mẫu hóa” thành Phật Bà Quan Âm; rất nhiều tượng Phật thời Lê đều có khuôn mặt nữ. Có nơi như chùa Tiên Sơn (Bắc Ninh) người ta còn hóa thân hai vị Phật và Thánh thành chùa “Quan Âm Thánh Mẫu”...
Người phụ nữ Đông Nam Á có vai trò và địa vị quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội với 3 việc lớn: Sinh con nuôi dạy con cái, lao động sản xuất không kém nam giới, tham gia quản lý cộng đồng. Và nếu như gia đình Việt Nam gắn với cộng đồng xã hội, thì người phụ nữ như là cầu nối của sự gắn bó đó. Người phụ nữ Việt Nam nói:
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”.
Khi các nước Đông Nam Á xây dựng các quốc gia cổ đại họ đã tiếp nhận mô hình văn hóa Hán và văn hóa Ấn Độ. Trên cái nền “trọng nữ” của văn hóa bản địa người ta đã “cấy” lên đó một lớp sơn “trọng nam” của Nho giáo và Phật giáo, và quá trình tiếp biến văn hóa cho ta một độ khúc xạ rất lớn.
Nho giáo ở Trung Quốc là một học thuyết tập trung vào chính trị xã hội tạo nên một thiết chế được xem là những khuôn vàng thước ngọc mà tiêu biểu là hệ thống quan niệm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” với những trật tự “quân, thần, phụ, tử”, “tam cương ngũ thường”... Với phụ nữ thì đó là “tam tòng tứ đức” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công, dung, ngôn, hạnh). Ở Trung Quốc, quan hệ gia đình có xu hướng tập trung vào quan hệ cha - con (còn Việt Nam - quan hệ vợ - chồng). Người phụ nữ Trung Quốc được xem là một con số không “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Theo Nho giáo, họ chỉ có hai việc đẻ con và giữ nhà. Nhưng Nho giáo khi vào Việt Nam thì quan niệm “trọng nam” đã bị khúc xạ bởi truyền thống “trọng nữ” tạo cho phụ nữ một vị trí “hai mặt”: một là, quyền uy trên lý thuyết của người chồng, mặt khác, địa vị bình đẳng trên thực tế của phụ nữ, và họ phải ứng xử hai mặt. Bên ngoài, ai nấy đều lo tôn trọng cụ Khổng, phụ nữ tỏ ra phục tùng đàn ông, đàn ông “ra oai” với đàn bà, nhưng bên trong thì các ông đều “sợ vợ” và suốt trong chiều dài truyền thống “trọng nữ” đã tạo điều kiện cho người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Ở Cam-pu-chia hay Lào, Thái Lan… Phật giáo được xem là quốc giáo, người ta áp đặt một chế độ “trọng nam” trên cái biển “mẫu hệ”. Ấn Độ và Trung Hoa đều “trọng nam” nhưng rất khác nhau. Ấn Độ nghiêng về đời sống tâm linh, đạo Phật chống phân biệt đẳng cấp nên không quá bất bình giữa nam và nữ, tình yêu không bị bó buộc mà mở rộng. Cảnh chùa, hội chùa là những nơi gặp gỡ nam nữ, vui và yêu đương… cho nên độ khúc xạ ở các nước theo đạo Phật đối với phụ nữ mềm mại hơn. Trong gia đình người Lào ít nghe thấy tiếng to giữa vợ chồng và tiếng bố mẹ quát nạt con cái. Họ có một cuộc sống khá hài hòa êm đềm. Tiếp nhận đạo Phật, người Lào không quá say mê với giáo lý, không quá ép mình trong khuôn khổ lễ nghi gò bó, không dùng quyền uy của Đức Phật để biến mình thành vua – thần, không quá mất công để xây dựng những chùa tháp nguy nga… họ tiếp nhận đạo Phật một cách bình dị. Đạo Phật mang lại cho họ những điều khuyên răn hạn chế lòng tham và thói xấu, tu nhân tích đức không phải là để được lên cõi niết bàn mà để thõa mãn lòng thương người, đạo Phật đem lại cho họ cuộc sống có văn hóa, có chữ viết, có lễ hội…
Khi các nước Đông Nam Á tiếp xúc với văn hóa phương Tây, dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, xã hội các nước này dần dần biến đổi thành xã hội kép: xã hội nông dân với nền nông nghiệp cổ truyền, nền văn hóa xóm làng, và xã hội thực dân với nền công nghiệp (dù rất lạc hậu, què quặt) và văn hóa thị dân.
Vấn đề giải phóng phụ nữ, đòi quyền theo cá nhân luận phương Tây được khúc xạ bởi truyền thống trọng nữ mầu sắc nam quyền theo cộng đồng luận Đông Nam Á, đã diễn ra dai dẳng, cho đến tận hôm nay. Ở Việt Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của tờ báo “Nữ giới chung” vào năm 1918 tại Sài Gòn do bà Sương Nguyệt Anh – con gái thứ năm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu làm chủ bút. Lúc đầu, phong trào giải phóng phụ nữ chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, chống lễ giáo phong kiến, vận động “nữ học” để nâng cao địa vị của người phụ nữ. Sau, mở rộng trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị – xã hội (quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động và tự do kết hôn).
Cho đến khi các nước Đông Nam Á giải phóng được đất nước, giành quyền độc lập và tự do, vấn đề giải phóng giới và phát triển mới được đặt ra toàn diện, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò và địa vị của người phụ nữ càng được đề cao. Theo báo cáo “cuộc cách mạng vì sự bình đẳng giới” của UNDP (Cơ quan phát triển của Liên hợp quốc), trên cơ sở nghiên cứu trên 130 nước đã đi đến kết luận: hiện nay không có một xã hội nào trên thế giới trong đó phụ nữ có được cơ hội hoàn toàn bình đẳng với nam giới. Chắc chắn còn lâu dài chúng ta mới thực hiện được điều khẳng định trong hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946: “Phụ nữ bình đẳng với nam giới về mọi phương diện”. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực to lớn như đưa được số lượng phụ nữ chiếm tỷ lệ cân bằng: 52% trong tổng số 40 triệu lao động và chiếm tỷ lệ cao trong ngành giáo dục: 67%, ngành y tế: gần 64%, ngành thương nghiệp dịch vụ: 71%, công nghiệp: 43%, nghiên cứu khoa học: 37% (xưa kia thời phong kiến 1000 năm mới có một tiến sĩ – Nguyễn Thị Duệ). Đến nay, nước ta đã có hàng ngàn phụ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, nhiều phụ nữ có vị trí cao trong lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước. Nhưng hơn ai hết, trong cơn lốc phát triển hiện đại, dường như phụ nữ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất, phải chịu sức ép từ nhiều phía, phải lao động nhiều hơn nam giới, tệ nạn xã hội lan tràn như mại dâm, ma túy, HIV, buôn bán phụ nữ và trẻ em…
Hệ quả nặng nề ràng buộc người phụ nữ bởi ý thức hệ “trọng nam”, xem thường thậm chí đàn áp phụ nữ và bản thân phụ nữ với thiên chức và cơ địa của mình cũng hạn chế sự nỗ lực cầu tiến. Trong đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam giới người ta đưa khẩu hiệu: Cái gì đàn ông làm được thì đàn bà cũng làm được; nhưng người ta không đưa ra định đề ngược lại: cái gì phụ nữ làm được thì đàn ông cũng làm được! Đàn ông làm sao đẻ con! Làm gì có sự bình đẳng nào hoàn toàn tuyệt đối! Thật ra câu chuyện “đôi co” giữa đàn ông và đàn bà là vấn đề muôn thuở và chỉ có thể giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Việc xác lập quyền bình đẳng nam nữ phải được đặt trong chiến lược phát triển nhưng hầu hết các chương trình phát triển kinh tế –xã hội đều chưa tính đến lực lượng phụ nữ, chưa coi phụ nữ là mục tiêu phát triển xã hội và là động lực quan trọng có tầm quyết định của phát triển xã hội, xây dựng tổ ấm gia đình và nhân cách cá nhân. Với Đông Nam Á, muốn giải quyết vấn đề này, nhằm rút ngắn khoảng cách đối với các nước phát triển, phải sử dụng lợi thế của người đi sau.
Lợi thế và vấn đề giải phóng phụ nữ ở đây được tính toán trên các mặt sau:
Thứ nhất, vai trò của người phụ nữ và truyền thống “trọng nữ”. Ở Đông Nam Á là một lợi thế rất lớn vì nó đã ăn sâu, bám rễ trong tình cảm, nhận thức của toàn dân. Xã hội truyền thống còn bảo lưu được môi trường sống khá thuận lợi cho phụ nữ: một gia đình ấm cúng dù còn nghèo, một cộng đồng làng xóm bao dung, một Tổ quốc mà họ rất gắn bó…Tuy đã tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa từ nhiều luồng, nhưng môi trường đó – cũng như môi trường tự nhiên chưa bị nền văn minh công nghiệp tàn phá cho phép người phụ nữ vững tin hơn.
Thứ hai, lợi thế của Đông Nam Á thể hiện ở năng lực và cách ứng xử của phụ nữ trong điều kiện “trọng nữ” ở trình độ văn minh nông nghiệp đã được phát huy khá tích cực, làm cho người phụ nữ Đông Nam Á ý thức được vai trò và bổn phận của mình để đáp ứng một cách hài hòa theo kiểu “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Ngày nay, điều kiện xã hội thuận lợi hơn nhiều và người phụ nữ đang hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, với thiên chức và đặc điểm tâm sinh lý của người phụ nữ, xã hội cần có một cách đánh giá cân bằng hài hòa, không nên để phụ nữ phải làm việc quá giới hạn cho phép; người đàn ông cần phải cố gắng để xứng đáng là trụ cột của gia đình. Việc nâng cao dân trí là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Tại Đông Nam Á, truyền thống hiếu học, cầu tiến bộ của toàn dân, trong đó phụ nữ là chỗ dựa vững chắc cho việc giáo dục đào tạo; phụ nữ đang vươn lên bằng chính trí tuệ của mình, vượt qua những rào cản của các tôn giáo, các quan niệm gò bó của truyền thống để đi vào xã hội trí thức.
Thứ ba, Đông Nam Á là ngã tư đường giao lưu quốc tế và nơi hội nhập Đông – Tây từ xa xưa, đã có nhiều kinh nghiệm trong tiếp biến văn hóa. Ngày nay sự giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, cả thế giới đang sống trong cộng sinh văn hóa. Một người có thể tiếp xúc và sống với nhiều nền văn hóa khác nhau với thái độ khoan dung. Điều đó thực sự đã tạo ra một chân trời mới rộng mở giúp cho người phụ nữ Đông Nam Á thoát khỏi cảnh “cá chậu chim lồng” quẩn quanh trong xó bếp. Họ sẽ thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và tự tạo cho mình một thế thích hợp (với những “hội chống đàn ông”, tôn thờ chủ nghĩa độc thân), cũng không quá mềm yếu kiểu “liễu yếu đào tơ” để trở thành một người phụ nữ hiện đại- đúng theo nghĩa chân chính của nó. Chính họ sẽ tạo nên sự cân bằng Đông – Tây trong sự hội nhập quốc tế.
Thứ tư, tư duy truyền thống là tư duy tổng hợp nguyên sơ, vì vậy cần đổi mới tư duy phức hợp hiện đại và đặt vấn đề giải phóng phụ nữ như là một chỉnh thể, không thể tách rời nhau, quan hệ mật thiết đến sự phát triển của xã hội. Do đó, lợi thế của người đi sau trong việc lựa chọn mô hình phát triển là điểm cốt tử liên quan đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Đông Nam Á đang trong quá trình lựa chọn và điều chỉnh mô hình phát triển của chính mình. Mô hình đó cần hội đủ bốn nhân tố: Nền kinh tế sinh thái hiện đại và đô thị hóa nông thôn; Nền công nghiệp hiện đại quy mô vừa và nhỏ; Nền văn hóa giáo dục hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc; Nền dân chủ công bằng xã hội dựa trên tái phân phối và tạo cơ hội như nhau cho các thành viên.
“Mãi mãi niềm tin theo Đảng”  (01/02/2007)
Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2007  (01/02/2007)
7 thách thức lớn và 3 trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam hiện nay  (01/02/2007)
200 triệu tấn hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam  (01/02/2007)
Cải cách hành chính ở nước ta hiện nay  (01/02/2007)
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2006  (01/02/2007)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay