Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình cơ cấu lại Agribank
TCCS - Xác định tái cơ cấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, trong những năm qua, Đảng ủy Agribank đã luôn tích cực lãnh đạo, chỉ đạo Agribank quyết liệt triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu hiệu quả và lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ, qua đó góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nền kinh tế thế giới.
Cơ cấu lại thành công - kinh doanh hiệu quả
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đúng đắn của Đảng ủy Agribank, nhất là đối với quá trình triển khai cơ cấu lại, Agribank từ một ngân hàng truyền thống đang dần thay đổi tích cực với hình ảnh ngân hàng thương mại hiện đại, an toàn và hiệu quả, luôn khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kinh doanh hiệu quả, liên tục tăng trưởng.
Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 1-3-2012, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 53/QĐ-NHNN, ngày 15-11-2013, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công cơ cấu lại giai đoạn 1 (2013 - 2015) với nhiều biến chuyển tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng, như tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xử lý nợ xấu; thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển dịch vụ... Tất cả đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ khách hàng tốt hơn. Thành công của kết quả cơ cấu lại giai đoạn 1 đã giúp Agribank có nền tảng thuận lợi và những kinh nghiệm thực tiễn để đẩy nhanh cơ cấu lại giai đoạn 2 cũng là thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa.
Năm 2020, năm cuối cùng thực hiện cơ cấu lại giai đoạn 2, đến nay, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại. Hoạt động kinh doanh của Agribank chuyển động tích cực, quy mô kinh doanh được mở rộng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản, như tổng tài sản, dư nợ tín dụng, tổng nguồn vốn, lợi nhuận, kinh doanh dịch vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, các tỷ lệ an toàn hoạt động bảo đảm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, xử lý nợ xấu đạt nhiều hiệu quả tích cực…. Triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, cuối năm 2019, Agribank đã hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC, vừa chủ động xử lý các khoản nợ xấu nhanh hơn, vừa tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo, được đánh giá là một trong số các ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất hệ thống tổ chức tín dụng.
Gắn với sứ mệnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngay từ những ngày đầu thành lập, Agribank luôn khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vốn tín dụng Agribank chiếm gần 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank phủ kín đến 100% số xã trên cả nước. Bên cạnh cung ứng tín dụng, Agribank phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối, trong đó với việc phát triển 68.000 tổ vay vốn và các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng… đã góp phần tích cực tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Trung bình hằng năm, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Gần đây nhất, giai đoạn 2016 - 2019, Agribank dành nguồn kinh phí gần 1.400 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nền kinh tế đất nước, Agribank hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả làm tròn nhiệm vụ của ngân hàng thương mại. Giai đoạn 2014 - 2019, Agribank đã nộp ngân sách nhà nước 14.300 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 nộp ngân sách nhà nước 6.300 tỷ đồng. Kể từ khi Tổng cục Thuế công bố danh sách xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, nhiều năm liên tiếp, Agribank đều có tên trong danh sách 20 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước. Agribank được xếp loại A theo tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, ngày 7-8-2017, về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng; Thông tư số 12/2018/TT-BTC, ngày 31-1-2018, của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn tại tổ chức tín dụng; với kết quả lợi nhuận, doanh thu vượt kế hoạch…
Không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó, kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vai trò rất quan trọng. Là ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhận thức rõ vấn đề này, Đảng bộ Agribank xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo Agribank thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đảng ủy Agribank luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, nghiêm túc quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên Agribank để khắc phục được những hạn chế, yếu kém, tồn tại, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị gắn với việc xác định tính tiên phong, vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, người lao động gắn với thực hiện nghiêm nội quy lao động, văn hóa doanh nghiệp; tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, Agribank đang quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức hướng đến cổ phần hóa thành công theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với mong muốn ngày càng phục vụ tốt hơn nền kinh tế, đặc biệt là sứ mệnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hoạt động với đặc thù mô hình tổ chức Đảng chưa toàn hệ thống, để không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng trong toàn hệ thống, lãnh đạo, chỉ đạo Agribank thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị, quá trình cơ cấu lại gắn với cổ phần hóa, qua đó góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, với sự đoàn kết, cùng chung ý chí, quyết tâm, cùng với việc triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy Agribank, Agribank sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, góp phần cùng doanh nghiệp nhà nước thực sự là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, là công cụ hỗ trợ để nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Đảng bộ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025  (17/06/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên